DNews

Thu hơn 50 mảnh đinh/ngày ở quốc lộ 1: Người dân than cán đinh như cơm bữa

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Dù không phải là vấn đề mới nhưng việc các "bẫy đinh" xuất hiện trên quốc lộ 1 vẫn chưa bao giờ "nguội" đối với người tham gia giao thông.

Thu hơn 50 mảnh đinh/ngày ở quốc lộ 1: Người dân than cán đinh như cơm bữa

Xe ôm 1 tháng cán đinh 2 lần

Sau thời gian yên ắng, tình trạng rải đinh trên quốc lộ 1 tăng trở lại. Đáng nói, tần suất hoạt động của các "đinh tặc" lần này diễn ra dày đặc.

Cụ thể, tại khu vực từ ngã tư Linh Xuân đến cầu vượt Sóng Thần - nơi tiếp giáp giữa TP Thủ Đức (TPHCM) với TP Dĩ An (Bình Dương) - được ghi nhận là "điểm nóng" có nhiều bẫy đinh thời gian gần đây.

Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng đinh xuất hiện trên tuyến đường này dày đặc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông của người dân. 

Chị N. bán nước ở khu vực này cho biết, mỗi ngày đều có đội tình nguyện dùng xe tự chế hút đinh dọc tuyến đường. Thế nhưng, các "bẫy đinh" vẫn không hề thuyên giảm, thậm chí, số lượng ngày càng tăng lên. Bán nước ở đây lâu năm, chị N. thường xuyên chứng kiến cảnh người đi xe cán trúng đinh, khổ sở tìm chỗ vá. 

Thu hơn 50 mảnh đinh/ngày ở quốc lộ 1: Người dân than cán đinh như cơm bữa - 1

Hình ảnh lượng đinh thu được ở phường Linh Xuân (Ảnh: Fanpage Tôi là dân Thủ Đức).

Ông Phan Văn Nhơn (58 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức) - một tài xế xe ôm - bức xúc cho biết trong vòng 1 tháng, xe của ông đã cán trúng đinh 2 lần. Vì chạy xe ôm trong khu vực này nên ông khó tránh khỏi các "bẫy đinh". 

"Nhà tôi ở gần đây nên chỉ nhận những cuốc xe ôm cho người quen ở quanh khu vực. Cách đây một tuần, vừa chở khách đến nơi, tôi phát hiện xe thủng bánh nên dắt bộ đến tiệm sửa xe, mới biết do cán trúng đinh. Đây cũng không phải là lần đầu tiên tôi gặp vấn đề này", ông Nhơn kể. 

Anh Thanh Dũng (37 tuổi, quận 12) cho biết việc người dân ở tuyến quốc lộ 1 cán trúng đinh xảy ra như... cơm bữa. Yên ắng được một thời gian thì "đinh tặc" lộng hành trở lại. Vợ anh làm việc ở khu công nghiệp Sóng Thần (TP Dĩ An, Bình Dương) nên không ít lần trở thành nạn nhân của các "bẫy đinh" khi chạy qua đoạn đường này.

Ngoài ra, khu vực ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12 (TPHCM) trên quốc lộ 1 cũng là điểm "báo động đỏ" đối với người tham gia giao thông. 

Thu hơn 50 mảnh đinh/ngày ở quốc lộ 1: Người dân than cán đinh như cơm bữa - 2

Mảnh sắt có dạng hình thoi, được gọi là đinh át rô (Ảnh: Đoàn Thanh niên phường Trung Mỹ Tây cung cấp).

Theo phản ánh của một số người dân, tình trạng "bẫy đinh" bắt đầu xuất hiện trở lại trên địa bàn trong một tháng qua. Những mảnh đinh bằng sắt, được cắt theo kiểu hình thoi (hay còn gọi là hình át rô) được rải trên dọc quốc lộ 1 trở thành nỗi ám ảnh với họ. 

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Hảo (63 tuổi) - bán vé số dạo trên quốc lộ 1 - cho biết nỗi lo của những người lao động đường phố như bà chính là đạp trúng đinh, vật nhọn trên đường.

Mỗi ngày đều rong ruổi trên quốc lộ, nhiều lần bà giật mình khi thấy những mảnh sắt nhọn dưới chân mình. Để an toàn hơn, bà đã thay đôi dép tông lào thành đôi giày đế cứng.

Tiếp lời bà Hảo, anh Minh (35 tuổi) - chủ quán hủ tiếu ngay quốc lộ - bức xúc: "Đôi khi tôi muốn ra trước nhà tập thể dục buổi sáng mà thấy bất an, sợ đạp trúng đinh hồi nào không hay. Cần có biện pháp răn đe cứng rắn hơn để giải quyết triệt để vấn nạn này".

"Đinh tặc" tinh vi, tiệm sửa xe phải ký cam kết

Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn Trung Thành - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TPHCM) - cho biết từ cuối tháng 6, phường ghi nhận có nhiều mảnh sắt, đinh át rô xuất hiện trên quốc lộ.

Sau khi nhận được phản ánh từ người dân, Đoàn phường lập tức "ra quân", tổ chức các buổi hút đinh trên quốc lộ để kịp thời ngăn chặn sự thiệt hại cho người đi đường. 

Theo anh Nguyễn Trung Thành, ngay trong buổi "ra quân" đầu tiên, xe hút đinh của phường đã thu về gần 50 mảnh đinh. Những ngày sau đó, đoàn phường tăng cường công tác hoạt động nên số lượng đã giảm dần.

Thu hơn 50 mảnh đinh/ngày ở quốc lộ 1: Người dân than cán đinh như cơm bữa - 3
Thu hơn 50 mảnh đinh/ngày ở quốc lộ 1: Người dân than cán đinh như cơm bữa - 4

Bí thư Đoàn Thanh niên phường Trung Mỹ Tây nói thêm: "Kế hoạch chống "đinh tặc" đã được phía thành đoàn thực hiện từ đầu năm nhằm hỗ trợ người dân lưu thông trên quốc lộ. Từ khi có kế hoạch, công tác hút đinh được thực hiện định kỳ mỗi tuần 2 lần, riêng vào dịp lễ sẽ tăng tần suất.

Với nạn "rải đinh" tái diễn như hiện tại, chúng tôi đang tăng cường hút đinh mỗi ngày một lần, theo khung giờ khoảng 15-17h mỗi ngày".

Để khắc phục, phía thành đoàn đã yêu cầu các tiệm sửa xe trong khu vực ký cam kết với nội dung tố giác hành vi rải đinh và cam kết không rải đinh, vật nhọn ra đường, không "chặt chém" chi phí sửa, vá lốp xe.

Ngoài ra, đoàn phường Tây Mỹ Trung cũng phối hợp với Đội hỗ trợ nhân dân quận 12 treo bảng cảnh báo tại các tuyến đường xuất hiện đinh, vật nhọn. Trong tình huống phát hiện người dân gặp "bẫy đinh", đội sẽ hỗ trợ sửa, vá miễn phí.

Thu hơn 50 mảnh đinh/ngày ở quốc lộ 1: Người dân than cán đinh như cơm bữa - 5

Tiệm sửa xe trên quốc lộ 1 ký cam kết chống "đinh tặc" (Ảnh: (Đoàn Thanh niên phường Trung Mỹ Tây cung cấp).

Theo anh Nguyễn Trung Thành, các "đinh tặc" hoạt động rất tinh vi, nhiều cách thức khó lường nên công tác điều tra gặp nhiều trở ngại. Hằng đêm, đội nghiệp vụ của Công an quận 12 cũng đã triển khai lực lượng, sử dụng các biện pháp tăng cường tuần tra nhưng rất khó bắt quả tang các đối tượng rải đinh, vật nhọn…

Ông Lê Vĩ Nguyên Luân - Phó Chủ tịch UBND Phường Trung Mỹ Tây - cho hay trong thời gian qua UBND phường đã làm cầu nối giữa Đoàn Thanh niên và Công an phường để phối hợp thực hiện và giải quyết các vấn đề liên quan đến "bẫy đinh". Phía UBND Phường có trách nhiệm huy động kinh phí, nguồn lực để thực hiện công trình chống "đinh tặc".

Thu hơn 50 mảnh đinh/ngày ở quốc lộ 1: Người dân than cán đinh như cơm bữa - 6

Xe hút đinh tự chế ở phường Tây Mỹ Trung (Ảnh: Quỳnh Tâm).

Phường Tân Thới Nhất (quận 12, TPHCM) cũng chịu ảnh hưởng bởi nạn rải đinh nên đã sớm triển khai các hoạt động chống "đinh tặc".

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nga - Bí thư Đoàn Thanh niên của phường Tân Thới Nhất (quận 12, TPHCM) - cho biết đơn vị đã phối hợp với các phường khác để tổ chức các đợt hút đinh trên quốc lộ 1. Phía thành đoàn cũng đã cho các tiệm sửa xe trên địa bàn ký cam kết về việc không rải đinh, vật nhọn trên đường.

Trước đó, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM ngày 4/7, đại diện UBND quận 12 đã cho biết, công an quận cũng nhận chỉ đạo phối hợp với các cơ quan, lắp camera tại các điểm sửa xe, vị trí thường phát hiện rải đinh để thu thập chứng cứ, xử lý đối tượng vi phạm. Công an các phường theo dõi hoạt động của đối tượng khả nghi, huy động người dân cùng giám sát trên các tuyến đường.

Rải đinh trên đường bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - hành vi rải đinh, vật nhọn trên đường được xác định là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính Phủ, người ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ, chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân thực hiện hành vi quy định tại khoản 10 Điều 11, nếu là người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. 

Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn, dây hoặc các vật cản khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Trường hợp người đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người (tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên), gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên (tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 121%), gây thiệt hại về tài sản 100-500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, căn cứ theo Điều 261 quy định về tội cản trở giao thông đường bộ.