Bà giáo vùng cao kể chuyện "giằng" học sinh với phụ huynh
(Dân trí) - Có thời, học sinh sẽ đến lớp học hay đi chăn trâu phụ thuộc vào việc bà giáo Chung có "giằng" được chúng từ tay bố mẹ hay không...
Hai chục năm trước, có một lứa học trò thường đứng ở giữa, cô giáo và bố mẹ mỗi người kéo một bên. Giờ đây, họ đã là phụ huynh đưa con đến trường, gặp cô Chung, họ dặn con: "Đây là cô giáo dạy bố ngày xưa, con phải gọi là bà cô giáo đấy".
Một buổi sáng mùa đông năm 2005, cô giáo Đào Thị Chung đang dạy học, một cán bộ xã chạy vào báo có người muốn gặp qua điện thoại, một cuộc gọi khẩn cấp. Cô Chung chạy bộ lên ủy ban xã nghe máy. Ở đầu dây bên kia, một giọng nói nghẹn lại: "Chị ơi, mẹ mất rồi, chị phải về ngay".
Lúc đó cô Chung chỉ còn biết khóc. Cô thu xếp đồ đạc về quê chịu tang mẹ, bà con động viên "xong công việc cô nhớ lên với bà con, đừng bỏ các em nhé". Nhưng chuyến ấy về, cô không chắc mình sẽ quay lại.
Từ Lào Cai, đi 2 ngày đường mới về đến quê nhà ở Vụ Bản (Nam Định), cô Chung chỉ kịp đưa mẹ ra đồng, mà không được nhìn mẹ lần cuối.
Tết năm 2004, cô Chung về ăn Tết rồi lên Lào Cai dạy học, rồi từ đó không còn gặp mẹ nữa. Trước lúc mẹ mất 3 tháng, cô biết mẹ ốm nhưng không thể về. Các em ở quê bảo "chị cứ yên tâm công tác, ở nhà các em lo, khi nào bần cùng quá em sẽ gọi cho chị".
Nhưng đến lúc mẹ yếu, không ai gọi được cô Chung, vì sóng điện thoại trên bản lúc có lúc không. Đến ngày mẹ cô mất, chiếc điện thoại ở ủy ban xã có sóng trở lại.
"Lúc đó, tôi về quê vừa chịu nỗi đau mất mát người thân, vừa nhìn cuộc sống dưới quê đầy đủ sung túc quá, còn ở trên bản khó khăn chồng chất. Tôi có tư tưởng là hay thôi mình ở nhà, không lên nữa.
Ở nhà được một vài ngày, tôi lại nhớ đến lời bà con dặn mình đừng bỏ các em, cô lên với các em. Bố tôi lúc đó hơn 70 tuổi rồi, ông cũng động viên tôi trở lại trường. Mặc dù biết là khó khăn, gian khổ nhưng cứ nghĩ đến các em, trên bản đang rất cần mình, mình về thì các em lại bỏ học đi chăn trâu mất. Tôi lại khăn gói lên non", cô Chung kể.
Cô Đào Thị Chung sinh năm 1967, học xong phổ thông tại quê nhà, cô lên học lớp sư phạm của tỉnh Lào Cai để thỏa mong muốn khám phá những miền đất mới.
Năm 1994, cô bắt đầu dạy học tại huyện Mường Khương. Năm đó, cô Chung đi bộ từ thị trấn Mường Khương vào bản dạy học bằng con đường mòn ngựa đi, hai bên cây cối um tùm, hôm nào trời mưa, con vắt nhảy lên người. Bà con thấy khách đến bản lấy làm lạ chạy ra xem, họ không biết tiếng phổ thông.
Mỗi điểm trường chỉ có một đến hai lớp học làm bằng phên nứa, lợp mái gianh. Những đêm mùa đông, chăn màn lúc nào cũng ướt vì sương gió lùa vào. Mỗi tuần các cô giáo ra thị trấn mua thức ăn một lần, mang về toàn cá khô. Đến giữa tuần là hết thức ăn, hai cô giáo chạy vào bản xin bà con nắm đậu tương đã phơi khô gói vào lá, lấy củi đập nát ra rồi nấu với hành khô.
"Ăn rất ngon, có thể ngày đó thiếu thốn nên ăn gì cũng ngon, đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in mùi vị món đậu tương đó. Dạy học trên bản cũng bận rộn, nên chị em chúng tôi không có thời gian để buồn chán hay nghĩ ngợi. Chỉ có ban đêm vắng lặng, mình chỉ thấy tiếng côn trùng kêu, tiếng rừng rú, nhất là những đêm mưa thì nỗi buồn càng sâu sắc hơn", cô Chung cho biết.
Ban ngày dạy học, tối cô Chung theo công an viên và trưởng thôn đến vận động học sinh đến lớp. Phụ huynh khăng khăng rằng "nhà không có người cõng em, nó phải ở nhà". Cô Chung đành cho học trò vừa cõng em vừa học bài, một buổi đi học còn một buổi cho về đi chăn trâu.
Phụ huynh bảo "con trâu ở nhà từ sáng nó sẽ làm hỏng chuồng, dứt dây đi mất". Cô Chung lại nhận nhiệm vụ cột trâu, coi trâu. Có hôm cột không chắc, con trâu phá chuồng đi mất, phụ huynh đến lớp bắt đền, tất cả cô trò lại đổ xô đi tìm trâu.
"Buổi sáng, chúng tôi phải dậy thật sớm đến các thôn gọi học sinh đi học. Khi đến thì họ đang nấu cám cho lợn và một nồi ngô để ăn cả ngày. Tôi mang theo lá chuối, vào trong nhà họ xúc một ít mèn mén, trộn ớt gói vào cho các em mang đến trường. Có hôm tôi còn phải tranh học sinh với phụ huynh. Tôi ôm học sinh kéo đi, còn phụ huynh túm áo lại bảo "đi học thì có làm ra ngô đâu'".
Thường thì bà con trên này họ rất thật thà, không đòi hỏi gì cả. Họ chỉ nghĩ là con họ đi thì việc nhà không ai làm. Họ rất quý cô giáo, có quả trứng hay con gì người ta cũng biếu. Những năm đầu đi dạy khó khăn như vậy đấy", cô Chung kể.
Học sinh đi học bằng đường rừng, vào mùa mưa cây cối um tùm, đến trường là chúng ướt hết quần áo. Sáng nào các cô cũng đi lấy củi vể đốt thành đống ở giữa sân trường, đun một nồi nước cho các em rửa chân tay, cô trò ngồi xung quanh vừa học vừa hong khô quần áo. Có em chỉ có một hai manh áo, đi chân trần, môi tím tái lại.
Rét cắt da cắt thịt nhưng các em không bỏ buổi nào, trừ khi bố mẹ không cho đi học thì phải chịu. Ngoài giờ học, các học sinh lớn bổ củi, mang ống tre theo cô giáo đi lấy nước. Mùa măng rừng tháng 2, học sinh đi rừng về qua trường ngày nào cũng biếu cô giáo vài cây măng.
"Giờ các em ấy đã có gia đình, tôi lại dạy con của các em. Học sinh bố đưa học sinh con đến lớp bảo đây là cô giáo của bố ngày xưa, con phải gọi là bà cô giáo đấy", cô Chung nói.
Ngày 20/11 gần chục năm về trước, cô Chung cầm trên tay bó hoa dại và khóc nức nở giữa sân trường. Bó hoa dã quỳ mà học sinh rủ nhau đi hái về, kết lại tặng cô. Món quà đầu tiên, cũng là khởi đầu cho việc học sinh vùng cao biết quan tâm đến cô giáo vào ngày lễ.
Có lần, đêm trước ngày cô Chung chuẩn bị về quê ăn Tết, cô nghe thấy tiếng sột soạt qua phên nứa. Sáng dậy, cô thấy có 2 gói kẹo "cởi trần" không có giấy bọc, học sinh đẩy vào nền nhà cùng một tờ giấy ghi "Chúc cô về quê ăn Tết may mắn". Món quà Tết đến giờ cô Chung vẫn không quên.
"Ở trên này đến bây giờ việc tặng quà cho giáo viên nhân các ngày lễ cũng không nhiều, đến năm vừa rồi các em mới biết mua một bông hoa hồng tặng cô", cô Chung nói.
Lên vùng cao dạy học, cô Chung nên duyên với một thầy giáo người Nùng. Để đến với nhau, hai thầy cô phải vượt qua định kiến vùng miền. Hai bên gia đình nhất định không cho lấy người dân tộc khác.
"Bố tôi có khuyên là con lấy người công tác trên này cũng được nhưng phải cùng quê với mình, sau này còn có điều kiện về với bố mẹ. Còn bên nhà chồng sợ người Kinh khôn lanh ở xa đến, không biết lối nào mà lần", cô Chung kể.
Biết vậy, cô Chung quyết định chia tay. Thầy hiệu trưởng biết chuyện, khuyên: "Theo anh, người em đang tìm hiểu rất tốt, anh nghĩ trái tim em mách bảo thế nào thì nên làm theo".
Chồng cô bảo: "Bây giờ gia đình nào cũng cấm, vậy nếu em còn yêu anh thì hai đứa đi đăng ký kết hôn rồi báo cáo cơ quan là xong".
"Không, em còn gia đình, bạn bè, em không làm thế được. Nếu gia đình anh đồng ý thì em sẽ thuyết phục gia đình em, không thì thôi", cô Chung quả quyết.
Thuyết phục bố mẹ không được, chồng cô Chung lên trường ở liền 4 tháng, nhất quyết không về nhà. Bố mẹ đi hỏi thăm khắp nơi mới biết nguyên nhân, đành phải đồng ý cho hai người lấy nhau, hứa đến cuối năm sẽ tổ chức.
"Tôi sinh cháu lớn xong, nghỉ hết chế độ là tôi nhờ ông bà trông. Ngày đó, tôi phải ở trong trường không về được vì đường xa, đi lại khó khăn. Sau đó lại cho cháu ở với bố, cuối tuần mới về thăm con.
Lần đầu về thì hàng xóm bảo là đêm nào cháu cũng khóc gọi mẹ ơi, nhưng đến lần thứ ba về thì người ta bảo tuần vừa rồi nó không gọi mẹ ơi nữa mà gọi bố ơi...", cô Chung kể.