Hà Việt Dũng: Chàng trai Mường làm đủ nghề, lấy vợ hot girl
(Dân trí) - Diễn viên Hà Việt Dũng là người dân tộc Mường, sinh ra trong làng quê nghèo ở Hòa Bình. Anh vượt qua nhiều khó khăn để theo đuổi ước mơ nghệ thuật.
Với những khán giả yêu thích phim "giờ vàng" của VTV, Hà Việt Dũng không phải cái tên xa lạ. Anh từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm như Bão ngầm, Anh có phải đàn ông không, Hành trình công lý... và gần đây nhất là Cuộc chiến không giới tuyến.
Hà Việt Dũng mang vẻ đẹp trai lãng tử, chiều cao nổi bật và gắn với nhiều vai diễn "trai hư". Song ít ai biết rằng, nam diễn viên xuất thân ở vùng quê nghèo. Trước khi ghi dấu ấn trong sự nghiệp diễn xuất, mỹ nam sinh năm 1987 từng trải qua tuổi thơ vất vả, nhiều năm bươn chải mưu sinh khi Nam tiến.
Tuổi thơ ăn cơm độn, đào củ mài chống đói
Hà Việt Dũng tự nhận mình có xuất phát điểm thấp. Vì sao?
- Tôi sinh ra ở huyện Tân Lạc, một vùng quê nghèo ở Hòa Bình. Ngày xưa, đường xá đi lại khó khăn, nhiều năm sống bằng đèn dầu vì chưa được lắp điện. Nói ra thì nhiều người không tin, nhưng những năm thập niên 90 gia đình tôi vẫn ăn cơm độn ngô, độn khoai suốt (cười).
Tuổi thơ vất vả có phải là điều ám ảnh với anh?
- Vất vả nhưng nó cũng là kỷ niệm đẹp in sâu vào ký ức tuổi thơ của tôi vì tôi luôn được cha mẹ yêu thương, các chị em đùm bọc lẫn nhau.
Tôi còn nhớ ngày đó, đến bữa ăn, tôi và bà nội thường được nhường cho ăn cơm trắng, còn cha mẹ, hai chị gái ăn cơm độn ngô. Chị kế tôi chỉ hơn tôi 2 tuổi thôi, cũng thèm ăn cơm trắng lắm, nhưng vì tôi là em út nên chị dành cho tôi những phần cơm ngon hơn.
Thời còn nhỏ, tôi từng vào rừng đào củ mài ăn chống đói, đi làm thuê ở lò gạch cùng mẹ... Khi chị tôi đi học đại học ở Hà Nội, cả xóm cũng có một nhà có điện thoại bàn. Mỗi lần có người ở xa liên lạc là các gia đình quanh vùng gọi nhau í ới.
Sau này tôi lớn lên, mỗi dịp ngồi ăn cơm cùng nhau, tôi và gia đình lại vui vẻ ôn chuyện ngày xưa. Mặc dù trải qua những ngày tháng nghèo khó nhưng tôi vẫn lạc quan, suy nghĩ mọi chuyện nhẹ nhàng.
Anh xem quá khứ là động lực cố gắng như thế nào?
- Vì đã trải qua giai đoạn nghèo khó nhất nên khi trưởng thành, tôi biết trân trọng sức lao động, có động lực để cố gắng cho cuộc sống mình tốt hơn và muốn lo cho người thân mình bớt vất vả.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Hà Việt Dũng thường nhắc đến việc kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Anh có áp lực về điều này?
- Thực sự thì cha mẹ không đòi hỏi gì lớn lao ở tôi. Tôi may mắn khi có cha mẹ tâm lý, thấu hiểu con cái. Khi tôi đi làm, có ít tiền mang về biếu cha mẹ, cha mẹ hỏi sao đưa nhiều như vậy, nói tôi giữ lại mà tiêu. Cha mẹ cũng không cần tôi phải làm giàu, "đổi đời".
Tôi không nghĩ rằng mình phải hơn ai cả. Chỉ cần ngày hôm nay tôi phấn đấu hơn ngày hôm qua là cha mẹ tôi cười nhiều hơn, các chị gái yên tâm hơn về tôi rồi.
"Tôi vào miền Nam với ý nghĩ duy nhất: Kiếm sống!"
Được biết Hà Việt Dũng khởi đầu sự nghiệp tại TPHCM. Từ Hòa Bình, vì sao anh quyết định Nam tiến?
- Tôi nghĩ cuộc đời sẽ có những cơ duyên khiến mình đến những nơi phải đến, làm những việc phải làm, giống như định mệnh. Học xong cấp 3, vì nhà nghèo, tôi không thi đại học mà đăng ký đi nghĩa vụ quân sự.
22 tuổi, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi vào miền Nam. Khi đó tôi không xác định gì nhiều, chỉ nghĩ rằng mình phải kiếm tiền để sống trước đã!
Ngày đầu đặt chân đến TPHCM, anh cảm nhận như thế nào?
- Tôi đi xe đò vào TPHCM, dừng chân tại bến xe Miền Đông. Thành phố này khác vùng quê của tôi rất nhiều thứ. Ngày đầu tiên đi qua các con phố, tôi nhớ mùi vị đĩa cơm tấm vỉa hè, không khí ồn ào náo nhiệt của xe cộ (cười).
Anh bắt đầu mưu sinh bằng công việc gì?
- Thời gian đầu, tôi được một người quen giới thiệu lên Đắk Lắk đánh giấy ráp gỗ, nhưng họ thấy tôi trắng trẻo thư sinh nên không nhận. Sau đó tôi lại về Đồng Tháp làm thuê. Được vài tháng mọi người khuyên tôi về lại thành phố để tìm cơ hội vì ở miền Tây làm bốc vác rất vất vả.
Cứ thế, cuộc sống đưa đẩy tôi về lại TPHCM. Tôi nhớ mãi thời gian đi bốc vác giấy vụn ở quốc lộ 1A, công việc nặng nhọc nhiều hôm cứ tưởng gãy xương sống rồi (cười).
Thật khó tưởng tượng một diễn viên có ngoại hình "mỹ nam" như Hà Việt Dũng lại từng bươn chải như vậy...
- Để kiếm tiền, tôi trải qua nhiều nghề lắm. Từ phục vụ quán cà phê, quán karaoke đến quán bar, tôi làm hết! Có lần đi xin việc ở nhà hàng tiệc cưới, tôi chỉ có đúng chiếc chứng minh thư. Người ta không đòi hỏi nhiều, còn tôi chỉ cần tìm công việc bao ăn, bao ở để khỏi phải thuê trọ. Nhớ lại quãng thời gian đó cũng thấy thú vị (cười).
Cơ duyên nào dẫn anh đến với nghệ thuật?
- Khi tôi làm phục vụ ở nhà hàng, có một chị giới thiệu tôi đi học người mẫu. Tôi học xong cũng thử thi Siêu mẫu Việt Nam 2011 và đoạt giải Ba. Từ cơ hội đó, tôi bước chân vào showbiz nhưng cũng chỉ là một người mẫu ít tên tuổi.
Tình cờ, anh Ngô Quang Hải biết đến tôi, mời tôi đi thử vai. Sau vai diễn đầu tay trong phim điện ảnh Mùa hè lạnh (ra rạp 2012 - PV), tôi quyết định theo đuổi con đường diễn xuất.
Còn câu chuyện phía sau biệt danh "hot boy bán nước mía" của anh là như thế nào?
- Nhiều người nghĩ rằng vào showbiz sẽ có cuộc sống tốt hơn nhưng thời điểm sau cuộc thi người mẫu, tôi vẫn phải đi bán nước mía kiếm thêm thu nhập. Tôi không ngại khi mình là người mẫu mà ăn mặc xuề xòa đứng bán nước mía vỉa hè vì khi đó muốn mặc đẹp cũng không có mà mặc, có sao thì để vậy.
Có lần, chị Trang Trần thấy tôi bán vỉa hè vất vả thì đăng bài chia sẻ, báo chí đưa tin. Từ đó tôi có biệt danh "hot boy bán nước mía".
Trải qua rất nhiều nghề lao động chân tay nặng nhọc và trở thành tay ngang đi đóng phim, có khi nào Hà Việt Dũng tự ti về bản thân?
- So với các diễn viên khác, tôi tự thấy mình thua kém ở khoản đài từ. Tôi là người dân tộc, từ nhỏ đã phát âm theo tiếng dân tộc Mường nên ảnh hưởng nhiều khi chuyển qua nói tiếng Kinh. Do đó khi đóng phim không thể có đài từ tốt như mọi người.
Sau 10 năm, qua sự tập luyện và nỗ lực trong nhiều vai diễn, tôi thấy đài từ hiện tại đã ổn hơn. Như bạn thấy, tôi cố gắng nói chuyện bằng giọng Hà Nội chuẩn nhất có thể (cười).
"Lấy tôi, vợ thiệt thòi rất nhiều"
Nhắc đến Hà Việt Dũng, khán giả vẫn nhắc đến câu chuyện anh cưới vợ hot girl sau 2 tháng quen biết. Nói vui thì đây có phải là "đốt cháy giai đoạn"?
- Với tôi, thời gian tìm hiểu bao lâu không quan trọng bằng việc đúng thời điểm, đúng "đích". Có những cặp đôi yêu nhiều năm nhưng lại chia tay sau vài tháng kết hôn, và ngược lại.
Sau gần 10 năm lăn lộn ở TPHCM, tôi quyết định ra Đà Nẵng sống. Khi đó, tôi tình cờ gặp Nhung (vợ của nam diễn viên - PV). Khi yêu được 2 tháng, chúng tôi xác định lấy nhau, không suy nghĩ nhiều (cười). Chúng tôi chuyển ra Bắc sống cho gần nhà.
Tôi là người dân tộc Mường, vợ là người dân tộc Thái, cùng quê Hòa Bình. Về phong tục, văn hóa cũng có những nét tương đồng nên dễ dàng dung hòa để hiểu nhau khi tiến tới cuộc sống gia đình.
Trước khi kết hôn, Hà Việt Dũng được nhiều khán giả gán ghép với các bóng hồng màn ảnh khác nhưng vì sao anh chọn một người ngoài ngành để lập gia đình?
- Tôi không gọi đó là lựa chọn. Duyên số đến thì mình đón nhận thôi, còn nói "lựa chọn" thì thiệt thòi cho vợ tôi quá! Với tôi, tôi may mắn khi lấy vợ ngoài ngành, bởi nếu cùng hoạt động nghệ thuật thì rất khó phân chia thời gian chăm sóc con cái.
Trong mắt anh, vợ là người như thế nào?
- Nhung cá tính, độc lập, không "yểu điệu thục nữ". Thậm chí trước khi cưới, cô ấy chủ động xuống nhà tôi trước, tôi thấy không sao cả (cười). Vợ kém tôi 6 tuổi nhưng cô ấy suy nghĩ chín chắn, là hậu phương vững chắc của tôi nên tôi luôn yên tâm mỗi lần đi quay phim xa nhà.
Thực ra dù mạnh mẽ nhưng vợ tôi vẫn có những lúc mềm yếu. Bố vợ tôi mất năm ngoái, em trai vợ thì học ở Hà Nội. Nhà ngoại neo người, nên có người đàn ông trong nhà như tôi cũng là chỗ dựa lớn cho vợ.
Nhiều đêm cô ấy không dám xuống bếp uống nước một mình, tôi phải đi theo để rót nước cho vợ. Đàn ông đôi khi không cần làm gì to tát, chỉ cần quan tâm những điều nhỏ nhặt như vậy.
Hạnh phúc gia đình anh vun đắp từ những điều gì?
- Chúng tôi vẫn thoải mái tận hưởng từng ngày, từng tháng, từng năm. Trong hôn nhân, tôi nghĩ quan trọng cần sự kết nối, trò chuyện. Hai vợ chồng "tâm đầu ý hợp" thì sẽ bền vững, đi được lâu dài. Tôi và vợ suy nghĩ mọi việc đều nhẹ nhàng, nhiều khi thấy như là "bạn thân" của nhau. Nhờ vậy mà cuộc sống cũng "dễ thở".
Đến nay, chúng tôi yêu nhau và kết hôn đã được 5 năm, có 1 bé gái 5 tuổi. Xem như đã hoàn thành chặng đầu tiên (cười). Vợ chồng tôi "hợp cạ" nhiều sở thích. Buổi sáng nào rảnh rỗi, vợ chồng tôi đưa con đi học rồi ngồi cà phê hẹn hò, thi thoảng lái xe ra Hà Nội ăn uống rồi về.
Vợ chồng anh chung lưng gánh vác chuyện kinh tế ra sao?
- Chúng tôi sống tại Hòa Bình nên tiết kiệm được nhiều chi phí so với sống ở thành phố đắt đỏ. Vợ tôi kinh doanh nhà hàng cùng bà ngoại, cho thuê đồ, hỗ trợ tôi bán hàng online. Lấy tôi, cô ấy khá thiệt thòi vì vất vả, chồng lại thường xuyên đi làm xa.
Thu nhập hàng tháng tôi giữ một khoản để lo cho cha mẹ, còn lại đưa hết cho vợ. Vợ là người biết chi tiêu, vun vén nên tôi rất yên tâm. Cô ấy cũng tâm lý, không yêu cầu mỗi tháng phải đưa bao nhiêu tiền, tránh gây áp lực cho tôi.
Sau khi kết hôn, anh thay đổi như thế nào?
- Khi về nhà, tôi không ham tụ tập bạn bè mà muốn dành thời gian chăm con, chia sẻ việc nhà cùng vợ. Nhiều lúc bạn bè rủ đi đá bóng nhưng tôi cũng ít đi. Tôi không muốn bữa cơm gia đình thiếu tôi. Với tôi, bữa cơm nhà rất quan trọng.
"Nếu trông chờ vào đồng lương đóng phim thì khó lo được đủ đầy cho người thân"
Sau hơn 10 năm đóng phim, vai diễn nào ấn tượng nhất với Hà Việt Dũng?
- Tôi vẫn chưa tìm được vai diễn thực sự tâm đắc nhất. Tuy thời điểm quay phim tôi đã làm hết khả năng có thể nhưng khi nhìn lại thì vẫn cảm thấy chưa hài lòng.
Vai diễn nào cũng là vai diễn khó. Mỗi vai là một trải nghiệm, một số phận, một câu chuyện khác nhau. Quan trọng nhất sau mỗi vai diễn là mình biết rút ra bài học để hoàn thiện diễn xuất.
Vợ anh phản ứng ra sao khi anh đóng chung với nhiều bạn diễn nữ xinh đẹp?
- Vợ tôi không biết ghen. Yêu thì vẫn yêu nhưng không ghen tuông với bạn diễn nào của tôi hết. Quan trọng là vợ tin tưởng bởi công việc là công việc, chuyện nào ra chuyện đó. Thi thoảng tôi cũng trêu vợ, nói "hay là em đi đóng phim, anh ở nhà chăm con cho em" (cười).
Một số khán giả vẫn mặc định rằng Hà Việt Dũng là "trai hư", "sở khanh" của màn ảnh nhỏ. Anh nghĩ sao?
- Có lẽ vì tôi đóng nhiều vai phản diện quá nên khán giả thường nhận xét tôi "sở khanh" (cười). Nhưng sau này tôi cũng tìm tòi, thử sức nhiều vai diễn đa dạng hơn, từ tội phạm, công an đến tay buôn ma túy...
Mỗi vai diễn tôi đều cố gắng tìm tòi cách thể hiện để hóa thân trọn vẹn. Khi phim lên sóng, tôi cũng đọc bình luận của khán giả để rút kinh nghiệm cho lần sau làm tốt hơn.
Hiện thu nhập của anh có thể xem là ổn định, đủ sống so với thời khó khăn hay chưa?
- Tôi không đặt nặng chuyện làm giàu hay mong đợi cuộc sống phú quý. Tôi vẫn có cơm ăn hằng ngày, lo cho con cái đi học đàng hoàng. Hiện vợ chồng tôi đủ ăn (cười).
Năm nay kinh tế khó khăn, diễn viên cũng ít có hợp đồng quảng cáo hơn, nhưng thôi đành cố gắng vậy. Áp lực thì áp lực nhưng tôi không nghĩ là mình phải kiếm tiền bằng mọi cách. Làm đến đâu cố gắng đến đấy. Chi tiêu "thắt lưng buộc bụng" một chút.
Tôi đang kinh doanh một thương hiệu nước hoa trên nền tảng online. Nhiều người cũng hỏi sao diễn viên phải làm này, làm kia nhưng cứ trông chờ vào đồng lương đóng phim thì khó lo đủ đầy cho cuộc sống của người thân mình. Tôi cố gắng vì không chỉ đủ ăn cho bản thân mà còn cha mẹ, con cái.
Là nghệ sĩ, Hà Việt Dũng quan niệm như thế nào về việc chi tiền cho quần áo, phụ kiện hàng hiệu?
- Hình ảnh bên ngoài bao giờ cũng quan trọng, nhưng tôi cố gắng chỉn chu, không cần tạo vỏ bọc hào nhoáng.
Giá một món đồ hiệu cũng bằng với nguồn thu nhập lớn của gia đình nên 1-2 năm tôi mới mua một món đồ hiệu, nhưng giá vừa phải chứ không đến hàng chục triệu đồng. Với cát-xê chúng tôi thì chạy theo hàng hiệu đâu xuể!
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Ảnh: Nhân vật cung cấp