Vì sao cho con tiền tiêu vặt là bài học quan trọng đầu đời?
(Dân trí) - Theo chuyên gia trị liệu tâm lý tài chính người Anh Vicky Reynal, cho con tiền tiêu vặt là bài học quan trọng hàng đầu cha mẹ có thể dành cho tương lai của con.

Những khách hàng tìm đến chuyên gia Vicky Reynal đều đang gặp vấn đề trong chuyện chi tiêu tiền bạc, cũng có những người đang gặp bế tắc trong việc dạy con cách sống độc lập, tự chủ về tài chính khi con đã ở tuổi trưởng thành.
Từ những trải nghiệm trong công việc, chuyên gia Vicky Reynal nhận thấy rất nhiều phụ huynh cho con tiền tiêu vặt, nhưng không có cuộc trò chuyện nào với con về chuyện tiền nong. Vì vậy, họ đã bỏ lỡ cơ hội quý giá để dạy con những quan niệm đúng đắn từ sớm xung quanh đồng tiền.
Tiền tiêu vặt có ý nghĩa gì?

Chuyên gia trị liệu tâm lý tài chính người Anh Vicky Reynal (Ảnh: DM).
Theo chuyên gia Vicky, tiền tiêu vặt không chỉ là một khoản để trẻ tiêu xài, mà còn là công cụ giáo dục giúp con xây dựng kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Không có "độ tuổi vàng" để bắt đầu cho trẻ tiền tiêu vặt, điều này tùy thuộc vào mỗi gia đình. Nhưng ít nhất, khi được cho tiền tiêu vặt, trẻ cần phải biết đếm, biết tính toán, có hứng thú với việc được cho tiền, hiểu được tiền bạc dùng để làm gì.
Tại Anh, nhiều phụ huynh cho con tiền tiêu vặt từ lớp 1. Khi con lên một lớp, số tiền tiêu vặt cha mẹ cho con mỗi tuần sẽ tăng theo. Quy định về số tiền tiêu vặt được nhận ở từng độ tuổi nên được thống nhất giữa cha mẹ và các con, để áp dụng công bằng giữa những người con trong một gia đình, tránh để các con so bì, ghen tị với nhau.
Trong thời đại tiêu dùng không dùng tiền mặt, cha mẹ hãy để con tiếp xúc với tiền thật càng lâu càng tốt. Một tấm thẻ hay những con số trên ứng dụng thanh toán điện tử là quá trừu tượng đối với trẻ nhỏ. Cầm tiền mặt trên tay sẽ giúp trẻ có cảm nhận tốt hơn về đồng tiền, giúp trẻ học cách ứng xử với tiền một cách trực quan hơn.
Có nên trả tiền để trẻ chăm làm việc nhà?
Một người cha có thói quen thưởng tiền cho con mỗi khi con đạt điểm cao đã phải nhờ chuyên gia Vicky tư vấn. Khi cậu bé bước vào tuổi thiếu niên, cậu bắt đầu đòi được cha mẹ trả tiền khi làm việc nhà và dọn phòng riêng.

Nhiều phụ huynh rơi vào "bẫy" dùng tiền để thưởng cho con (Ảnh minh họa: iStock).
"Giờ cháu làm việc gì cũng đòi chúng tôi trả tiền cho cháu. Tôi phải làm sao để dạy cháu rằng cuộc sống không chỉ xoay quanh tiền bạc?", người cha tâm sự.
Đây là ví dụ điển hình cho việc từ một ý định tốt dẫn đến một hậu quả xấu. Trong tình huống này, cậu bé đã hình thành tư duy rằng mọi hành vi tốt tạo ra kết quả tích cực ở cậu đều phải được cha mẹ trả tiền.
Chuyên gia Vicky đã khuyên người cha hãy nói chuyện với con để con hiểu rằng, có những việc thuộc về trách nhiệm, nghĩa vụ. Khi đạt được thành tích tốt, con xứng đáng được chúc mừng, động viên, khích lệ, nhưng điều đó không nhất thiết phải luôn đi kèm với tiền thưởng.
Chuyên gia Vicky cũng từng tư vấn cho những người trưởng thành có cách tiêu dùng bất ổn. Mỗi khi họ đạt được một thành tích nào, họ luôn tự thưởng cho bản thân những món đồ đắt giá, đến mức dần dần họ bị mất kiểm soát tài chính cá nhân.
Có nên phạt con bằng cách cắt tiền tiêu vặt?
Một người mẹ từng chia sẻ với chuyên gia Vicky rằng chị thường phạt con bằng cách cắt giảm tiền tiêu vặt. Con gái chị hay để quên và làm mất đồ. Người mẹ thường cho con 5 bảng/tuần để tiêu vặt, mỗi lần con làm mất một món đồ cá nhân, con sẽ bị trừ 1 bảng.
Người mẹ không biết có nên áp dụng cách phạt này về lâu dài hay không. Câu trả lời của chuyên gia Vicky là không. Mỗi đứa trẻ có sự phát triển khác nhau. Có bé học được tính cẩn thận rất nhanh, có bé lại đãng trí và mất nhiều thời gian mới rèn được tính cẩn thận.

Tiền tiêu vặt không chỉ là một khoản để trẻ tiêu xài, mà còn là công cụ giáo dục (Ảnh minh họa: iStock).
Cha mẹ cần dạy con cách quản lý tốt cả tiền bạc và đồ dùng cá nhân. Vì vậy, số tiền tiêu vặt cho trẻ cần được bảo toàn, để trẻ học kỹ năng quản lý tiền bạc. Việc trừ tiền tiêu vặt của con sẽ gieo rắc nỗi sợ hãi trong con khi đối diện với tiền bạc, tâm lý này không tốt cho sự trưởng thành của trẻ.
Chuyên gia Vicky từng gặp những khách hàng luôn có cảm giác bất an, lo lắng, rối trí khi đối diện với tiền bạc. Điều này có một phần nguyên nhân đến từ trải nghiệm của họ với tiền bạc từ khi còn nhỏ.
Thay vì phạt con bằng cách cắt giảm tiền tiêu vặt, phụ huynh hãy để con tham gia vào quá trình tự chịu trách nhiệm tài chính.
Ví dụ, nếu con làm mất áo ở trường, hãy để con đóng góp một phần tiền tiết kiệm để mua một chiếc áo mới. Cha mẹ cũng có thể giao cho con thêm việc nhà trong một giai đoạn, để con được nhận thêm tiền tiêu vặt, giúp con tiết kiệm được nhiều hơn, nhanh hơn và sớm mua được chiếc áo khác.
Bạn có thể cân nhắc giao cho con những việc nhà vốn không phải trách nhiệm thường xuyên của con, chẳng hạn rửa xe, rửa bát, lau dọn nhà cửa...
Như vậy, trẻ sẽ học được bài học về giá trị của tiền bạc, hậu quả của tính đãng trí. Nhìn chung, cha mẹ không nên biến tiền trở thành phần thưởng hay hình phạt đối với con.
Tiền tiêu vặt chỉ nên được xem là công cụ để cha mẹ dạy con về quản lý tài chính cá nhân, bao gồm khả năng tiết kiệm tiền vì những mục tiêu dài hạn, cách kiềm chế những ham muốn mua sắm nhất thời, chi tiêu có cân nhắc và trong giới hạn cho phép...
Nói chuyện tiền bạc có khiến con đánh mất tuổi thơ?
Một số phụ huynh lo ngại rằng nói chuyện tiền bạc quá sớm với con sẽ khiến con mất đi sự hồn nhiên. Một người cha tâm sự: "Các con tôi hỏi: "Nhà mình có nghèo không ạ?". Có thể do các con đã nghe cha mẹ bàn bạc chuyện cắt giảm chi tiêu nên lo lắng. Làm thế nào để tôi giúp các con không lo nghĩ, nhưng cũng khiến các con có cách nhìn thực tế về cuộc sống?".

Cha mẹ có thể tranh thủ cơ hội để trò chuyện với con về những khái niệm như "giàu" và "nghèo" (Ảnh minh họa: iStock).
Chuyên gia Vicky khuyên người cha hãy hỏi con: "Tại sao các con hỏi vậy? Các con nghĩ sao? Nhà mình có nghèo không?". Việc hỏi ngược lại sẽ giúp cha mẹ hiểu thực chất xuất phát điểm của câu hỏi là gì. Trẻ có thể đang so sánh với bạn bè có nhà to hơn hay xe đẹp hơn. Đó là sự so sánh rất bình thường trong hành trình trưởng thành của trẻ.
Cha mẹ có thể tranh thủ cơ hội này để trò chuyện với con về những khái niệm như "giàu" và "nghèo". "Nghèo nghĩa là không đủ ăn, thậm chí không có nhà để ở. Nhà mình không rơi vào hoàn cảnh đó, nên các con hãy yên tâm", cha mẹ có thể nhấn mạnh vậy.
Tùy theo độ tuổi của con, cha mẹ có thể giải thích thêm rằng khi mọi thứ đắt đỏ lên, chúng ta cần cân nhắc kỹ hơn trong chuyện chi tiêu vào những điều không thiết yếu. Điều này sẽ giúp các con thấu hiểu, chia sẻ cùng cha mẹ trong những lựa chọn chi tiêu hàng ngày. Thậm chí, con có thể tích cực tư duy cùng cha mẹ để tìm cách giải quyết ổn thỏa vấn đề.
Có nên kiểm soát cách con tiêu tiền?
Nhiều cha mẹ băn khoăn: "Nếu con tiêu hết tiền tiêu vặt vào những thứ vô bổ thì sao? Nếu con không tiêu gì, chỉ thích tiết kiệm tiền thì sao? Hoặc tệ hơn, nếu con tiêu hết tiền để mua đồ cho các bạn thì sao?".
Có người mẹ từng rơi vào tình huống khó xử khi con gái của chị quyết định dùng hết tiền tiết kiệm để mua búp bê đắt tiền tặng cho một người bạn mới quen.

Trẻ cần được trải nghiệm cảm giác hối tiếc, hụt hẫng, thất vọng, để hiểu rằng mình cần suy nghĩ kỹ khi tiêu tiền (Ảnh minh họa: DM).
Lời khuyên của chuyên gia Vicky là cha mẹ hãy để con phạm phải những sai lầm trong cách tiêu tiền khi con còn nhỏ, sai lầm với những khoản tiền nhỏ. Điều ấy tốt hơn nhiều so với việc con phạm sai lầm đắt giá ở tuổi trưởng thành và rơi vào nợ nần.
Vì vậy, cha mẹ hãy giữ tâm lý thoải mái, cho con tiền tiêu vặt và cho con mắc sai lầm trong cách ứng xử với tiền tiêu vặt. Đây là những trải nghiệm khá an toàn.
Trẻ cần được trải nghiệm cảm giác hối tiếc, hụt hẫng, thất vọng, để hiểu rằng mình cần suy nghĩ kỹ hơn khi tiêu tiền.
Điều này không có nghĩa cha mẹ "thả nổi", để con tự học cách kiểm soát tiền bạc. Những cuộc đối thoại rõ ràng xung quanh vấn đề tiền bạc, sẽ giúp con hình thành nhận thức đúng về tiền.
Làm thế nào với trẻ "tiêu hoang" hoặc quá tiết kiệm?
Với trẻ "tiêu hoang", cha mẹ có thể cùng con trò chuyện về cảm nhận của con khi rơi vào tình trạng hết tiền: "Con có cảm thấy nuối tiếc, hay thậm chí tự cảm thấy có lỗi, vì đã chi tiêu không tính toán không?".
Cha mẹ cũng có thể khuyến khích con tiết kiệm tiền bằng cách "thưởng kép": "Con để dành được bao nhiêu tính đến thời điểm cuối năm nay, cha mẹ sẽ tặng thêm con đúng chừng ấy".

Xung quanh chuyện tiền bạc, có những vấn đề mới mang tính thời đại, cha mẹ cần quan tâm cập nhật (Ảnh minh họa: iStock).
Với trẻ chỉ tiết kiệm mà không tiêu gì, hãy nói với con rằng tiền để dành là tốt, nhưng cũng cần được tiêu để mang lại niềm vui một cách hợp lý.
Nếu bạn không nói gì, cứ để mặc cho con tiết kiệm, con có thể nghĩ rằng bạn ngầm ủng hộ việc con không chi tiêu gì. Để giúp con học cách tiêu tiền, cha mẹ nên khuyến khích con thử mua một số món đồ giá trị nhỏ.
Hiện nay, các ứng dụng công nghệ số giúp trẻ hiểu và quản lý tiền bạc khá tốt. Nhưng không gian mạng cũng bủa vây trẻ với những nội dung quảng cáo, khiến trẻ thích mua sắm, thậm chí sớm quan tâm tới trò "đỏ đen", cá cược, đầu tư...
Xung quanh chuyện tiền bạc, có những vấn đề mới mang tính thời đại, cha mẹ cần quan tâm cập nhật mới hiểu được các con đang đối diện với điều gì.
Điều quan trọng là cha mẹ cần tạo cơ hội để con sớm học, hiểu về tiền, thậm chí phạm phải những lỗi sai về tiền bạc khi còn nhỏ. Ít nhất những lỗi sai này không liên quan tới số tiền lớn, không khiến con rơi vào nợ nần. Lúc này, cha mẹ vẫn còn cơ hội để chỉ bảo, hỗ trợ con cải thiện kỹ năng quản lý tiền bạc.
Theo Daily Mail