(Dân trí) - Bị liệt tứ chi, thế nhưng cậu học trò nghèo Nguyễn Thế Phong luôn nghị lực, cố gắng vượt lên số phận với khao khát được đến trường, học tập để nuôi dưỡng mơ ước có thể chữa bệnh cho bản thân.
Nguyễn Thế Phong (SN 2012) là cậu học trò đặc biệt của Trường Tiểu học số 1 Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Phong có hoàn cảnh hết sức éo le khi bị liệt tứ chi, thế nhưng nghị lực của cậu học trò lớp 4 này lại khiến nhiều người nể phục.
Thế Phong là con trai đầu lòng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Nhật (SN 1982) và chị Nguyễn Thị Trúc Phương (SN 1989), trú tại xã Xuân Trạch. Theo chia sẻ của chị Phương, từ lúc chào đời, Phong đã phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác, tay chân co quắp, sức khỏe yếu.
Dù vợ chồng chị Phương đã thử nhiều cách trị liệu cho Phong ở các bệnh viện lớn, nhỏ nhưng bệnh đa khớp bẩm sinh và khuyết tật vận động của cậu bé vẫn không có nhiều tiến triển.
Con bị khuyết tật nên dù đến tuổi đi học, vợ chồng chị Phương cũng chẳng dám xin cho con tới trường. Khi Phong lên 4 tuổi, chị Phương vừa là mẹ, vừa là cô, tự dạy con học chữ. Phong ham học, lại thông minh, mỗi ngày nhìn bạn bè chơi đùa, tung tăng dắt nhau đến trường, niềm khao khát được đi học của Phong càng mãnh liệt hơn. Với Phong, bên ngoài ô cửa sổ, sát chiếc giường em thường nằm là cả bầu trời mơ ước.
"Tuy cuộc sống của Phong là những chuỗi ngày dài nằm một chỗ, chân tay không thể vận động, thế nhưng con lại tỏ ra rất thông minh, lém lỉnh. Từ ngày biết nói đã luôn khao khát được tới trường, đòi mẹ xin cho đi học cho bằng được. Nhìn con như vậy cũng chạnh lòng lắm", chị Phương tâm sự.
Chị Phương cho biết, Phong có trí nhớ tốt, mỗi lần nhìn qua các mặt chữ, em đều cố gắng ghi nhớ và từ từ luyện viết. Phong tập ngậm bút ở miệng, luồn vào giữa 2 ngón tay co quắp để nắn nót từng nét chữ. Khi viết qua chữ khác hay xuống dòng, em phải lắc cả người để dịch chuyển.
Trải qua những khó khăn, vất vả, Phong dần "cầm" bút chắc hơn, tự tin viết chữ hơn. Dù nhiều lần các ngón tay làm việc quá sức bị đau nhức nhưng chưa bao giờ Phong muốn bỏ cuộc.
Nhìn thấy được nỗ lực và khát khao của con, năm 2019, khi đứa con thứ 2 bước vào lớp 1, chị Phương đã đánh liều tới trường xin cho Phong được đi học cùng với em. Được sự đồng ý của nhà trường, bố mẹ Phong đã đóng cho em một chiếc giường gỗ đặt ở cuối lớp, đầu chiếc giường có thành cao bằng ván để làm giá kê sách vở. Hành trình đi tìm con chữ của Phong bắt đầu từ đó.
"Khi xin phép và được thầy hiệu trưởng đồng ý, tạo điều kiện, tôi mừng rơi nước mắt, chạy vội về báo với con. Biết tin mình sẽ được đi học, Phong háo hức lắm. Cũng nhờ được nhà trường quan tâm, cháu mới có cơ hội đi học như bây giờ", chị Phương chia sẻ thêm.
Phong là học trò khuyết tật tay chân đầu tiên mà Trường Tiểu học số 1 Xuân Trạch tiếp nhận. Liệt 2 tay, phải viết bằng miệng, lại đi học muộn hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng với sự nỗ lực của bản thân, chữ viết của Phong ngày một đều và đẹp không kém gì các bạn.
Vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn, Nguyễn Thế Phong nay đã là một phần của tập thể lớp 4A, Trường tiểu học số 1 Xuân Trạch. Trong giờ học, Thế Phong nhờ cô giáo, bạn bè soạn sửa sách vở, bút, thước rồi đến khi chép bài, cậu bé lại cúi đầu ngậm lấy ngòi bút, kê lên tay rồi dùng cằm đưa bút viết từng nét chữ. Đáng nể hơn Phong còn là học sinh tiêu biểu trong lớp, đạt danh hiệu học sinh giỏi trong nhiều năm học liền.
Trong lớp học nhỏ bé giữa núi rừng Phong Nha, cậu bé Phong cứ thế miệt mài, dùng cằm nắn nót từng con chữ để hiện thực hóa giấc mơ của mình.
"Dù khuyết tật tay chân nhưng Phong tiếp thu bài nhanh, viết chữ không thua gì các bạn trong lớp. Chúng tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Phong, em luôn là tấm gương về nghị lực đối với học sinh của trường", cô giáo chủ nhiệm của Phong cho hay.
Nói về hành trình theo đuổi ước mơ học tập của cậu học trò đặc biệt Nguyễn Thế Phong, Thầy giáo Nguyễn Tân Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Xuân Trạch cho biết, thời điểm khi Phong vào lớp 1, các thầy cô cũng không nghĩ là cậu học trò này có thể tiếp thu tốt kiến thức và viết tốt như hiện nay, vì tay chân đều mang dị tật, sức khỏe yếu.
Nhưng cậu trò nhỏ bé ấy đã khiến giáo viên và học sinh toàn trường khâm phục, bằng nghị lực phi thường của bản thân để biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể.
Về phần Thế Phong cũng như bố mẹ của em vẫn luôn vững tin, khi nền y học ngày càng phát triển, việc chạy chữa để Phong có thể đi lại sẽ trở thành hiện thực. Thế Phong cũng chia sẻ rằng, ước mơ sau này em là được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho tất cả mọi người, để ai cũng có sức khỏe tốt và đặc biệt, Phong muốn tìm cách điều trị cho chính mình.
Nhiều năm qua, bố mẹ của Phong cũng chưa một lần từ bỏ hy vọng. Họ nỗ lực làm việc mỗi ngày, tích góp tiền với niềm mong mỏi có thể giúp đứa con của mình khắc phục phần nào khiếm khuyết.
"Vợ chồng tôi cũng tìm nhiều cách và cũng đang điều trị theo nhiều liệu pháp cho con. Chúng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó, Phong sẽ có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình", anh Nhật, bố của Phong nói.
Dẫu biết chặng đường phía trước của cậu học trò Nguyễn Thế Phong còn rất nhiều chông gai, thế nhưng với nghị lực phi thường, niềm khao khát mãnh liệt của bản thân, tin rằng Phong sẽ vượt qua tất cả để thực hiện ước mơ của bản thân, luôn mạnh mẽ và vững vàng trong chặng đường tương lai.
Tiến Thành