Giá xăng dầu diễn biến lạ khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Rủi ro địa chính trị được giới phân tích đánh giá là động lực chính hỗ trợ đà tăng của giá dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu thế giới hôm nay bất ngờ đi ngược với dự báo.

Tình hình căng thẳng chính trị leo thang ở Trung Đông khi Iran tuyên bố sẽ tấn công vào Israel nhằm đáp trả vụ ám sát một thủ lĩnh Hamas ở Tehran. Thị trường lo ngại rằng tuyên bố này có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông.

Tuy nhiên, thị trường xăng dầu thế giới không tăng mà diễn biến "lạ" khi xoay chiều giảm trong phiên giao dịch hôm nay.

Cụ thể, giá dầu thô WTI trên thế giới trong phiên giao dịch có lúc giảm còn 72,3 USD/thùng, giá dầu Brent là 76 USD/thùng, giảm nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua.

Giá xăng dầu diễn biến lạ khi căng thẳng tại Trung Đông leo thang - 1

Giá dầu bất ngờ giảm trong phiên giao dịch hôm nay (Ảnh chụp màn hình).

Căng thẳng chính trị ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, điều này dấy lên lo ngại giá xăng dầu thế giới sẽ có nhiều biến động do nguồn cung bị ảnh hưởng và là động lực thúc đẩy giá dầu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng về lâu dài giá dầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi mối lo suy thoái kinh tế.  "Nếu mối lo về Trung Đông qua đi nhanh chóng, giá dầu có thể lại rơi vào một vòng xoáy giảm giá", ông John Kilduff, nhà sáng lập của công ty tư vấn đầu tư Again Capital LLC, nhận định với hãng tin Reuters.

Ngoài vấn đề kinh tế Mỹ, giá dầu gần đây còn đương đầu với mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần đây có nhiều biểu hiện đáng lo ngại do tiêu dùng còn yếu, nhưng Chính phủ Trung Quốc không đưa ra biện pháp kích cầu mạnh mẽ nào.

Về dài hạn, bà Priyanka Sachdeva, chuyên gia phân tích của công ty tài chính Phillip Nova, cho biết các nhà đầu tư không tin tưởng vào nhu cầu của Trung Quốc và lo ngại này sẽ hạn chế mức tăng của giá dầu.

Sau cuộc họp mới đây OPEC+ đã giữ nguyên chính sách sản lượng dầu. Theo đó, như đã thống nhất hồi tháng 6, OPEC+ muốn một số thành viên phải hạ dần mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày. Tổ chức này cũng đồng ý gia hạn các mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày trước đó đến cuối năm 2025.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo rằng, lượng hàng tồn kho toàn cầu giảm khoảng 400.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm nay. Dự kiến, lượng tồn kho toàn cầu giảm đến 800.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm. EIA dự kiến giá dầu sẽ đạt 85-90 USD/thùng vào cuối năm.

Theo Reuters, Oil price