DMagazine

Xung đột Nga - Ukraine lật đổ "giỏ bánh mỳ của châu Âu" thế nào?

(Dân trí) - Ukraine là quốc gia xuất khẩu nông sản quan trọng trên thế giới và được mệnh danh là "giỏ bánh mỳ của châu Âu". Nhưng giờ đây, "giỏ bánh mỳ" đó đã bị lật đổ.

Xung đột Nga - Ukraine lật đổ "giỏ bánh mỳ của châu Âu" thế nào?

Ukraine vốn là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, không chỉ với nước này mà còn với nhiều người dân trên thế giới. Các sản phẩm từ Ukraine như lúa mỳ, ngô và dầu hướng dương có thể được tìm thấy trong các khu chợ, nhà bếp từ Estonia cho đến Ai Cập. Đất nông nghiệp tại Ukraine rất màu mỡ, hoạt động sản xuất nông nghiệp tốn ít chi phí hơn so với châu Âu và Mỹ. Ukraine còn có các cảng nước sâu, giúp dễ tiếp cận thị trường thế giới. Những yếu tố đó đã đưa Ukraine trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản quan trọng của thế giới và được mệnh danh là "giỏ bánh mỳ của châu Âu".

Nhưng giờ đây, "giỏ bánh mỳ" đó đã bị lật đổ. "Nông dân, người lao động trong ngành nông nghiệp đều tham chiến, và một số phương tiện của họ cũng ra chiến trường", Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky nói.

Với diện tích lớn đất canh tác biến thành chiến trường, các tuyến đường và hạ tầng cảng hư hỏng vì chiến tranh, chuỗi cung ứng thực phẩm của Ukraine đã bị kẹt cứng.

"Thời gian làm việc bị hạn chế do các lệnh giới nghiêm. Việc di chuyển thiết bị nông nghiệp cũng gặp trở ngại vì các điểm kiểm soát trên đường bộ", ông Solsky bổ sung.

Mạng lưới đường và hạ tầng phân phối hư hại khiến việc cung ứng thực phẩm đến các khu vực bất ngờ phải tiếp nhận hàng triệu người mất chỗ ở trở nên khó khăn. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính 45% dân số Ukraine lo ngại không có đủ thức ăn.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine còn tạo ra một khoảng trống nguồn cung toàn cầu. Ukraine chiếm 8% lúa mỳ, 13% ngô và hơn 33% dầu hướng dương xuất khẩu của thế giới. Bình thường, Ukraine xuất khẩu 40 - 50 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm nhưng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã khiến lượng xuất khẩu trong tháng 3 chỉ bằng 1/4 so với tháng 2, theo Bộ Nông nghiệp Ukraine.

Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Ukraine. Ở một số vùng miền nam nước này - khu vực ghi nhận tình hình chiến sự ác liệt, 80% diện tích đất được chủ động canh tác trong năm 2019.

Năm 2019, có tổng cộng 57% diện tích đất Ukraine được dùng cho trồng trọt đưa Ukraine trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ canh tác cao nhất thế giới. Trong cùng năm, tỷ lệ này ở Mỹ là 17%.

Nông sản nguồn gốc Ukraine chiếm thị phần tương đối lớn trong sản xuất nông nghiệp toàn cầu. Ukraine chiếm 30% lượng cung dầu hướng dương - dùng rộng rãi trong công nghiệp và sản xuất thực phẩm và đáp ứng 4% sản lượng lúa mỳ thế giới.

Một số quốc gia phụ thuộc đáng kể vào Ukraine đối với các mặt hàng thực phẩm quan trọng. Tại Libya, 44% lượng bột mỳ sử dụng trong nước năm 2018 đến từ Ukraine. Tại Ấn Độ, 77% nguồn cung dầu hướng dương trong nước năm 2019 từ Ukraine. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này là 63%.

Ukraine cung cấp 43% lượng ngô sử dụng tại Anh năm 2019, chủ yếu làm thức ăn cho gia súc. Cùng năm này, Trung Quốc phụ thuộc vào Ukraine để đáp ứng 16% nhu cầu lúa mạch - một thành phần quan trọng trong thức ăn chăn nuôi.

Xung đột Nga - Ukraine khiến giá thực phẩm trên thế giới tăng mạnh. Bánh mỳ trở nên đắt hơn ở Bắc Phi và dầu ăn tại Nam Á chung số phận. Các bên mua ngũ cốc và nông sản từ Nga, Ukraine đang phải tìm kiếm nguồn cung thay thế trên thị trường thế giới, càng đẩy giá cả tăng hơn nữa.

Dù các quốc gia xuất khẩu ngũ cốc và dầu thực vật như Ấn Độ có thể hưởng lợi từ giá tăng, việc bán quá nhiều sản phẩm ra nước ngoài lại tạo ra nguy cơ khiến giá cả trong nước tăng. Nhiều quốc gia đã phải hạn chế xuất khẩu với các mặt hàng nhất định như Indonesia gần đây ban lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ.

Giá tăng đe dọa làm gia tăng số lượng người rơi vào đói nghèo. "Cái giá phải trả thật khủng khiếp và những hệ lụy đang vượt ra khỏi biên giới Ukraine", Arif Husain, kinh tế gia trưởng tại WFP - cơ quan hỗ trợ cho các quốc gia thiếu lương thực, nói.

Sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm diễn ra vào thời điểm thế giới đang chật vật với các tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19. Lần gần nhất thế giới đối mặt một cuộc khủng hoảng thực phẩm và nhiên liệu là giai đoạn 2007 - 2008, nhiều quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu khi đó đối mặt nguy cơ bất ổn xã hội.

Chi phí thức ăn chăn nuôi, phân bón và nhiên liệu tăng còn ảnh hưởng đến nông dân trên khắp thế giới. Xung đột ở Ukraine đe dọa "không chỉ nguồn cung thực phẩm mà còn là hệ thống sản xuất nông nghiệp của các quốc gia", Beth Bechdol - Phó Tổng giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), cho biết.

Gieo hạt dưới làn đạn

Khi Mykola Gordiychuk cùng nhóm của ông trở về nông trại ở làng Semypolky gần Kiev hồi đầu tháng 4, sau khi giao tranh giữa binh sĩ Nga và Ukraine tại khu vực kết thúc, họ phát hiện một mảnh rocket nhô lên khỏi mặt đất.

Xung đột Nga - Ukraine lật đổ giỏ bánh mỳ của châu Âu thế nào? - 1

Mykola Gordiychuk trên cánh đồng trồng khoai tây và lúa mỳ của ông ở Semipolky, Ukraine (Ảnh: Financial Times).

Trang trại của Gordiychuk tại Chernihiv cũng tương tự, thậm chí còn bị mất các thiết bị như máy tính, máy quay giám sát, máy phát điện. Trong ngày giao tranh cuối cùng giữa binh sĩ Nga và Ukraine ở khu vực, một quả rocket rơi xuống cỏ khô và gây cháy nhưng dân làng đã dập được ngọn lửa.

Thiệt hại trên phản ánh phần nào thách thức khổng lồ của việc đưa ngành nông nghiệp Ukraine hoạt động trở lại trong khi xung đột tiếp diễn. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ukrlandfarming - một trong những nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất Ukraine - có gần 300.000 con gà mái đẻ trứng tại trang trại ở Makariv, phía tây Kiev.

Rocket và đạn pháo tại khu vực làm gián đoạn nguồn điện cho trang trại. Nhiều nhân viên được sơ tán đến nơi an toàn, chỉ có quản lý trang trại Oleksandr Komarov và một nhân viên chủ chốt ở lại vận hành máy phát điện chạy diesel để giữ hệ thống thông gió và kiểm soát môi trường. Giao tranh tại đây kết thúc cuối tháng 3 nhưng vẫn quá muộn với đàn gà - chết vì không được cho ăn. Trang trại hiện ngừng hoạt động.

Xung đột Nga - Ukraine lật đổ giỏ bánh mỳ của châu Âu thế nào? - 2

Gà chết nằm la liệt trên sàn tại cơ sở của Ukrlandfarming Makariv, Ukraine (Ảnh: Financial Times).

"Chúng tôi còn không biết nhân viên của mình đang ở đâu", Komarov chia sẻ. "Nhiều người chạy trốn khỏi chiến tranh, khỏi cơn ác mộng này".

Tại những khu vực còn giao tranh, việc quay lại làm nông rất nguy hiểm. Nông dân mặc áo chống đạn và mũ bảo hiểm khi lái máy kéo trên các cánh đồng trống trải - khu vực dễ trở thành mục tiêu bị không kích.

"Vấn đề ở đây là bạn không thực sự muốn ngồi trên một máy kéo với đèn bật sáng ở giữa một cánh đồng trong vùng chiến sự", Mike Lee, nhà nông học và tư vấn về nông nghiệp Ukraine, nói. "Lúc này, lái xe tải trên đồng thực sự kinh khủng".

Mọi khó khăn lại đến đúng thời điểm quan trọng trong năm với ngành nông nghiệp Ukraine. Lúa mỳ vụ đông, gieo trồng khoảng tháng 10 - 11, cần được bón phân và thu hoạch vào tháng 6 - 7. Ngũ cốc vụ xuân, bao gồm ngô, lúa mạch và hướng dương, phải được gieo trồng trong tháng 4.

Xung đột Nga - Ukraine lật đổ giỏ bánh mỳ của châu Âu thế nào? - 3

Chiến dịch quân sự của Nga làm gián đoạn ngành nông nghiệp Ukraine đúng thời điểm quan trọng (Biểu đồ: FAO/Financial Times).

Mối đe dọa từ hoạt động quân sự đến nông dân chỉ là một trong số các yếu tố đằng sau ước tính của FAO rằng 20 - 30% khu vực canh tác các loại cây trên sẽ không được thu hoạch hoặc không được trồng trong mùa xuân năm nay.

Ngoài nguy hiểm từ chiến tranh và nhu cầu nhân lực, nhiều nông dân còn đang chật vật tìm kiếm những thứ cơ bản để làm việc trên đồng. Trước chiến tranh, Nga và Belarus đáp ứng phần lớn nhiên liệu nhập khẩu của Ukraine và một số điểm lưu trữ ở Ukraine đã bị hư hại.

Xung đột Nga - Ukraine lật đổ giỏ bánh mỳ của châu Âu thế nào? - 4

Khu logistics Komodor gần Makariv, Ukraine, hư hại vì xung đột ngày 19/4 (Ảnh: Getty Images).

Với vị trí các lực lượng của Nga hiện tại - chặn Odessa, Mariupol và các cảng ở Biển Đen, Ukraine buộc phải nhập khẩu qua đường bộ và đường sắt. Chính phủ Ukraine cho biết nông dân nước này chỉ có 20% lượng nhiên liệu cần thiết để hoạt động với năng suất bình thường.

Nút thắt cổ chai biên giới

Hướng ra biển bị chặn, hàng nhập khẩu không thể đến đồng nghĩa hàng xuất khẩu không thể đi qua đây. Trước cuộc xung đột, 90% xuất khẩu nông nghiệp của Ukraine được thực hiện qua Biển Đen. Hầu hết số hàng này giờ mắc kẹt trong nước. Ví dụ, khoảng 15 triệu tấn, tương đương 40%, sản lượng ngô thu hoạch của Ukraine vẫn nằm trong các tháp chứa ngũ cốc, theo Michael Magdovitz, nhà phân tích nông nghiệp tại công ty dịch vụ tài chính Rabobank.

"Nông dân không thể bán ngũ cốc thu hoạch từ năm ngoái và kiếm tiền", Bộ trưởng Solsky cho biết.

"Trước chiến tranh, chúng tôi có thể xuất khẩu hơn 5 triệu tấn nông sản qua Biển Đen mỗi tháng. Giờ đây, việc này là không thể. Xuất khẩu của chúng tôi gần như dừng hẳn. Hiện nguồn cung ra nước ngoài chỉ khoảng 0,5 triệu tấn ngũ cốc/tháng".

Trong khi đó, Nga cũng tỏ ý sẵn sàng coi thực phẩm là một công cụ chiến lược. Nga đang là quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev hồi đầu tháng tuyên bố không xuất khẩu nông sản "đến các quốc gia không thân thiện".

"Thông thường, chúng tôi xuất khẩu sang châu Âu, châu Á và thế giới", Shamil Khakirov, giám đốc thương mại của Delta Wilmar Ukraine, công ty vận hành một nhà máy chế biến dầu hướng dương gần Odessa, thường bán gần như toàn bộ sản phẩm trực tiếp cho các tàu ở cảng, nói và cho biết thêm: "Giờ đây, chúng tôi chỉ còn bán được cho châu Âu bởi không thể tiếp cận các cảng và hạ tầng trên bộ chưa sẵn sàng".

Xung đột Nga - Ukraine lật đổ giỏ bánh mỳ của châu Âu thế nào? - 5

Xuất khẩu hàng hóa hàng tuần tại các cảng ở Ukraine. Đơn vị: triệu tấn (Biểu đồ: Vessel Value).

Kernel, nhà sản xuất dầu hướng dương lớn nhất Ukraine, cho rằng ít có khả năng công ty có thể xuất khẩu được 30% khối lượng trước chiến tranh.

Cú sốc lan rộng của chiến tranh

Ảnh hưởng từ việc Ukraine không thể xuất khẩu hàng hóa có thể cảm thấy rõ ở châu Phi và Trung Đông - đích đến của phần lớn lúa mỳ Ukraine.

Ukraine chiếm khoảng 80% lượng lúa mỳ nhập khẩu của Lebanon và là nhà cung ứng hàng đầu cho các quốc gia như Somalia, Syria và Libya. Nga cũng cung cấp cho láng giềng Biển Đen Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 60% lượng lúa mỳ nhập khẩu. Tháng 3, lạm phát thực phẩm tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng lên 70%.

Ai Cập mua gần 2/3 lượng lúa mỳ tiêu thụ từ thị trường quốc tế, đưa nước này thành quốc gia nhập khẩu lúa mỳ nhiều nhất thế giới. Ai Cập phụ thuộc vào Nga và Ukraine cho 80% lượng lúa mỳ nhập khẩu và trong tháng 3 đã phải tìm đến sự hỗ trợ từ IMF do cuộc xung đột Nga - Ukraine đẩy giá lúa mỳ, dầu ăn và nhiên liệu tăng vọt.

Xung đột Nga - Ukraine lật đổ giỏ bánh mỳ của châu Âu thế nào? - 6

Diễn biến giá các mặt hàng lúa mỳ, ngô, lúa mạch, dầu hướng dương, dầu cọ và dầu hạt cải dầu qua các năm - quy về mốc khởi đầu là 100 (Biểu đồ: Refinitiv).

Nhưng không chỉ những nước nhập khẩu trực tiếp từ Nga và Ukraine mới chịu ảnh hưởng. Thương mại toàn cầu được xây dựng quanh kỳ vọng những dòng cung ứng không bị gián đoạn và tác động từ chiến tranh đã lan truyền đến thị trường ngũ cốc, dầu thực vật thế giới.

Chính phủ nhiều quốc gia đang phát triển, nơi thực phẩm chiếm phần lớn chi tiêu của hộ gia đình, đang thận trọng để tránh xảy ra bất ổn xã hội. Các cuộc biểu tình đã bùng phát tại một số quốc gia như Sri Lanka, nơi xung đột Nga - Ukraine đẩy giá thực phẩm vốn đã cao lên cao hơn nữa, đặc biệt là với các mặt hàng nhập khẩu như lúa mỳ, đậu và đường.

"Các nhà lập chính sách đang đối mặt với sự đánh đổi rất khó chịu, phải tiếp tục hoặc tăng trợ giá thực phẩm trong bối cảnh tài chính công đang chịu áp lực", Beata Javorcik, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng châu Âu về Tái thiết và Phát triển, đánh giá.

Các quốc gia nghèo, đang đối mặt tình trạng nạn đói lan rộng, sẽ cảm nhận thiệt hại rõ nhất, các cơ quan lương thực quốc tế cảnh báo. Ngân hàng Thế giới cho rằng với mỗi điểm phần trăm tăng giá thực phẩm, 10 triệu người trên thế giới sẽ bị đẩy vào đói nghèo cùng cực. Các tổ chức đa phương và quốc gia phát triển đang tìm một biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng lớn này.

"Tầng lớp trung lưu và nghèo đang phải trả giá lớn. Điều đó giống như đổ dầu vào lửa", Husain của WFP nói.

Cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài sang năm 2023 nếu nông dân vẫn chưa thể mua được những yếu tố đầu vào cần thiết như hạt giống và phân bón cho vụ cuối năm nay.

Tồn kho hạt giống của nông dân hiện tại khả năng cao hết vào thời điểm đó và không thể xuất khẩu đồng nghĩa tiền mặt của họ sẽ cạn dần, Gael Hili, giám đốc khu vực châu Âu, châu Phi và Trung Đông của tập đoàn hóa nông nghiệp Syngenta, cảnh báo. Tập đoàn này đang phải chấp nhận sử dụng ngũ cốc còn mắc kẹt tại Ukraine làm tiền thanh toán cho hạt giống, bất chấp thực tế là chúng không được đảm bảo.

Trở lại Semypolky, nông dân trồng khoai tây và lúa mỳ Gordiychuk đang dần làm việc trở lại. Với tình hình chiến sự tại Kiev và Chernihiv tạm lắng và quản lý trang trại Igor - từng sơ tán đến miền tây Ukraine - đã trở về, Gordiychuk bắt đầu vạch ra các ưu tiên.

Xung đột Nga - Ukraine lật đổ giỏ bánh mỳ của châu Âu thế nào? - 7

Mykola Gordiychuk làm việc tại văn phòng trên trang trại khoai tây và lúa mỳ của ông ở Semipolky, Ukraine (Ảnh: Financial Times).

"Chúng tôi có hai nhiệm vụ: chuyển khoai tây giống đến nông dân và trồng khoai tây trên trang trại của chúng tôi. Và bón phân cho lúa mỳ trồng từ mùa đông", ông nói. Nhưng dù có thể trồng và thu hoạch, Gordiychuk vẫn nhận thức còn nhiều khó khăn để Ukraine xuất khẩu hàng hóa. "Nhiều đồng nghiệp của tôi nói nếu các cảng vẫn bị phong tỏa vào mùa thu, việc bán ngũ cốc sẽ rất khó".

Nếu các cảng không hoạt động, nông dân Ukraine, thường xuất khẩu lúa mỳ và dầu hướng dương sang Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ bằng đường biển, sẽ phải tìm kiếm khách hàng khác.

"Giờ chúng tôi phải phát triển một chuỗi cung ứng mới qua châu Âu", Gordiychuk nói. "Và việc đó không thể xảy ra trong 2 - 3 tháng".

Nội dung: Tường Phong