Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền đìu hiu: Chủ tiệm sống nhờ... bán online
(Dân trí) - Kể cả trong tuần hay cuối tuần, Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền đều rơi vào cảnh ế ẩm, hàng quán nhiều nhưng vắng khách mua, khiến tiểu thương rơi vào lo lắng.
Cuối tuần đìu hiu
Hơn 20h, chị Phương Thảo (SN 1982) - chủ một quầy hàng bò lá lốt - bước ra đường, ngóng bên trái rồi bên phải, tìm kiếm vị khách cuối cùng trong ngày. Nhìn con phố vắng hoe, chỉ có xe máy chạy vù qua, chị Thảo ngậm ngùi trở lại quầy hàng, thở dài rồi bắt đầu dọn dẹp.
Chị Thảo là tiểu thương buôn bán trên Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3, TPHCM), mở cửa hàng trước khi phố ẩm thực này được khánh thành không lâu.
Thời điểm đó, nhiều cơ chế mới được đưa ra với mục đích biến đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền trở thành con phố ẩm thực sầm uất, nhộn nhịp. Không chỉ chị Thảo mà dường như tiểu thương nào ở đoạn đường này cũng kỳ vọng tương lai "mua may, bán đắt".
Thế nhưng, không lâu sau đó, phố ẩm thực này khiến tiểu thương không khỏi thất vọng và lo lắng vì sự vắng vẻ, dù là cuối tuần.
"Ngày trước tôi bán rất được, nhưng khi thành lập phố ẩm thực thì mọi chuyện lại khác. Lúc thì chặn xe chỉ cho người đi bộ, lúc thì chặn xe một chiều, rồi lại mở đường cho xe chạy bình thường.
Ban đầu mỗi ngày tôi bán 8kg bún - hơn 100 phần ăn, còn bây giờ mỗi ngày bán 5kg bún cũng không hết. Thay đổi hoài nên dù bây giờ đường trở lại như cũ, tôi vẫn không buôn bán được như lúc đầu. Đúng là càng làm càng tệ", chị Thảo cho hay.
Vắng khách là tình trạng chung của nhiều hàng quán trên phố (Ảnh: Mộc Khải).
Thậm chí, khi phố ẩm thực hoạt động được một thời gian, khách thưa thớt, chị Thảo phải đóng cửa tiệm vài tháng, đến khi đường Nguyễn Thượng Hiền gỡ bảng chặn xe, cho các phương tiện lưu thông bình thường, chị mới mở bán trở lại.
Chị Thảo nói thêm, chị buôn bán tại nhà riêng, không tốn chi phí thuê mướn nên có thể bán lai rai gồng gánh kinh tế, trong khi nhiều tiểu thương khác phải thuê mặt bằng với giá hàng chục triệu đồng/tháng khó lòng trụ nổi.
Phố ẩm thực nhưng hàng quán sống nhờ... bán online
Năm 2019, tạp chí Time Out (Anh) đã bình chọn tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền là một trong 20 khu phố đáng sống của thế giới. Với đặc thù nhiều nhà dân nằm sát nhau, buôn bán ổn định nhiều năm nay, đoạn đường này được tổ chức thành phố ẩm thực.
Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền dài gần 400m (từ đường Điện Biên Phủ đến Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM). Đưa vào hoạt động từ tháng 12/2022, con phố này được kỳ vọng sẽ là tụ điểm ăn uống hấp dẫn, thu hút thực khách về đêm.
Phố có gần 100 hộ kinh doanh, buôn bán các món như gỏi cuốn, bánh tráng trộn, cơm tấm, gà nướng, trà sữa, nước ép trái cây... Lối vào phố ẩm thực ở hai đầu được trang trí đèn rực rỡ. Hàng quán của tiểu thương cũng lắp bảng hiệu bắt mắt.
Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền là nơi buôn bán nhiều món ăn quen thuộc, được giới trẻ ưa chuộng (Ảnh: Mộc Khải).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhiều tiểu thương cho biết ban đầu, Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền ra đời mang đến niềm phấn khởi cho những người buôn bán ở con đường này.
Khi đó, cơ quan chức năng còn hỗ trợ gắn bảng hiệu cho các hàng quán, bố trí vạch kẻ đường để khách hàng được xuống đường ngồi trong vạch, bên ngoài dành cho người đi bộ. Song, vì diện tích chật hẹp, các hàng quán khó lòng đón khách đến ăn uống.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, mới gần 21h, một số tiệm đã tắt đèn, đóng cửa. Đáng nói, nhiều căn nhà trên phố đã treo bảng sang nhượng, dời quán, cho thuê mặt bằng.
Gọi là phố ẩm thực, nhưng không phải hàng quán nào bên trong con phố cũng buôn bán mặt hàng liên quan đến ẩm thực. Nơi đây còn có cửa hàng bán hoa, sửa xe, bán đồ nhựa...
Anh Bình Thuận (SN 1985) - chủ tiệm nước giải khát trên Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền - cho biết cửa tiệm của anh từng lao đao khi đường bị chặn xe máy, chỉ dành riêng cho người đi bộ.
Hiện tại, anh Thuận chủ yếu bán nước mang đi và bán qua các nền tảng trực tuyến. Theo anh, sau nhiều thay đổi rồi lại đổi thay, Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền ngày nay đã không khác gì những con đường bình thường khác, chỉ có điều lượng khách mua hàng không thể phục hồi như xưa.
Chủ tiệm, nhân viên "giết thời gian" khi không có khách (Ảnh: Mộc Khải).
"Ban đầu, cơ quan chức năng muốn biến nơi đây thành con phố đi bộ thực thụ, chỉ dành cho người đi bộ trong khoảng thời gian nhất định. Song, mọi chuyện không như dự tính, không cho xe lưu thông thì hàng quán không có khách, nên lại tiếp tục có nhiều đợt thay đổi.
Ngày xưa, khi đưa ra quy định chặn xe trong khoảng 19-23h, các cơ quan có thông báo rầm rộ. Đến khi không hiệu quả, các rào chắn được dỡ bỏ, để con đường trở lại bình thường", anh Thuận nói.
Anh cũng cho biết thời gian qua, tiệm nước của anh còn không bố trí chỗ cho khách ngồi, vì phần lớn đơn hàng đều là bán thông qua ứng dụng. Thậm chí, có những đêm anh đóng cửa tiệm sớm và chỉ bán qua ứng dụng mà thôi.
Vì sao phố Nguyễn Thượng Hiền lệch khỏi "đường đua"?
Nhìn lên chiếc bảng hiệu vuông vức đã tắt ngóm trước cửa, chị Thanh Trang (SN 1973) - chủ tiệm cơm tấm - nhớ lại ngày khánh thành phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền, ai nấy đều phấn khởi.
Chị cùng các tiểu thương khác được hỗ trợ gắn bảng hiệu đồng nhất, được tặng thùng rác để bố trí trong tiệm. Nào ngờ, quá trình buôn bán lại không như kỳ vọng.
"Mới hơn 20h mà đường đã vắng hoe chứ nói gì đến 23h. Việc buôn bán ế ẩm, ai cũng buồn", chị Trang nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhiều bạn trẻ cho biết những buổi tối rảnh rỗi, muốn đi chơi, họ sẽ nghĩ đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ đêm Hồ Thị Kỷ hay các tụ điểm ăn uống ở quận 4. Nơi được gọi là phố ẩm thực hẳn hoi như đoạn Nguyễn Thượng Hiền, lại không phải là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người.
Các tiểu thương thừa nhận, vì diện tích không cho phép, nên dần dà cửa hàng của họ chủ yếu bán mang đi. Nếu có kê bàn ghế để ngồi, thì họ cũng chỉ kê vài cái ghế nhựa cho có.
"Đi chơi buổi tối, nhiều người cần chỗ ngồi thoải mái, cảnh đẹp một chút. Ở đây không đáp ứng được điều đó nên vắng khách. Ngoài nơi này ra thì họ còn nhiều sự lựa chọn mà", một tiểu thương chia sẻ.
Khoảng 20h, chị Thanh Trang dọn dẹp vật dụng, chuẩn bị đóng cửa tiệm (Ảnh: Mộc Khải).
Anh Minh Thiện (SN 2004, Bình Thạnh) cho biết cuối tuần, anh thích ra phố đi bộ Nguyễn Huệ vì không gian ở đó thoáng mát. Khi muốn ăn uống, anh sẽ chạy xe máy đến quận 4 ăn ốc, hay có thể tìm chỗ ngồi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và đặt đồ ăn qua ứng dụng về dùng.
"Khi đi chơi, tôi và bạn bè vẫn đề cao sự tiện lợi, thoải mái, đặc biệt là có chỗ ngồi lâu để trò chuyện", anh Thiện nói.
Tương tự, chị Anh Đào (SN 1998, Gò Vấp) cũng cho rằng việc Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền không có chỗ ngồi thoải mái, rộng rãi chính là một trong những lý do khiến con phố này thưa khách, không được nhiều người ưa chuộng.
"Đồ ăn ở con phố này không quá đặc biệt hay phong phú, đường lại chật chội, xe cộ dập dìu. Đó là lý do tôi không chọn đến đây chơi. Còn nếu nói đến việc ghé mua đồ ăn để đi chỗ khác ăn thì tôi đặt hàng qua ứng dụng sẽ tiện lợi hơn", chị Đào chia sẻ.
Đường Nguyễn Thượng Hiền nằm phần lớn ở địa phận quận 3 (phường 4, 5, 7) và một phần quận 10 (phường 11). Con đường dài khoảng 930m, lộ giới 10m, giao hai đầu với đường Nguyễn Thị Minh Khai và vòng xoay Công trường Dân Chủ, đi qua các ngã tư đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần.
Trong đó, tuyến phố ẩm thực dài khoảng 370m, nằm trong đoạn giao với đường Điện Biên Phủ đến Nguyễn Đình Chiểu (phường 4, quận 3), ra đời từ tháng 12/2022 với thời gian hoạt động từ 19-23h hằng ngày.
Khi mới ra mắt phố ẩm thực, ở 2 đầu ra vào phố, cơ quan chức năng bố trí bảng và rào chắn cấm xe lưu thông từ 19-23h mỗi ngày. Về sau, rào chắn theo thời gian cố định được dở bỏ, xe trên đoạn đường này lưu thông 2 chiều bình thường cả ngày và đêm.