Cây đàn kìm cách điệu, gợi nhớ hình ảnh tác giả bản Dạ cổ hoài lang bất hủ
(Dân trí) - Biểu tượng cây đàn kìm cách điệu ở Bạc Liêu gợi nhớ đến hình ảnh của tác giả bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Công trình văn hóa tiêu biểu này đã được xác lập "Cây đàn kìm cách điệu lớn nhất Việt Nam".
Công trình cây đàn kìm cách điệu đặt tại quảng trường Hùng Vương (phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Đây là một trong những quảng trường lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu (Ảnh: CTV).
Với hình ảnh, kiến trúc độc đáo, cây đàn kìm cách điệu được xem như "trái tim" của trung tâm quảng trường.
Tháng 4/2014, công trình này được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là "Cây đàn kìm cách điệu lớn nhất Việt Nam" nhân dịp Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ 1, tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: CTV).
Toàn công trình có các hạng mục như khu hồ sen, cây đàn kìm, hệ thống ánh sáng, phun nước,... với tổng diện tích khoảng 5.000m2.
Trong đó cây đàn kìm cách điệu có bán kính 17m, cao hơn 18m, với thiết kế đầy đủ bộ phận như dây đàn, phím,... cơ bản giống như đàn thật.
Một trong những điểm nhấn của công trình là hình ảnh hoa sen nâng cây đàn kìm cách điệu lên cao.
"Hình ảnh cây đàn kìm cách điệu khẳng định Bạc Liêu là một trong những "cái nôi" của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận.
Đồng thời, gợi nhớ hình ảnh về nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang bất hủ - tác phẩm đặt nền móng cho sự phát triển của vọng cổ cũng như nghệ thuật sân khấu cải lương ngày nay", theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890-1976) sáng tác bản Dạ cổ hoài lang năm 1919. "Từ là từ phu tướng/Báu kiếm sắc phán lên đàng/Vào ra luống trông tin nhạn/Năm canh mơ màng/Em luống trông tin chàng/Ôi! Gan vàng thêm đau...", bản Dạ cổ hoài lang đã góp phần cho nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, nhiều tác giả, soạn giả nổi danh trên sân khấu cải lương.
Hệ thống ánh sáng cho biểu tượng đàn kìm là ánh sáng nghệ thuật, cùng với hệ thống phun nước nghệ thuật hồ sen,.. để tạo thêm hình ảnh đẹp mắt.
Về đêm, với ánh sáng nghệ thuật, biểu tượng cây đàn kìm đổi màu khác nhau tạo nên vẻ đẹp lung linh tại quảng trường.
Khu vực biểu tượng cây đàn kìm còn được sử dụng làm "phông nền" cho nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Bạc Liêu hiện nay (Ảnh: CTV).
Cùng với nhà hát Cao Văn Lầu (nhà hát 3 nón lá), biểu tượng cây đàn kìm cách điệu là điểm nhấn tiêu biểu, thu hút du khách khi đến tham quan du lịch ở xứ "Công tử Bạc Liêu".