DMagazine

"Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương"

(Dân trí) - Ngoài các kỹ năng chuyên môn, các cô giáo dạy trẻ khuyết tật cần phải có sự tỉ mỉ, nhẫn nại để chờ đợi và lắng nghe từng cử động nhỏ của các em.

"Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương"

Để có thể theo đuổi công việc, các giáo viên phải mang trong mình tình yêu thương trẻ vô điều kiện.

Cảm giác lúc đầu rất sợ...

Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật tại TPHCM hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị cho hàng trăm trẻ em bị khuyết tật, tự kỷ. Mỗi ngày, hàng chục cô giáo ở đây phải chăm lo ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, thay đồ, lo giấc ngủ, dạy kỹ năng... cho từng em một cách cẩn trọng. 

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 1

Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật tại TPHCM

Để có thể trở thành một cô giáo dạy trẻ khuyết tật, các cô đều phải thuần thục mọi kỹ năng chăm sóc trẻ từ căn bản đến nâng cao. Các cô thường chia sẻ với nhau: "Hãy chăm trẻ như chăm chính đứa con ruột của mình" để các em được quan tâm đúng cách nhất. 

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 2
Lớp học đặc biệt đòi hỏi tình yêu thương và sự kiên nhẫn của cô giáo

Với 8 năm trong nghề, cô giáo Nguyễn Thị Nhật Tiên (35 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết đây là công việc đòi hỏi cần một tình yêu bao la. Mỗi cô giáo cũng phải tự hoàn thiện bản thân về mọi mặt để có thể đáp ứng công việc. Công việc này chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với những cô giáo trẻ. 

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 3

Cô giáo Nguyễn Thị Nhật Tiên

"Trước đây em là một giáo viên mầm non. Khi về đây, em được cử đi học một số khóa tập huấn ngắn hạn để chăm sóc cho trẻ tự kỉ. Lúc đầu khi mới làm là em sợ lắm do nhiều trẻ khá hiếu động, nhiều trẻ lại có tay chân không lành lặn. Tuy vậy, thời gian sau em lại cảm nhận được mỗi em có một nét dễ thương, đặc thù riêng và nhờ vậy em đã gắn bó với công việc này", chị Tiên tâm sự. 

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 4
Càng làm càng yêu nghề, cô Nhật Tiên đã chuyên3 từ giáo dục mầm non qua giáo dục đặc biệt được hơn 8 năm
Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 5
Ngay sau khi chuyển sang công việc mới, cô Tiên phải tự học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn.
Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 6
Mỗi ngày chăm sóc các em khuyết tật lại cho cô Tiên một bài học mới và cả những kỹ năng cần khắc phục.
Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 7
Với mỗi trẻ lại cần phải có một cách dạy riêng, chăm sóc riêng nên cô cứ cần mẫn năm này qua tháng khác để tự học hỏi và hoàn thiện mình. 

"Mình ứng dụng rất nhiều các kỹ năng của chuyên môn mầm non vào trong dạy trẻ tự kỷ, khuyết tật. Tuy vậy, việc ứng dụng ra sao, kỹ thuật thế nào, thời gian bao lâu thì tuỳ thuộc vào sự khéo léo của các cô giáo. Đôi khi chỉ cần thực hiện những việc rất nhỏ nhưng đòi hỏi phải kiên nhẫn", cô Tiên chia sẻ thêm.

"Một trường hợp mà em nhớ nhất là một trẻ chậm nói. Tuy vậy, qua một thời gian mà em phát hiện ra là đứa bé này nếu mà nói thầm vào tai thì chịu nói nhưng mà nói to thì nó lại không nói. Từ đó, các bài tập của em sau này là sẽ chơi bằng cách nói thầm, ví dụ như đọc bài thơ Con cá vàng thì cô đọc thầm con cá vàng rồi sau này mình nói to từ từ, em đó tiến bộ rất nhanh", cô Tiên kể lại. 

Cô Tiên cũng cho biết, nhiều trẻ khi ngồi dạy đọc chữ sẽ không chịu đọc. Tuy vậy, nếu các cô giáo tổ chức chơi trò chơi hoặc đưa hình các đồ vật, con vật lên thì các em sẽ biết. Sau thời gian các cô giáo tích cực dạy, đọc thầm, đọc to... các em cũng có thể làm theo. Nhiều em sau một thời gian được chăm sóc đã có thể đọc được sách Tiếng Việt lớp 1 và đọc tên hàng chục con vật. 

Theo cô Tiên, việc dạy các em trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và yêu thương. Nếu cứ cố gắng bắt ép các em thì các em sẽ rất khó tiếp thu, nếu không thực sự yêu thương các em, các em cũng sẽ rất khó hợp tác trong việc chăm sóc, điều trị. 

Trắng đêm canh trẻ bệnh

Chia sẻ thêm về công việc dạy trẻ khuyết tật, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (54 tuổi, ngụ TPHCM) cho rằng sự hy sinh cũng là điều không thể thiếu trong công việc. Với 30 năm trong lĩnh vực chăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, cô Tuyết đã trải qua đủ các buồn vui của nghề.

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 8

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, hơn 30 năm trong nghề giáo dục đặc biệt

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 9
Chia sẻ về nguyên nhân khi làm công việc chăm sóc trẻ khuyết tật, cô Tuyết cho biết sự đồng cảm đã đưa cô đến với nghề.
Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 10
Cô mong muốn mọi đứa trẻ đều được cha mẹ chăm sóc, mọi đứa trẻ đều được nuôi dưỡng một cách đầy đủ nhất. 

"Tôi cũng xuất thân từ giáo viên mầm non, khi tôi biết rằng ở đây đang thiếu giáo viên mầm non để chăm sóc trẻ thì tôi đã nộp đơn và được nhận vào làm. Lúc vào làm thì tôi mới có 23 tuổi, lúc đó tôi bỡ ngỡ hoàn toàn vì bản thân mình ở nhà có cha, mẹ còn những đứa trẻ ở đây thì không có gì cả. Lúc đó tôi khẳng định bản thân phải cố gắng làm để có thể thay thế những người mẹ để có thể chăm sóc cho trẻ", cô Tuyết nhớ lại.

Ngay từ khi mới làm việc, cô Tuyết được giao phụ trách 25 trẻ mồ côi ở độ tuổi từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi. Nhiều đêm, cô Tuyết và các cô tại Trung tâm phải thức trắng đêm để lo ăn, ngủ, uống sữa, thay tã cho trẻ. Những khó khăn của công việc nếu không có sự hy sinh thì không ai có thể trụ lại đến thời điểm hiện nay. 

 "Nếu mà trẻ khỏe thì công việc cũng ít gặp khó khăn nhưng khi trẻ bệnh, sốt, tiêu chảy và phải chuyển đi bệnh viện cấp cứu thì gian nan, vất vả lắm. Những đứa trẻ khác có cha, mẹ, ông bà thay nhau chăm sóc còn đối với những đứa trẻ mồ côi thì chỉ có một mình mình túc trực. Có những lúc chúng tôi không dám ăn uống vì sợ bỏ bóp khí thở cho trẻ thì trẻ bị thiếu khí. Những lúc như vậy mình nghĩ mình phải có trách nhiệm với các em", cô Tuyết chia sẻ.

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 11
Sau 30 năm kinh nghiệm nuôi dạy hàng trăm trẻ mồ côi, khuyết tật, cô Tuyết mong mỏi sẽ không còn những trẻ mồ côi, không còn những trẻ khuyết tật.
Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 12
 Mỗi đứa trẻ sinh ra đều được mạnh khoẻ và được gia đình yêu thương. 

"Khi gia đình sinh ra một đứa trẻ mà không may bị khuyết tật thì tâm lý phụ huynh rất là quan trọng, người ta bị khủng hoảng, rồi chịu áp lực từ nhiều phía. Từ đó, tôi đứng về phía góc độ phụ huynh, nên tôi đã động viên, khích lệ phụ huynh chấp nhận đứa con của mình. Có những đứa trẻ tại đây lúc đầu không biết chào, không biết nói sau một thời gian đã biết “ạ” hoặc là biết gấp máy bay giấy thì chúng tôi vui lắm. Còn có những lúc những trẻ ở đây được mặc áo dài đón các đoàn khách đến thăm, mặc dù không nói nhưng các trẻ biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài làm chúng tôi rất hạnh phúc", cô Tuyết tâm sự.

Cần sự đồng cảm, sẻ chia

Để yên tâm công tác, các cô tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật tại TPHCM phải cân đối giữa công việc và gia đình. Các cô phải thường xuyên trao đổi cùng gia đình vì công việc đỏi hỏi phải hy sinh nhiều thời gian. 

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 13
Nếu gia đình đồng cảm thì công việc sẽ thuận lợi, và sẽ không ít khó khăn nếu thiếu sự đồng cảm chia sẻ. 

"Để cân đối gia đình và công việc ở cơ quan thì đó là sự chịu khó, khắc phục. Mình biến những áp lực công việc thành niềm vui. Mình dành thời gian ít ỏi để chăm sóc gia đình để gia đình đồng cảm và chia sẻ. Khi công việc thuận lợi thì gia đình mới an vui và ngược lại", cô Tiên cho hay. 

Theo cô Tuyết, gần 30 năm qua cô luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình khi theo công việc chăm sóc trẻ khuyết tật. Gia đình cô cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ cô chuẩn bị bài giảng để cô có thể hoàn thành công việc.

"Ví dụ như nhiều bài giảng của mình cần thuyết trình thì con mình cũng hỗ trợ làm bài thuyết trình. Khi đến tết thì tôi đón vài trẻ về nhà ăn tết cùng mình thì con tôi rất quý và thương yêu những trẻ đó. Đồng thời con của tôi cũng chọn con đường học ngành công tác xã hội thì tôi rất vui và hạnh phúc. Bản thân tôi hiện tại đã hơn 50 tuổi và tôi đang muốn trẻ lại thêm 5 hay 10 năm nữa để tôi có thể được cống hiến công sức mình cho các đứa trẻ tại đây lâu hơn nữa", cô Tuyết chia sẻ. 

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương - 14

Các cán bộ ở đây xem hạnh phúc gia đình của học trò làm hạnh phúc của gia đình mình

Theo cô Tuyết và cô Tiên, thời gian qua Ban lãnh đạo Trung tâm cũng thường sâu sát, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động để có thể chăm sóc, hỏi thăm công đoàn viên kịp thời. Từ đó, công đoàn viên an tâm làm việc hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Bộ LĐ-TB&XH đã giao cho trung tâm. 

Phạm Nguyễn - Xuân Hinh