(Dân trí) - Tìm đến nhà học sinh, thầy Tùng chưa kịp thưa chuyện đã bị đề nghị như vậy.
"THẦY UỐNG MỘT CHÉN RƯỢU, HÚT MỘT ĐIẾU THUỐC, PHỤ HUYNH MỚI CHO CON ĐI HỌC"
Khi tìm đến nhà học sinh, thầy Tùng chưa kịp thưa chuyện, phụ huynh đã châm ngay một điếu thuốc lào, rót bát rượu to để mời...
Tháng 9/1998, thầy giáo trẻ Phùng Thế Tùng viết thư gửi về cho bố mẹ để "ôn nghèo, kể khổ" sau khi nhận nhiệm vụ đầu tiên tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Những khó khăn vất vả của một thầy giáo vùng cao vượt quá sức tưởng tượng của chàng trai khi ấy mới 21 tuổi.
Bức thư gửi từ tháng 9, nhưng đến tháng 10 mẹ của thầy Tùng, cũng là một nhà giáo, mới nhận được. Từ quê nhà tại Phú Thọ, bà viết thư hồi âm ngay cho con trai. Đến tháng 11, bức thư tới tay thầy Tùng.
"Mẹ tôi bảo bây giờ con đã đang phục vụ cho nhà nước, theo con đường mà con đã chọn. Con vinh dự được hưởng lương Nhà nước trả. Ngày xưa bố con tham gia chiến tranh còn khó khăn vất vả đến nhường nào, chỉ mong sống sót trở về với người thân. Thế hệ của bố, các bác, các chú con là bộ đội còn chịu được, huống chi là mình. Bức thư đó là động lực lớn nhất để tôi bám trụ lại vùng cao đến thời điểm này", thầy Tùng nhớ lại.
Hơn 20 năm sau bức thư ấy, thầy giáo Phùng Thế Tùng hiện đang là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chảy. Học sinh trường Nậm Chảy được học trong những dãy nhà 2 tầng khang trang sạch đẹp, nô đùa dưới nền bê tông rộng rãi có sân khấu văn nghệ, sân bóng rổ, bóng chuyền…
Trong không gian rộn tiếng nô đùa của học trò, thầy Tùng nhận xét: "Các thầy cô trong nhà trường giờ có thể tập trung tối đa cho công tác giảng dạy, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Tỷ lệ chuyên cần luôn đạt 100%. Cơ sở vật chất được đầu tư phát triển…".
Những báo cáo rất cơ bản, nhưng hơn 20 năm về trước, đó là mơ ước của thầy Tùng cùng đồng nghiệp và học sinh nơi đây.
Thầy Tùng quê ở Phú Thọ, vừa tốt nghiệp sư phạm tại Lào Cai đã nhận thông báo ký hợp đồng làm việc với Phòng GD&ĐT huyện Mường Khương. Ngày đi ký hợp đồng, thầy Tùng đi lạc lên một cái nương không có dấu chân người, hỏi đường thì không ai biết tiếng phổ thông. Khoảng cách chỉ 10km nhưng thầy mất gần một ngày đường mới ra đến trung tâm huyện.
Ngày đầu tiên đi làm, các thầy cô đi bộ vào đến điểm trường heo hút. Lần đầu tiên thầy Tùng phải đi bộ gần 15km, "đúng là thử lửa, mình thấy anh em đi được mình cũng quyết tâm, về đến nơi thì chân cứng đơ không thể đi lại nữa".
Ở đây cái gì cũng thiếu. Không điện, không xe, không đèn pin, đèn dầu. Các thầy đốt một đống lửa để sưởi, nguồn sáng duy nhất bập bùng trong đêm soi cho người thầy soạn giáo án.
"Tối thiểu nhất là cái ô mà mình cũng không có, có hôm đi đường gặp mưa gió phải chui vào hang đá chờ cho tạnh mưa mới đi tiếp", thầy Tùng kể.
Hết một tuần làm việc, thầy cô kéo nhau về thị trấn, việc đầu tiên là mua đèn pin, hộp diêm, nến, chiếc ô. Con đường từ thị trấn về điểm trường được thầy Tùng đo bằng thời gian đi bộ từ sáng đến chiều. Thức ăn không thể mua ngoài chợ, vì chưa kịp mang về trường đã bị ôi, thiu. Giáo viên vùng cao quanh năm "làm bạn" với cá khô, lạc rang.
Bà con xung quanh điểm trường mang rau và bí ngô đến cho đầy một gầm giường để thầy cô ăn dần. Họ quý nhà giáo, nhưng chỉ có rau để biếu. Thỉnh thoảng mổ lợn, họ lại phần cho thầy cô miếng thịt. Đó là những lần hiếm hoi thầy Tùng được ăn đồ tươi.
Mấy thầy cô được phân công dạy học ở một thôn chưa có lớp học, phải học nhờ nhà dân. Thầy Tùng vận động bà con dựng một căn nhà gỗ lợp mái gianh, vách nứa chia làm 2 lớp học và một phòng ở. "Đấy là tôi còn may hơn các đồng nghiệp khác phải dạy nhờ ở chuồng trâu, chuồng bò nhà dân".
Hai thầy giáo luân phiên nhau lên lớp dạy cả trẻ con và người lớn. Có lớp xóa mù chữ vài chục người học chỉ để biết viết họ tên mình.
"Trước đó tôi chưa bao giờ hình dung ra cuộc sống của mình ở đây lại vất vả đến thế. Lúc đó tôi mới hơn 20 tuổi, cảm thấy chán nản lắm. Nhưng mà gặp được đồng nghiệp, thấy họ cũng khổ như mình mà vẫn cống hiến được, lại đọc được thư hồi âm của mẹ. Tôi hạ quyết tâm sát cánh với các thầy cô để theo con đường mình chọn", thầy Tùng nói.
Để dạy học thì phải có học sinh, nhiệm vụ đầu tiên của thầy Tùng là gõ cửa từng nhà vận động học sinh đến lớp.
Thầy cầm danh sách ghi tên học sinh, tên thôn bản vùng cao mà không tài nào đọc chính xác, nên hỏi nhà ai cũng không biết. Tìm đến nhà học sinh, căn nhà trống trơn, phụ huynh lấy một khúc gỗ dùng để kê thái rau lợn đặt xuống mời thầy giáo ngồi. Thầy chưa kịp thưa chuyện, phụ huynh đã châm ngay một điếu thuốc lào, rót bát rượu to mời thầy.
"Thầy giáo phải uống một bát rượu, hút một điếu thuốc thì tôi mới cho nó đi học", phụ huynh quả quyết.
Thầy giáo trẻ chưa từng hút thuốc, đành đưa điếu thuốc lào lên miệng hút một hơi, cố sao cho có khói bay ra. Uống xong bát rượu, mặt thầy đỏ bừng, trước đó thầy Tùng cũng chưa hề biết uống rượu.
"Nhưng vì công việc phải chấp nhận như thế thì mới vận động được phụ huynh cho con đi học", thầy Tùng nói.
Quanh điểm trường ngày ấy, nhà nào cũng có năm sáu đứa nhỏ gần tuổi nhau, họ tên gần giống nhau và học chậm tuổi. Thầy Tùng gọi một học sinh đi học thì mấy anh em trong nhà cùng kéo đến, không biết đâu là học sinh của mình. Đứa nào cũng muốn đi học, thầy cho cả vào lớp. Vậy là lớp học có những học sinh cách nhau 6-7 tuổi.
Những buổi học đầu tiên, thầy Tùng nói câu nào học sinh cũng nhại theo câu đó. "Các em gần như là nhại lại chứ không ý thức được là tôi đang giảng bài". Thầy dặn là phải nghe thầy Tùng giảng xong mới được nói. Học sinh cũng "phải nghe thầy Tùng giảng xong mới được nói".
Sau khi nhận thông tin của thầy giáo, những đứa trẻ vùng cao chỉ biết trả lời bằng đúng một từ, là từ "nhớ".
"Các em cơm chưa?", "Về nhà làm bài tập nhé?" - thầy Tùng hỏi. "Nhớ" - học sinh đáp.
Thầy Tùng dạy các em phải trả lời "vâng ạ" chứ không được "nhớ". "Các em đã rõ chưa" - thầy Tùng hỏi lại. "Nhớ" - học sinh đáp. "Thầy vừa dặn trả lời là vâng ạ cơ mà, rõ chưa?" - thầy cáu. "Vâng ạ" - học sinh đáp.
"Tôi phải mất rất nhiều thời gian để rèn cho các em kỹ năng giao tiếp. Vì ở trên này vốn tiếng Việt hạn chế. Họ quen giao tiếp như vậy rồi. Để tạo một lớp có nề nếp cực kỳ khó. Phương châm của nhà trường ở thời điểm đó chưa đòi hỏi phải học giỏi, mà cố gắng để học sinh đọc thông viết thạo, đi chợ mua hàng biết tính toán, gặp thầy cô biết chào hỏi. Đấy mới là mục tiêu quan trọng nhất", thầy Tùng cho biết.
Học sinh của thầy Tùng giờ đã được học trong phòng học khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ chuyên cần đạt tuyệt đối.
Đến tận bây giờ, trong tư duy của nhiều người vùng cao vẫn cho rằng đi học phải được làm cán bộ. Thấy có những đứa học xong vẫn phải đi làm ruộng, nên họ chỉ cho con học ít, ở nhà đi cày bừa, phát nương, chăn trâu bò. Cả thầy cô, cán bộ biên phòng, chính quyền xã vào cuộc vận động, đưa ra các ví dụ người đi học có hiểu biết làm ăn, sinh sống nhàn nhã hơn, kiếm được tiền mua xe máy thay vì đi ngựa, ra đường không bị lạc.
Năm ngoái, trước ngày chuyển công tác từ xã Tả Gia Khâu sang xã Nậm Chảy, thầy Tùng mang một sấp giấy đến phòng truyền thống của đội, cân được tròn 1kg. Thầy xin phép người kế nhiệm mình cho thầy để lại. Đó là những bức thư mà các thế hệ học trò gửi tặng thầy trong dịp các em chia tay trường tiểu học. Thầy Tùng gom lại suốt mười mấy năm công tác ở đây.
Quà chia tay của học sinh là những bức thư tự thiết kế. Các em xé giấy ô ly gấp thành phong bì, viết thư, vẽ hình, tô màu. Trong thư, học sinh kể lại những lần thầy Tùng quát, lần bị phạt, những đêm thầy đến kiểm tra giờ giấc các em… bọn trẻ tâm sự với thầy những việc nhỏ nhất.
"Tôi bảo với thầy tổng phụ trách đội là dù chữ xấu hay đẹp, học giỏi hay dốt không quan trọng. Mình lưu lại những bức thư này trong phòng truyền thống để những thế hệ học sinh sau biết ngày xưa có những anh chị nghịch ngợm, hư đến thế nào nhưng khi rời trường cũ vẫn rất tình cảm với thầy.
Những học sinh như thế giờ có em đang là cán bộ xã, là giáo viên. Có những em nghịch, nghênh ngang, lớn lên nó lại tình cảm với thầy nhiều hơn. Ngày 20/11, các em đến thăm, trò chuyện với thầy. Tôi rất mừng là những học sinh cũ quay về đúng nơi mình sinh ra và lớn lên để cống hiến; đó là điều mãn nguyện nhất của người thầy vùng cao", thầy Tùng nói.