(Dân trí) - Chờ quà cô trở thành niềm vui khó tả của học sinh lớp cô Trịnh Thị Liên - Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Hà Nội. Cảm giác biết mình có quà khiến mỗi dịp lễ thực sự là 1 ngày hội của những đứa trẻ.
"Cô ơi cứu con với, cô cứu con với", một bé gái hốt hoảng lao từ trong lớp ra hành lang, níu lấy tay cô giáo. Cô giáo quay ra vỗ về: "Cô ở đây, không ai làm hại My cả. My vào lớp ngồi ngoan chờ cô nhé. Lát nữa cô vào cô ngồi với My". Cô bé vẫn van nài thêm mấy câu "cô cứu con", tiếng kêu cứu nhỏ dần, bình thản dần, rồi mới chịu buông tay cô quay lại lớp.
My ngồi ở bàn cuối. Lớp chỉ có hơn 10 học sinh. Mỗi em cắm cúi vào bài tập của mình, không quá để ý vào hành động bất thường của bạn. Trong một ngày, My có thể có nhiều cơn hoang tưởng như vậy nên mọi người đã quen. Hơn nữa, ở ngôi trường này, những học sinh bình thường, khỏe mạnh xem khuyết tật của bạn chỉ là một điểm khác biệt.
Cô giáo không chủ nhiệm lớp My. Cô chỉ sang quản lớp giúp. Lớp cô cũng có vài bạn tự kỷ như My với các rối loạn khác nhau.
Lẽ thường, nơi mà giáo viên càng vất vả, họ càng nhận được nhiều sự gửi gắm bằng cả tinh thần lẫn vật chất từ phụ huynh. Nhưng điều đó không đúng với giáo viên của trường này. Với cô giáo được My kêu cứu càng không đúng. Bởi cô nổi tiếng với các thế hệ phụ huynh vì hành động cứ ngày lễ Tết là tặng quà cho học trò, bao gồm cả ngày 20/11.
Cô là Trịnh Thị Liên - giáo viên dạy hòa nhập Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, Hà Nội.
Lê Khánh Hải, học sinh lớp 8A Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, là học trò cũ của cô Liên. Dù đã 3 năm nay không học cô, Hải vẫn được cô tặng quà vào những dịp đặc biệt. Lần gần đây nhất, khi em mang thành tích về cho nhà trường ở kỳ thi toán quốc tế TIMO, em được cô Liên tặng cho một chiếc tai nghe. Trước đó nữa là hộp xếp hình siêu nhân mà em yêu thích.
Ngày còn học tiểu học, Hải bảo không bao giờ quên được cảm giác ngóng đợi quà cô vào mỗi dịp lễ khai giảng, ngày 20/11, ngày Tết, ngày 8/3 và ngày học cuối cùng trước khi nghỉ hè.
Ngóng cô in từng cái nhãn tên nho nhỏ với những hình thù ngộ nghĩnh để dán vào bút chì, thước kẻ, sách vở cho từng bạn trong lớp.
Ngóng quyển vở có hình siêu nhân. Ngóng chiếc bút mới khắc tên mình. Con gái ngóng bờm cài tóc. Con trai ngóng lego. Ngày 20/11 ngóng trà sữa do cô tự tay làm. Cuối năm học ngóng nhật ký bằng ảnh do cô tự chụp, tự in và viết những lời thân thương về từng người trong lớp.
"Đấy là những món quà đoán được. Nhưng còn rất nhiều món quà không đoán được. Nên chúng em rất háo hức xem cô sẽ tặng gì", Hải kể.
Chờ quà cô trở thành niềm vui khó tả của học sinh lớp cô Liên. Cảm giác biết mình có quà, lại không biết đó là quà gì khiến mỗi dịp lễ ở trường thực sự trở thành một ngày hội được trông đợi của những đứa trẻ.
Cô Liên cũng ngóng đợi những ngày hội ấy, để được tặng quà cho gần hai chục đứa con của mình ở trường, được nhìn thấy gương mặt thích thú, nghe thấy âm thanh reo vui của chúng khi nhận quà.
Thường cô sẽ chuẩn bị quà trước ngày lễ cả tuần. Nếu như phải làm mấy món nơ cài tóc, băng đô, vòng tay cho các bạn gái thì cô sẽ chuẩn bị trước cả tháng. Con gái đôi khi cũng phải xắn tay vào phụ giúp mẹ.
Cô nuôi 3 con ăn học, điều kiện gia đình không lấy gì làm dư dả, hỏi cô lấy tiền đâu để mua quà tặng trò một năm vài dịp lễ Tết như thế, cô cười bảo: "Mình toàn săn đồ giảm giá trên mạng đấy". Thấy đồ dùng học tập giảm giá, đồ chơi giảm giá là cô mua, thể nào cũng có dịp cần tặng.
Biết lũ trẻ thích uống trà sữa, cô tìm nguyên liệu, công thức rồi tự làm. Thi thoảng, cô cho cả lớp ăn sang khi đặt đồ ở tiệm trà sữa "hot", để lũ trẻ cũng được "bắt trend" ăn vặt như ai.
Chị Trần Hạnh Nhân, một phụ huynh cũ của cô Liên, cho biết, 5 năm con chị theo học cô, năm nào quỹ lớp cũng thừa dù số tiền đóng chỉ vài trăm ngàn đồng. Hầu như các hoạt động của học sinh trên lớp, cô đều tự bỏ tiền túi ra thay vì dùng tiền quỹ. Nếu lớp có liên hoan, cô cũng tự làm, tự chuẩn bị nhiều đồ ăn thức uống cho các con.
Cô Liên bảo, mua quà cho học sinh không tốn kém gì nhiều. Khi các con được nhận quà, lại là món quà do chính cô chuẩn bị cho riêng từng bạn, các con sẽ rất vui.
"Thấy các con vui thì mình cũng vui. Ngày lễ là ngày của cả cô lẫn trò mà", cô Liên cười, có chút ngại ngùng khi chuyện cô tặng quà trò lại bị xem là đặc biệt.
Một lớp học hòa nhập ở Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn thường có dưới 20 học sinh. Tỷ lệ học sinh khuyết tật trong lớp chiếm khoảng 10-30%. Ít thì có 2, nhiều thì có 6-7. Việc dạy học bắt buộc phải phân hóa sâu.
Khoảng cách nhận thức giữa các học sinh khuyết tật là khác nhau. Khoảng cách giữa học sinh khuyết tật và học sinh bình thường càng khác biệt. Chưa kể, dạy 1 học sinh khuyết tật tương đương với dạy 5 học sinh. Một tiết học cũng chỉ có tối đa 40-45 phút. Làm thế nào để tất cả học sinh đều đạt được mục tiêu phù hợp với năng lực là bài toán không hề dễ dàng.
"Thông thường, mình sẽ phải chia nhỏ lượng nội dung kiến thức ra. Mỗi học sinh nhận một khối lượng kiến thức khác nhau tương ứng với khả năng của bạn ấy. Đồng thời, mình đào tạo các cán bộ lớp là những học sinh có năng lực học tập tốt hơn trở thành các trợ giảng tích cực của cô.
Khi được cô giáo nhờ hỗ trợ, các con rất nhiệt tình. Các con học cũng nhanh lắm. Cô làm mẫu, các con quan sát rồi bắt chước theo, sau đó là đi giúp bạn. Không chỉ trong chuyện học tập thôi đâu mà còn trong mọi sinh hoạt ở trường. Các con đều biết chăm sóc cho nhau rất tốt", cô Liên chia sẻ.
Tuy vậy, khối lượng công việc của một giáo viên trường chuyên biệt lúc nào cũng quá tải. Không ít lần cô Liên cảm thấy bất lực vì không biết cách xử lý thế nào với các tình huống nảy sinh liên quan tới học trò. Mỗi năm gần hai chục đứa trẻ, không vấn đề của đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Cứ mỗi 5 năm quay lại lớp 1 đón lứa học sinh mới, cô lại phải đón nhận những vấn đề mới, nhiều kinh nghiệm phải xóa đi, học lại từ đầu.
Nhưng áp lực hoàn toàn không phải lý do khiến cô 4 lần có ý định rời đi. Trong 4 lần ấy, có 2 lần cô đã nộp hồ sơ, 1 lần đã sang trường mới dạy thử. Lý do có khi là chuyện cá nhân, có khi là khao khát về một sự thay đổi trong sự nghiệp, muốn thử sức mình ở một môi trường khác xem khả năng của mình có thể đi đến đâu.
Nhưng chưa lần nào cô rời đi thành công.
Cô Liên kể, năm 2013, sau khi sinh con thứ 3 xong, nhiều áp lực gia đình khiến cô rơi vào trầm cảm, cảm thấy không thể tiếp tục công việc tại trường. Song, thi thoảng phụ huynh lại gọi điện hỏi thăm bao giờ cô đi dạy, học sinh cũng nhắn hỏi bao giờ cô đến trường. Những cuộc gọi, tin nhắn khiến cô Liên không nỡ buông tay.
"Có học sinh rất khó khăn để làm quen. Nếu phải chuyển sang thầy cô mới thì em đó sẽ phải mất thời gian dài làm quen lại từ đầu. Có học sinh đang tiến bộ từng chút một, bố mẹ em đang tràn đầy hy vọng con sẽ tiến triển hơn nữa. Nghĩ đến niềm hy vọng của phụ huynh là mình không nỡ. Mình lại quay về tiếp tục công việc đang dang dở. Ý định chuyển đi cũng mờ nhạt dần", cô Liên tâm sự.
Chọn ở lại cũng có nghĩa là chọn đối mặt.
Không phải phụ huynh nào cũng hợp tác với giáo viên. Nhiều phụ huynh không chấp nhận được sự thực về tình trạng của con. Họ vẫn nghĩ con chỉ rối loạn tạm thời và sẽ thay đổi, sẽ tốt lên.
Để thuyết phục được phụ huynh chấp nhận và đồng hành cùng con lâu dài, với các phương pháp chăm sóc, dạy dỗ thống nhất từ trường về nhà là một việc khó khăn và không phải lúc nào cũng đạt được thỏa thuận. Cô Liên, như các thầy cô khác trong trường, cũng phải học cách chấp nhận cả những điều như thế.
Với các ngôi trường khác, mục tiêu của họ là có nhiều học sinh giỏi, nhiều giải quốc gia, quốc tế. Với trường Xã Đàn, mục tiêu của thầy cô ở đây là học sinh phát triển bình thường. Cô Liên nói: "Đạt được hai chữ "bình thường" ấy là một niềm hạnh phúc lớn lao, rất rất lớn lao".
Đặc thù là trường chuyên biệt dành cho học sinh câm điếc và các dạng khuyết tật khác học hòa nhập, thầy cô ở đây không xem việc học sinh ra trường là hết nhiệm vụ. Họ còn phải dõi theo cả hành trình sau đó của trò, đôi khi là dõi theo suốt cuộc đời.
Cô Liên có một học sinh bị điếc thứ phát sau một cơn bạo bệnh năm 3 tuổi. Khi đón em vào lớp 1, em gần như không hợp tác với ai, thường xuyên xé sách vở. Một đứa trẻ đang nghe nói bình thường bỗng nhiên mất liên lạc với thế giới âm thanh khiến em tổn thương sâu sắc, sinh ra phản ứng dữ dội với bố mẹ, thầy cô.
Nhưng bằng sự kiên nhẫn, cô Liên đã dần dần giúp trò nhỏ làm quen với tình trạng của bản thân, hướng em tin vào việc mọi thứ vẫn ổn nếu thiếu đi âm thanh.
Học trò của cô Liên đã vượt qua khủng hoảng, học giỏi, trở thành sinh viên đại học, kiếm được việc làm, lập gia đình và sinh con. Nhưng rồi biến cố ập đến, người bạn đời của em đột ngột qua đời, em trở nên góa bụa, cuộc sống một lần nữa lại thử thách em như nỗi mất mát âm thanh thủa ấu thơ.
"Còn mình thì không thể giúp được gì cho em như khi em còn nhỏ, ngồi trong căn lớp nhỏ của trường Xã Đàn. Chỉ có thể nói lời an ủi, động viên từ xa", cô Liên nghẹn ngào.
Thế nên, như cô Liên nói, ở nơi này, ngay cả bình thường và bình an cũng là một tham vọng lớn.
Cô Liên sinh năm 1978, tốt nghiệp khoa sư phạm tiểu học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cô từng là một người đặc biệt, không thích giao tiếp, không có bạn bè. Thậm chí khi ra trường, dù đã được thu xếp công việc tốt, cô cũng không dám nhận. Cô không tin là mình có thể đứng trên bục giảng trước hàng chục học sinh và dạy dỗ chúng.
Cô Liên quyết định về làm công tác đoàn thanh niên ở phường. 3 năm làm công tác đoàn đã thay đổi cô cử nhân sư phạm thành một con người khác. Việc bắt buộc phải giao tiếp, phải làm việc với trẻ em khiến cô tìm thấy những khả năng mới của bản thân và xác định được niềm yêu thích thực sự của mình là gì. Cô quay về với nghề giáo, tại nơi cô nghĩ mình sẽ có ý nghĩa nhất là Trường phổ thông cơ sở Xã Đàn.
Con đường dạy học của cô Liên không phải 1 con đường thẳng và cũng nhiều lần định rẽ sang lối khác. Nhưng cái níu kéo của khát vọng "bình thường" vẫn đang giữ chân cô ở lại nơi này.