(Dân trí) - Tuần qua, tin tức giáo dục sôi động với dải thông tin công bố điểm thi Tốt nghiệp THPT. Trong đó, môn Lịch sử "đội sổ", phổ điểm môn tiếng Anh xuất hiện 2 đỉnh gây xôn xao.
Theo thống kê của phóng viên báo Dân trí, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, cả nước có 1281 bài thi bị điểm liệt (bằng hoặc dưới 1,0 điểm).
Những thí sinh có môn thi bị điểm liệt sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời không thể sử dụng kết quả của tổ hợp môn thi có điểm liệt để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Môn Lịch sử đứng đầu về số lượng, có 540 bài thi bị điểm liệt môn này, chiếm tỉ trọng 42,15% số lượng điểm liệt của tất cả các môn.
Đứng thứ hai là môn Văn, có 172 bài thi bị điểm liệt.
Thứ ba là môn Ngoại ngữ có 145 bài thi bị điểm liệt. Trong số này môn Tiếng Anh có 144 điểm liệt, Ngoại ngữ khác có 1 điểm liệt.
Môn Toán có 119 bài thi bị điểm liệt.
Môn Địa lý có 118 bài thi bị điểm liệt.
Môn Sinh học có 75 bài thi bị điểm liệt.
Môn Hóa học có 58 bài thi bị điểm liệt.
Môn GDCD có 29 bài thi bị điểm liệt.
Môn Vật lý có 25 bài thi bị điểm liệt.
Theo thống kê, Hà Nội có số lượng điểm liệt cao nhất (209 điểm liệt các môn). Trong đó, Lịch sử có 76 điểm liệt, Địa lý có 32 điểm liệt, Ngữ văn có 21 điểm liệt, Toán có 17 điểm liệt, Ngoại ngữ có 15 điểm liệt, GDCD có 12 điểm liệt, Sinh học có 9 điểm liệt và Vật lý có 7 điểm liệt.
Tuy nhiên, số lượng điểm liệt của Hà Nội cao có thể lý giải bằng việc Hà Nội có số lượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước với 101.326 thí sinh đăng ký dự thi. Vì vậy, số lượng điểm liệt của Hà Nội so với số lượng thí sinh dự thi chỉ chiếm khoảng 0,2% (tỷ lệ này mang tính chất tương đối, không loại trừ trường hợp một thí sinh bị nhiều điểm liệt).
Các địa phương khác cũng có số lượng điểm liệt cao lần lượt là Thanh Hóa (78), Nghệ An (75), Quảng Ninh (48), TPHCM (47), Đồng Nai (34), Thái Nguyên (32), Đắk Lắk và Hải Dương (31), Đà Nẵng (30).
Đáng chú ý, Bạc Liêu là địa phương duy nhất không có bài thi bị điểm liệt. Tỉnh này có 6.351 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT (có 5.979 thí sinh dự thi), được phân bổ tại 14 điểm thi trên địa bàn tỉnh với 274 phòng thi.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2021 của tỉnh đạt 99,6%, liên tiếp 5 năm liền nằm trong top 10 của cả nước.
Đặc biệt, cả tỉnh có 20 trường THPT thì có đến 19 trường đỗ nghiệp 100%. Trong 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện thì có một đơn vị đỗ tốt nghiệp 100%, là huyện Hòa Bình.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng có điểm thi trung bình đạt 6,714 điểm, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành trên cả nước.
Chiều ngày 26/7, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh đã giải đáp về một số vấn đề về phổ điểm thi trong đó môn tiếng Anh gây xôn xao dư luận.
Về hiện tượng phổ điểm môn tiếng Anh khác lạ so với mọi năm có 2 đỉnh chóp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh cho biết: "Bộ GDĐT đã phân tích chi tiết phổ điểm môn tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo đó, phổ điểm chung của cả nước đối với môn thi này xuất hiện 2 đỉnh và dường như là phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn. Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn.
Cũng cần nói thêm rằng, phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm thi tiếng Anh của một số tỉnh thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn ngoại ngữ giữa các quận, huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau".
Theo ông Trinh, để có cách nhìn toàn diện, chính xác với phổ điểm môn tiếng Anh, Bộ đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở các vùng miền khó khăn và vùng miền có điều kiện dạy học thuận lợi.
Đối với nhóm thí sinh thuộc vùng miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…, đặc biệt 2 năm qua bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em phải học trực tuyến khiến việc học ngoại ngữ bằng hình thức này có những thiệt thòi nhất định.
Kết quả phân tích phổ điểm của nhóm thí sinh thuộc vùng miền này cho thấy điểm trung bình thấp hơn nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn.
Tương tự phân tích với nhóm thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn thì kết quả điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn.
Ông Trinh cho rằng, việc phân tích như vậy cho thấy, đề thi môn tiếng Anh năm nay đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh cũng như phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Theo UBND TPHCM, tình hình dịch Covid-19 tại thành phố diễn biến rất phức tạp, số ca mắc mới mỗi ngày trên 3.000 ca.
Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 khó có thể thực hiện, không tạo được tâm lý an tâm cho phụ huynh và cả thí sinh; khó thực hiện toàn diện vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Trước tình hình này, UBND TPHCM đề xuất Bộ GD-ĐT xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2. Các trường hợp thi đợt 2 có thể xem xét theo điều kiện có việc đột xuất đặc biệt để xem xét đặc cách.
Đối tượng là 3.234 thí sinh đăng ký tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT TPHCM chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 (trừ các thí sinh đã bị đình chỉ thi hoặc hủy bỏ bài thi) và có đăng ký thi đợt 2.
Cũng trong tuần qua, Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản về việc không tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội hướng dẫn các đơn vị, nhà trường thông báo tới tất cả thí sinh đã đăng ký dự thi đợt 2 về chủ trương của thành phố không tổ chức kỳ thi.
Các thí sinh đã đăng ký dự thi sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Các đối tượng được xét đặc cách tốt nghiệp gồm: Thí sinh đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; thí sinh không bị kỷ luật đình chỉ thi tại đợt 1; thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 trong các ngày 7 và 8/7/2021; thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 1 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Với tổng số 57,45 điểm, Trần Ngọc Anh, học sinh lớp 12 Văn, Trường THPT Hà Nội - Amsterdam là thí sinh có điểm số cao nhất cả nước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021.
Ngọc Anh đạt 9,2 điểm môn Toán; 9,25 điểm môn Ngữ văn; 9,5 điểm ở hai môn Lịch sử và Địa lý; điểm 10 tuyệt đối ở môn Ngoại ngữ và Giáo dục công dân.
Đạt tổng điểm 29,15, Bùi Thị Ngọc Quỳnh (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Kon Tum) trở thành thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển khối D cao nhất cả nước sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021.
Cụ thể, nữ sinh Kon Tum đạt 9,4 điểm Toán; 9,75 điểm Ngữ văn và 10 điểm môn Tiếng Anh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vừa qua, thí sinh Trần Cao Sơn, học sinh Trường THPT Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng đã đạt điểm cao nhất các môn thi tính theo khối A với 29,55 điểm. Với thành tích đó, Sơn trở thành thủ khoa khối A0.
Em Võ Thị Kim Anh, học sinh lớp 12 Toán 1 Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, trở thành thủ khoa khối B toàn quốc. Với 30 điểm tuyệt đối, cô học trò đã chạm vào giấc mơ trở thành bác sĩ.
Thủ khoa khối C Bùi Quốc Bảo (lớp 12D1 Trường THPT Lý Tự Trọng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đạt 29,25 điểm ba môn khối C (văn, sử, địa) thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Quốc Bảo đạt 9,25 điểm môn Ngữ văn, 10 điểm môn Lịch sử và 10 điểm môn Địa lý. Em cũng là thí sinh duy nhất đạt 2 điểm 10 của khối C.
Cùng với Bùi Quốc Bảo, thí sinh Đinh Thị Kim Ngân, học sinh lớp 12C3 Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An là thí sinh thứ hai đạt 29,25 điểm ở khối C.
Với tổng điểm 29.55 gồm 9.8 điểm Toán, 9.75 điểm Vật lý và 10 điểm tiếng Anh, thí sinh Thân Trọng An - trường THPT Lục Nam, Bắc Giang - đã trở thành thủ khoa khối A1 toàn quốc.
Thân Trọng An học lớp 12 A1 trường THPT Lục Nam là thí sinh có điểm khối A1 (Toán, tiếng Anh, Vật lý) cao nhất cả nước.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh lịch tuyển sinh ĐH,CĐ với phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả 2 đợt thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Cụ thể như sau:
Về tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh theo quy định, cơ sở đào tạo cập nhật danh sách trúng tuyển vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT và gửi kết quả xét tuyển thẳng cho các sở GDĐT để thông báo cho thí sinh lịch điều chỉnh như sau: Trước 17h00 ngày 12/8 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 1 (có thể tiếp nhận hồ sơ của các địa phương nếu có); Ngày 01/9 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 2
Thí sinh trúng tuyển thẳng gửi Hồ sơ và xác nhận nhập học tại các CSĐT trước 17h00 ngày 22/8 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 1. Trước 17h00 ngày 3/9 đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT đợt 2.
Chậm nhất ngày 26/8, Bộ GDĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe.
Trước 17h00, ngày 28/8, điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT và trang thông tin điện tử của CSĐT.
Từ ngày 29/8 đến 17h00 ngày 05/9, thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT (thí sinh chỉ được điều chỉnh theo phương thức trực tuyến). Thí sinh điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, khu vực (thực hiện bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ) .
Từ ngày 13/9 đến 17h00 ngày 15/9, thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo Quy chế tuyển sinh.
Trước 17h00 ngày 16/9, công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h00 ngày 26/9 (tính theo dấu bưu điện).