Học trò Gen Z làm phim ngắn, thiết kế lấy cảm hứng từ Truyện Kiều
(Dân trí) - Thay vì học văn kiểu đọc chép, học sinh khối 9 một trường phổ thông tại Hà Nội đã đưa Truyện Kiều đến với GenZ qua các thước phim ngắn, vẽ minh họa, viết tiểu luận…
Đưa bói Kiều vào chiếu đoạn phim ngắn cảnh thầy bói đeo kính đen và quét QR code sau khi bói Kiều mà diễn viên chính là học sinh…, tất cả những hình ảnh trên vừa được học sinh lớp 9 một trường phổ thông ở Hà Nội thể hiện thông qua chương trình học tập mang tên "Truyện Kiều đi vào lòng người".
Được biết chương trình học tập này được thực hiện trong 20 tiết học/ 6 tuần.
Theo đó, học sinh của trường đưa Truyện Kiều lan tỏa trong đời sống bằng những sáng tạo thú vị mang đậm chất Gen Z như thiết kế vé tàu từ Hà Nội vào Nghệ An - Hà Tĩnh (quê hương Nguyễn Du) bằng hình vẽ minh họa Truyện Kiều.
Các học sinh cũng kịch bản hóa một chương, đoạn Truyện Kiều cùng với những nghiên cứu sâu sắc qua các bài tiểu luận: "Những quan điểm về thiện và ác trong tác phẩm Truyện Kiều"; "cách tiếp nhận Truyện Kiều trong Giáo dục Việt Nam, tính công lý trong Truyện Kiều"; "Truyện Kiều trong lòng các Việt Kiều" …
Những hoạt động trên không chỉ thể hiện sự sáng tạo của các bạn học sinh mà còn thổi một luồng gió mới cho một tác phẩm kinh điển đang được giảng dạy trong nhà trường và cách mà thế hệ Gen Z đang tiếp nhận Truyện Kiều như thế nào.
Đại diện nhóm học sinh lớp 9 Oslo của trường cho biết, bộ phim tài liệu của mình có tên gọi "Học sinh Việt Kiều tiếp nhận Truyện Kiều như thế nào".
"Mặc dù là thước phim ngắn trong mấy phút nhưng chúng em đã mất rất nhiều thời gian cho việc viết kịch bản, tìm diễn viên phù hợp đến thuê trang phục…
Truyện Kiều là một áng thơ tuyệt tác của văn học dân tộc, tác phẩm mà mỗi ngày tìm hiểu, chúng tôi lại thêm ngỡ ngàng về sự giàu có trong ngôn ngữ và sự sinh động trong các sinh hoạt văn hóa của tiếng Việt.
Thế nhưng, tiếp cận Truyện Kiều không hẳn dễ dàng, nhất là với các bạn học sinh là người Việt Nam nhưng sinh sống học tập tại nước ngoài, hay các bạn học sinh nước ngoài đang học tiếng Việt.
Ở giữa một ngôi trường đa văn hóa, chúng tôi sẽ thử tìm hiểu về cách thức Truyện Kiều đang lan tỏa đến các bạn học sinh ấy như thế nào", đại diện nhóm nói.
Trong bài tiểu luận của mình, Đỗ Ngọc Linh, lớp 9 Dublin cho hay: "Sở dĩ mình chọn đề tài này bởi hàng trăm năm qua, Truyện Kiều đã tồn tại xuyên suốt với chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc.
Truyện Kiều có một sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân Việt Nam, bởi nó không chỉ là câu chuyện về văn chương Việt mà còn là ý thức về bản ngã về văn hóa Việt, bản sắc Việt, tâm hồn người Việt.
Chúng tôi - những thế hệ trẻ phải là những đại sứ văn hóa để lưu giữ di sản có giá trị to lớn này cùng với việc lan tỏa đến với bạn bè quốc tế".
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Diệu Hoa, giáo viên Văn Tiếng Việt, Trường Phổ thông Dewey cho biết, phương pháp dạy ra sao đối với các môn học luôn là câu hỏi và trăn trở của giáo viên và học sinh.
Làm sao đưa văn học gần gũi hơn với đời sống, luôn là câu hỏi và trăn trở ở nhiều nhà trường. Và câu trả lời là, nên để cho học sinh tự đi qua, tự tìm hiểu và trải nghiệm theo cách của mình.
"Khi tiếp cận Truyện Kiều, nhiều câu hỏi đã được học sinh đặt ra. Vì sao một người dân ở Hà Tĩnh hơn 80 tuổi, mặc dù không biết chữ nhưng lại thuộc làu Truyện kiều, họ đã học Kiều như thế nào trong khi học sinh vẫn khó tiếp cận?
Xuất phát từ câu hỏi này, các em đã tìm hiểu đời sống của Kiều trước đây, đồng thời "làm mới" Truyện Kiều theo cách thức hiện đại hơn để kiến thức dần dần đi vào lòng người", cô Hoa nói.
Cũng theo giáo viên này, do các em học sinh thế hệ GenZ còn rất trẻ, là công dân kỹ thuật số. Thế nhưng các em đã rất nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân, tìm hiểu văn bản để từ đó có cách tiếp cận phù hợp, giúp sự lan tỏa của Truyện Kiều vào cuộc sống.