DNews

Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Trường THPT Minh Quang nhiều năm nằm trong nhóm 10 trường có điểm chuẩn đầu vào thấp nhất Hà Nội. Nhưng ít ai biết, khi đã bước qua cánh cổng ngôi trường này, không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu

Danh sách nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024 có 1 nhà giáo của Trường THPT Minh Quang - cô Vũ Thị Thu Hương.

Cô Hương được vinh danh nhờ những sáng tạo trong quản lý ở vị trí hiệu phó phụ trách chuyên môn. Một trong số đó là việc sử dụng thành công công cụ quản lý trực tuyến theo dõi kết quả học tập hàng ngày, hàng giờ của học sinh đặc biệt yếu kém. Đây là chìa khóa khiến tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của trường được duy trì 100% trong nhiều năm qua.

Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 1

Cô Vũ Thị Thu Hương - Hiệu phó Trường THPT Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Trường THPT Minh Quang nằm trên địa bàn xã miền núi Minh Quang thuộc sườn Tây dãy Ba Vì, cách trung tâm huyện Ba Vì 34km, cách trung tâm thủ đô 82km. Trường được đông đảo phụ huynh biết đến vì nằm trong nhóm 10 trường có điểm chuẩn đầu vào thấp nhất Hà Nội, nhiều năm tuyển sinh tràn tuyến. 

Nhưng ít ai biết, khi đã bước qua cánh cổng ngôi trường này, không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Ở nơi mỗi học sinh yếu kém có một người mẹ, người cha đỡ đầu 

Trong điện thoại của cô Vũ Thị Thu Hương có 1 nhóm zalo đặc biệt được đặt tên là "Vì 19 học sinh thân yêu". Nhóm có đầy đủ Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, thường trực hội cha mẹ học sinh nhà trường, giáo viên bộ môn, thầy cô đỡ đầu, 19 em học sinh và cha mẹ của các em. 

Đó là 19 học sinh yếu kém đặc biệt, có nguy cơ trượt tốt nghiệp của năm học 2023-2024. 

Chương trình đỡ đầu học sinh yếu kém được Trường THPT Minh Quang thực hiện từ năm 2014 - năm đầu tiên thành lập, và được đẩy mạnh từ năm 2017 - năm đầu tiên nhà trường có lứa học sinh tốt nghiệp THPT.

Với đặc thù đầu vào thấp, nhà trường tổ chức khảo sát, đánh giá học sinh qua nhiều đợt, sàng lọc ra từng nhóm học sinh để dạy học phân hóa. Trong đó, ở nhóm học sinh yếu kém, trường sàng lọc ra nhiều mức nhỏ hơn nữa. Mức yếu kém đặc biệt được đưa vào chương trình đỡ đầu.

Cô Hương chia sẻ, khi nhà trường thực hiện chủ trương này, thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Bỉnh đã làm công tác tư tưởng cho tất cả giáo viên và cán bộ nhân viên của nhà trường, để tìm sự đồng thuận. 

Mong muốn của thầy là các thầy cô tình nguyện giúp học sinh, xem học sinh như con, như em mình, chứ không phải là mở một lớp học tăng cường thu phí sau giờ học chính khóa.

Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 2
Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 3
Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 4

Trường ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nguồn lực tài chính hạn hẹp. Đa số giáo viên khi đó còn rất trẻ, chiếm tỷ lệ cao là giáo viên hợp đồng, đồng lương ít ỏi. Thế nhưng, trước lời đề nghị của ban giám hiệu, tất cả đều đồng lòng chung tay dốc sức cho chương trình.

Như cô Hương nói: "Tất cả Hội đồng Sư phạm nhà trường, từ Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo đến các đồng chí nhân viên hành chính, chú bảo vệ, cô văn thư..., ai cũng xem đây là việc quan trọng hàng đầu".

Thậm chí khi ban giám hiệu chưa phân công, các thầy cô đã xung phong nhận học sinh. Người nhận đỡ đầu 2 em, người nhận đỡ đầu 3 em. Người nhận trách nhiệm nặng nề hơn là 1 kèm 1 với trường hợp cần quan tâm đặc biệt".

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có 6 môn thì có em yếu cả 6, tức cần đến 6 thầy cô đỡ đầu. Có em chỉ yếu 1-2 môn, cần 1-2 thầy cô đỡ đầu. Điều đó cũng có nghĩa là trường có bao nhiêu thầy cô dạy môn thi tốt nghiệp THPT thì đều được huy động hết.

Ngay cả những thầy cô không dạy môn thi tốt nghiệp cũng tham gia vào chương trình ở vai trò tham vấn, hỗ trợ học sinh. 

Đặc thù của diện học sinh yếu kém nhiều môn là các em  hay tự ti, e dè, tâm lí ngại tiếp xúc.  Nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ngoài việc ôn tập bài vở hàng ngày với thầy cô đỡ đầu, các em cần một chỗ dựa về tình cảm. Để khi có bất kỳ vướng mắc nào trong cuộc sống, các em cũng có người tâm sự, chia sẻ, gợi ý cách tháo gỡ hiệu quả.

Với những trường hợp khó quá, chán học, đòi nghỉ học, thầy hiệu trưởng sẽ là người trực tiếp xử lý giúp các cha mẹ đỡ đầu. Thầy gặp riêng học sinh, trò chuyện, thuyết phục, vực dậy tinh thần của trò.

Cô Hương kể, ban đầu, các thầy hỗ trợ học sinh sau tiết học. Nhưng thấy thời gian không đủ, thầy đưa trò về nhà học tiếp. Không kể mưa hay nắng, cuối tuần hay nghỉ lễ, thầy trò miệt mài ôn tập cùng nhau. Trò không hiểu thì thầy giảng lại. Trò vẫn không hiểu, thầy tiếp tục giảng lại cho đến khi nào trò thật hiểu, thật vững. 

Mục tiêu đỗ tốt nghiệp có thể vô cùng dễ dàng với nhiều học sinh. Nhưng với học sinh đặc biệt yếu kém, đó là mục tiêu lớn và hành trình chạm tay vào mục tiêu ấy là rất nhiều nỗ lực phi thường của cả thầy lẫn trò.

Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 5

Học sinh Trường THPT Minh Quang ôn tập bài trong giờ ra chơi (Ảnh nhà trường cung cấp).

Nhiều năm qua, nhờ chương trình thầy cô đỡ đầu học sinh, Trường THPT Minh Quang duy trì thành tích 100% đỗ tốt nghiệp THPT. Song, không phải chờ đến khi có kết quả, tập thể thầy cô trường Minh Quang mới nhận trái ngọt.

Nhóm zalo đặc biệt của cô Hương còn lưu lại nhiều tin nhắn của phụ huynh vào buổi chiều thi môn cuối cùng. Những tin nhắn đôi khi vụng về, sai chính tả, nhưng chứa đựng nỗi xúc động và lòng biết ơn của những người cha người mẹ ruột dành cho người cha người mẹ đỡ đầu của các con mình. 

Chương trình đỡ đầu qua mỗi năm một hoàn thiện hơn. Nhiều giải pháp mới liên tục được áp dụng để khắc phục nhược điểm, tăng tính hiệu quả cho chương trình. Những năm gần đây, cô Hương đưa ra sáng kiến áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lí chuyên môn, sử dụng các công cụ quản lý trực tuyến theo dõi kết quả học tập hàng ngày, hàng giờ của diện học sinh đặc biệt yếu kém. 

Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 6

Cô Vũ Thị Thu Hương được trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2024 vì những sáng kiến có giá trị trong quản lý chuyên môn (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Sáng kiến này được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá cao, đặc biệt ở khả năng nhân rộng, ứng dụng thực tiễn đối với công tác quản lí chuyên môn tại các nhà trường có điểm tuyển sinh đầu vào thấp.

Trao "quyền tự chủ" cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi

Tại trường Minh Quang, có hai nhóm học sinh được đầu tư bổ túc, bồi dưỡng miễn phí là học sinh giỏi và học sinh yếu kém. Nhà trường gọi là "học sinh đầu cao" và "học sinh đầu thấp".

Giống như công tác sàng lọc học sinh yếu kém, việc phát hiện, phân loại và bồi dưỡng tài năng được chú trọng đặc biệt. Cô Hương cho biết, các học sinh có năng lực nổi trội được đánh giá, phát hiện qua nhiều công cụ. Bài kiểm tra khảo sát chỉ là 1 trong số đó. 

Mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp có nhiệm vụ nghiên cứu kỹ càng hồ sơ của học sinh gồm hoàn cảnh gia đình, nơi ở xa hay gần, ở trọ hay đi về hàng ngày, sở thích và ước mơ cá nhân là gì...

Giáo viên chủ nhiệm cũng phải kết hợp với giáo viên bộ môn ghi nhận tố chất của học sinh ở từng môn học để bổ sung thêm vào hồ sơ.

Từ tất cả các yếu tố này, nhà trường mới lọc ra "học sinh đầu cao", lên kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, sau đó mới thi học sinh giỏi cấp trường để lập đội tuyển từ lớp 10. Sau 2-3 năm, khi các tài năng đủ chín, nhà trường đưa học sinh tham gia thi học sinh giỏi cấp cụm, cấp thành phố. 

Nhiều năm qua, trường THPT Minh Quang giữ vững thành tích 100% học sinh đi thi thành phố đều đạt giải. Năm học vừa qua, trường có 8/8 học sinh đạt giải các cuộc thi cấp thành phố, trong đó có 1 học sinh đạt giải cấp quốc gia.

Cô Hương chia sẻ, "học sinh đầu thấp" và "học sinh đầu cao" phải học nhiều hơn học sinh bình thường rất nhiều. Bởi mục tiêu của hai nhóm đều vô cùng thách thức.

Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 7

Học sinh trao đổi bài vở giờ giải lao (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Với chủ trương giao quyền tự chủ cho giáo viên trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, việc ôn luyện của thầy trò diễn ra linh hoạt, chủ động theo lịch trình riêng và mang tính cá nhân hóa cao. 

"Có khi các em học trực tiếp, có khi các em học trực tuyến. Nhiều thầy cô nhà xa trường vài chục cây số, đi lại không thuận tiện, các em sẽ ôn tập từ xa cùng thầy. 

Nhà trường khuyến khích giáo viên sáng tạo các phương pháp và hình thức học tập hiệu quả, tự chủ trong việc sử dụng tài liệu giảng dạy. Mục đích cuối cùng là dẫn dắt học trò đi đúng đường, ngày càng phát triển kiến thức, kỹ năng thông qua việc ôn luyện ở trình độ cao", cô Hương nói.

Nữ hiệu phó Trường THPT Minh Quang tự hào tiết lộ trường có hơn 29% giáo viên đạt trên chuẩn. Hàng năm, nhà trường tạo nhiều sân chơi trí tuệ cho thầy cô thi đua, thông qua đó học hỏi lẫn nhau, phát huy trí tuệ tập thể.

Trường cũng kết nối cho giáo viên mở rộng mạng lưới học tập, từ việc mời chuyên gia, giảng viên của các trường đại học về bồi dưỡng đến các sự kiện giao lưu, hội thảo chuyên đề với giáo viên giỏi ở trường khác. 

Thông qua mạng lưới này, giáo viên của trường có một không gian sinh hoạt chuyên môn thường xuyên và hiệu quả, không ngừng tìm tòi các tri thức mới về sư phạm, nâng cao tay nghề, đem lại lợi ích thiết thực cho học trò.

Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 8
Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 9
Ngôi trường đặc biệt, mỗi học sinh yếu kém được một thầy cô nhận đỡ đầu - 10

Năm 2024, Trường THPT Minh Quang tiếp tục tuyển sinh tràn tuyến, đón học sinh từ nội thành lên học. Em chọn đi về trong ngày, em thuê trọ ở lại. Có học sinh ở trọ là giáo viên chủ nhiệm lại thêm việc. 

Thầy cô chủ nhiệm nào cũng phải biết rõ nơi trọ của học sinh, thường xuyên hỏi thăm, trao đổi xem học trò của mình ăn ở, sinh hoạt ra sao và gặp gỡ chủ nhà trọ nhờ quan tâm, để ý. Nhà trường cũng làm việc với chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh, an toàn cho các em trong cảnh xa nhà, một mình tự lập.

Cô Hương bảo, những động viên dành cho học trò chủ yếu ở khía cạnh tinh thần, nhưng nhà trường hy vọng sự động viên đó sẽ giúp các em nhanh chóng vượt qua cảm giác xa lạ, hụt hẫng để hòa nhập vào môi trường mới. Mỗi ngày đến trường, các em cần được yên tâm, tin cậy, rằng thầy cô luôn ở bên mình.