DNews

Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ "người tình", bên "xin gánh mẹ"

Hồng Anh Khôi Vũ

(Dân trí) - Thay vì nghe tiếng mái chèo khua sóng nước, tiếng chuông, tiếng tụng kinh niệm Phật, du khách xuôi dòng suối Yến, chùa Hương bị dội vào tai âm thanh chát chúa từ những chiếc loa kẹo kéo công suất lớn.

Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ "người tình", bên "xin gánh mẹ"

Suối Yến biến thành "vũ trường"

Chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) đang thu hút đông đảo du khách thập phương về du xuân, lễ chùa.

Lộ trình được nhiều người lựa chọn nhất là di chuyển bằng đò từ bến đò Yến Vĩ, ghé đền Ngũ Nhạc (hay còn gọi là đền Trình) sau đó đến bến Trò lên chùa Thiên Trù, động Hương Tích. Quãng đường này dài khoảng 4km, xung quanh cảnh sắc hữu tình.

Du khách sẽ ngồi trên những chiếc đò hoặc thuyền có sức chứa từ 6 đến 12 người, vừa di chuyển vừa ngắm cảnh xung quanh. Với nhiều người đây là một trải nghiệm thú vị khi họ được hòa vào đời sống sông nước, chứng kiến cảnh sương khói bảng lảng, mờ ảo.

Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ người tình, bên xin gánh mẹ - 1
Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ người tình, bên xin gánh mẹ - 2

Du khách mở loa kẹo kéo với đủ mọi thể loại nhạc hát vang cả khúc sông.

Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, năm nay, tại chùa Hương bùng phát tình trạng sử dụng loa kẹo kéo làm ảnh hưởng đến không gian cảnh quan và du khách đi lễ chùa.

Mỗi ngày có hàng nghìn chiếc đò rời bến để chở khách xuôi suối Yến. Đặc biệt, vào thời điểm buổi sáng, những chiếc đò nối đuôi nhau di chuyển, đò này cách đò kia chỉ vài ba mét.

Rất nhiều đoàn khách vì muốn hành trình tham quan, lễ chùa của mình sôi động, nhiều cảm xúc đã thuê loa kẹo kéo để ca hát trên đò.

Những chiếc loa công suất lớn được đặt ở đầu mỗi chiếc đò hay thuyền. Chỉ với một vài chiếc mic, một chiếc điện thoại kết nối mạng và bluetooth, du khách đã có thể thỏa sức mở những giai điệu mình yêu thích và cất cao giọng hát. Có đoàn thậm chí thuê 2-3 mic để nhiều người cùng được hát.

Họ truyền tay nhau khi đến "bài tủ" của ai đó. Trên một số thuyền, thậm chí còn tổ chức livestream (phát sóng trực tiếp) vừa chia sẻ "chương trình ca hát", vừa cập nhật hình ảnh mọi người đi lễ chùa Hương.

Đôi khi thấy đoàn khách nào có cùng sở thích hát loa kẹo kéo đi qua, cả đoàn lại hứng khởi vẫy tay hay giao lưu, đối đáp.

Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ người tình, bên xin gánh mẹ - 3
Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ người tình, bên xin gánh mẹ - 4

Không chỉ có du khách trong nước, một số đoàn khách nước ngoài cũng sử dụng loa kẹo kéo khiến nhiều khúc sông bị biến thành một "vũ trường" với những chiếc loa công suất lớn ở gần nhau.

Âm thanh từ chiếc những chiếc loa kẹo kéo đôi khi còn lấn cả tiếng loa của Ban Quản lý khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn đang chạy dọc dòng sông chia sẻ về các thông tin lễ hội hay biểu diễn các làn điệu truyền thống. 

Tình trạng loa kẹo kéo bùng phát khiến nhiều du khách đến tham quan chùa Hương ngán ngẩm.

Chị Vũ Thị Định (39, quê Nam Định) cho biết: "Mỗi đò một âm thanh, một dòng nhạc, du khách thi nhau gào, hét. Ai hát hay còn đỡ chói tai, ai giọng kém thì thật khiến người khác khó chịu.

Người thì hát tình ca "Người tình mùa đông", "Nhớ người yêu", người thì hát nhạc cách mạng, nhạc gia đình "xin gánh mẹ, nhớ công cha"… Đi lễ chùa tôi chỉ muốn thư thái vãn cảnh nhưng lại lạc vào không gian với đủ mọi âm thanh hỗn độn".

Ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến không gian văn hóa truyền thống

Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ người tình, bên xin gánh mẹ - 5

Một đoàn khách nước ngoài sử dụng loa kẹo kéo khi đi đò tham quan chùa Hương.

Theo anh Đỗ Quý Hải (ở quận Đống Đa, Hà Nội), việc du khách sử dụng loa kẹo kéo hát giữa nơi công cộng làm ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều người chỉ biết nghĩ đến cái vui của mình mà không biết rằng ca hát, giải trí không đúng lúc, đúng chỗ sẽ làm ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là ở chốn cửa chùa linh thiêng cần sự tôn nghiêm, tĩnh lặng.

Suốt chuyến tham quan chùa Hương cuối tuần vừa qua, anh Hải cũng nhìn thấy một số đoàn du khách nước ngoài sử dụng loa kẹo kéo.

"Người Việt đua nhau mở loa kẹo kéo khiến người nước ngoài cũng thích thú hưởng ứng. Họ có thể sẽ hiểu nhầm đây là một "nét văn hóa" của người Việt khi đi lễ chùa. Điều này thực sự không hay chút nào. Đáng lẽ ra, nên để họ nghe được những tiếng hát chầu văn, tiếng dân ca... để hiểu về văn hóa Việt hơn", anh Hải nói.

Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ người tình, bên xin gánh mẹ - 6
Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ người tình, bên xin gánh mẹ - 7

Các cửa hàng cho thuê loa kẹo kéo sẵn sàng phục vụ, có cửa hàng nằm dọc suối Yến, chỉ cần khách gọi điện sẽ có người giao loa tận nơi.

Chị Nguyễn Thị Nga (48 tuổi, lái đò ở chùa Hương) chia sẻ, năm nay nở rộ tình trạng du khách thuê loa mang theo xuống đò để hát hò. Có đoàn khách hưng phấn quá vừa hát vừa lắc lư khiến cả đò chòng chành khó khăn cho người cầm lái.

Chị Nga không muốn khách mang theo loa lên đò vì vừa nặng, vừa ồn ào. Tuy nhiên, đó là ý muốn của khách nên chị không dám đưa ra ý kiến gì.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nắm bắt nhu cầu của du khách, có không ít cửa hàng tại chùa Hương đã nhanh chóng bung ra dịch vụ này. Giá thuê của một chiếc loa kẹo kéo dao động từ 200.000 đến 400.000 đồng tùy công suất, số lượng mic.

Bà Nguyễn Th. - một người cung cấp dịch vụ loa kẹo kéo tại chùa Hương cho hay: "Khách nhận loa sau khi rời điểm đền Trình. Năm nay, có nhiều khách thuê loa hơn nên nhà 20 chiếc loa nhà tôi thường hoạt động hết công suất. Có chiếc loa quay vòng ngày 3-4 chuyến".

Loa kẹo kéo chát chúa ở chùa Hương: Bên nhớ người tình, bên xin gánh mẹ - 8

Theo bà Th., trước đây khi cho khách thuê 2 mic, bà thường bị mất 1 mic nên năm nay rút kinh nghiệm, bà chỉ cho thuê 1 chiếc. Giá thuê 1 mic và 1 loa là 200.000 đồng không giới hạn thời gian.

Những chiếc loa kẹo kéo ngày càng rẻ và xuất hiện càng nhiều trong đời sống. Không chỉ có mặt ở các khu dân cư, địa điểm vui chơi, loa kẹo kéo giờ đây xuất hiện càng nhiều ở những khu du lịch, lễ hội kéo theo thực trạng ô nhiễm tiếng ồn.

Bàn về nạn ô nhiễm tiếng ồn từ loa kẹo kéo, nhà văn Hoàng Anh Tú từng chia sẻ, đây là khủng hoảng đô thị. Nhiều khu du lịch dựa vào thế mạnh là phong cảnh thiên nhiên, nơi yên tĩnh giúp du khách tìm đến để nghỉ ngơi, tránh xa ồn ào của phố phường thì nay lại là ác mộng, gây khủng hoảng cho du khách.