DNews

Chảo lửa Trung Đông sẽ làm gãy "xương sống" của kinh tế toàn cầu?

Phương Liên

(Dân trí) - Cuộc xung đột ngày càng leo thang giữa Israel và Iran giờ đây không còn chỉ là vấn đề căng thẳng trong khu vực mà còn có thể trở thành giọt nước tràn ly, tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

Chảo lửa Trung Đông sẽ làm gãy "xương sống" của kinh tế toàn cầu?

Biến số khó lường trên thị trường dầu mỏ

Trung Đông là khu vực tập trung của nhiều tài nguyên chiến lược, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì vậy, bất kỳ sự xáo trộn nào trong tình hình chính trị đều có khả năng gây ra những hệ lụy to lớn cho thị trường năng lượng, tài chính và thương mại của thế giới. Vậy cụ thể cuộc xung đột này có thể ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế và tài chính toàn cầu?

Đầu tháng 10, Iran đã phóng tổng cộng gần 500 tên lửa nhằm vào Israel trong cuộc tấn công. Trước đó, phía Israel ước tính con số này chỉ khoảng 180 tên lửa. Trang tin Axios trích lời quan chức Israel cho biết một trong các phương án đáp trả của nước này là tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Iran.

Bà Amrita Sen, đồng sáng lập Công ty Nghiên cứu năng lượng Energy Aspects, cho rằng việc này có thể gây ra cú sốc giá dầu cho thế giới.

Chảo lửa Trung Đông sẽ làm gãy xương sống của kinh tế toàn cầu? - 1

Iran phóng tên lửa tấn công Israel hôm 1/10 (Ảnh: The Aviationist).

Cùng quan điểm, bà Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, cho rằng cuộc chiến này đã bị đánh giá quá chủ quan. Bà cho biết các nhà giao dịch phần lớn đã không quan tâm nhiều đến nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Giờ đây, với tình hình leo thang, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.

Khu vực Trung Đông có vai trò quan trọng trong nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC, với sản lượng 3,2 triệu thùng/ngày, tương đương 3% toàn cầu. Năm nay, xuất khẩu của họ lên cao nhất nhiều năm, với 1,7 triệu thùng/ngày, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Khách mua chủ yếu là các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc.

Iran là thành viên của OPEC với sản lượng khoảng 3,2 triệu thùng/ngày, tương ứng với 3% sản lượng toàn cầu. Xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng trong năm nay lên mức cao nhất trong nhiều năm là 1,7 triệu thùng/ngày bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các nhà phân tích thị trường cho rằng, cuộc tấn công trước đó của Israel vào Lebanon có thể là ngòi nổ dẫn tới một cuộc chiến quy mô lớn ở khu vực này và ảnh hưởng nhiều tới tương lai của giá dầu.

Việc xung đột kéo dài có thể dẫn đến sự phong tỏa hoặc làm gián đoạn các hoạt động sản xuất dầu, đặc biệt là tại eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển chiến lược nơi 20% lượng dầu thô toàn cầu đi qua. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu eo biển này bị gián đoạn, giá dầu có thể tăng vọt lên mức 100 USD/thùng hoặc thậm chí là cao hơn nữa.

Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman. Khoảng 1/5 sản lượng dầu thô và sản phẩm hóa dầu của thế giới đi qua eo biển này, biến khu vực thành một trong những huyết mạch hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Lịch sử đã chứng minh cho những tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột tại Trung Đông đến thị trường năng lượng. Cụ thể, trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, giá dầu đã tăng hơn 400% chỉ trong vài tháng, đẩy các nước nhập khẩu dầu vào tình trạng suy thoái kinh tế.

Ở thời điểm hiện tại, khi xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra, một cuộc xung đột khác ở Trung Đông có thể càng khiến nguồn cung dầu bị gián đoán, và giá năng lượng toàn cầu từ đó cũng leo thang mạnh mẽ.

Theo ước tính của các chuyên gia, giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ 0,2% đến 0,3% mỗi năm. Giá dầu thô cũng đã bật tăng ngay sau thời điểm Iran tấn công Israel bằng tên lửa và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Kinh tế toàn cầu đối mặt với "cơn bão dữ"

Bên cạnh đó, xung đột giữa các quốc gia cũng sẽ gây ra các tác động lớn đến thị trường tài chính thế giới. Bất ổn địa chính trị thường khiến các nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu và trái phiếu, đẩy dòng vốn vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, USD... Thực tế, trong năm 2023, sau khi có những căng thẳng gia tăng tại Trung Đông, giá vàng đã tăng 4% chỉ trong một tuần, theo Bloomberg.

Điều tương tự đã từng xảy ra khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Lần này, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, phản ứng của thị trường sẽ phụ thuộc vào động thái tiếp theo của các nước Trung Đông.

Trong kịch bản xảy ra xung đột nghiêm trọng, sự biến động trên các sàn giao dịch chứng khoán là điều khó tránh khỏi. Các thị trường mới nổi hoặc các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu như Trung Đông, Nga hay thậm chí là các nước thuộc OPEC sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Chảo lửa Trung Đông sẽ làm gãy xương sống của kinh tế toàn cầu? - 2

Các chuyên gia cho rằng nguồn cung dầu từ Iran có thể bị gián đoạn (Ảnh: Market Watch).

Các chỉ số chứng khoán chủ lực như S&P 500 của Mỹ hay Nikkei 225 của Nhật Bản cũng có thể chịu áp lực giảm điểm nếu tình hình căng thẳng kéo dài.

Giá dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến ngành năng lượng mà còn có tác động dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Chi phí năng lượng tăng sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Các ngành công nghiệp phụ thuộc vào dầu mỏ như vận tải, sản xuất và nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng cao.

Ngoài ra, sự bất ổn tại Trung Đông có thể làm giảm lòng tin của nhà đầu tư, gây ra sự biến động trên thị trường tài chính. Các quốc gia nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với những thách thức về cân bằng thương mại và ổn định kinh tế.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Không chỉ có dầu mỏ, khu vực Trung Đông còn là nơi sản xuất và xuất khẩu nhiều nguyên liệu quan trọng khác, từ khí tự nhiên đến các kim loại quý hiếm. Xung đột có thể dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá cả hàng hóa và chi phí sản xuất tăng vọt.

Điều này càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời chịu áp lực từ xung đột Nga-Ukraine.

Bên cạnh đó, giá dầu và khí đốt tăng cao có thể đẩy lạm phát tăng mạnh trở lại, vì năng lượng là yếu tố đầu vào chính cho nhiều ngành công nghiệp.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu giá dầu tăng lên mức 120 USD/thùng, lạm phát toàn cầu có thể tăng thêm từ 1% đến 2% hàng năm. Các quốc gia nhập khẩu năng lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, và các nước châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

IMF cũng cảnh báo xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông có thể gây ra những hệ quả kinh tế đáng kể đối với cả khu vực và toàn cầu.

Bà Julie Kozack, người phát ngôn IMF, nhấn mạnh rằng nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro và bất ổn. Điều này có nguy cơ gây ra những tác động kinh tế lớn cho khu vực và xa hơn nữa.

Chảo lửa Trung Đông sẽ làm gãy xương sống của kinh tế toàn cầu? - 3

Xung đột Iran - Israel có thể tác động đáng kể đến kinh tế toàn cầu (Ảnh: Market Watch).

Theo ước tính của IMF, GDP của dải Gaza đã giảm 86% trong nửa đầu năm nay và nguy cơ suy thoái tiếp tục gia tăng. GDP của Israel cũng giảm khoảng 20% trong quý IV năm ngoái sau khi xung đột bùng phát và chỉ mới phục hồi một chút trong nửa đầu năm nay.

Trong khi đó, các nước xuất khẩu dầu có thể tạm thời được hưởng lợi từ giá dầu cao, nhưng điều này cũng không thể bù đắp được những tổn thất dài hạn trong trường hợp cuộc xung đột bị kéo dài.

Cuộc xung đột cũng có thể khiến niềm tin của các nhà đầu tư vào khu vực bị ảnh hưởng. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia có thể sẽ xem xét lại kế hoạch đầu tư vào Trung Đông hoặc tạm dừng các dự án đang triển khai trong khu vực.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Đông đã giảm 16% trong năm 2020 sau các động thái khiến xung đột leo thang tại đây.

Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu cũng sẽ bị tác động nặng nề. Những nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với khu vực Trung Đông như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay một số nước châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với những gián đoạn trong nguồn cung nguyên liệu và hàng hóa.

Ngoài ra, căng thẳng này có thể khiến giá cước vận tải biển tăng mạnh hơn nữa, làm tăng chi phí logistics trên toàn cầu.

Trong trường hợp giá năng lượng tăng mạnh và kéo dài, các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển, có thể sẽ buộc phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ làm tăng chi phí vay vốn và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nếu các cú sốc địa chính trị lớn tiếp tục xảy ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay có thể giảm xuống dưới 2%, so với mức dự báo tăng trưởng 2,7% trước đó.