(Dân trí) - "Họ xì xào sau lưng tôi rằng, nghề DJ là… làm gái. Tôi chỉ cười. Khi cuộc đời này ném vào mặt tôi quả chanh chua loét, tôi bình tĩnh xin thêm đường, thêm đá, tự pha cho mình một ly nước", DJ TEA nói.
"Họ xì xào sau lưng tôi rằng, nghề DJ là… làm gái. Tôi chỉ cười. Khi cuộc đời này ném vào mặt tôi quả chanh chua loét, tôi bình tĩnh xin thêm đường, thêm đá, tự pha cho mình một ly nước", DJ TEA nói.
"Người đàn bà không ngủ", 11 năm làm mẹ đơn thân
Tôi là Trần Thu Trà, tên thường gọi: DJ TEA (DJ là từ viết tắt của Disc Jockey: Người chọn và chơi nhạc tại quán bar, sự kiện).
Tôi là DJ 7 năm tuổi nghề và là mẹ của một bé trai 11 tuổi.
Tôi chọn "TEA" là nghệ danh, đơn giản như chính tính cách, quan điểm sống của mình.
Ở tuổi 31, trải qua bao phen sóng gió dập vùi, có lúc tưởng chừng rơi xuống đáy cùng tuyệt vọng nhưng trong tinh thần, tôi vẫn tự cho mình là cô gái 18.
Tôi tin cuộc đời giống như hậu vị trà, trong đắng có ngọt…
Đồng nghiệp thường gọi tôi là "nữ hoàng ca cuối". Bởi tôi thường nhận làm ca muộn nhất để có thời gian ít ỏi trong ngày chơi với con.
7 năm trong ngành nightlife (ngành công nghiệp cuộc sống về đêm), tôi đã quen với việc đi làm lúc thành phố lên đèn và trở về nhà khi mọi người chuẩn bị thức giấc.
Ca làm sớm nhất của tôi bắt đầu lúc 19h, còn lại đa phần là 23h và kết thúc vào 5-7h sáng hôm sau.
Gần đây, trên Facebook, tôi chia sẻ khoảnh khắc đi làm về lúc 5h sáng, đưa con đi học lúc 6h và sau đó ra phòng tập yoga… Bạn bè trêu tôi là "người đàn bà không ngủ", hỏi tôi nguồn năng lượng ở đâu để có thể luôn chân, luôn tay suốt một ngày dài. Tôi đáp: "Về già tớ ngủ sau".
Khi bạn làm mẹ đơn thân, là trụ cột gia đình, có cha mẹ già, con cọc… tự khắc bạn sẽ không cho phép mình được "ngủ"...
Hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Có người chờ đàn ông mang lại hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc của tôi là được đi làm, được bận rộn, ngắm con vui, bố mẹ khỏe mạnh.
"Tai đeo headphone, tay xoay đĩa, chỉnh nhạc trên bàn mixer, âm nhạc nổi lên, tôi như biến thành một con người khác, không có chỗ dành cho nỗi buồn".
Cạm bẫy khách chuốc rượu có thuốc kích thích
Nghề này, từ cám dỗ đến sa ngã chỉ trong tích tắc, một cú gật đầu là trượt dốc. Có lần, khách chuốc thuốc kích thích vào ly rượu nhưng tôi thẳng thừng từ chối. Tôi nói: "Em không dùng loại này". Tôi chưa bao giờ để bản thân "sập bẫy".
Có người sẽ chọn cách im lặng rồi chui vào một góc khóc. Còn tôi, tính cũng hơi đàn ông, tôi không cần biết người ấy là ai, một khi chạm vào danh dự, không tôn trọng mình, tôi sẵn sàng phản kháng.
Tôi có kỉ niệm nhớ đời trong lần đầu đi diễn ở Hạ Long, khán giả mấy nghìn người nhưng không có lực lượng bảo vệ. Nhạc vừa lên, nhiều gã đàn ông lao lên sân khấu với ý định xấu. Tôi sợ hãi, hoảng loạn, mặc kệ đồ đạc bỏ chạy. Chưa bao giờ tôi dám diễn lại chương trình đó một lần nào nữa.
Nhiều người nghĩ, tôi sẽ sốc mà chán nản bỏ nghề nhưng tôi tự nhủ đây chỉ là một "tai nạn".
Áp lực vô hình khi bạn chọn nghề DJ là sẽ không tránh được ánh mắt hoài nghi, kì thị. Đến bây giờ, vẫn có những người hiểu sai công việc của tôi.
Câu nặng nề nhất người ta từng nói với tôi: "Nghề DJ cũng là làm gái". Tôi chỉ cười. Đó là lý do khiến lựa chọn tình yêu của tôi vô cùng khó.
Bất cứ nghề nào cũng có người này, người kia nhưng chụp mũ tất cả là phiến diện.
Muốn người ta không nghĩ sai thì tốt nhất bản thân đừng làm. Tôi luôn nghĩ rằng, nghề đã phức tạp nên mình phải sống để mọi người nhìn vào với ánh mắt khác. Dù ai nói gì, tôi vẫn tự tin ngẩng cao đầu.
"Mẹ đừng đi lấy chồng, mẹ lấy chồng sẽ rất khổ"
Làm DJ, tôi phải đánh đổi thời gian dành cho con. Lúc Mạnh Đức còn nhỏ dại, tôi đã thường xuyên phải đi tỉnh diễn.
Trở về nhà sau một ngày dài, ngắm nhìn con say giấc, lắng nghe hơi thở đều đều của con, trái tim tôi rung lên thổn thức, vừa hạnh phúc, vừa buồn, có đôi chút chạnh lòng vì không giống những bà mẹ khác. Nhiều mẹ sẽ được ôm con vào lòng, ru con ngủ, học cùng con, cho con sự yêu thương, đủ đầy…
11 năm qua, tôi vừa là mẹ, vừa là cha, vừa là bạn đồng hành của con...
Đức là cậu bé sống tình cảm, quan tâm mẹ, tính cách vui vẻ. Con thường nói: "Chúc mẹ diễn thành công nhé, con yêu mẹ". Thấy mẹ mệt, bạn ấy rang cơm, mang ra giục mẹ ăn.
Tôi bận làm nên con tự lập từ sớm, tự ngủ, tự chơi. Con biết nấu ăn từ lớp 2.
Bố tôi hiện tại đang là huấn luyện viên CLB bóng đá nữ U15 Hà Nội. Đức giống ông ngoại, con thích thể thao.
Hết hè này, Đức lên lớp 6, tôi dự định cho con vào đội bóng, ở nội trú cùng các bạn.
"Con đường do con chọn, mẹ sẽ vẽ cùng nhưng nỗ lực vẫn là ở con. Cũng giống như nghề DJ, nếu mẹ không cố gắng đã bị loại từ lâu, không ai biết đến mẹ", tôi thường nói với con như vậy.
Thỉnh thoảng ngồi một mình buồn, trong đầu tôi le lói những điều con nói với mình: "Mẹ có thể yêu, nhưng mẹ đừng đi lấy chồng. Mẹ lấy chồng sẽ rất khổ".
Tôi không hiểu sao một đứa trẻ 11 tuổi lại có suy nghĩ đó trong đầu. Có lẽ dạo gần đây xem nhiều phim, con ám ảnh và tưởng tượng mẹ mình phải hầu hạ người khác.
Người ta bảo, cung sư tử như tôi luôn tỏa năng lượng tích cực cho người xung quanh nhưng lúc buồn, có khóc cũng chui vào một góc không ai biết.
Tôi nói với con: "Sau này con lớn, có gia đình riêng, mẹ sẽ ở với ai? Mẹ không thể ở nhà, soi mói vợ chồng con được. Mẹ phải làm mẹ chồng văn minh và sẽ đi bước nữa".
Tôi không có ý định dựa vào ai lúc về già. Tôi làm việc liên tục là vì thế. Tôi kiếm thật nhiều tiền với ý định xây viện dưỡng lão, nếu không lấy chồng, tôi sẽ kéo những cô bạn cùng hoàn cảnh đến ở cho vui (Cười).
Tôi luôn vẽ tương lai cho mình như thế, để không bao giờ bị động.
Nếu được phép "giá như", tôi sẽ không lấy chồng ở tuổi 20
Tôi làm mẹ khi vừa tròn 20 tuổi.
Quá nhiều biến cố ập đến. Vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn, tôi ôm con về ngoại. Sinh xong chưa đi làm, chưa báo hiếu được bố mẹ ngày nào mà lại về "ăn vạ" ông bà.
Tôi trầm cảm sau sinh, sụt cân, gầy rộc đi. Mới sinh, chân con bị lệch một bên nên 3 tuần tuổi đã phải vào bệnh viện bó bột. Đêm nào con cũng khóc, phải bế vác trên tay, ròng rã mấy tháng trời.
Con như thế buồn lắm nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử, dặn lòng phải cố vượt qua đoạn đường này…
Tôi may mắn có bố mẹ luôn hiểu và tin tưởng. Lúc tôi quyết định ly hôn, mẹ nói: "Không sao, về đây với bố mẹ, đừng lo buồn gì hết".
Chị bạn thân dúi tiền vào tay tôi lúc con đi viện. Mấy đứa bạn thì luôn bên cạnh. Những cú ngã trong cuộc đời làm tôi mạnh mẽ, biết trân trọng sự sống hơn.
11 năm qua đi, mẹ bảo: "Hãnh diện nhất khi đã sinh ra con". Tôi nghe, nước mắt trực trào.
Sau này, nếu người đàn ông đến với mình chỉ muốn sự yếu đuối thì cũng không phải là người tôi chọn.
Điều tôi tiếc nuối nhất trong cuộc đời là đã lấy chồng khi còn quá trẻ. Nếu được làm lại, có lẽ tôi sẽ đợi đến 27-28 tuổi, khi đã hiểu biết, chín chắn hơn.
Dáng hình mẹ cha trong bước đường con
Sau mỗi bước đi trong đời của tôi luôn có bố mẹ dõi theo.
Từ bé tôi đã thích hát ca, nhảy múa, bố mẹ luôn tôn trọng mọi lựa chọn, ước mơ của tôi.
Ông bà đã quen với hình ảnh cô con gái nhỏ đứng trước màn hình tivi, bắt chước các cô người mẫu tạo dáng.
Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu đi làm thêm, trải qua nhiều nghề như: Làm "mẫu mặt" cho những người học make-up, mẫu ảnh tạp chí. Sau một lần duy nhất được NTK Cao Minh Tiến dạy đi catwalk, tôi trở thành người mẫu nghiệp dư. 18 tuổi tôi đi hát.
3 tháng sau khi sinh con, tôi quay lại nghiệp ca sĩ, người mẫu.
Bỗng một ngày, người anh chơi thân với tôi nói: "Trà thích ca hát, nhảy múa, học DJ đi không thì phí lắm". Khi quyết định đi học, cũng có lúc tôi định bỏ ngang vì thấy khó quá nhưng nghĩ đến con, tôi lại gắng gượng.
6 tháng sau đó, tôi chính thức đi làm, may mắn được nhận vào một bar nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Ngày đầu tiên, bố tôi lên bar nghe nhạc. Khi đã yên tâm về con gái, ông mới lặng lẽ đi về.
Bố thấy tôi đi làm quần quật, ông thương lắm. Sau này, nhiều lần ông bảo: "Để bố đưa Đức đi học", nhưng tôi muốn mình có sự gắn kết với con.
Truyền nước, uống thuốc giảm đau đi làm
Nghề DJ có sự đào thải rất khắc nghiệt.
Nếu nam DJ có thể theo nghề khi đã ngoài 40 tuổi thì tuổi nghề của nữ ngắn hơn, chỉ chừng 35 đổ lại.
Nghề DJ cho tôi thu nhập ổn định đủ sống, nhưng sức khỏe cũng bị bào mòn. Việc đứng nhiều tiếng đồng hồ trên sân khấu, đi đêm về hôm khiến đầu, cổ, vai, gáy, lưng của tôi thường xuyên đau nhức, phải uống thuốc giảm đau.
Có lần, tôi ốm mệt kiệt sức, gọi người đến truyền nước. Chị y tá nói tôi nghỉ ngơi một hôm nhưng tôi không nghe. Nếu không cố gắng kiếm tiền, ngày mai con tôi sẽ ăn gì, bố mẹ thì ngày một già yếu hơn, tiền ở đâu cho mẹ tôi chữa bệnh. Câu hỏi đó thôi thúc đầu tôi luôn "nảy số".
Giờ đây tôi tìm đến yoga để trị liệu xương, khớp và có thêm năng lượng tái tạo sức làm việc. Mỗi tuần 3 buổi sáng, sau khi đi làm về, đưa con đi học, tôi sẽ đi tập.
Đêm là DJ đình đám, ngày đeo tạp dề bán đồ ăn
Vốn là người lo xa, khi dịch Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), đêm đi làm ở quán bar, ngày tôi xoay ra bán ngan luộc, áp chảo. Đồng nghiệp thấy thế lạ lắm.
Dịch bệnh sau đó lan nhanh như thế nào, mọi người đều đã biết. Trong 2 năm qua, ngành nightlife điêu đứng thì tôi vẫn nuôi sống được gia đình.
Tôi huy động con trai, bố mẹ, thậm chí cả hàng xóm vào bếp cùng mình. Từ thực đơn chỉ có ngan, tôi làm thêm các suất lẩu riêu cua sườn sụn, bún măng gà, bánh bao, hành phi… Mỗi ngày, tôi bán đều đặn được vài chục suất lẩu.
Bây giờ, khi cuộc sống đã trở về trạng thái bình thường mới, tôi vẫn duy trì bán đồ ăn tại chỗ và mang đi. Tôi may mắn gặp được một người chị rủ mở cửa hàng bán bánh đa cua, xôi nên có thêm thu nhập từ đó.
Sau khi đi tập yoga, tôi sẽ đi chợ, vào bếp chuẩn bị đồ cho khách.
Nếu một ngày không may trắng tay, tôi sẵn sàng ngồi ngoài đường bán rau, đi ship hàng. Đặt vào đâu, tôi cũng sống được.
Nhìn lại, tôi biết ơn người thân luôn bao dung, yêu thương, biết ơn bản thân mình chưa bao giờ bỏ cuộc.
Gần đây, tôi đọc nhiều câu chuyện đau lòng về những người mẹ tự tử vì trầm cảm, stress,…
Tôi chỉ muốn nói với các chị em, đừng buồn hay đánh rơi bản thân đến mức khi chồng phản bội là cả bầu trời sụp đổ rồi tự vấn: "Tôi sống thế này mà sao người ta đối xử với tôi như vậy".
Yêu chồng, thương con là tốt nhưng cũng phải chăm sóc bản thân mình.
Tôi luôn luôn muốn tất cả phụ nữ được hạnh phúc. Cuộc đời này vô thường lắm: Nay còn, mai mất. Cứ sống vui, trọn vẹn mỗi ngày và theo đuổi ước mơ của riêng mình…
DJ TEA sinh năm 1991 tại Hà Nội. Với cô, DJ hay nấu ăn đều là niềm đam mê bất tận. Nữ DJ nổi tiếng Hà thành theo đuổi dòng nhạc EDM: Không quá bốc lửa, hơi kén người nghe nhưng thấm sâu, chạm đến cảm xúc của khán giả.
Nội dung: Phương Nhung
Ảnh: Toàn Vũ
Video: Minh Hoàng