(Dân trí) - Lần đầu đi dạy, thấy điểm trường là túp lều không vách, cô giáo Trại rưng rưng nước mắt. Cô giáo Tình thì từng có túp lều bên sườn đồi, nơi cô dựng tạm lên để tiện đến trường những ngày mang thai.
18 năm trước, khi cô giáo Trại mới về Vĩnh Yên, bùn đất ngập những con đường ngoằn ngòeo qua núi, lũ trẻ không quen người lạ nên còn sợ sệt, nép vào những bụi cây bên đường tránh mặt. Bây giờ, nhiều đoạn đường đến trường đã được đổ bê tông, tuy vẫn nhớp đất sau mỗi trận mưa nhưng học trò đã biết khoanh tay chào cô, mang con gà duy nhất trong nhà đến biếu cô giáo.
Cô Trại tự hào kể về sự thay đổi này như minh chứng cho những nỗ lực của mình và các đồng nghiệp suốt nhiều năm qua.
Cô giáo Phùng Thị Trại bắt đầu sự nghiệp giáo dục của mình vào tháng 9/2005. Mùa thu năm ấy, cô nữ sinh sư phạm vừa ra trường, lên xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) công tác rồi ở lại với vùng đất này đến tận bây giờ, khi đã trở thành một hiệu trưởng.
Ký ức của cô Trại về "cái thưở ban đầu lưu luyến ấy" vẫn còn nguyên vẹn. Cô kể, đó là buổi sáng mùa thu năm 2005, một người dân trên bản dẫn cô vào Trường Mầm non xã Vĩnh Yên nhận công tác. Điểm trường nằm cheo leo trên khoảng đất trống, bao quanh là rừng núi.
Đến nơi, người đàn ông chào cô giáo xong định quay về. Cô Trại gọi với theo: "Anh ơi, em đã thấy trường lớp nào đâu?".
Người này chỉ vào túp lều không vách, chỉ có bốn chân cắm xuống đất, đỡ lấy mái nhà lợp bằng lá cọ, nói: "Trường đấy". Hóa ra, túp lều mà ban đầu cô còn tưởng là chuồng trâu lại chính là điểm trường trung tâm, nơi cô sẽ gắn bó trong những năm tháng tiếp theo.
Thậm chí, không có một bảng tên trường để phân biệt lớp học với những chuồng trâu, lán tạm xung quanh đó.
"Ngoài 20 tuổi, vừa bước chân vào nghề, tôi hụt hẫng vì chưa bao giờ tưởng tượng trường học lại lụp xụp như thế. Tôi gạt nước mắt và bắt đầu sự nghiệp giáo dục của mình", cô Trại kể.
Cô Trại quen gọi đó là "lớp học chuồng trâu". Hôm nào trời mưa nhỏ, phụ huynh góp từng manh áo mưa để làm vách, che chắn cho cô trò. Mưa nặng hạt hơn, những manh áo mưa không đủ đùm bọc lớp học, cô bế các em chạy vào nhà dân trước khi cơn gió dữ có thể làm sập ngôi trường - túp lều bất cứ lúc nào.
Giáo viên, dân bản và học sinh cứ chạy đi, chạy lại với nhau như thế từ năm 2005-2008, trước khi lớp học được xây bán kiên cố theo dự án kiên cố hóa trường học của tỉnh Lào Cai.
Khoảng thời gian đó, phụ huynh đưa con đi học mà không một mảnh giấy khai sinh. Họ chỉ nhớ con mình ra đời vào mùa lúa, mùa ngô, nơi sinh có khi là trên nương, ngoài suối. Con thuộc dân tộc Hmông là thông tin duy nhất mà họ chắc chắn.
Vậy là cô Trại chịu trách nhiệm giúp họ làm giấy khai sinh, đặt tên và áng chừng ngày, tháng, năm sinh cho các con. Em nào "trông có vẻ cứng cáp" thì đặt 4-5 tuổi, còn em nào "nhìn non nớt hơn" thì chỉ cho 2-3 tuổi.
Trường Mầm non xã Vĩnh Yên khi ấy có 8 điểm trường trực thuộc, với hơn 100 học sinh. Mỗi điểm trường nằm trên một quả đồi rải rác xung quanh điểm trường trung tâm.
Cứ sau một khoảng thời gian không cố định, cô Trại lại được luân chuyển đến một điểm trường khác xa trung tâm hơn. Những điểm nào khó đi lại nhất thường được giao cho cô Trại vì không giáo viên nào "tay lái cứng" như cô.
Nhờ cô Trại, nhiều đứa trẻ ở xã Vĩnh Yên được "khai sinh" (Ảnh: NVCC).
Cô Trại không dám mua một chiếc xe máy mới vì "đằng nào nó cũng sớm bị đường rừng phá hỏng". Ngày ấy, giáo viên nào bám bản trên 6 tháng sẽ được ngân hàng cho vay tiền để mua phương tiện đi lại. Cô Trại đi vay và mua một chiếc xe máy cũ, giá hơn 2 triệu đồng. Cô gọi nó là con ngựa sắt.
Vài tiếng mỗi ngày, "con ngựa sắt" đưa cô băng qua hai con suối, hai quả đồi để đến lớp học. Đường đi gần như chỉ vừa đủ cho một bánh xe di chuyển, hai bên là cây sậy mọc um tùm. Trước kia, nó chưa từng là một con đường, người ta đi mãi nên hình thành một lối mòn, người đi sau cứ thế men theo.
Để an toàn, các giáo viên mầm non và tiểu học sẽ hẹn nhau ở điểm trường trung tâm để lên điểm trường lẻ mỗi sáng. Các thầy giúp các cô đẩy xe qua những con suối, dốc cao. Hôm nào trời mưa, thầy cô luôn trong tâm thế sẵn sàng bị ngã. Chân tay bầm tím, quần áo bê bết bùn đất được coi là chuyện bình thường đối với các giáo viên nơi đây.
Nhắc đến học sinh người Hmông, điều đầu tiên cô Trại nhớ là một thứ mùi đặc trưng. Đó là kết quả sau cả tuần các em không tắm, mặc đi mặc lại một bộ quần áo. Mùa mưa, mùi ẩm mốc bốc lên từ nền đất hòa với mùi học sinh.
"Nhưng một thời gian ở cùng các em thì tôi dần quen, không còn e ngại nữa. Khi chuyển lên điểm trường khác, tôi lại thấy thiếu vì lớp học không có thứ mùi thân thương đó", cô Trại tâm sự.
"Tất cả là do tự nhiên điều chỉnh hết", cô Trại nói và kể về những học sinh của mình quanh năm chỉ ăn khoai, sắn hay mèn mén. Đứa trẻ nào khá giả hơn thì được cầm nắm cơm đến lớp, múc nước mưa ở bể chứa rồi chan vào để ăn. Có đứa được bố mẹ gói thêm vài hạt muối hoặc trộn muối với lá rừng giã nhỏ cho con dễ ăn. "Trộm vía" là ăn uống thiếu thốn như vậy nhưng các em không mấy khi đau ốm.
Lần đầu tiên đi vận động học sinh đến trường cũng là lần đầu cô Trại biết uống rượu. Sáng sớm tinh mơ, cô đến nhà trưởng bản, một người "có tiếng nói", để nhờ thuyết phục dân bản cho trẻ đến trường, đã thấy một nhóm người quây quần uống rượu.
Trưởng bản nói: "Vận động học sinh đi học thì không khó, vấn đề là cô giáo phải biết uống rượu". Hôm đó, cô Trại hoa mắt, không biết đường nào đi về lớp sau khi uống hết ba chén rượu đầy.
Theo cô Trại, tuy phụ huynh vùng cao nhận thức về giáo dục chưa được tiến bộ nhưng rất quý giáo viên miền xuôi lên dạy học. Buổi trưa sau giờ tan học, họ lại đến mời cô giáo vào nhà ăn cơm, có miếng gì ngon cũng phần cô.
Ngay cả khi cô đã chuyển sang điểm trường khác, một học trò cũ mang theo con gà, băng qua mấy cây số đường rừng đến biếu cô giáo. Đó là con gà duy nhất còn lại trong nhà, bố mẹ không dám làm thịt cho con ăn.
Đứa trẻ bảo: "Nếu cô không nhận thì cái bụng nó không ưng". Cô Trại buộc phải nhận rồi gửi lại học sinh vài chục nghìn, nhờ em mang về cho bố mẹ mua thức ăn.
"Khi người Hmông đã biếu mà mình không nhận thì họ sẽ cực ghét. Đến nhà họ ăn cơm, họ gắp đồ ăn cho mà mình không ăn hoặc tỏ thái độ không thích thì không bao giờ họ đón tiếp nữa. Có lần, phụ huynh gắp mời tôi một miếng thịt lợn mỡ trắng phau, thái to và dày. Dù khó ăn đến mấy tôi vẫn cố tỏ ra vui vẻ thưởng thức", cô Trại kể.
Sau 18 năm gắn bó với vùng đất Bảo Yên, hiện tại, cô Trại là Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Tân Tiến. Cô tự hào khoe, người dân đã bước đầu nhận thức được rằng con đến tuổi thì cần được đi học. Ở xã Tân Tiến, tỉ lệ trẻ từ 2 tuổi đến trường trong năm học này là gần 32,6%, tăng gần 2% so với năm ngoái, trẻ từ 2-5 tuổi được đi học đạt 100%.
Sáng sớm tinh mơ, từ Trường Mầm non xã Tân Tiến đi lên 4km nữa, qua những con dốc đầy khúc cua "tay áo", dưới tán những cây quế thơm nồng, sẽ thấy cô giáo Lự Thúy Tình đứng trước cổng trường đón học sinh trong làn sương sớm.
Điểm trường mầm non Nà Phung, nơi cô Tình dạy dỗ 35 học sinh vừa được Báo Dân trí phối hợp cùng chính quyền địa phương và nhà tài trợ khởi công xây mới.
Cô Tình và học trò hào hứng chờ đợi lớp học mới không còn những mảng tường bong tróc, cô trò không phải mang xô hứng nước mỗi mùa mưa.
Trong 8 năm gắn bó với học sinh xã Tân Tiến, thì gần 3 năm đầu, cô giáo người dân tộc Xa Phó trụ lại trong căn lều dựng tạm cạnh điểm trường mầm non Cán Chải.
Năm 2015, cô Lự Thúy Tình rời quê nhà ở huyện Văn Bàn lên xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên dạy học với nhiều băn khoăn. Bởi trước đó, có nhiều giáo viên mầm non lên đây được vài tháng đã phải chuyển đi nơi khác, có cô bỏ nghề luôn vì không chịu được khó khăn.
Lên Tân Tiến được một thời gian, cô Tình lấy chồng ở xã Nghĩa Đô, cách điểm trường mầm non Cán Chải hơn 20km. Chồng là điểm tựa giúp cô "gieo chữ" ở địa phương khó khăn này.
Hai vợ chồng quyết định mượn đất của dân bản, đi xin gỗ về dựng tạm một túp lều cạnh điểm trường để tiện đi lại. Trước đó là những ngày tháng cô Tình "ngã lên, ngã xuống" khi băng qua những con đường đất lầy lội đến trường.
Ký ức đáng kể nhất của cô Tình về túp lều của hai vợ chồng là vào mùa đông năm 2015. Hôm ấy, cô mang bụng bầu ngồi soạn giáo án, túp lều xiêu vẹo trước những cơn gió mùa đông. Cô không hiểu sao mình đã quấn ba lớp chăn trên người mà vẫn lạnh buốt, chân tay tê cứng không cầm nổi bút.
Bất giác nhìn ra ngoài trời, cô thấy tuyết rơi phủ trắng yên xe máy của chồng, trắng cả đỉnh đồi thông phía xa. Cô sững người, không thể đi lại được vì rét buốt. Người chồng vội lấy củi về, nhóm lên sưởi ấm căn lều.
Cô Tình dạy học sinh múa, hát (Ảnh: Quang Trường).
Tuy nhiên, bất kể trời lạnh như thế nào, học sinh vẫn ăn mặc phong phanh, đi chân đất đến trường.
Hơn 7 giờ mới vào lớp, nhưng cổng điểm trường mầm non Cán Chải thường mở từ tờ mờ sương. Mỗi khi gương mặt lũ trẻ hiện ra sau cánh cổng, với cô Tình là một khoảnh khắc khó quên.
Những đứa bé ngủ gật trên lưng mẹ, một vài đứa lớn hơn dắt díu nhau đi bộ. Các em leo qua những con dốc, ngập ngừng chọn chỗ đất khô để dang chân bước trên con đường đất bị xới tung lên sau mỗi trận mưa. Có em đi bộ tới 9 giờ sáng, thậm chí gần trưa mới tới trường.
Mới cách đây gần 8 năm nhưng để trẻ được đến trường đúng tuổi, cô Tình vẫn phải đến từng nhà vận động. Mỗi nhà học sinh cách nhau một quả đồi. Lý do các con chưa được đi học đơn giản là chưa cai sữa, dù đã 3 tuổi. Thay vì được đến trường, các con cùng mẹ lên nương, nằm trên lưng mẹ bất kể nắng mưa.
Có những học sinh đã 5 tuổi nhưng chưa một ngày đến lớp vì nhà xa, đường đến trường khó khăn. Cô giáo phải trèo qua các quả đồi, tìm lên tận nương để gọi em đi học cho kịp hoàn thành chương trình mầm non trước khi vào lớp 1.
Điểm trường mầm non Nà Phung là nơi "gieo chữ" thứ ba của cô giáo Tình, sau các điểm Cán Chải, Nậm Hung và điểm trường trung tâm xã Tân Tiến.
Trước khi được dỡ bỏ để xây mới, năm học mới của các cô giáo tại điểm trường này thường bắt đầu trước một tháng, bằng việc cải tạo lớp học. Người dân trèo lên vá những tấm mái Fibro xi măng bị thủng lỗ chỗ, cô giáo thì trang trí lớp để che đi những mảng tường bong tróc.
Điều kiện lớp học cũ không đủ để tổ chức dạy học cho 35 học sinh mầm non của bản Nà Phung. Các nội dung học như toán, môi trường xung quanh, tạo hình… rất khó để thực hiện vì thiếu không gian. Một bàn học tiêu chuẩn dành cho 2 học sinh nhưng các em phải ngồi từ 3-4 bạn.
Cô Tình đang dạy lớp ghép từ 2-5 tuổi. Cô sắp xếp và đặt mục tiêu phù hợp cho từng lứa tuổi. Ví dụ, trong tiết học tạo hình vẽ bông hoa, cô cho các em lớp 5 tuổi tự vẽ và tô, 4 tuổi vẽ theo nét chấm mờ và tô màu còn 3 tuổi chỉ phải tô vào hình vẽ sẵn.
Học sinh ở đây lớn lên từ những bữa cơm quanh quẩn rau luộc, thịt rang, trứng rán, đậu phụ. Các em thích nhất bữa xế với các món bánh, sữa, xôi hoặc bún. Đó là những bữa cơm ngon nhất mà các em được ăn, hấp dẫn phụ huynh đưa con đến trường. Ở nhà với bố mẹ, các em quanh năm ăn cơm trắng với rau, mỗi tuần thường chỉ được ăn một bữa cơm với thịt vào ngày có chợ phiên.
Cũng từng có đôi lần, trong bữa cơm, vợ chồng cô Tình thủ thỉ với nhau về dự định rời bản làng để đi xuất khẩu lao động, kiếm tiền cho đỡ vất vả. Câu chuyện đó nửa đùa, nửa thật.
"Nếu để có lợi về mặt kinh tế thì nên đi, nhưng tôi vẫn quyết tâm ở lại bám bản, giữ lấy công việc đang ổn định. Cuộc sống của tôi gắn liền với sự bình yên và tiếng cười của trẻ em nơi đây", cô Tình tâm sự.
Nội dung: Quang Trường
Thiết kế: Duy Toàn