(Dân trí) - "Trong các chế độ chính sách với nhà giáo, bằng mọi cách chúng tôi cố gắng để có thể cải thiện đời sống của nhà giáo và hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ đem lại được kết quả khả quan".
"Trong các chế độ chính sách với nhà giáo, bằng mọi cách chúng tôi cố gắng để có thể cải thiện đời sống của nhà giáo và hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ đem lại được kết quả khả quan".
Trên đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn với PV Dân trí nhân dịp đầu năm mới về những khó khăn, thách thức trong công tác giáo dục thời gian tới.
- Năm 2022 đối với ngành giáo dục, có thể tóm lược ngắn gọn trong mấy từ khóa: Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan.
Trước hết đó là những thách thức nảy sinh trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục và đào tạo.
Đối với giáo dục phổ thông, sự đổi mới được thực hiện với tốc độ rất nhanh. Trong cùng một năm nhưng thực hiện thay đổi về sách giáo khoa, về dạy và học đối với rất nhiều lớp, triển khai đồng thời ở cả 3 cấp.
Trong tiến độ thời gian như vậy, để thực hiện được những việc lớn với một sự kỳ vọng lớn, có thể nói đối với giáo viên, cán bộ quản lý và với toàn ngành, đây là một thách thức.
Bên cạnh đó, những việc lớn, khó được triển khai trong hoàn cảnh chống dịch - thời kỳ chuyển tiếp từ dạy và học trực tuyến sang mở cửa trường học bước vào trạng thái bình thường mới.
Đối với giáo dục đại học, sau một số năm thực hiện Luật 34/2018/QH14, các trường đại học đã có được khí thế mới và những kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, cùng với những khó khăn chung của xã hội, giáo dục đại học cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện tự chủ như về học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ chỉ đạo, không có điều chỉnh, không tăng học phí.
Đặc biệt, một thách thức lớn, một vấn đề nổi bật là sau một thời gian dịch bệnh, một bộ phận giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, nhiều trường mầm non tư thục đóng cửa…, gây thiếu hụt giáo viên.
Trước những thách thức từ bên trong và tác động từ bên ngoài, toàn ngành, từ cán bộ quản lý cho đến toàn thể giáo viên đã thể hiện sự nỗ lực vượt bậc. Trong đó, phải ghi nhận rất cao sự cố gắng của tập thể hơn một triệu giáo viên, một năm qua đã nỗ lực hết mình để đạt những kết quả rất đáng khích lệ.
- Ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung khoảng 107.000 giáo viên. Con số có thể còn biến động trong thực tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên. Thiếu giáo viên vốn do từ nhiều năm về trước đã thiếu, do số lượng bỏ việc, giảm biên chế, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết, thiếu do tăng dân số tự nhiên.
Nếu tính từ khi bắt đầu năm học 2015-2016, tổng số học sinh là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022, số học sinh trên 23 triệu.
Trong khi đó, số giáo viên tại tháng 9/2015 là 1.156.000 giáo viên bậc mầm non đến phổ thông, đến thời điểm tháng 9/2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên.
Số giáo viên chỉ thêm khoảng 71.000 người, trong khi học sinh đã tăng trên 3 triệu.
Có nhiều nguyên nhân việc thiếu giáo viên. Trong đó, thiếu giáo viên do biến động dồn dịch về dân số, một số vùng miền dồn về các thành phố lớn và các khu công nghiệp;
Do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là các nhóm trẻ tư thục dẫn đến giáo việc buộc phải nghỉ việc và tăng từ học một buổi lên 2 buổi/ngày;
Do phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Chẳng hạn như môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2022, còn học sinh THPT học môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Theo con số thống kê, chỉ số giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026 thiếu khoảng hơn 26.000 giáo viên.
- Để giải quyết vấn đề này, vừa qua Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.
Ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng, do đó các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.
Một trong các chính sách rất quan trọng là tăng lương cho giáo viên, chính sách này đang được Chính phủ tính toán, sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.
Giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, số nghỉ việc ở bậc mầm non chiếm trên 40%. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã đề xuất điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.
Một chính sách nữa để giải quyết thiếu giáo viên, đó là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Ngoài ra, các địa phương cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng đảm bảo việc tuyển dụng công khai, công bằng, tránh phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên.
Vấn đề tiêu cực trong tuyển dụng cũng có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển. Đây là điều hết sức lưu ý, đề phòng.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc các chỉ tiêu biên chế.
- Mục tiêu của chúng tôi là phát triển đội ngũ nhà giáo, bao gồm đủ về số lượng và ngày càng được cải thiện, ngày càng được nâng cao về chất lượng, trình độ, phẩm chất, năng lực.
Về số lượng, chúng tôi có rất nhiều kiến nghị về chính sách nên đã được bổ sung một lượng chỉ tiêu giáo viên rất lớn - hơn 65.000.
Trong thời gian từ nay đến một vài năm tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức các kỳ tuyển dụng giáo viên, giảng viên một cách tối ưu.
Tuyển đúng người, công bằng, công khai, minh bạch, chất lượng tốt nhất, đảm bảo bù đắp cho số giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên chuyển việc cũng như đáp ứng được một phần yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy những môn học mới.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy.
Trong các chế độ chính sách với nhà giáo, bằng mọi cách chúng tôi cố gắng để có thể cải thiện đời sống của nhà giáo và hy vọng rằng trong thời gian sắp tới sẽ đem lại được kết quả khả quan.
Để đảm bảo nguồn tuyển đối với giáo viên cho nhiều năm về sau, ngành giáo dục cũng đã có những chính sách thúc đẩy việc đào tạo giáo viên và chuẩn bị nguồn học sinh vào học các trường đại học sư phạm.
Đương nhiên có rất nhiều việc phải làm để có thể phát triển được đội ngũ nhà giáo, trong đó từ việc chuyên môn như tập huấn, nâng cao trình độ cho đến các chế độ, chính sách chăm lo đời sống giáo viên.
- Thời điểm này, ngành giáo dục đào tạo đang trong lộ trình đổi mới hay nói cách khác đang trong lộ trình chuyển đổi. Có rất nhiều cái mới đang được hình thành, triển khai, ra đời.
Quá trình chuyển đổi bao giờ cũng tạo ra những xáo trộn, cái mới bao giờ cũng có những người, những bộ phận có thể đón nhận ngay. Nhưng cũng có những người, những nơi, những vùng cũng cần có thời gian để làm quen và cũng có những người có những phản ứng đối với quá trình đổi mới này.
Đây là một nhiệm vụ lớn mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Giáo dục nên tôi mong rằng, toàn xã hội cũng như các phụ huynh sẽ cùng chia sẻ, đồng hành với các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, với ngành, để cùng nhau hoàn thành được các nhiệm vụ đổi mới.
Nếu như thiếu sự ủng hộ, vào cuộc, đồng hành của phụ huynh thì chắc chắn sự đổi mới này rất khó thành công.
Bên cạnh đó, chính quyền và các địa phương đã quan tâm thì tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa đến việc triển khai nhiệm vụ của địa phương mình theo trách nhiệm, quyền hạn, cũng như vào cuộc cùng với ngành giáo dục để chuẩn bị mọi điều kiện triển khai.
Tôi mong rằng toàn thể nhà giáo ý thức được vinh dự, trách nhiệm, thách thức của sự nghiệp đổi mới để cùng nhau nỗ lực. Không có một sản phẩm của sự đổi mới nào có thể ra đời dễ dàng. Để đạt được thành công lớn phải vượt qua nhiều thách thức lớn.
Nhưng nếu hoàn thành được nhiệm vụ lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho, ngành giáo dục sẽ đạt được những kết quả lâu dài cho đất nước.
Tôi mong rằng, tất cả đội ngũ giáo viên với sự sáng tạo, với trách nhiệm nghề nghiệp rất cao sẽ cùng nhau cố gắng để hoàn thành thật tốt những nhiệm vụ của mình.
Đối với toàn thể các học sinh, sinh viên, tôi mong rằng tất cả các em cũng sẽ đón nhận tinh thần đổi mới của cả ngành. Đổi mới bao giờ cũng ở cả hai phía: Từ phía người dạy đến phía người học. Chúng ta cùng nhau cố gắng để đón nhận những gì tốt đẹp nhất của đổi mới giáo dục đem lại.
Trước thềm, năm mới, tôi mong rằng từ phía xã hội cùng chia sẻ đồng hành với ngành giáo dục, để trong năm mới ngành có thể vượt qua được những thách thức rất lớn và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tháng 1/2023
Thiết kế: Ng. Hiệp