Quán bánh tôm "muốn thưởng thức cần may mắn" ở ngõ chợ Đồng Xuân
(Dân trí) - Những lúc khách đông đứng tắc cả đầu ngõ, quán bánh tôm bà Ầm không phục vụ kịp phải hẹn khách hôm khác. Có người đứng đợi cả tiếng cũng đành quay về.
Buổi chiều, khoảng 16h, quán bánh tôm bà Ầm ở đầu ngõ chợ Đồng Xuân không còn chỗ trống. Khách đứng chờ chật kín lối vào ngõ gây ùn tắc nên được hướng dẫn di chuyển sang phía đường đối diện.
Quán bánh tôm bà Ầm còn được gọi là quán "ghế bệt", bởi chỉ là một hàng quán vỉa hè đơn giản. Những chiếc ghế nhựa xanh đỏ vừa là bàn, vừa là ghế cho khách ngồi ăn, nhưng cũng chỉ có khoảng 10 chiếc.
Bà Ầm (62 tuổi) chủ nhân đời thứ hai tiếp quản quán bánh tôm, bà đã bán ở đây hơn 30 năm, không tính thời gian bà phụ mẹ mình làm "chân" phục vụ từ ngày còn nhỏ. "Trông lụp xụp vậy chứ cũng nuôi sống mấy đời nhà tôi ở cái ngõ chợ này", bà Ầm nói.
Mùa hè nóng bức, mùa mưa ẩm ướt, quán bà Ầm vẫn chật chội như thế suốt hàng chục năm. Nhưng trong không gian chưa đến 6m2, không lúc nào trống chỗ ngồi.
Thực khách bảo nhau "muốn ăn được bánh tôm bà Ầm cần… may mắn và rất nhiều kiên nhẫn". May mắn là đến quán có chỗ ngồi luôn và vừa đúng lúc mẻ bánh mới được vớt khỏi chảo dầu. Nếu không, khách phải đợi từ 30 phút đến 1 tiếng để được phục vụ.
"Giữa trưa và khoảng 16h trở đi là giờ đông cao điểm. Khách đứng xếp hàng gây ùn tắc đầu ngõ nên đôi khi phải từ chối, hẹn họ hôm khác quay lại", bà Ầm cho biết.
Nhiều du khách nước ngoài được hướng dẫn viên dẫn đến quán bà Ầm luôn thắc mắc: Tại sao một quán ăn vặt trông không có gì đặc biệt lại đông khách đến vậy? bà Ầm lý giải "chắc vì món bánh tôm gia truyền".
Bánh tôm vẫn được làm theo công thức từ đời mẹ bà Ầm để lại, bột trộn với trứng và một chút bột nghệ, đánh đều lên sao cho thật dẻo, mịn, rồi thêm khoai lang thái sợi vào trộn đều. Khoai lang phải thái bằng tay để sợi nhỏ, lúc rán cùng bột sẽ giòn hơn.
Cạnh chỗ ngồi của bà Ầm có hai chiếc chảo lớn ngập dầu. Bà Ầm làm chính, tay nhanh thoăn thoắt múc bột trộn khoai lang sợi cho vào một chiếc muôi, đặt lên hai con tôm, rồi thả muôi trong chảo dầu vài giây để lớp bột bên ngoài chín, không còn dính.
Sau đó nhấc muôi bột sang chảo khác, đổ bánh ra và rán khoảng 5 phút ở lửa vừa là hoàn thành. Mỗi chiếc bánh có kích thước bằng lòng bàn tay, trên lớp bột rán vàng là những con tôm còn nguyên vỏ.
Những mẻ bánh rán xong được xếp trong một khay nhôm đặt trên mặt bàn. Nhưng thường đông khách nên bánh chỉ kịp chảy bớt dầu sẽ đến bàn thực khách ngay.
Bánh tôm được phục vụ kèm nước chấm chua ngọt, nộm đu đủ cà rốt và rau sống. Những chiếc bánh tôm vàng ươm, phần vỏ bánh giòn rụm, có vị ngọt bùi của sợi khoai lang. Tôm tươi nên phần thịt chắc và dai, ngọt. Bánh tôm nên ăn nóng, bởi khi ấy nhúng vào nước chấm, vỏ bánh vẫn giữ được độ giòn.
Mỗi chiếc bánh có giá 13.000 đồng. Khách đến quán ăn thường gọi từ 5-10 chiếc/lần, vừa đủ một mẻ bánh nên bà Ầm phải làm luôn tay luôn chân.
Bà Ầm cho biết mỗi ngày bà bán được hơn 1.000 chiếc bánh tôm. Trước đây, quán chỉ phục vụ cho người dân lân cận và các tiểu thương chợ Đồng Xuân. Vài năm gần đây, quán đón thêm rất đông các bạn trẻ, khách du lịch ngoại tỉnh và người nước ngoài.
"Khách nào cũng phải xếp hàng và mua với mức giá chung. Tôi không biết tiếng Anh nên chỉ hướng dẫn khách Tây bằng những động tác đơn giản. Tôi thấy nhiều du khách Hàn Quốc rất thích món ăn này", bà Ầm cho biết.
Quán bánh tôm bà Ầm mở bán vào hai khung giờ: 10h30-13h và 15h-17h30 hằng ngày, trong đó cao điểm nhất vào giữa trưa và khoảng 16h trở đi.