Cô giáo về hưu dạy văn trên TikTok bị ném đá, bỡn cợt: "Tôi khác người lắm"
(Dân trí) - Hơn 30 năm trước, sau khi nghỉ mất sức, lớp học thêm của cô Ngô Thúy Trình vẫn nườm nượp học sinh đến học. Khi đó, cô đã nghe đủ lời chê bai thậm tệ về mình.
Những ngày qua, nhiều người không khỏi bức xúc trước hàng loạt lời bình phẩm khiếm nhã các video dạy học của cô giáo Ngô Thúy Trình ở Ninh Bình trên mạng xã hội TikTok. Thậm chí, nhiều người còn "ném đá" cô giáo già với loạt từ ngữ nặng nề.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc chia sẻ với cô Ngô Thúy Trình quanh câu chuyện này.
"Nếu dạy online, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền"
Thưa cô, cô nghĩ gì trước những lời bình luận tiêu cực về cô và những bài giảng của cô trên TikTok?
- Có hàng ngàn tin nhắn, bình luận, tôi chỉ lướt qua một số bình luận thôi chứ mình thời gian đâu mà đọc hết.
Tôi khác người lắm! Những đánh giá của dư luận không ảnh hưởng tí ti nào đến tôi, trái lại những lời chê bai, công kích còn là động lực để tôi tiếp tục phát thêm những bài giảng của mình trên TikTok.
Nếu dạy online, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền đấy nhưng giờ tôi dạy, tôi làm không phải vì tiền. Việc tôi làm không vụ lợi mà tôi muốn lan tỏa đam mê văn chương, để ai cũng có thể tiếp cận miễn phí…
Bên cạnh những lời bỡn cợt, chê bai cũng có nhiều lời động viên, khen ngợi kia mà. Tôi quan niệm khen đúng là bạn ta, chê đúng là thầy ta. Còn khen không đúng là kẻ thù của ta, còn chê không đúng là đố kỵ với ta.
Nhưng dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng không dễ dàng đối diện với những lời chê bai?
- Mình không để những lời chê bai ảnh hưởng nhưng thật ra cũng có lúc tức lắm chứ. Tôi an ủi mình, nếu vì ghét nhau, chửi nhau mà chết thì mình có mà chết từ lâu rồi.
Những lời chê bai, bình phẩm này tôi đã từng trải qua hàng chục năm qua. Khi nghỉ mất sức hơn 30 năm trước, tôi về mở lớp dạy thêm tại nhà, dù đã nghỉ dạy nhưng lớp học thêm của tôi đông học sinh đến theo học lắm.
Khi đó, không ít người dèm pha: "Cô Trình lớn tuổi rồi, lạc hậu rồi, sao cứ đến đó học". Nhiều phụ huynh cũng thắc mắc: "Cô Trình nghỉ rồi, con đến nhà cô học làm gì nữa".
Nhiều học sinh nghe lời chê tôi như vậy, nói với bố mẹ: "Bố mẹ cứ cho con tiền học, còn con tự chọn thầy".
Cũng không ít người chê tôi "Trông như con ma". Nhưng tôi thà làm con ma mà mình sinh ra con người và dạy con cái nên người, mình làm những điều đàng hoàng.
Về hưu, đã là giáo viên thế hệ cũ, cô làm thế nào để bắt nhịp với cách dạy học, thi cử hiện tại?
- Chắc trời cho tôi kiến thức từ ngày trước vẫn còn nguyên vẹn trong đầu. Tôi đọc sách rất nhiều, tự học, tự nghiên cứu, thầy câu từ nào hay là tôi mày mò ghi lại.
Tôi còn tự đặt mình là học sinh, ngồi phân tích các tác phẩm đưa vào chương trình sau này để thử sức.
Tôi cũng nói thật quan điểm của mình, dạy học văn bây giờ có thay đổi thì cũng chỉ là "bình mới rượu cũ". Đề môn văn không ra thơ thì ra văn xuôi. Một khi học sinh đã biết phân tích, có kỹ năng làm bài đều sẽ làm được thôi.
Điều cô băn khoăn với cách dạy học văn hiện nay?
- Điều tôi nói có thể động chạm đến nhiều người, nhiều giáo viên. Tôi băn khoăn nhất về cách chấm văn hiện nay là cứ "chạm ý cho điểm".
Phân tích thơ, văn xuôi mà chỉ cần chạm vào đoạn thơ, đoạn văn ấy là được điểm thì nghệ thuật, cảm thụ văn chương vứt đi đâu? Văn học phải có nội dung và nghệ thuật, sao chỉ cần nhắc đến nội dung là cho điểm.
Nhưng tôi cũng nghĩ, hay bây giờ học sinh kém quá, thì thôi, lấy ý cho điểm cũng được. Tôi không phải là người cứng nhắc đâu, dù rằng theo tôi cho vậy là cho liều, cho ẩu.
Tôi từng mắng học sinh "Sao ngu thế!"
Nói về nghề giáo mà đến giờ khi đã nghỉ hưu hơn 30 năm, cô vẫn say sưa trong các bài giảng. Trên quãng đường của mình, người thầy nào có ảnh hưởng đến cô nhất?
- Đó là thầy Phan Thanh ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, người thầy dạy cấp 3 của tôi, một người thầy vô cùng uyên bác, thông thạo 5 ngoại ngữ. Thầy đã biến tôi từ một học sinh yếu kém nếu không muốn nói là dốt trở thành học sinh xuất sắc về môn văn.
Hồi tiểu học, tôi học kém lắm. Lớp có 36 em, tôi xếp thứ 36, tôi kém nhất mà tôi tưởng mình xếp đầu vì nghĩ đó là số to nhất lớp.
Lên cấp 2, tôi làm văn, có người thầy của tôi còn nói: "Em Trình làm văn, tôi phải lấy dây chão (dây thừng loại lớn) tôi buộc bụng" vì không nín được cười.
Còn trường hợp học trò cô nhớ nhất?
- Một em học sinh lớp 9 cách đây khoảng chục năm. Vì lý do nào đó trường vận động em không thi vào lớp 10, không cho em ôn thi tại trường. Lúc đó chỉ còn 22 ngày nữa là đến kỳ thi.
Em và gia đình đến tìm tôi nhờ dạy văn nhưng sau khi kiểm tra thử, tôi từ chối: "Cô không phải Tề Thiên Đại Thánh". Thế mà khát khao con được học tiếp từ người mẹ nông dân của em ấy đã thuyết phục và "hạ gục" tôi. Tôi nhận cậu bé.
Khi mới dạy cho em, tôi còn chì chiết: "Văn không ai cho điểm 0 đâu, người ta sẽ cho 0,25 điểm". Có lần tôi còn đập mạnh tay lên bàn thốt lên: "Sau ngu vậy". Trong cuộc đời đi dạy, hình như tôi rất hiếm khi buông lời này với học trò.
Cậu học trò rơm rớm nước mắt. Nhìn em, tôi tự hứa mình không nặng lời nữa mà chuyển qua tỉ tê, động viên em. Hai cô trò ngoắc tay sẽ cố gắng hết sức để đạt được 5 điểm, cuối cùng em ấy thi được 5,75 điểm môn văn, thừa điểm đỗ vào cấp 3.
Ngày nhận kết quả, mẹ em ấy vừa khóc vừa nói: "Nhờ trường loại con tôi mà cháu thi đỗ cấp 3". Giờ em ấy làm việc ở Nhật, vẫn thường xuyên liên lạc với tôi.
Con tôi nói "Sức mẹ đến đâu cứ làm đến đấy!"
Ở tuổi 70, cô làm thế nào để xây dựng kênh TikTok có hàng trăm ngàn lượt theo dõi, hơn 1,6 triệu thả tim?
- Lúc đầu, cô bạn của tôi nói thử tìm hiểu về TikTok, tôi lắc đầu ngay. Sau đó, con gái hướng dẫn cho tôi, vừa dạy tôi con tôi vừa cáu vì vừa chỉ xong mẹ lại quên. Mà rồi, tôi mày mò mãi cũng quen. Nó cũng như học văn vậy, mình nắm được các bước và kỹ năng cần thiết thì sẽ làm được.
Giờ tôi đầu tư hai cái điện thoại, giá đỡ, micro, còn sách thì nhà tôi nhiều lắm, kiến thức thì tôi có sẵn trong đầu. Thế là có lớp học để mọi người tiếp cận miễn phí.
Mà văn phải có cảm hứng mới giảng được. Có khi chỉ lên nói 5 phút nhưng tôi phải chuẩn bị trước nhiều ngày. Sắp tới tôi sẽ rút dần cùng kế hoạch là tìm 2 giáo viên, một người cấp 2, một người cấp 3 để giảng dạy thay mình.
Nhưng tôi không rời TikTok vì còn cái duyên của mình. Tôi sẽ sang một mảng đặc biệt là luyện chữ xấu thành chữ đẹp. Tôi tin không có người thứ hai làm được điều này vì nhiều người chữ đẹp hơn tôi nhưng khó ai dạy được chữ xấu thành được chữ như cô Trình.
Trước đây, nhìn chữ học sinh là giáo viên đoán ra ngay em đó học thêm ở lớp cô Trình nên rất nhiều học sinh theo học tôi bị trù dập, chèn ép kinh khủng về điểm số. Nhưng đi thi ở trường khác các em đạt điểm cao.
Các con cô ý kiến thế nào về những lời chê bai, bình phẩm tiêu cực về mẹ và những việc mẹ đang làm?
- Hai con tôi nói "Mẹ không việc gì phải lăn tăn. Mẹ cứ làm tự nhiên, sức mình đến đâu cứ làm đến đấy". Con trai đầu của còn cười: "Mẹ dạy cả đời không chán sao, sao mẹ cứ thích làm khổ mình vậy?".
Tôi nghĩ "Cha mẹ hiền lành để phúc cho con", mình không làm hại ai, có thể mang điều tốt, điều hay đến cho ai đó thì việc mình, mình cứ làm.
Trân trọng cảm ơn cô và chúc cô luôn sức khỏe.