Bên trong khu chợ trăm tuổi của Hà Nội được "đưa xuống lòng đất"
(Dân trí) - Chợ Mơ là một trong những khu chợ truyền thống lâu đời và nổi tiếng của Hà Nội. Từ năm 2014, chợ Mơ được "đưa xuống lòng đất", hoạt động buôn bán bên trong tầng hầm của tòa nhà.
Công trình Trung tâm thương mại chợ Mơ được xây dựng trên diện tích đất 11.000m2 của chợ Mơ cũ, là một tổ hợp gồm hai khối tháp cao 15 tầng và 25 tầng dành cho siêu thị, văn phòng, chợ truyền thống tại Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Từ năm 2014, khu chợ được "đưa xuống lòng đất", kinh doanh buôn bán ở tầng hầm của tòa nhà.
Chợ Mơ được bố trí với tổng số ki-ốt đăng ký kinh doanh là 1.130 ki-ốt. Tuy nhiên số ki-ốt kinh doanh thực tế chỉ hơn 300.
Chợ Mơ là một trong những khu chợ truyền thống lâu đời và nổi tiếng của Hà Nội. Đây vốn là khu chợ thuộc vùng Kẻ Mơ của kinh thành Thăng Long cũ, họp theo phiên vào các ngày 2, 7,12,17, 22, 27 âm lịch.
Theo ghi chép, vào khoảng thế kỷ 13, 14, khu vực phía nam Thăng Long, có nhiều người sinh sống bằng nghề trồng cây mai lấy quả (còn gọi là quả mơ). Theo tiếng Hán thì "mai" còn có nghĩa là "mơ", vì thế mà vùng này còn có tên nôm là Kẻ Mơ.
Sau này, chợ Mơ bán nhiều nông sản, thực phẩm, nổi tiếng nhất là những mặt hàng thú vật, cây giống và gia súc.
Chợ Mơ truyền thống hiện nay là địa điểm kinh doanh đa dạng mặt hàng. Tuy nhiên, do nằm ở tầng hầm nên khách lạ khó tìm đến.
Đa phần, khách tại chợ là người dân sinh sống quanh khu vực tới mua sắm hay dân văn phòng vào ăn trưa.
"Thời gian đầu mới chuyển xuống hầm, khu chợ vắng vẻ, hiu hắt lắm. Lúc ấy tiểu thương chúng tôi buôn bán cầm chừng, khó khăn, thậm chí chưa quen với không gian ngột ngạt, thiếu ánh sáng", một tiểu thương chia sẻ.
"Nhưng dần dần, mọi thứ ổn định hơn. Khu chợ bây giờ sáng sủa, thông thoáng và sạch sẽ, cũng không lo ngại nắng mưa. Khách không quá đông nhưng việc kinh doanh cũng khả quan", người này nói thêm.
Các quầy trong chợ được quy hoạch cụ thể để tăng tính khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chợ chia thành các khu bán đồ khô, quần áo, vải vóc, đồ thủy sinh, vàng mã... Trong chợ có một dãy ki-ốt bán cá cảnh thu hút đông người tới mua.
Bà Thu (Minh Khai, Hà Nội) cho biết, trước đây rất thích mua hàng ở chợ Mơ, nhưng từ ngày chợ xây lại và chuyển xuống hầm, bà ít khi vào chợ mà thường tranh thủ mua ở gần nhà.
Trừ những khi cần mua nhiều và muốn có đa dạng lựa chọn bà mới vào khu chợ này.
Trước đây, chị Nguyễn Thị Nhung làm nghề cắt tóc, gội đầu ở chợ Mơ cũ. Khi chợ "xuống lòng đất", chị thuê ki-ốt để làm nghề. Theo chị, từ ngày về đây, quán chủ yếu phục vụ khách quen, khá ít khách lạ.
"Lượng khách quen đều đặn nên tôi vẫn có thu nhập ổn định", chị Nhung cho hay.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Trang, chủ quầy bán quần áo trong chợ cho biết: Ngày thường, chợ khá vắng, nhưng cuối tuần thì nhộn nhịp hơn. Đa phần khách tới chợ là những người trung tuổi, tìm tới mua quần áo, đồ gia dụng. Người trẻ thì thường tới các gian hàng ẩm thực.
"Chợ nhộn nhịp nhất là 12h trưa, khi dân công sở, người lao động đổ xuống ăn trưa và tiện mua sắm thêm. Ở đây hàng hóa có giá bán khá hợp lý, không có nói thách nên nhiều khách gắn bó", chị Trang cho hay.
Chị Yến, một tiểu thương bán hàng đồ gia dụng như bát đĩa, cốc, lọ hoa... tại đây thừa nhận, so với trước, khu chợ vắng hơn nhiều. Tuy nhiên, việc buôn bán dần ổn định hơn trong vài năm trở lại đây, chủ hàng không quá khó khăn.
Khu vực ẩm thực của chợ khá nhộn nhịp, nhất là giờ ăn trưa. Nơi đây thu hút dân văn phòng, học sinh, sinh viên và người lao động vì đồ ăn đa dạng, giá thành rẻ.
Quan sát của phóng viên, tại chợ, nhiều khu vực chung và ki-ốt được trang bị thiết bị chữa cháy.
Chợ Mơ truyền thống có 3 cổng nổi mở ra đường Bạch Mai và Minh Khai. Khách đi chợ gửi xe với giá 5.000 đồng/xe máy.
Theo chia sẻ của một số người dân sống trong khu vực, khu chợ nằm dưới tầng hầm nên không phù hợp với nếp đi chợ hàng ngày của họ. Đôi khi, họ chỉ cần vào chợ mua mớ rau, quả trứng nhưng lại mất tiền gửi xe, mất công đi bộ bậc thang, tìm gian hàng nên rất ngại.
Tuy vậy, đối với những khách là dân công sở làm việc trong tòa nhà như chị Mai Nguyên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì khu chợ là địa chỉ quen thuộc và tiện lợi. "Tranh thủ giờ ăn trưa hoặc tan tầm, mình hay xuống chợ mua những đồ gia dụng hay mua vàng mã, hoa quả", chị Nguyên cho hay.