Diễn viên Bá Anh sau ly hôn: Ở nhà thuê, tuổi 50 sẵn sàng đi bước nữa
(Dân trí) - Bá Anh từng gây ấn tượng với vai Văn "Nghiện" xấu tính trong phim "Những ngọn nến trong đêm". Ngoài đời, anh thân thiện và vui tính. Bước vào tuổi 50, nam diễn viên vẫn chờ người phụ nữ của đời mình.
"Tôi từng nhận cát-xê bằng mấy cây vàng"
Trong phim "Hoa sữa về trong gió", anh vào vai Hiếu - một ông bố khá nguyên tắc và gia trưởng - vai này có giống anh ngoài đời?
- Mỗi một vai diễn đều là thử thách với tôi. Hiếu của Hoa sữa về trong gió khác hẳn với những nhân vật tôi từng đảm nhận.
Anh ấy là một người Hà Nội gốc, có nền tảng học vấn tốt, gia đình nề nếp và hơi gia trưởng. Một trong những điều đau đớn của Hiếu là cuộc hôn nhân đầu tiên đổ vỡ nên anh rất lo sợ con gái cũng đi vào vết xe đổ của mẹ.
Tôi giống Hiếu khi cũng một lần ly hôn. Tuy nhiên, ngoài đời, tôi là ông bố thích sự chỉn chu, không áp đặt. Tôi luôn biết các con thích gì, muốn gì để có tiếng nói chung giữa bố và các con.
Nhắc đến Bá Anh, nhiều người nhớ đến vai Văn "Nghiện" ở phim "Những ngọn nến trong đêm". Đây có phải vai diễn tạo bước ngoặt trong sự nghiệp của anh?
- Với tôi, nghệ thuật không có đỉnh cao mà luôn là sự vươn tới. Mình cứ tìm tòi, những vai để đời có lẽ vẫn ở phía trước.
Thời điểm lên sóng, Những ngọn nến trong đêm tạo nên tiếng vang lớn. Đó cũng là bộ phim truyền hình đầu tiên dài đến 18 tập. Được đóng vai Văn, tôi được học hỏi, trải nghiệm và vỡ ra nhiều điều.
Vai đó, Văn bị nghiện nên không được chào đón nhưng cũng có nhiều người hỏi thăm, có người nói thẳng "có thử không mà diễn đạt thế".
Bây giờ đi ra đường, vẫn có người gọi tôi là… Văn "Nghiện". Tham gia bộ phim này là may mắn của tôi và thành công chung của ê-kíp.
Cát-xê anh nhận được thời đó là bao nhiêu?
- Tôi nhớ phim quay ở quanh Hà Nội, dài 6-7 tháng. Cát-xê cả phim bằng một tháng lương bây giờ, cũng được mấy cây vàng thời đó đấy (cười).
"Tôi không sung túc nhưng sống được với nghề"
Bá Anh là nghệ sĩ may mắn khi đảm nhận nhiều vai phản diện, chính diện. Trong gia tài phim ảnh, anh thấy tâm đắc nhất vai nào?
- Nói thế thì khó nhỉ, bởi mỗi vai diễn đều có nét thú vị riêng. Cũng giống trên bàn ăn vậy, không có món ăn nào giống nhau, mà luôn có một hương vị, màu sắc riêng.
Với tôi, Văn "Nghiện", Vượng "Khờ" hay ông Hiếu gia trưởng… đều là những vai hay.
Tôi cố gắng tìm tòi để các vai diễn có nhiều màu sắc, gần gũi hơn với đời vì phim là đời mà. Nếu làm mọi thứ khô cứng hay cường điệu lên là hỏng vai mất.
Ghi dấu ấn thời trẻ với vai diễn gây tiếng vang nhưng có người nói, Bá Anh chưa có sự bứt phá để trở thành ngôi sao hạng A. Anh có chạnh lòng không?
- Không, tôi nghĩ đơn giản rằng, mỗi người có một nhiệm vụ, nếu mình đảm nhận được vai diễn đó thì đạo diễn sẽ giao cho mình. Còn nếu chưa đủ thì thôi, tôi không chạnh lòng.
Kể cả dù vai chính hay thứ, tôi đều cố gắng hoàn thành tốt nhất. Ví dụ, tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc ở Thái Nguyên vào tháng 6 vừa qua, tôi được giao vai trong vở Mẹ và người tình. Nhân vật đó tôi chỉ ra diễn có 3 phút nhưng giành được Huy chương bạc.
Tôi nghĩ, không có vai lớn hay nhỏ, chỉ có người nghệ sĩ nhìn nhận và thực hiện nó thế nào. Mình phải hết lòng với nhiệm vụ được giao thì sẽ không hối hận.
Đi qua những thăng trầm của cuộc sống và sự nghiệp, khi nhìn lại, anh thấy nỗi lo về nghệ thuật hay về cơm áo gạo tiền nặng hơn?
- Nỗi lo nào cũng canh cánh cả. Trong nghệ thuật, nếu mình diễn tốt một vai, thì mình sẽ được mời diễn các vai tiếp theo. Tự nhiên vấn đề về cơm áo gạo tiền cũng bớt đi.
Còn nếu mình cứ lo cơm áo gạo tiền thì mình sẽ không làm tốt được vai diễn của mình, hẳn nhiên mình sẽ không được mời đóng phim nữa.
Còn nếu mình chỉ có 10 đồng thì phải phân bổ chi tiêu cho phù hợp.
Nhiều nghệ sĩ nói không thể sống đủ nhờ diễn xuất, còn anh thì sao?Anh có nghề tay trái không?
- Tôi có Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị chủ quản - nơi tôi được rèn giũa nghề, được làm những vở kịch tôi yêu thích. Tôi cũng có VFC (Trung tâm Phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam) là ngôi nhà thứ 2 chắp cánh cho tôi tiếp cận với hàng triệu khán giả.
Bên cạnh đó, tôi có một nhóm bạn trong câu lạc bộ chuyên sản xuất chương trình cho thiếu nhi. Chúng tôi đi diễn ở các đơn vị, trường học, cơ quan nhưng thu nhập ở việc này thì theo thời vụ.
Tôi không sung túc nhưng cũng sống được với nghề và không kinh doanh gì cả.
Cuộc sống của Bá Anh hiện tại - sau khi ly hôn vợ như thế nào?
- Sau khi chia tay, tôi ở cùng con trai thứ hai, đang học lớp 10. Tôi cho thuê căn nhà cũ và thuê lại một căn nhà khác gần trường học của con để đi lại thuận tiện hơn.
Lương tôi ở nhà hát giờ gần 11 triệu đồng. Tôi phải cân đối mọi thứ, trong đó có việc hoạch định tài chính. Tôi phân bổ mọi thứ sao cho hợp lý thôi.
"Tôi cũng có lỗi trong việc ly hôn vợ"
Anh sắp xếp việc nhà thế nào khi phải đi đóng phim và một mình nuôi con?
- Tôi có quen một chị ở cùng chung cư, tôi nhận con gái chị ấy làm con nuôi. Bạn đó hơn con tôi 8 tuổi và hai chị em chơi với nhau khá thân.
Hôm nào đi diễn hay bận, tôi gửi con lên nhà chị ấy ăn uống. Ăn xong, con về nhà học bài nên tôi yên tâm vì gửi được con cho người quen.
Nhà có hai bố con nên chắc anh thường xuyên đi chợ nấu ăn?
- Việc này cũng không khó gì, tôi cũng đi chợ, nấu nướng. Nhưng tôi cũng thường nhờ chị cùng chung cư mua rau, mua thịt hộ rồi để vào tủ lạnh ăn dần. Bố con tôi sống rất đơn giản, không cầu kỳ.
Tôi vừa nấu ăn vừa truyền lại kinh nghiệm cho con trai, nên bạn ấy cũng như đầu bếp thực thụ rồi.
Anh dạy con có nghiêm khắc, có cho con trai tiền tiêu không?
- Tôi là ông bố biết cương, biết nhu. Tôi cũng cho con chút tiền tiêu vặt nhưng với điều kiện, con phải làm việc tốt thì mới được thưởng. Con làm nhiều được nhiều, làm ít được ít.
Tôi cũng đưa cho con một cái thẻ, bạn ấy mua gì tôi cũng biết vì có tin nhắn gửi về điện thoại của tôi.
Người ta nói, đàn ông sợ nhất sự cô đơn. Sau 5 năm chia tay bà xã, anh đã "lên dây cót" để bước vào một mối quan hệ mới?
- Cái đó có trong kế hoạch của tôi. Tôi cho rằng, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Có thể sang năm tôi sẽ tìm được ai đó thì sao?
Tôi luôn sẵn sàng với mối quan hệ mới, nhưng cũng phải tìm được mảnh ghép phù hợp với mình.
Trong tình yêu, anh nhận mình là người thế nào ?
- Tôi là người kỹ tính và giản dị. Tôi thích quan tâm tới người khác, thích sự hài hước, vui vẻ.
Tuy nhiên, khi trải qua vấp ngã trong hôn nhân, người ta sẽ đặt ra nguyên tắc và lựa chọn mục tiêu cho mình. Vậy, một người phụ nữ sẽ thế nào thì phù hợp với anh?
- Tôi thường xuyên đi công tác, ít có thời gian dành cho gia đình nên cũng mong nửa kia cũng phải hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của mình.
Anh có ưu tiên cho những mảnh ghép phù hợp như một người cũng từng trải qua đổ vỡ? Có bao giờ anh cảm nắng bạn diễn?
- Tôi cho rằng vạn sự tùy duyên. Tôi có nhiều bạn diễn nữ nhưng tất cả chỉ là anh em. Tôi luôn rạch ròi giữa công việc và tình cảm. Nếu cứ diễn xong phim này lại cảm nắng một bạn, cảm thế thành mãn tính thì chết (cười).
Thú thực, có người cũng bật đèn xanh cho tôi nhưng bản thân cũng phải nhìn trước ngó sau chứ không dám tiến lung tung được.
Trong việc hôn nhân đổ vỡ, anh thấy mình có lỗi không?
- Có chứ! Bởi nếu tôi là người giỏi giang, hoạt bát hơn, có nhiều thời gian cho gia đình hơn thì sẽ đỡ gánh nặng kinh tế cho vợ. Đồng thời, cũng tránh được việc cô ấy bị người khác rủ rê, lôi kéo, làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Anh từng chia sẻ, sau khi ly hôn anh để lại nhà cho vợ cũ?
- Tôi nghĩ đó là việc mình nên và cần làm bởi cô ấy đã sinh cho tôi 3 người con. Tôi luôn biết ơn vì điều đó. Giờ chia tay, 2 con tôi ở cùng mẹ thì không có gì tôi phải tranh giành nhà cửa với vợ con mình cả.
Tôi và vợ cũ tôn trọng nhau. Chúng tôi thoải mái gặp các con và cùng tạo điều kiện chăm sóc các con.
Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ!
Bá Anh (SN 1974) tốt nghiệp Khoa Đồ họa, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Nam nghệ sĩ đang công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Trên sân khấu, anh tham gia nhiều vở kịch như: Lôi vũ, Con cáo và chùm nho, Nước mắt đàn ông, Đàn ông có bầu...
Anh từng đoạt Huy chương bạc tại Hội diễn Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009, Liên hoan Kịch nói toàn quốc ở Thái Nguyên năm 2024...
Nam diễn viên ghi dấu ấn trong nhiều bộ phim như: Sóng ở đáy sông, Ngã ba thời gian, Đừng đùa với thời gian, Hà Nội mùa đông năm 1946, Sống mãi với Thủ đô, Những ngọn nến trong đêm, Thương ngày nắng về, Hoa sữa về trong gió...