DMagazine

Ai sẽ trả tiền để Ukraine tái thiết hậu chiến?

(Dân trí) - Quá trình tái thiết hậu chiến của Ukraine xoay quanh việc giảm tham nhũng và tạo dựng mối quan hệ thân thiết với Liên minh châu Âu (EU).

Ai sẽ trả tiền để Ukraine tái thiết hậu chiến?

Những gì còn sót lại của trường nhạc ở Borodyanka, Ukraine hiện chỉ còn vài đống kim loại bị bẻ cong. Cơ sở này đã bị phá hủy hoàn toàn trong các cuộc giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine. Các công nhân địa phương đã dọn dẹp các đống đổ nát kể từ sau khi chiến sự tại đây kết thúc hồi cuối tháng 3. Borodyanka chịu thiệt hại nặng nhất trong số các thị trấn ở tây bắc thủ đô Kiev

Ngoài trường nhạc nêu trên, các tòa nhà gần đó như bưu điện, cơ quan hành chính, đồn cảnh sát, trung tâm văn hóa cũng chung số phận. Trong một lớp học được sử dụng làm văn phòng tạm thời, Phó Thị trưởng Georgy Yerko liệt kê có 397 tòa nhà bị phá hủy, 888 tòa nhà bị hư hại, 17.000 m2 cửa sổ bị vỡ. Khi được hỏi có thể ước tính con số thiệt hại, ông lắc đầu.

Thiệt hại ở Borodyanka, thị trấn trước chiến tranh có khoảng 13.000 dân, chỉ là một phần nhỏ trong xung đột Nga - Ukraine kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt sang quốc gia láng giềng hôm 24/2. Tại Mariupol, thành phố cảng đông nam Ukraine bị các lực lượng Nga vây ép trong thời gian dài, thiệt hại còn lớn hơn.

Ai sẽ trả tiền để Ukraine tái thiết hậu chiến? - 1

Borodyanka chịu thiệt hại nặng nhất trong số các thị trấn ở tây bắc thủ đô Kiev, Ukraine (Ảnh: FT).

Trong bối cảnh giao tranh chưa kết thúc, các chính phủ phương Tây ủng hộ Ukraine đang bắt đầu tính toán tổn thất và lên con số cần thiết cho nỗ lực tái thiết có thể là chưa từng thấy kể từ Thế Chiến II.

Nỗ lực này, nhà chức trách cảnh báo, sẽ rất phức tạp và tốn kém, lên tới hàng trăm tỷ euro và vượt xa việc xây cầu, sửa nhà. Nỗ lực sẽ còn bao gồm tái cấu trúc toàn bộ lĩnh vực tư nhân Ukraine và cải cách nền kinh tế nguy cơ suy giảm 45% năm nay.

Số phận nỗ lực tái thiết hậu chiến sẽ xoay quanh một số câu hỏi hiện hữu - càng trở nên cấp thiết khi xung đột xảy ra - của Ukraine rằng chính phủ nước này có giải quyết được tình trạng tham nhũng và có thể thiết lập mối quan hệ thân thiết với EU, thậm chí là gia nhập liên minh này, hay không.

Giới chức EU đang chia rẽ về mức độ họ có thể hay có nên lên kế hoạch tái thiết cho Ukraine hay không khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chưa kết thúc. Nhưng họ hiểu rõ một điều rằng nếu quy trình tái thiết đi sai hướng, đó sẽ là thảm họa cho cả Ukraine và an ninh châu Âu nói chung.

"Cộng đồng quốc tế và các lĩnh vực tư nhân rất sẵn lòng đầu tư vào quá trình tái thiết Ukraine nhưng sự hậu thuẫn này kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào cách sử dụng nguồn vốn đó", Beata Javorcik, kinh tế gia trưởng tại Ngân hàng châu Âu vì Tái thiết và Phát triển (EBRD) - một trong những tổ chức sẽ tham gia nhiều vào kế hoạch trên - cảnh báo.

"Khía cạnh nhiều thách thức nhất là tái thiết khuôn khổ thể chế: Ukraine không phải mô hình môi trường kinh doanh kiểu mẫu hay khuôn khổ thể chế chất lượng cao trước chiến tranh".

Trong bài phát biểu hồi đầu tháng 5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói mục tiêu trong dự án phục hồi của EU dành cho Ukraine sẽ bao gồm đối phó nạn tham nhũng và gắn Ukraine với những tiêu chuẩn pháp lý châu Âu.

"Điều này sẽ mang đến sự ổn định và chắc chắn cần thiết để biến Ukraine thành một điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cuối cùng, mở đường cho tương lai của Ukraine trong EU", bà von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu. 

Nỗ lực tái thiết

Đàm phán tái thiết Ukraine có thể còn quá sớm do chiến sự vẫn còn nổ ra ở nhiều khu vực. Trên thực tế, ưu tiên hàng đầu với các đối tác của Ukraine hiện tại là viện trợ vũ khí, nhân đạo và tài chính để lấp vào một khoảng trống ước tính 5 tỷ USD/tháng.

Mọi nỗ lực tái thiết kinh tế, hạ tầng Ukraine sẽ chỉ có thể trong môi trường "ổn định rõ ràng", Scott Morris, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Washington, Mỹ, nhận định.

Ai sẽ trả tiền để Ukraine tái thiết hậu chiến? - 2

Công nhân sửa chữa hệ thống điện tại Borodyanka (Ảnh: Getty).

Nhưng tình hình này không thể ngăn cản chính phủ Ukraine bắt đầu tái thiết tại những khu vực đã kết thúc chiến sự. Đó là cuộc đua khôi phục những dịch vụ thiết yếu, xây dựng lại nhà cửa, khôi phục năng suất lao động.

Các kinh tế gia Ukraine cũng bắt đầu tính toán thiệt hại, đang ngày càng tăng do chiến tranh, để lên kịch bản hỗ trợ trung và dài hạn.

Natalia Shapoval và các kinh tế gia tại Học viện Kinh tế Kiev (KSE) bắt đầu liệt kê thiệt hại từ ngày thứ hai Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. Họ bắt đầu bằng một website tự ghi nhận và sau đó xây cơ sở dữ liệu thiệt hại cơ sở hạ tầng của Ukraine, phối hợp với chính phủ để tích hợp thêm số liệu từ các nguồn chính thống khác.

Ước tính gần nhất của KSE về thiệt hại liên quan cơ sở hạ tầng đạt 92 tỷ USD. Tổng thiệt hại bao gồm về tăng trưởng, đầu tư, tiềm năng kinh tế hiện khoảng 500 - 600 tỷ USD.

Bắt đầu tái thiết lúc này là điều quan trọng, Shapoval nói, để đảm bảo các thành phần của kinh tế Ukraine hoạt động, nếu không, gánh nặng tài chính dài hạn đè lên các quốc gia hỗ trợ sẽ còn lớn hơn nữa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có quan điểm tương tự. Ông tự vạch ra cách tiếp cận về tái thiết trong bài phát biểu tại một hội thảo ở Warsaw, Ba Lan, tuần trước.

Nguồn vốn cần quy mô rất lớn, ông nói, "một phương pháp hiện đại tương tự như Kế hoạch Marshall" bao gồm "công nghệ, chuyên gia và cơ hội phát triển". Ông kêu gọi các quốc gia riêng lẻ hành động như những bên bảo trợ cho từng thành phố hoặc khu vực của Ukraine, giúp họ tái thiết.

Ông Zelensky bổ sung rằng việc tái thiết nên diễn ra đồng thời với việc đẩy nhanh tư cách thành viên EU. "Trạng thái ứng viên nên được cấp ngay bây giờ - trong điều kiện chiến tranh - như là một phần của quy trình đặc biệt làm thành viên EU", ông nói.

Vế sau đã chạm đến một trong những khía cạnh chính trị nhạy cảm nhất của quy trình.

Chủ đề tư cách thành viên cho Ukraine gây tranh cãi lớn trong EU với nhiều quốc gia thành viên cho rằng điều này không chỉ viển vông mà còn gây chia rẽ bởi thông điệp sẽ gửi đến những ứng viên khác đã trong "phòng chờ" từ lâu.

Brussels cũng hiểu rằng dù gia nhập hay không, châu Âu cũng là bên phải chịu phần lớn chi phí cho nỗ lực tái thiết Ukraine bởi quốc gia này nằm ngay cửa ngõ của khối. Các quan chức EU và nơi khác nhận thấy lợi thế trong việc kết hợp nỗ lực tái thiết với các cải cách chuyên sâu và giám sát để Ukraine đạt yêu cầu là quốc gia ứng viên EU.

Lời hứa Ukraine sẽ trở thành thành viên EU sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài, củng cố hơn nữa khả năng tái thiết thành công Ukraine hậu chiến.

Ai sẽ trả tiền để Ukraine tái thiết hậu chiến? - 3

Tỷ lệ hạ tầng bị phá hủy hoặc hư tại tại các khu vực ở Ukraine do chiến tranh tính đến ngày 26/4 (Đơn vị:%, Biểu đồ: FT).

Ông Arup Banerji - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Ukraine - cho rằng việc Ukraine hướng đến "tư cách ứng viên và cuối cùng là gia nhập" giúp nước này có vị thế mạnh hơn so với những khu vực hậu chiến khác bởi EU có thể đóng vai trò là "mỏ neo và hình mẫu" cho nước này.

Một trong những nền tảng của những cải cách đó chính là giải quyết nạn tham nhũng, trấn an các nhà quyên góp và cho vay rằng tiền mặt sẽ không bị thất thoát và tạo ra nền tảng ổn định hơn cho Ukraine về dài hạn.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko nói ưu tiên ngay lúc này là sửa chữa cầu đường, cửa sổ và khôi phục nguồn điện, nước cho các thành phố bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Marchenko, giờ cũng là lúc để suy nghĩ về các lựa chọn kinh tế cho Ukraine và loại hình cải cách tương ứng để củng cố chúng, đặc biệt là đảm bảo chống tham nhũng, thượng tôn pháp luật.

"Câu hỏi lúc này không chỉ là về tiền. Đó còn là câu hỏi về các nguyên tắc. Ukraine cần làm gì để thu hút FDI?", ông bổ sung.

Vấn đề là Ukraine trong quá khứ từng không thể thực hiện các cam kết khi nhận hỗ trợ tài chính quốc tế, giáo sư kinh tế Yuriy Gorodnichenko tại Đại học California cảnh báo.

Một báo cáo của Hội đồng Kiểm toán châu Âu hồi tháng 9 cho thấy bất chấp nhiều nỗ lực từ EU nhằm cải thiện thượng tôn pháp luật, "tham nhũng và kiểm soát nhà nước vẫn là vấn đề đặc hữu ở Ukraine, ngoài cản trở năng lực cạnh tranh và tăng trưởng, chúng còn ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ".

"Tôi hy vọng lần này sẽ khác", ông Gorodnichenko, người Ukraine, nói và cho biết thêm: "Nhưng thực tế các thể chế của chúng tôi khá yếu kém. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần một mỏ neo bên ngoài" như khả năng được gia nhập EU.

Kế hoạch Marshall mới

Cảm hứng tại Brussels về nỗ lực tái thiết Ukraine trong tương lai là từ Kế hoạch Marshall thời hậu Thế Chiến II - có lẽ là từ những tác động tích cực của kế hoạch này. Tuy nhiên, giới chức EU cũng cho biết còn có những tiền lệ khác kém hiệu quả hơn, phản ánh những rủi ro tiềm ẩn.

Khoảng 220 tỷ USD được chi cho nỗ lực tái thiết Iraq giai đoạn 2003 - 2014 sau khi Mỹ mở chiến dịch quân sự và lật đổ chế độ của ông Saddam Hussein. Phần đóng góp lớn nhất là từ chính phủ Iraq, tiếp đó là Mỹ với 60 tỷ USD, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, báo cáo năm 2019 từ WB cho thấy, dựa trên phỏng vấn với các cơ quan chính quyền, "tác động từ nỗ lực tái thiết vẫn gây thất vọng nếu xét đến các nguồn lực được cam kết" và bị xói mòn bởi tham nhũng diện rộng.

Ông Banerji nói có một số lý do để lạc quan về triển vọng hậu chiến của Ukraine hơn Iraq, trong đó có chính phủ Ukraine "vẫn hoạt động tốt" bất chấp các điều kiện thời chiến. Ukraine cũng có một chính phủ mà ông Banerji mô tả là quyết tâm dẫn dắt và "nắm giữ" quy trình tái thiết cuối cùng.

Các chính trị gia Ukraine nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nỗ lực tái thiết không bị sai khiến từ bên ngoài. Ông Dmytro Natalukha, nghị sĩ Ukraine lãnh đạo ủy ban phát triển kinh tế, nói mô hình tái thiết không nên "được tài trợ" mà là "đối tác phù hợp". "Chúng tôi không muốn trở thành một hố đen hút tài chính và vốn. Chúng tôi không phải một quốc gia muốn trở thành kẻ ăn mày thế giới", ông nói.

Ai sẽ đền bù, hỗ trợ?

"Treo lơ lửng" phía trên cuộc tranh luận về chiến lược tốt nhất để tái thiết Ukraine là câu hỏi cơ bản hơn: Nguồn vốn phục vụ chiến lược sẽ đến từ đâu?

Các quan chức cho rằng các bên cho vay đa phương như WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EBRD sẽ tham gia sâu vào nỗ lực tái thiết Ukraine. Nhưng nguồn lực của họ cho đến nay đang phải phân bổ trên khắp thế giới.

Mỹ đang là bên nổi bật nhất với những cam kết hỗ trợ đưa ra. Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 4 đề nghị quốc hội thông qua khoản hỗ trợ kinh tế 8,5 tỷ USD cho Ukraine - nằm trong gói hỗ trợ 33 tỷ USD. Tháng 3, Quốc hội Mỹ đã thông qua một khoản hỗ trợ 14 tỷ USD cho Ukraine.

Ai sẽ trả tiền để Ukraine tái thiết hậu chiến? - 4

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bắt tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt tay trong cuộc gặp tại thủ đô Kiev, Ukraine, tháng 4 (Ảnh: Reuters).

Các quan chức ở Brussels đang thảo luận phương án huy động nguồn lực vượt qua những con số trên. Ý tưởng được đưa ra là phát hành trái phiếu trong EU để tài trợ cho nỗ lực tái thiết Ukraine, có thể là mô hình huy động tương tự như nỗ lực tái thiết EU hậu Covid-19. Bà von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu rằng cần một "gói phục hồi tham vọng" để tạo ra những khoản đầu tư và cải cách lớn.

Điều này sẽ cần một hệ thống các cột mốc và mục tiêu để đảm bảo tiền được bàn giao, bà nói, nhắc lại cách tiếp cận sử dụng 800 tỷ euro trong chương trình vay NextGenerationEU - được tạo ra để tái thiết hậu Covid-19.

Đi cùng với đó là câu hỏi liệu Ukraine có cần tái cấu trúc các khoản nợ nước ngoài của họ, hướng đến cải tổ nền kinh tế, hay không. Ông Marchenko nhấn mạnh duy trì trả nợ là một ưu tiên bởi chính phủ Ukraine muốn duy trì khả năng tiếp cận thị trường vốn bản địa và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích coi việc tái cấu trúc nợ của Ukraine là một câu hỏi về "khi nào" hơn là "nếu".

EU và các đồng minh còn chủ động xem xét làm thế nào để buộc Nga đóng góp phần nào bù đắp thiệt hại do chiến dịch quân sự của nước này gây ra. EU và Mỹ hiện cân nhắc phong tỏa tài sản liên quan Nga.

Ví dụ, Washington và Brussels đang tìm cách tịch thu và bán tài sản của các nhà tài phiệt Nga - đối tượng đang chịu các lệnh trừng phạt - bất chấp các trở ngại pháp lý và giá trị thu về không đáng kể so với nhu cầu tái thiết.

Một lựa chọn khác là các khoản dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga đang bị đóng băng sau khi cuộc chiến bắt đầu. Lựa chọn này mang về số tiền lớn hơn, có thể lên tới hàng trăm tỷ euro.

Trong số những người ủng hộ hướng đi này có ông Josep Borrell, quan chức ngoại giao hàng đầu EU. "Tôi sẽ rất ủng hộ vì nó hoàn toàn hợp lý", Borrell nói với Financial Times và cho rằng: "Đây là một trong những câu hỏi chính trị quan trọng nhất hiện tại: Ai sẽ trả tiền tái thiết Ukraine?".

Tường Phong
Theo Financial Times