DNews

Biển Đỏ dậy sóng, kinh tế toàn cầu lao đao

Phương Liên

(Dân trí) - Căng thẳng trên Biển Đỏ đã khiến kênh đào Suez chịu ảnh hưởng nặng nề. Điều này khiến hoạt động vận tải hàng hải tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới bị tê liệt.

Biển Đỏ dậy sóng, kinh tế toàn cầu lao đao

Biển Đỏ - tuyến vận tải quan trọng

Hoạt động vận tải biển trên thế giới đang ngày càng "nóng" do căng thẳng leo thang ở khu vực Biển Đỏ, sau khi lực lượng Houthi tấn công tàu thương mại. 

Các tàu chở hàng buộc phải tránh kênh đào Suez và đi vòng qua Mũi Hảo Vọng khiến thời gian di chuyển thêm 8-21 ngày đối với các tuyến tàu nối giữa châu Á, Trung Đông tới châu Âu. Điều này kéo theo chi phí vận chuyển cũng tăng theo.

Phong trào Houthi ở Yemen tuyên bố sẽ không dừng các cuộc tấn công vào tàu thuyền trên Biển Đỏ bất chấp việc Mỹ thông báo lập liên minh hàng hải nhằm đảm bảo an ninh cho tuyến giao thông huyết mạch này. Hàng loạt hãng vận tải biển lớn đã tạm dừng lịch trình qua Biển Đỏ. 

Biển Đỏ dậy sóng, kinh tế toàn cầu lao đao - 1

Kênh đào Suez của Ai Cập nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ (Ảnh: SL).

Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này. Tuyến đường huyết mạch vận chuyển khoảng 1.000 tỷ USD giá trị hàng hóa toàn cầu.

Thị trường dầu cũng đang theo dõi sát các diễn biến tại khu vực. Mỗi năm có hơn 17.000 tàu chở dầu và khoảng 12% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua vùng biển này.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu vận chuyển qua biển Đỏ chiếm khoảng 12% tổng lượng dầu giao dịch bằng đường biển toàn cầu trong nửa đầu năm 2023. Các công ty dầu mỏ hàng đầu gồm BP và Frontline đều thông báo sẽ tránh di chuyển qua tuyến đường biển này.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết với giả thuyết toàn bộ các tàu chở tổng cộng 7 triệu thùng dầu/ngày đi qua tuyến đường biển này chuyển hướng sẽ khiến giá dầu thô giao ngay tăng thêm khoảng 4 USD/thùng.

Chi phí vận tải tăng vọt

Loạt "ông lớn" vận tải đường biển trên thế giới như Hapag Lloyd, MSC và Maersk... đã đồng loạt tạm dừng việc khai thác tuyến vận tải này. Sự gián đoạn được dự báo có thể khiến chi phí vận chuyển đường biển gia tăng mạnh trong thời gian tới.

Những tuần gần đây, cước phí vận tải biển đã tăng mạnh, lên đến 10.000 USD cho một container. Các doanh nghiệp châu Âu được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường đi qua Biển Đỏ.

Biển Đỏ dậy sóng, kinh tế toàn cầu lao đao - 2

Chi phí vận tải bất ngờ tăng mạnh trong những tháng gần đây (Ảnh: Macro Micro).

Các dữ liệu mới nhất cho thấy, đã có hàng trăm tàu container đã quyết định thay đổi lộ trình di chuyển, đi vòng xuống cực Nam châu Phi thay vì qua Biển Đỏ. Từ đây họ sẽ phải qua eo biển Gibraltar vào Địa Trung Hải sau đó tới các cảng của châu Âu.

Điều này có thể khiến quãng đường vận tải kéo dài thêm và thời gian giao hàng kéo dài 3-4 tuần, từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đánh giá rằng giá cước vận chuyển container đã tăng lên mức cao nhất vào năm 2023. Dù mức giá này là thấp so với khủng hoảng chuỗi cung ứng hồi đại dịch Covid-19 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước đó.

Theo Daily Mail, giá vận chuyển container toàn cầu đã tăng hơn 300% trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 đến tháng 1 năm nay. Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cũng thông báo doanh thu của kênh đào này trong 2 tuần đầu tháng 1 năm nay giảm 40% so với cùng kỳ năm 2023, khối lượng vận chuyển giảm 41%.

Thương mại quốc tế bị gián đoạn

Trên thực tế, ngày càng nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu trên Biển Đỏ trong khi các tàu khác tắt các hệ thống định vị, các nhà buôn phải điều chỉnh lịch trình và chi phí vận chuyển.

Sự gián đoạn của một trong những tuyến vận tải huyết mạch Đông - Tây của thế giới càng làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng, thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gián đoạn khi chỉ vừa chớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tổng giám đốc Viện xuất khẩu và thương mại quốc tế, cho rằng căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ sẽ tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động đến lạm phát và mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Biển Đỏ dậy sóng, kinh tế toàn cầu lao đao - 3

Một tàu chở container đi qua kênh đào Suez (Ảnh: Reuters).

Theo giới phân tích, mức độ tác động cũng sẽ tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu.

"Mùa mua sắm cuối năm vừa qua vẫn an toàn, bởi hàng hóa phục vụ lễ Giáng sinh và năm mới hiện đã kịp đến các cảng ở châu Âu, và không còn bị tác động bởi gián đoạn ở Biển Đỏ. Dù vậy ngay sau dịp lễ, các nút thắt cổ chai sẽ xuất hiện trở lại và gây khó khăn cho các cửa hàng cũng như người tiêu dùng", ông Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng ING, nhìn nhận.

Ông John Llewellyn, cựu kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nói rằng tình hình này đã leo thang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Vị chuyên gia cảnh báo, xác suất xảy ra gián đoạn nghiêm trọng đối với thương mại thế giới là 30%, tăng so với 10% một tuần trước.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Carolina Klint, chuyên gia tại hãng tư vấn Marsh McLennan, cho rằng công ty phải chuyển hàng hóa trên khắp thế giới, tình hình hiện tại rất khó khăn vì cả kênh đào Panama và Suez đều không đi được.

Giới phân tích cho rằng tình trạng khó khăn hiện tại sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa. Kể cả nếu các cuộc tấn công dừng lại ngay hôm nay, cho phép phần lớn tàu thuyền di chuyển qua Biển Đỏ, các tác động ban đầu vẫn sẽ tồn tại.

Hãng xe điện Tesla gần như dừng sản xuất tại nhà máy ở Đức, do các vụ tấn công khiến nguồn cung phụ tùng của họ bị gián đoạn. Volvo Car cũng phải dừng sản xuất 3 ngày tại nhà máy ở Bỉ, để chờ nguồn cung.

Các hãng bán lẻ, như Ikea (Thụy Điển), Next (Anh), đã phát cảnh báo việc giao hàng chậm trễ, thiếu hàng và chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng. Hãng giày dép Crocs nói rằng hàng hóa của họ vận chuyển sang châu Âu có thể mất thêm 2 tuần. Crocs cho biết hiện sự việc chưa có tác động lên việc kinh doanh của họ, nhưng vẫn sẽ theo dõi sát sao.

Một số đã bắt đầu nghĩ đến phương án dự phòng. Thương hiệu cao cấp Abercrombie & Fitch thậm chí lên kế hoạch vận chuyển bằng đường hàng không để tránh bị chậm trễ.

Nhiều hãng vận tải container lớn nhất thế giới đã gần như hoàn toàn dừng đi qua Biển Đỏ. Các tàu buộc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến hành trình kéo dài thêm vài tuần.

Chia sẻ với Financial Times, ông Vincent Clerc, CEO Maersk, cho biết việc thiết lập lại an ninh tại Biển Đỏ có thể mất nhiều tháng. "Điều này có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng với tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông nhấn mạnh.

Kinh tế toàn cầu lao đao

Các tàu container vì thế phải tránh đi qua kênh đào Suez, tuyến đường thủy nối châu Á với châu Âu và Mỹ. Điều này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, kéo giá sản phẩm lên cao đúng thời điểm cả thế giới đang trong cuộc chiến chống lạm phát.

Kênh đào Suez hiện đóng góp 10-15% thương mại toàn cầu và khoảng 30% khối lượng vận tải biển bằng container của cả thế giới. Khi căng thẳng leo thang, giới phân tích nhận định kinh tế toàn cầu ít nhiều cũng sẽ chịu ảnh hưởng. 

Ngân hàng Thế giới cảnh báo việc gián đoạn với các chuỗi vận tải hàng hóa chủ chốt đang đánh mạnh vào điểm yếu trong chuỗi cung ứng và tăng rủi ro lạm phát.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) ước tính các vụ tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ khiến thương mại toàn cầu giảm 1,3% trong tháng 12. Chi phí vận tải tăng cũng khiến giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng.

"Việc gián đoạn càng kéo dài, hiệu ứng tăng trưởng chậm kèm suy thoái sẽ tác động mạnh lên kinh tế toàn cầu", Mohamed El Erian, kinh tế trưởng tại tổ chức tài chính Allianz, chia sẻ trên X.

Biển Đỏ dậy sóng, kinh tế toàn cầu lao đao - 4

Các tàu vận chuyển hàng qua kênh đào Suez (Ảnh: LI).

Nếu xung đột Israel - Hamas leo thang thành căng thẳng khu vực, hoặc lực lượng Houthi chuyển hướng tấn công sang các tàu dầu và tàu chở nguyên liệu thiết yếu như ngũ cốc, quặng sắt, gỗ, hậu quả với kinh tế toàn cầu sẽ càng nghiêm trọng.

"Nếu căng thẳng leo thang, nguồn cung năng lượng có thể bị gián đoạn nghiêm trọng, kéo giá lên cao. Việc này có thể gây hiệu ứng lan tỏa sang giá các hàng hóa khác", trích báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Capital Economics cho rằng rủi ro với giá năng lượng là lớn nhất. Dù các gián đoạn vận tải hiện tại chưa thể đảo ngược xu hướng lạm phát hạ nhiệt trên toàn cầu, căng thẳng quân sự leo thang vẫn sẽ kéo giá năng lượng lên cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Công ty phân tích kinh tế Oxford Economics cũng dự báo lạm phát chung tiếp tục hạ nhiệt. Tuy nhiên, rủi ro tăng giá vẫn còn. Giá vận chuyển bằng container hiện cao hơn rất nhiều so với năm 2023. Nếu việc này kéo dài, lạm phát toàn cầu có thể tăng 0,6%.

Cũng theo Ngân hàng ING, nếu khủng hoảng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, người tiêu dùng sẽ không nhận thấy điều gì, ngoại trừ giá năng lượng tăng cao. Nó sẽ chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài lâu hơn, lạm phát tăng trở lại.

Chuyên gia William Bain của phòng Thương mại Anh cho biết, khoảng 500.000 container đã đi qua kênh Suez trong tháng 11/2023, song con số này đã giảm 60% xuống còn 200.000 trong tháng 12/2023.

Cho tới nay, nhiều hãng vận tải lớn buộc phải cho tàu đi vòng quanh mũi Hảo Vọng, phía Nam châu Phi, khiến cho hành trình kéo dài thêm khoảng 9 ngày và tăng chi phí ít nhất là 15%.

Các nhà kinh tế ngày càng lo ngại rằng nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới có thể phải hứng chịu suy thoái trong năm nay. Họ lo ngại rằng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ chỉ giảm lãi suất ở mức khiêm tốn, làm tăng thêm chi phí sinh hoạt mà hàng triệu hộ gia đình đang phải đối mặt.