(Dân trí) - Hậu Covid-19, du lịch nội địa lên ngôi, người “miệt thứ” xứ miền Tây đẩy mạnh các sản phẩm du lịch. Phía sau, chính quyền và các đơn vị lữ hành “hà hơi tiếp sức”.
Hậu Covid-19, du lịch nội địa lên ngôi, người “miệt thứ” miền Tây đẩy mạnh các sản phẩm du lịch. Phía sau, chính quyền và các đơn vị lữ hành cùng “tiếp sức”.
Phần “tự giới thiệu” về mình của các tỉnh miền Tây sông nước trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kích cầu du lịch đã thực sự gây ấn tượng mạnh đến những người làm du lịch.
Lần đầu tiên, liên kết du lịch vùng được chính quyền các địa phương ký kết thoả thuận hợp tác, chỉ đạo sâu sát, đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong kết nối và tháo gỡ các khó khăn trong triển khai các hoạt động liên kết.
6 tháng cuối năm 2020, miền Tây sông nước sẽ ra mắt 3 chương trình du lịch Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên, Non nước hữu tình cùng với 52 chương trình du lịch kích cầu từ TPHCM đi đến các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 2 tháng (không dịch) của 6 tháng đầu năm 2020, 5 doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã khai thác thành công các chương trình tour mới với 50.000 du khách từ TPHCM đến Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian lưu trú của khách ở một số tỉnh, thành dài hơn. Liên kết cũng giúp thu hút được du khách từ miền Bắc và Trung vào với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khách du lịch đến Đồng bằng sông Cửu Long trong hai tháng không chịu tác động của dịch đạt 12,9 triệu lượt, tăng khoản 14% (so với 2 tháng cùng kỳ), trong đó số lượng khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Đông ĐBSCL đạt 436.890 lượt, số lượt khách du lịch nội địa đạt 2,7 triệu lượt.
Số khách quốc tế đến các tỉnh, thành cụm Tây ĐBSCL chỉ đạt 289.814 lượt, số lượng khách du lịch nội địa là 9,6 triệu lượt.
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng liên kết giữa TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long là liên kết quan trọng vì đồng bằng sông Cửu Long có vai trò là một trong những điểm nhấn của du lịch Việt Nam với tiềm năng đa dạng.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch của đồng bằng sông Cửu Long lại là một điểm nghẽn đối với sự phát triển du lịch nơi đây, cần phải tập trung khắc phục thật nhanh để đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng, đặc biệt là khi hiệu quả từ liên kết với TPHCM phát huy.
Đại diện đơn vị lữ hành VinaGroup, ông Trần Thanh Vũ nêu rõ: “Nhu cầu khách hàng ngày càng cao chính vì vậy phải tập trung vào nhu cầu ăn ngon mặc đẹp của nhóm du lịch đặc biệt mặc dù dịch covid có ảnh hưởng 1 phần kinh tế và yếu tố chăm sóc khách hàng kỹ lưỡng, giới thiệu về văn hoá vùng miền, phục vụ ăn uống và nghỉ ngơi phải ở 1 tầm cao mới, món ăn phải đặc sắc – không trùng lặp mang tính đột phá. Bên cạnh đó cần phải nâng cao đào tạo nguồn nhân lực tiếp xúc trực tiếp khách hàng".
Ông Phan Xuân Anh, đơn vị lữ hành Du ngoạn Việt chỉ rõ: “Đồng bằng sông Cửu Long là vùng rất có tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển du lịch, cần chú ý bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng sản phẩm để phát triển bền vưng. Để gia tăng tính hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh, đề xuất mỗi địa phương chọn “một cá tính đỉnh cao” của địa phương mình để xây dựng sản phẩm cao cấp làm gia tăng giá trị sản phẩm. Các địa phương cần có chính sách cụ thể chủ động đào tạo nguồn nhân lực lao động của địa phương để đón đầu nhu cầu phát triển của vùng... tổ chức tốt hơn nữa công tác quảng bá tiếp thị - nhất là tận dụng nguồn lực về truyền thông tại trung tâm TPHCM, cần lấy quan điểm phát triển du lịch để làm giàu chứ không chỉ để xóa đói giảm nghèo”.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM
Không chỉ chịu ảnh hưởng từ dịch covid-19, đồng bằng sông Cửu Long còn chịu tác động mạnh của việc khô hạn. Du lịch giảm sâu về số lượng và doanh thu. Do vậy, cần quyết liệt triển khai thực hiện các nội dung chưa thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm mục tiêu làm cho thị trường du lịch sôi động trở lại với các giải pháp chính:
1- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong liên kết vùng.
2- Xây dựng thương hiệu du lịch vùng, đến quý IV/2020 bắt đầu truyền thông cho thương hiệu.
3- Chuẩn bị lộ trình xúc tiến các thị trường quốc tế và có kế hoạch quảng bá đến các thị trường cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh.
4- Tăng cường hoạt động hỗ trợ của chính quyền đối với doanh nghiệp đầu tư vào vùng, tránh hình thức và thiếu sự đồng bộ trong liên kết.
5- Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tàu cần tăng cương nâng chất sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và hoạt động quảng bá nhằm tăng độ dài lưu trú và chi tiêu của khách du lịch khi đến du lịch vùng.
6- Vừa phát triển du lịch vừa đảm bảo an toàn cho du khách và phòng chống dịch bệnh. TPHCM xác định là đối tác phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và sẵn sàng dành các nguồn lực để tổ chức thực hiện các nội dung của thỏa thuận liên kết với vùng đồng bằng sông Cửu Long
Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò và ý nghĩa trong phát triển du lịch trở thành đòn bẫy kinh tế xã hội của các địa phương, và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tập trung phát triển du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới.
Đặc biệt, việc phát huy có hiệu quả liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long càng có giá trị với ngành du lịch phía Nam khi TPHCM vừa ký kết liên kết phát triển du lịch với 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nối liền 2 vùng kinh tế lớn của phía Nam, kết nối 2 vùng thị trường lớn gần 80 triệu du khách mỗi năm.
Phạm Nguyễn