1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bất chấp sự cố tắc nghẽn, kênh đào Suez vẫn đạt doanh thu kỷ lục

(Dân trí) - Bất chấp sự cố gây tắc nghẽn hồi tháng 3, kênh đào Suez - tuyến vận chuyển đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới - vẫn ghi nhận doanh thu kỷ lục trong năm tài chính vừa qua.

Bất chấp sự cố tắc nghẽn, kênh đào Suez vẫn đạt doanh thu kỷ lục - 1

Bất chấp sự cố tắc nghẽn, doanh thu của kênh đào Suez vẫn đạt mức kỷ lục (Ảnh: Reuters).

Cơ quan quản lý kênh đào Suez vừa cho biết, doanh thu của kênh đào Suez đã tăng lên mức kỷ lục 5,84 tỷ USD trong năm tài chính 2020-2021 (tính từ tháng 7/2020 đến tháng 6 năm nay), cao hơn hẳn so với mức 5,72 tỷ USD trong năm trước.

Cũng theo cơ quan này, doanh thu của tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên khoảng 3 tỷ USD so với mức 2,76 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, bất chấp sự cố tắc nghẽn do con tàu container khổng lồ Ever Given mắc kẹt hồi tháng 3 vừa qua.

Con tàu dài 400 mét, chở khoảng 18.300 container đã bị mắc kẹt vào mạn phía nam của kênh đào Suez ngày 23/3 do gió lớn, gây tắc nghẽn trầm trọng tại tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới này trong 6 ngày, làm gián đoạn thương mại thế giới.

Hôm 7/7, sau 106 ngày xảy ra sự cố, con tàu đã được phép rời khỏi kênh đào khi nhà chức trách Ai Cập đạt được thỏa thuận bồi thường với chủ tàu và các hãng bảo hiểm.

Theo đó, Ai Cập đã yêu cầu chủ tàu Nhật Bản Shoei Kisen và các công ty bảo hiểm của tàu Even Given bồi thường hơn 900 triệu USD cho hoạt động trục vớt và các thiệt hại khác. Tuy nhiên, sau đó, Ai Cập đã đồng ý giảm mức bồi thường xuống còn 550 triệu USD.

Theo cơ quan quản lý kênh đào Suez, đã có 9.763 tàu lưu thông qua tuyến đường thủy này trong nửa đầu năm nay so với mức 9.546 tàu cùng kỳ năm ngoái.

Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển trên thế giới đi qua kênh đào Suez - tuyến vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Đây cũng là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho Ai Cập.