Chó cho thuê chụp ảnh ở Đà Lạt bị ngược đãi: Chủ có thể bị phạt, tẩy chay
(Dân trí) - Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi của thanh niên trong clip là hành hạ, ngược đãi vật nuôi tàn nhẫn và đáng lên án. Hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn chó, mèo bị phạt tới 3 triệu đồng.
Ngày 20/8, trên mạng xã hội xuất hiện các video chó cảnh bị nam thanh niên ngược đãi, đánh đập.
Theo tìm hiểu, video trên được quay tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Chị Nhung (tài khoản Facebook Nhung Nguyen) cho biết, chú chó bị đánh đập, ngược đãi là chó giống Alaska được chủ nuôi, nhốt và sau đó đưa ra Quảng trường Lâm Viên để phục vụ nhu cầu chụp ảnh lưu niệm của người dân, du khách. Chủ thú cưng sau đó được cảm ơn bằng tiền theo hình thức "tùy tâm".
Tuy nhiên, chủ chó thường xuyên đánh đập chú chó này, bắt làm việc, không cho nghỉ ngơi, nếu chó không nghe lời sẽ dùng gậy đập tàn bạo.
Một người làm nghề huấn luyện chó cho biết, chó Alaska là giống chó kéo xe nổi tiếng trên thế giới. Chúng có hình dáng to lớn, dũng mãnh khiến người đối diện phải choáng ngợp, có phần sợ hãi. Trái với vẻ bề ngoài, chó Alaska khá hiền lành, biết nghe lời thân thiện và đáng yêu.
Nhiều người sau khi xem các video bày tỏ rõ sự phẫn nộ. Độc giả Nguyễn Nho An bình luận: "Thật là quá nhẫn tâm, mong thú cưng được sớm giải thoát khỏi người chủ tàn nhẫn, độc ác".
"Nhìn chú chó mà thương, nó là con vật nhưng cũng biết đau và có cảm xúc, không hiểu người chủ nuôi nghĩ gì mà lại hành hạ như vậy", một độc giả khác viết.
Không ít ý kiến còn cho rằng, cần phải xử lý nghiêm người có hành vi ngược đãi chú cho này.
Tiến sĩ Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi của thanh niên trong clip là hành hạ, ngược đãi vật nuôi tàn nhẫn và đáng lên án. Hành vi đánh đập hành hạ vật nuôi là hành vi vi phạm pháp luật.
Cơ quan chức cần vào cuộc xác minh, xử phạt người vi phạm theo quy định tại khoản 1, Điều 29, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Theo quy định của Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi thì hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi có thể bị phạt tới 3 triệu đồng.
Cụ thể, hành vi vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn bị xử phạt như sau:
"Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi".
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ;
b) Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ;
c) Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.
Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ cũng bị xử phạt, mức cao nhất tới 50 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung gồm:
a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi phá hoại hoạt động chăn nuôi được quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Buộc xử lý nhiệt đối với động vật thuộc hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này; trường hợp tái phạm thì buộc tiêu hủy.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 quy định: Vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi.
Chủ vật nuôi có trách nhiệm chăm sóc, quản lý vật nuôi và không vi phạm các điều cấm quy định tại Điều 12 Luật chăn nuôi.
Tại khoản 4 Điều 69 Luật Chăn nuôi 2018 cũng quy định: "Không đánh đập, hành hạ vật nuôi".
Như vậy, hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn chó, mèo bị phạt tới 3 triệu đồng.
Ngoài mức xử phạt tới 3 triệu đồng, chủ vật nuôi cũng bị xã hội cười chê, lên án. Người dân có thể tẩy chay các hoạt động kinh doanh dịch vụ thiếu nhân văn, phản cảm của những người trong clip đang gây bức xúc dư luận.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, bất cứ khi nào phát hiện ra những hành vi hành hạ, đánh đập vật nuôi, người dân có quyền ghi lại clip và trình báo sự việc với cơ quan chức năng để xử lý.