WB: Chiến sự ở Ukraine gây ra cú sốc giá lớn nhất trong 50 năm qua

Nhật Linh

(Dân trí) - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine sẽ gây ra "cú sốc giá hàng hóa lớn nhất" kể từ những năm 1970.

Trong dự báo mới nhất của mình, WB cho biết sự gián đoạn do cuộc xung đột gây ra sẽ góp phần làm tăng giá các mặt hàng từ khí đốt, lúa mì đến bông.

WB: Chiến sự ở Ukraine gây ra cú sốc giá lớn nhất trong 50 năm qua - 1

Giá năng lượng sẽ tăng hơn 50% khiến hóa đơn của các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng vọt (Ảnh: Getty).

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra

Nói với BBC, ông Peter Nagle - đồng tác giả của báo cáo - cho biết sự tăng giá này đang bắt đầu tác động sâu rộng đến nền kinh tế và đời sống của con người. "Các hộ gia đình trên khắp thế giới đang bắt đầu chứng kiến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt diễn ra", ông nói.

"Chúng tôi đặc biệt lo ngại về các hộ gia đình nghèo nhất bởi họ dành phần lớn thu nhập cho thực phẩm và năng lượng, vì vậy họ đặc biệt dễ bị tổn thương với đợt tăng giá này", nhà kinh tế cấp cao tại WB cho biết thêm.

Theo WB, giá năng lượng sẽ tăng hơn 50% khiến hóa đơn của các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng vọt.

Trong đó, mức tăng lớn nhất sẽ là giá khí đốt ở châu Âu, vốn đã tăng gấp đôi trong thời gian qua. Giá khí đốt được dự báo sẽ giảm trong năm tới và trong năm 2024 nhưng vẫn sẽ ở mức cao hơn 15% so với năm ngoái.

WB cho biết, điều này có nghĩa là từ mức thấp nhất trong tháng 4/2020 đến mức cao nhất trong tháng 3 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến "mức tăng giá năng lượng lớn nhất trong 23 tháng qua kể từ đợt tăng giá dầu năm 1973".

Tương tự, giá dầu cũng được dự báo tiếp tục tăng cho đến năm 2024 với dầu Brent ở mức trung bình 100 USD/thùng trong năm nay. Điều này sẽ khiến lạm phát xảy ra trên diện rộng.

Nga là nước sản xuất khoảng 11% sản lượng dầu thô của thế giới, lớn thứ 3 về thị phần, nhưng báo cáo của WB cho rằng "sự gián đoạn do cuộc chiến gây ra sẽ có ảnh hưởng tiêu cực kéo dài" khi các lệnh trừng phạt khiến các công ty nước ngoài rời khỏi Nga và việc tiếp cận công nghệ của Nga bị giảm.

Nga hiện cung cấp 40% khí đốt và 27% dầu cho châu Âu. Tuy nhiên, các chính phủ châu Âu đang dần loại bỏ nguồn cung từ Nga. Điều này cũng khiến giá năng lượng trên toàn cầu sẽ tăng vọt do nhu cầu nhiều hơn đối với nguồn cung ở các nơi khác.

Giá lúa mì lập kỷ lục

Về triển vọng các loại hàng hóa, WB cảnh báo giá nhiều loại thực phẩm sẽ tăng mạnh. Chỉ số giá lương thực của Liên Hợp Quốc đang ở mức cao nhất kể từ khi chỉ số này lập kỷ lục cách đây 60 năm.

WB: Chiến sự ở Ukraine gây ra cú sốc giá lớn nhất trong 50 năm qua - 2

Các nước nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương với đợt tăng giá này (Ảnh: AFP).

Giá lúa mì được dự báo tăng 42,7% và đạt mức cao kỷ lục mới tính theo đồng USD. Lúa mạch cũng được dự báo tăng 33,3%, đậu nành tăng 20%, các loại dầu ăn tăng 29,8% và thịt gà tăng 41,8%. Những mức tăng này cho thấy thực tế lượng xuất khẩu từ Ukraine và Nga đã giảm mạnh.

Theo JP Morgan, trước khi chiến sự nổ ra, hai nước này cung cấp khoảng 28,9% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Trong khi đó, theo S&P Global, Nga và Ukraine cũng chiếm 60% nguồn cung hạt hướng dương toàn cầu, một thành phần chính cho nhiều loại thực phẩm chế biến.

Giá các nguyên liệu thô khác bao gồm phân bón, kim loại và khoáng sản cũng được dự báo tăng cao. Tuy nhiên, giá gỗ, chè và gạo nằm trong số ít những mặt hàng được dự báo giảm.

"Lúa mì là một trong những mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu khó thay thế nhất", một nghiên cứu của Bank of America cho hay. Theo ngân hàng này, điều kiện thời tiết xấu ở Bắc Mỹ và Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm những tác động từ việc sụt giảm nguồn cung của Ukraine.

Nghiên cứu cũng cho thấy các lô hàng ngũ cốc và dầu ăn từ Ukraine đã giảm hơn 80% do chiến sự. Lượng thiếu hụt xuất khẩu từ nước này trong một năm tương đương với khoảng 10 ngày cung cấp lương thực của thế giới.

Ông Nagle cho rằng các nước khác có thể giúp giải quyết sự thiếu hụt nguồn cung do cuộc chiến ở Ukraine gây ra trong trung hạn. Tuy nhiên, với việc giá phân bón dự báo tăng 69% trong năm nay có nghĩa là "nguy cơ thực sự xảy ra khi nông dân bắt đầu sử dụng ít phân bón hơn và năng suất mùa màng sẽ giảm xuống".

Đối với hàng hóa nói chung, WB cho rằng, mặc dù giá hàng hóa nói chung sẽ đạt đỉnh vào năm nay song vẫn ở mức cao hơn so với các dự đoán trước đây. Tổ chức này cho rằng triển vọng đối với thị trường hàng hóa phụ thuộc vào thời gian của cuộc chiến và sự gián đoạn mà nó gây ra đối với chuỗi cung ứng.

Theo BBC