GALLERY
12 ảnh
NSND Trọng Trinh từng thề không lấy vợ nữa
NSND Trọng Trinh (SN 1957), tốt nghiệp lớp diễn viên khóa 1 của Nhà hát Kịch Việt Nam. Trên sân khấu, ông nổi tiếng với vai Phó Tiến sĩ Tùng trong vở Hão, vai Trung úy Công an Cường của vở Nhân danh công lý.
Với điện ảnh, ông ghi dấu với vai chiến sĩ công an Nam Hà, phim Săn bắt cướp (1989). Ngoài ra, ông là gương mặt quen thuộc trong các phim truyền hình như: Gió qua miền tối sáng, Tuổi thanh xuân, Mưa bóng mây, Thông gia ngõ hẹp....
Từ năm 1997, ông chuyển sang làm đạo diễn, gặt hái nhiều thành công khi đứng sau loạt phim truyền hình Sang sông, Ban mai xinh, Cầu vồng tình yêu, Cả một đời ân oán...
Trước khi về hưu, ông giữ chức Trưởng phòng Nội dung 3, Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSND Trọng Trinh cho biết, sau khi nghỉ hưu, ông bận rộn hơn với các dự án từ Bắc vào Nam. Ông thành thật rằng, bản thân "làm không hết việc" vì khá đắt show.
"Tôi thấy mình "có lộc" khi nhiều nơi mời làm việc. Trước kia, khi còn đi làm, tôi bận không tham gia được nhưng bây giờ thì thoải mái hơn. Tuy nhiên, tôi cũng phải sắp xếp hợp lý để dành thời gian cho gia đình", Trọng Trinh bộc bạch.
Khi phóng viên hỏi NSND Trọng Trinh thích được khán giả gọi là nghệ sĩ hay đạo diễn, ông cho biết: "Mọi người gọi tôi là gì cũng được. Tôi không quan trọng việc danh xưng, miễn là khán giả vẫn nhớ mặt đặt tên".
NSND Trọng Trinh cho biết, làm đạo diễn áp lực hơn diễn viên rất nhiều. "Khi là diễn viên thì bạn chỉ cần tư duy cho vai diễn của mình thôi, nhưng làm đạo diễn là phải có đầu óc bao quát.
Khi cầm một kịch bản, bạn phải biết chia tuyến nhân vật, bên cạnh đó phải phân định giữa các thành phần làm phim. Sau đó phải "cân đo đong đếm" sao để kể chuyện phim hay nhất", ông kể.
NSND Trọng Trinh nói thêm, khi làm đạo diễn ông luôn bị thời gian, cảm xúc chi phối nên rất căng thẳng. Có lúc, ông đã nghĩ đến việc nghỉ làm. "Nhưng chắc là cái số của mình phải gắn liền với phim ảnh, nên sau những mệt mỏi ấy, tôi lại có động lực để làm phim", ông tâm sự về nghề.
Nói về tin đồn là đại gia bất động sản, NSND Trọng Trinh cho biết: "Tôi chỉ bình thường thôi, làm phim ảnh thì có ai giàu có? Như các cụ nói "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".
Tôi từng kinh doanh nhưng lại không làm nữa. Tôi từng thử làm bất động sản khi cùng một vài người bạn đầu tư đất đai nhưng gặp dịch Covid-19 giờ cũng… "nằm im". Tôi luôn nghĩ, Tổ nghiệp chỉ cho mình một thứ thôi, làm nghệ sĩ ít ai có nghề tay trái thành công lắm".
Nam nghệ sĩ có 2 con trai với người vợ đầu, con cả đã lấy vợ, con thứ 2 lập nghiệp ở TPHCM. Hiện tại, ông sống cùng với người vợ thứ 2 ở Hà Nội.
Ông nói, việc gặp vợ hiện tại cũng là cái duyên. Hồi đó, ông làm phim Cầu vồng tình yêu. Đi làm về khuya, không kịp mua đồ thế là ông nấu mì tôm và pa-tê ăn. Ngay đêm đấy, ông bị cảm tả, gần như tay chân không nhấc lên được.
"Lúc đó tôi sợ chết. Con trai chạy ra hỏi và ôm tôi. Tôi không bao giờ quên được lúc đó. Tôi thấy như mình sắp "đi" nên nắm tay con, kêu con cầm bút ra để dặn dò. Lúc sau, tôi đỡ hơn chút thì bảo con trai pha gói trà gừng trong tủ để uống cho ấm người.
Hôm sau, tôi dậy thì mọi thứ trở về bình thường. Gói trà gừng ấy chính là món quà của vợ tôi tặng. Khỏi ốm, tôi điện thoại cảm ơn cô ấy và chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn rồi yêu nhau, lấy nhau", ông kể lại.
Bà xã kém Trọng Trinh 16 tuổi, quê ở Đà Nẵng. Hồi ông lấy vợ, nhiều người "choáng" vì trước đó, ông thề không lấy ai nữa.
"Chúng tôi là "rổ rá cạp lại" nhưng muốn xây dựng cuộc sống dài lâu nên cưới nhau. Ban đầu ra Hà Nội sống, cô ấy cũng buồn lắm, vì không có bạn bè. Hiện tại, cô ấy đã có bạn, cũng thi thoảng gặp gỡ, cà phê với bạn những lúc tôi đi vắng. Tôi cũng cố gắng không ôm đồm quá nhiều việc để về nhà với cô ấy", ông chia sẻ.
Trọng Trinh tự nhận mình là người khô khan, không nói được những lời ngọt ngào, nhưng ông quan tâm đến vợ bằng những cử chỉ, việc làm của mình.
"Là nghệ sĩ nhưng tôi không lãng mạn, cái tính của mình từ trẻ đã thế nên không thay đổi được. Nhưng tôi chăm sóc cô ấy bằng những công việc cụ thể, rảnh thì nói chuyện với vợ để cô ấy khỏi buồn. Tiếc nhất là chúng tôi không có một đứa con. Nếu thế thì cô ấy sẽ vui hơn, trọn vẹn hơn", NSND Trọng Trinh bộc bạch.
Ở tuổi 67, NSND Trọng Trinh có cuộc sống bình yên bên vợ và các con. Ông nói, mối quan hệ của 2 con trai và vợ hiện tại rất tốt. Điều này cũng làm không khí gia đình vui vẻ hơn. Ông đã lên chức ông nội, những lúc rảnh rỗi, ông cũng thích chơi và cho cháu đi dạo (Ảnh: Toàn Vũ, Facebook nhân vật).
Vợ NSND Trung Anh không ghen khi chồng đóng phim cùng đồng nghiệp trẻ
NSND Trung Anh sinh năm 1961, là diễn viên kỳ cựu của Nhà hát Kịch Việt Nam. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều với vai trò diễn viên trong các phim truyền hình như: Người phán xử, Về nhà đi con, Thương ngày nắng về, Đấu trí, Chúng ta của 8 năm sau...
Năm 2019, ông nhận danh hiệu NSND. Năm 2021, NSND Trung Anh nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Việt Nam sau 43 năm gắn bó.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về cuộc sống sau khi nghỉ hưu, NSND Trung Anh cho hay, nhiều người nói rằng, về hưu sẽ bị hụt hẫng và buồn nhưng ông không có cảm giác đó. Hằng ngày ông vẫn bận rộn với việc giảng dạy các em sinh viên.
"Nhiều người bảo, cẩn thận đấy, về hưu sẽ bị sốc và trầm cảm vì rảnh quá. Nhưng tôi lại rất bận, chưa có cảm giác mình về hưu. Hiện tại, tôi vẫn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội và làm các dự án phim", bố Sơn của phim Về nhà đi con chia sẻ.
NSND Trung Anh bộc bạch, ông có hơn 40 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam vì thế, tình yêu dành cho sân khấu vẫn còn rất nhiều. Nếu có cơ hội, ông vẫn muốn đứng trên sân khấu, làm những vai mình thích.
"Không phải vì tiền hay cát-xê, đến tuổi này rồi, tôi cũng không ham hố gì nữa, chỉ muốn làm những vai mình thích, thế là vui rồi", nam nghệ sĩ tâm sự.
Trung Anh cho hay, con trai đã về nước sau khi du học ở Phần Lan, còn cô con gái út đang đi học ở Mỹ. Hai con đã lớn nên vợ chồng ông không còn lo lắng nhiều.
"Ngoài việc đi dạy, đi làm phim, tôi cũng dành thời gian rảnh cho gia đình. Nếu ở nhà, tôi vẫn trò chuyện với vợ để cô ấy nguôi ngoai nỗi nhớ con, vì mẹ và con gái thường thân thiết nhau hơn. Tôi hỗ trợ cô ấy mọi việc, trừ vào bếp vì tôi nấu ăn… rất dở", NSND Trung Anh chia sẻ.
Nghệ sĩ nói thêm, ông là người sống bản năng, nhưng vẫn là người chiều vợ. Dù có chồng là diễn viên, hay làm việc với các đồng nghiệp trẻ, nhưng vợ ông không bao giờ ghen mà rất thông cảm cho công việc của chồng.
"Hồi mới yêu nhau, tôi từng đưa vợ đến đoàn phim để xem các diễn viên vất vả thế nào. Là diễn viên, tôi cũng được nhiều khán giả nữ tỏ tình đấy, họ lên cả Facebook nhắn nhủ nhưng tôi thường không trả lời lại vì sợ bị hiểu lầm", ông cho hay.
Ở tuổi 63, NSND Trung Anh có những tháng ngày bình yên bên gia đình. Ông kể, nếu không đi làm phim, đi dạy, ông chỉ quanh quẩn ở nhà, đọc sách, xem bóng đá.
"Giống như nhiều người về hưu, tôi thích đọc sách và xem bóng đá. Nếu có đội Manchester City, tôi không bỏ xem trận nào. Buổi sáng tôi dậy sớm, chăm sóc cây cối, pha trà uống rồi ngắm nhìn khung cảnh của một ngày mới. Tôi không uống bia, rượu và hạn chế tới nơi đông người", ông chia sẻ.
Dù là một diễn viên nhưng ông nhận mình là người ít nói: "Nhiều người hỏi sao tôi kiệm lời vậy, nhưng tính tôi từ xưa nay vẫn thế chứ không phải cố ý như vậy. Tôi nhận mình là người giao tiếp kém, không nói được lời hoa mỹ nhưng tôi chân thành với bạn bè, đồng nghiệp" (Ảnh: Hữu Nghị, Đoàn phim cung cấp).
NSND Trần Lực từng nhận bao tải thư tình của người hâm mộ
Đạo diễn, NSND Trần Lực sinh năm 1963 tại Hà Nội. Là một diễn viên nhưng ông lại nổi tiếng và được nhiều người yêu thích hơn khi trở thành đạo diễn điện ảnh.
Ông sinh ra trong cái nôi nghệ thuật. Bố ông là cố NSND Trần Bảng - "ông trùm" của nghệ thuật chèo Việt Nam. Mẹ ông là NSƯT Trần Thị Xuân, ông nội là nhà văn Trần Tiêu (em trai của nhà văn Khái Hưng).
Vào năm 1983, ông tham gia học lớp Đạo diễn sân khấu và tu nghiệp 7 năm ở Bulgaria. Sau khi về nước, Trần Lực lại chuyển sang điện ảnh và trở thành nam diễn viên nổi tiếng, ghi dấu ấn đẹp trong lòng các khán giả trong các phim: Chuyện tình bên dòng sông, Hoa ban đỏ, Anh chỉ có mình em, Mẹ chồng tôi, Người yêu đi lấy chồng...
Trần Lực còn mở một hãng phim tư nhân lấy tên là Đông A và trở thành đạo diễn tài hoa mang lại thành công cho hàng loạt bộ phim như: Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà, Ông Hai Bình làm thủy điện...
Năm 2022, Trần Lực gây sốt với khán giả khi hóa thân thành nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong tác phẩm Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Nghệ sĩ tuổi 61 cho biết, vì sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nên ông đã thích làm phim ảnh từ nhỏ. Ông từng xem bố đạo diễn, dàn dựng các chương trình và rất tò mò về nghề của bố.
"Thần thái của ông khiến một đứa trẻ như tôi bị cuốn hút. Tôi ước mơ sau này mình được làm nghề như bố. Tôi cũng thích xem mẹ diễn trên sân khấu. Khi mẹ đóng Quan Âm Thị Kính, tôi đứng ở cánh gà và cũng bị cuốn vào.
Với tôi, để có thể vừa làm điện ảnh, sân khấu, sản xuất phim và các tác phẩm kịch, tôi phải yêu và chịu khó học hỏi, quyết tâm. Tôi luôn nghĩ phải làm bằng được. Nếu thất bại sẽ đứng lên làm lại bằng mọi cách đến khi nào thành công thì thôi", ông nói.
Khi được hỏi có áp lực không khi khán giả gọi là "tài tử điện ảnh", "ngôi sao điện ảnh", Trần Lực cho hay: "Tôi không áp lực. Đây là nghề tôi yêu thích và luôn cố gắng đạt được những thành công. Để tạo dựng nên hình tượng nhân vật, nghệ sĩ phải có trình độ và sự tự tin, vậy nên khi quay, chúng tôi thường có buổi tranh luận với đạo diễn, quay phim.
Tôi cũng mong muốn diễn viên bây giờ phải tranh luận và phản biện lại mình mới tạo dựng nên nhân vật trên sân khấu hay màn ảnh sinh động, riêng biệt và không có sự trộn lẫn".
Nam đạo diễn kể, ở thời kỳ hoàng kim, cát-xê tham gia phim ảnh của ông cũng tính bằng… mấy cây vàng.
"Hồi đó vàng 4 triệu đồng/cây thì tôi được 3 cây. Giá vàng bây giờ đã cao lắm, không giống như khi đó. Thú thật, lúc bấy giờ, tiền hay sự nổi tiếng không phải là mục đích mà tôi muốn khám phá loại hình nghệ thuật mới nên cứ sống với đam mê", ông tâm sự.
Trần Lực cũng nói, ngày còn trẻ, ông nhận được nhiều thư của khán giả, phải đến cả bao tải. Phần lớn thư là của phái nữ, trong đó thư tán tỉnh, tỏ tình cũng nhiều. Hồi đó, rất ít người biết địa chỉ nhà nên thư thường chuyển tới các báo về điện ảnh, sau đó các bạn phóng viên gửi lại cho ông.
"Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, Trần Lực ngoài đời khác trong phim nên mọi người yêu nhân vật chứ không phải yêu Trần Lực. Thỉnh thoảng, tôi cũng viết thư trả lời khán giả nhưng khi đó tôi bận lắm. Viết thư rồi phải đi gửi hơi mất thời gian. Song, tôi luôn trân trọng những bức thư và tình cảm của mọi người dành cho mình", ông kể lại.
Hiện tại, Trần Lực điều hành sân khấu LucTeam và dàn dựng nhiều vở diễn hay. Ông nói, cho dù nguồn thu từ sân khấu không cao nhưng vì tình yêu với nghề, ông vẫn "đắm đuối" để cùng ê-kíp làm nhiều vở diễn.
NSND Trần Lực nói: "Tôi yêu nghề, yêu sân khấu mới đi được đường dài. Tôi toàn bỏ tiền túi ra để dựng vở, hòa vốn đã là rất tốt. Tôi dựng những vở đặc biệt để cạnh tranh với truyền hình, điện ảnh... có vở diễn chỉ ở LucTeam mới có".
Trần Lực đang có cuộc sống bình yên bên gia đình. Hằng ngày, ông dậy sớm, đi thể dục, uống cà phê, hút thuốc, sau đó đến chỗ làm việc cùng ê-kíp. Ông cũng hay đọc sách những lúc rảnh rỗi.
"Tôi thích chơi với cháu nội và các con. Ngày xưa, bố mẹ cũng không bắt tôi theo nghệ thuật, mình thích thì theo đuổi thôi. Tôi cũng vậy, các con đã lớn rồi nên tôi luôn tôn trọng sở thích cá nhân của chúng. Mọi người nói rằng, Bờm, Bông, Bách phải theo nghệ thuật nhưng tôi không áp đặt các con.
Thật ra, có năng khiếu chưa chắc đã theo được nghệ thuật, phải có cơ hội, có số mới làm được", ông cho hay (Ảnh: Minh Quang, Facebook nhân vật).