Nét thơ mộng trường tồn của dòng sông di sản chảy qua thành phố Huế
(Dân trí) - Sông Hương chảy qua lòng đô thị Huế có vai trò vô cùng quan trọng từ lịch sử, văn hóa cho đến cảnh quan của Huế. Sông Hương như là biểu tượng của Huế.
Sông Hương như một kiệt tác nghệ thuật mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho đô thị Huế. Dòng sông ấy không chỉ là trục xương sống kết nối các bộ phận cấu thành di sản Huế mà còn là nhân chứng lịch sử trong suốt dặm dài hình thành, phát triển.
Dòng sông ấy vẫn chảy, hòa mình giữa thiên nhiên vùng đất Cố đô chẳng khác gì "yếu tố trữ tình của một bài thơ đô thị".
Hợp lưu từ hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch ngay ngã ba Bằng Lãng, sông Hương với chiều dài khoảng 30km cứ thế uốn lượn mềm mại qua các đền đài lăng tẩm, những làng mạc bình yên, trù phú.
Sông Hương cũng chính là minh đường (nơi tụ hợp sinh khí) trong yếu tố phong thủy chủ đạo của kinh đô Huế trước khi xuôi ra biển lớn. Quá trình phát triển đô thị, dưới Triều Nguyễn, hầu hết các công trình kiến trúc đồ sộ, từ kinh thành cho đến các cung điện, phủ đệ, lăng tẩm của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đều nằm kề bên sông Hương.
Sông Hương đã được giữ gìn như là yếu tố minh đường của kinh thành Huế. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, dưới thời thuộc Pháp, nhiều công trình kiến trúc dọc bờ Nam sông Hương xuất hiện. Điều đặc biệt, quá trình đô thị hóa, sông Hương đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng với cảnh quan đôi bờ nhiều cây xanh, thảm cỏ, tạo nên bức tranh kiến trúc cổ kính, hài hòa, thân thiện môi trường cho đô thị Huế.
Ngày 25/11/1981, nguyên Tổng giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M Bow đã có lời kêu gọi "cứu vãn Huế". Trong lời kêu gọi ấy, có đoạn: "Nằm giữa miền Trung Việt Nam, Huế trong một thời gian dài là kinh đô lịch sử. Có sông Hương ru vỗ du dương, bao bọc bởi những đồi cây xanh tốt, trang trí thêm bằng những vườn tược xum xuê, có những dòng kênh bao quanh như chạm khắc, thêu ren, TP Huế là một kiệt tác về kiến trúc đô thị".
Theo giới nghiên cứu, chuyên gia quy hoạch đô thị, Huế là đô thị di sản và đô thị sinh thái đặc sắc duy nhất của Việt Nam. Và sông Hương có vai trò chủ đạo, mang sứ mệnh cấu thành, một phần cơ thể hết sức đặc biệt của đô thị di sản ấy.
GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính - nguyên Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khi nhắc đến dòng Hương Giang đã nói rằng đó là bằng chứng của sự đồng nhất, tạo ra giá trị nổi trội giữa thiên nhiên và đô thị.
Theo ông Kính, sông Hương là con sông duy nhất và ít khi thấy trên thế giới khi chảy qua đô thị Kinh đô mà không bị áp đặt, biến thành đại lộ nước.
Thú vị hơn, con sông này chảy êm ái, khoan thai và không hề bị gò bó. Trong khi đó, PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nhận định, cảnh quan sinh thái đôi bờ sông Hương từ thượng nguồn đến cửa biển Thuận An có vai trò là "trục tâm linh" và "trục quy hoạch" trong quá khứ đến hiện tại và cả tương lai.
Vì thế, trong kế hoạch quản lý khu di sản thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, cần hết sức quan tâm và có sự thận trọng cần thiết trong thái độ ứng xử với môi trường thiên nhiên, đặc biệt là sông Hương và cảnh quan đôi bờ. Tháng 3/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 2 bên bờ sông Hương để bảo tồn, phát triển.
Theo quy hoạch có không gian, kiến trúc cảnh quan với diện tích khoảng 855ha, trong đó có hơn 500ha mặt nước. Có 5 cụm trung tâm, bao gồm khu vực trung tâm TP Huế và 4 khu vực phụ trợ gồm Phường Đúc, Thủy Biều, Vọng Cảnh, Tiên Nộn.
Ngoài ra, còn có các khu vực chức năng như khu văn hóa du lịch, hỗ trợ cư trú. Với hệ thống giao thông đô thị theo mối liên quan với tuyến dịch vụ du lịch chủ yếu và khu vực lân cận.
Đặc biệt, hệ thống giao thông công cộng được đẩy mạnh giao thông đường thủy trên sông Hương và phương tiện giao thông mới.
Không những là một dòng sông lịch sử, sông Hương còn là không gian văn hóa lễ hội với rất nhiều lễ hội lớn nhỏ được tổ chức và là dòng sông có tiềm năng khai thác du lịch vô cùng lớn. Có thể kể đến với các lễ hội đua ghe, đua trải vào các dịp lễ tết, lễ hội điện Hòn Chén ở phía thượng nguồn vào tháng Ba và tháng Bảy âm lịch, lễ hội hoa đăng của Phật giáo.
Nhiều lễ hội đặc sắc khác vào các dịp Festival Huế cũng lấy sông Hương làm sân khấu đã đem đến cho du khách nhiều cảm xúc đặc biệt.
Hệ thống không gian xanh chú trọng mang tính liên tục và tăng cường khả năng tiếp cận với tuyến phố đi bộ.
Ngoài ra, sẽ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan phân theo 3 vùng: Vùng thượng lưu từ đồi Vọng Cảnh đến cồn Dã Viên được bảo tồn cảnh quan và quản lý tài nguyên văn hóa lịch sử; Vùng trung tâm đô thị từ cồn Dã Viên đến cồn Hến là trung tâm du lịch văn hóa và các không gian mở; Vùng hạ lưu từ cồn Hến đến phố cổ Bao Vinh bảo tồn và khai thác cảnh quan tự nhiên sinh thái.