DNews

Từ vụ chó Alaska bị đánh đập: "Cà phê thú cưng" có đang bóc lột vật nuôi?

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Sau vụ những chú chó tại Đà Lạt bị chủ bạo hành, lợi dụng kiếm tiền gây xôn xao mạng xã hội, nhiều người đặt câu hỏi: "Vậy mô hình cà phê thú cưng thì sao?".

Từ vụ chó Alaska bị đánh đập: "Cà phê thú cưng" có đang bóc lột vật nuôi?

Chủ đánh đập, để chó "tự sinh tự diệt"

Một nhân viên từng làm việc tại một quán cà phê thú cưng (giấu tên) tại Đà Lạt đã chia sẻ với phóng viên Dân trí việc nhiều lần chứng kiến cảnh những chú chó Alaska của quán bị người trông coi đánh đập, hành hạ dã man, còn chủ nhân của chúng thì bỏ mặc.

"Khi chó có dấu hiệu bị ốm, chủ quán không đưa chúng đến cơ sở thú y để thăm khám mà chỉ cho uống thuốc qua loa. Với những con chó bị ốm nặng thì họ để chúng "tự sinh tự diệt", nếu may mắn chúng qua khỏi thì nuôi tiếp, còn bệnh nặng thì bỏ mặc đến chết", người này kể.

Chứng kiến những điều này, nhân viên nhiều lần bất mãn, nhưng vì ngại ra mặt nên cô không dám lên tiếng, cuối cùng đành xin nghỉ việc. 

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Thụy Anh - trạm trưởng tại một trạm cứu hộ chó mèo ở Đà Lạt - cho biết cô thường xuyên nhận được những phản ánh từ nhân viên, khách hàng về việc chủ quán có hành vi ngược đãi thú cưng, không chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho vật nuôi…

Thậm chí, còn có những trường hợp chủ quán "vô cảm" sang quán lại cho người khác mà không hề quan tâm đến sự an toàn, tương lai của những con chó.

"Kinh doanh quán cà phê thú cưng không sai. Nếu làm ăn chân chính, xuất phát từ tình yêu thương động vật và muốn lan tỏa tình yêu động vật thì tôi ủng hộ. Còn nếu nuôi thú cưng mà điều kiện chăm sóc không có, thường xuyên bạo hành, bỏ mặc thú cưng vì lợi nhuận riêng thì đáng lên án", chị Thụy Anh nói thêm.

Trong vai khách hàng, phóng viên Dân trí tìm đến một quán "cà phê cún" ở quận Bình Thạnh (TPHCM) để trải nghiệm. Đến nơi, phóng viên ngỡ ngàng với những trải nghiệm dịch vụ tại đây.

Từ vụ chó Alaska bị đánh đập: Cà phê thú cưng có đang bóc lột vật nuôi? - 1

Quán cà phê có không gian nhỏ, bốc mùi nồng nặc (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Khi chúng tôi vừa đặt chân đến cửa quán, mùi hôi tanh từ chất phóng uế của thú cưng "xộc" lên mũi, tạo cảm giác buồn nôn ngay lập tức.

Theo quan sát của phóng viên, trong căn phòng chưa tới 50m2, quán có đến gần 20 con chó. Bên trong quán cũng không phân loại khu vực ngủ nghỉ, ăn uống, tắm rửa cho chó… tạo một cảm giác ngột ngạt. Thậm chí, quầy pha chế nước cũng được đặt chung trong căn phòng chật hẹp.

Từ vụ chó Alaska bị đánh đập: Cà phê thú cưng có đang bóc lột vật nuôi? - 2

Bảng treo tuyển nhân viên chăm sóc thú cưng của quán cà phê (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Thời điểm chúng tôi đến, quán không có khách. Khi thấy chúng tôi xuất hiện, đàn chó ùa ra cửa, sủa bấn loạn. Cùng lúc, hai nhân viên quán bước ra chào hỏi, trấn an rằng "các bạn chó hiền lắm".

Khi chúng tôi tiếp cận, đàn chó có nhiều dấu hiệu bất ổn về tâm lý, có mùi hôi, không được vệ sinh sạch sẽ nên lông rụng nhiều...

Thực đơn của quán có những món nước cơ bản như cà phê, trà giá 65-85.000 đồng, bao gồm phí dịch vụ chơi với thú cưng. Trong thực đơn có nêu rõ, nếu khách hàng không dùng nước thì phải trả 35-45.000 đồng "tiền vé chơi với chó mèo".

Được biết, quán cà phê thú cưng này đang treo bảng tuyển nhân viên chăm sóc chó. Một nguồn tin cung cấp với phóng viên rằng, vì thiếu nhân viên nên đàn chó đã không được chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ trong nhiều ngày. Nhiều khách hàng tìm đến quán cũng lập tức rời đi sau đó. 

"Thú cưng không được chăm sóc tốt, khách hàng sẽ không bao giờ quay lại"

Cùng ngày, phóng viên Dân trí tìm đến một quán "cà phê cún" khác (thuộc chuỗi hệ thống trang trại nhân giống chó nổi tiếng) ở TPHCM. Khác với trải nghiệm trước đó, cơ sở kinh doanh này tạo cho chúng tôi ấn tượng ban đầu khá sạch sẽ và thoáng mát.

Điểm kinh doanh có 3 lầu, được chia thành các không gian tách biệt, gồm khu vực spa riêng cho cún, khu vực để khách chơi với cún, nơi để cún ăn uống và nghỉ ngơi… Đặc biệt, quầy pha chế của quán được đặt riêng ngay cửa ra vào, đảm bảo giữ vệ sinh nước uống cho khách hàng.

Theo quan sát, những con chó ở đây khá thân thiện khi tiếp xúc với khách hàng, cũng như khá năng động trong môi trường sinh hoạt chung. Nhân viên quán chăm sóc đàn chó chu đáo, cho ăn uống và ngủ nghỉ đúng giờ. Nếu chó phóng uế ra ngoài thì nhân viên lập tức lau chùi, khử mùi tại vị trí đó.

Từ vụ chó Alaska bị đánh đập: Cà phê thú cưng có đang bóc lột vật nuôi? - 3

Khách hàng vuốt ve, chơi với thú cưng tại quán (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chủ quán Phan Thanh Bình cho biết những con chó trong quán đều có chế độ chăm sóc tốt, từ dinh dưỡng đến vấn đề vệ sinh.

"Việc chăm sóc thú cưng là yếu tố quan trọng để kéo khách đến. Nếu như mình chăm sóc chúng không tốt, khách hàng sẽ nhận ra và không ghé quán lần hai. Những con chó ở đây đều được tiêm ngừa đầy đủ, có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ riêng, được tắm rửa, vệ sinh hằng tuần", anh nói.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc "xuất hiện tình trạng bạo hành thú cưng tại một số quán cà phê", anh Bình cho rằng để thú cưng sinh hoạt chung không tránh khỏi tình trạng cấu xé, gây hấn nhau. Do đó, để quản thúc được chúng, việc nhân viên phải lớn tiếng với thú cưng là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tại quán của mình, anh luôn chủ động nhắc nhở nhân viên hạn chế để điều đó xảy ra.

Chủ quán giải thích thêm rằng chó cũng chỉ là một loài động vật nên chuyện gây sự, đánh nhau là bình thường. Tuy nhiên, để hạn chế những tình huống mâu thuẫn xảy ra thì phải có biện pháp huấn luyện đặc biệt. Trong một đàn chó cần phải xác định được con đầu đàn để những con khác phải có xu hướng tuân theo.

"Lợi thế của quán cà phê của chúng tôi là có trang trại riêng. Với những con chó không nghe theo con đầu đàn, không hòa nhập được thì bắt buộc phải đem chúng về trang trại, để giảm tối thiểu mâu thuẫn xảy ra.

Bên cạnh đó, mỗi con chó trước khi được đưa đến quán đều được huấn luyện trước ở trang trại, giúp chúng phân biệt được hành động đúng và hành động sai. Khi chó cắn nhau, mình phải mắng để chó nhận biết đó là hành động sai, dừng lại việc cắn xé", chủ quán chia sẻ.

Từ vụ chó Alaska bị đánh đập: Cà phê thú cưng có đang bóc lột vật nuôi? - 4
Từ vụ chó Alaska bị đánh đập: Cà phê thú cưng có đang bóc lột vật nuôi? - 5

Hình ảnh những chú cún tại một quán cà phê thú cưng ở TPHCM (Ảnh: Quỳnh Tâm). 

Trước ý kiến "quán cà phê thú cưng cũng là một hình thức lợi dụng lòng yêu thương động vật để kiếm tiền, trục lợi", anh Bình không phủ nhận. Chủ quán nói, bản chất của các quán cà phê thú cưng thực tế là một doanh nghiệp, kiếm lợi nhuận. Cà phê thú cưng ra đời dành cho những người yêu thương động vật, mong muốn có không gian để chơi đùa, kết nối với thú cưng.

"Quan điểm của tôi là cà phê thú cưng không xấu nhưng quan trọng là cách làm của mỗi cơ sở kinh doanh thế nào, đối xử với thú cưng ra sao. Nếu thú cưng được chăm sóc tốt về thể chất đến tinh thần thì mô hình này đáng được ủng hộ chứ.

Ở TPHCM, mô hình cà phê thú cưng nở rộ cách đây 3-4 năm, nhưng bây giờ đã dẹp dần. Bởi thực tế, để tạo ra được một quán cà phê thú cưng chuẩn chỉnh, bài bản không dễ. Và khách hàng cũng rất nhạy bén, khi họ trải nghiệm không tốt thì chắc chắn không ghé lần hai".

Chị Thảo (Gò Vấp, TPHCM) - người thường xuyên ghé các điểm cà phê thú cưng - cho biết, nhiều quán cà phê ở TPHCM không đảm bảo được sức khỏe và vấn đề vệ sinh cho thú cưng. Chị từng gặp nhiều trường hợp cún bị bệnh về da, có mùi hôi khi tiếp xúc với khách hàng.

"Nhu cầu của một khách hàng khi đến một quán cà phê thú cưng là mong thấy các bé được khỏe mạnh, sạch sẽ, thoải mái vui đùa. Nếu đến một nơi mà thú cưng để lộ dấu hiệu mệt mỏi, không thơm tho thì mình cũng ngại tiếp xúc.

Mô hình cà phê thú cưng có nhiều cái hay, đặc biệt phù hợp cho những người yêu thú cưng như tôi. Tôi nghĩ, nếu các thú cưng được ăn uống, chăm sóc tốt về tinh thần, thể chất thì mô hình này vẫn đáng được ủng hộ", chị Thảo đưa ý kiến.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Minh Thư (25 tuổi, Bình Thạnh) cho biết cô từng có trải nghiệm khá tốt tại một quán cà phê mèo khi mèo tại quán được nhân viên chăm sóc chu đáo, cho ăn uống đầy đủ nên mèo khá mập mạp.

Minh Thư vẫn ủng hộ mô hình cà phê thú cưng với điều kiện điểm kinh doanh đảm bảo được sức khỏe, tinh thần cho vật nuôi. Ngược lại, cô sẵn sàng lên án nếu phát hiện dấu hiệu ngược đãi, bạo hành thú cưng.

Từ vụ chó Alaska bị đánh đập: Cà phê thú cưng có đang bóc lột vật nuôi? - 6

Nhân viên thay tã cho thú cưng, tránh trường hợp phóng uế ra ngoài (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Kinh doanh "cà phê thú cưng" có đúng luật?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn) cho biết, quán cà phê nói chung và quán cà phê thú cưng nói riêng là hình thức kinh doanh dịch vụ ăn uống, có xây dựng địa điểm cố định, bảng hiệu cụ thể và thực hiện hoạt động thương mại thường xuyên, ổn định nên bắt buộc phải đăng ký giấy phép kinh doanh theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.

Cụ thể, để được cấp phép mở quán cà phê thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện chung cơ bản bao gồm: Thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh theo từng mô hình cụ thể; Xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy…

Luật sư nói thêm: "Bên cạnh đó, vì đây là hình thức kinh doanh quán cà phê có thú cưng nên chủ tiệm, chủ nuôi cũng cần thực hiện các biện pháp an toàn được quy định trong Luật Chăn nuôi 2018 như: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y".

Từ vụ chó Alaska bị đánh đập: Cà phê thú cưng có đang bóc lột vật nuôi? - 7

Thú cưng có phòng riêng để nghỉ ngơi tại một quán cà phê ở TPHCM (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi chăn nuôi, người chủ có nghĩa vụ phải thực hiện các yêu cầu về đối xử nhân đạo với vật nuôi. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 69 Luật chăn nuôi 2018, người chủ không được đánh đập hay hành hạ vật nuôi.

Trường hợp có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi thì người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 1-3 triệu đồng, theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP.

Nếu phát hiện ra hành vi vi phạm kể trên thì bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền trình báo hành vi này tới các cơ quan có thẩm quyền nhằm có những chế tài tương xứng để giải quyết.