DNews

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con

Hồng Anh Minh Nhân

(Dân trí) - Nhiều gia đình tại các thành phố có mức sống đắt đỏ tiết lộ chi phí sinh và nuôi con không dưới vài chục triệu đồng. Một số bà mẹ thậm chí phải chuẩn bị đủ 100 triệu đồng mới yên tâm sinh con.

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con

Sau 30 năm, mức sinh của Việt Nam giảm gần một nửa

Kết quả Tổng điều tra dân số và Nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn là phổ biến. Trong đó, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn thành thị và cao hơn mức sinh thay thế.

Năm 2020, Bộ Y tế công bố 21 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới hai con, chiếm 39% quy mô dân số. Đặc biệt TPHCM ở nhóm thấp nhất cả nước với mức sinh 1,39 con/phụ nữ. Thành phố này hiện thuộc nhóm 5 địa phương có mức sống đắt đỏ nhất cả nước, theo báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian năm 2022 của Tổng cục Thống kê, bên cạnh Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 1

Các địa phương có chi phí sống cao nhất và thấp nhất năm 2022 (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Đến nay chưa có một thống kê cụ thể nào về chi phí sinh con trung bình tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số gia đình trẻ dưới đây khi chia sẻ với Dân trí đều cho rằng, để chuẩn bị chu đáo cho một em bé ra đời, họ cần dành một khoản tiền không nhỏ.

Ở những thành phố có mức sống đắt đỏ, mức chi phí này thường không dưới vài chục triệu đồng. Có gia đình thậm chí chuẩn bị tới 100 triệu đồng cho việc mang thai và sinh nở, nuôi con những tháng đầu.

Ngại... đẻ vì chi phí đắt đỏ

Quỳnh Mai, 33 tuổi, quận 3, TPHCM.

Nghề nghiệp hai vợ chồng: Nhân viên văn phòng, bác sĩ.

Tổng thu nhập hai vợ chồng: 50 - 60 triệu đồng/tháng.

Số lượng con: Một bé gái 15 tháng tuổi.

Tổng chi phí trước, trong và sau sinh: Khoảng 100 triệu đồng.

Trước khi sinh con, hai vợ chồng đã cân nhắc giữa bệnh viện công và quốc tế. Để quyết định, chúng tôi đưa ra 2 tiêu chí: Đội ngũ bác sĩ tay nghề giỏi và chi phí trong mức cho phép.

Tuy tổng thu nhập hàng tháng của chúng tôi không thấp, nhưng do có nhiều khoản nợ phải trả góp như: vay mua nhà, đất đai, tín dụng…, nên hàng tháng chỉ còn khoảng 25 triệu đồng để chi trả sinh hoạt gia đình.

Trong đó, chúng tôi dành 3 triệu đồng cho hai bên nội ngoại, 7 triệu đồng tiền điện, nước và đi chợ. 15 triệu đồng còn lại chúng tôi phải cân đối, gắng dành một khoản dư để tiết kiệm cho em bé sau này.

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 2

Những hóa đơn thu tiền mỗi lần chị Quỳnh Mai khám thai (Ảnh: NVCC).

Sau nhiều lần cân nhắc, chúng tôi chọn sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TPHCM). Tổng chi phí sinh và nằm phòng dịch vụ của tôi trong 3 ngày hết 15 triệu đồng. Tuy nhiên trước và sau sinh, các khoản chi phí phải tiêu mới… "chóng mặt".

Cụ thể, cứ một lần siêu âm thai và lấy thuốc sẽ tốn từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Có những mốc thời gian tôi phải làm thêm các xét nghiệm khác như: tiểu đường thai kỳ, siêu âm đo độ mờ da gáy, triple test (xét nghiệm bộ ba), siêu âm hình thái thai nhi, siêu âm 4D… Các khoản chi phí này đều rất tốn kém!

Ngoài ra, 2 vợ chồng phải chuẩn bị rất nhiều thứ trước sinh như: nôi cũi cho bé (từ 1 - 2 triệu đồng), máy hút sữa (1 - 2 triệu đồng tùy loại), máy hâm sữa, máy tiệt trùng, quần áo sơ sinh, bồn tắm cho bé, các vật dụng chăm sóc trẻ nhỏ khác. Tổng ước chừng từ 7 - 8 triệu đồng tiền vật dụng cho mẹ và bé trước sinh.

Sau sinh một tháng, người thân về lại quê, tôi phải thuê một vú em chăm bé với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhiều chi phí phát sinh khác, như đến khoảng 3 - 4 tháng tuổi, con không hợp tác với nôi mà chỉ thích nằm võng. Khi con được 7 - 8 tháng, tôi phải mua lưới quây nệm để con không bò ra ngoài. Tôi cũng sắm thêm camera, gối chống trào, xe tập đi, phao tập ngồi, đủ thứ phát sinh. Bên cạnh đó, tiền tiêm vaccine định kỳ cho con cũng tầm 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Từ đó, tất cả chi phí cho một đứa trẻ tính cả vú em sẽ tầm 15 - 17 triệu đồng/tháng, đó là khi con còn bú mẹ. Lúc con bắt đầu dặm sữa ngoài thì tốn thêm 2 triệu đồng tiền sữa/tháng.

Tôi nghĩ bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng phải lập bài toán chi tiêu trước khi quyết định đón một em bé. Chúng tôi phải cắt giảm các nhu cầu không thiết yếu của bản thân như: cà phê, ăn ngoài, du lịch, mua sắm quần áo (thay vì mua cho mình thì sẽ dành sắm đồ cho con).

Chúng tôi cũng phải vay một người bạn thân 60 triệu đồng khi tôi bắt đầu nghỉ làm để sinh em bé, dự tính khi được chi trả bảo hiểm thai sản thì sẽ trả lại bạn.

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 3
Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 4
Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 5

Vợ chồng chị Mai sắm nhiều vật dụng, thiết bị,... chào đón con gái đầu lòng (Ảnh: NVCC).

Giới trẻ thời nay có xu hướng… ngại đẻ, tôi nghĩ họ lo ngại chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên, theo tôi, lý do này chiếm khoảng 50%, vì rất nhiều người có thu nhập tốt, có nhà riêng nhưng vẫn không chọn có em bé. Bởi họ thích cuộc sống độc thân không ràng buộc, không chịu trách nhiệm về ai và cũng chưa sẵn sàng để làm cha mẹ.

Tuy nhiên trong nhóm người 50% ngại đẻ đó, có rất nhiều người khao khát có con hoặc có thêm đứa nữa nhưng vì mức sống cao, lạm phát kéo dài, tình hình thị trường lao động bất ổn khiến họ dừng ý định sinh con để tập trung tiết kiệm tiền.

Một cặp vợ chồng từng tâm sự với tôi rằng, khi nào họ có dư 500 triệu đồng tiền tiết kiệm, trả dứt nợ ngân hàng, có nhà riêng, tổng thu nhập hai vợ chồng trên 50 triệu đồng/tháng, thì mới quyết định sinh con.

Có 100 triệu đồng mới an tâm sinh con đầu lòng

Thu Hương, 31 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Nghề nghiệp hai vợ chồng: Nhân viên kinh doanh.

Tổng thu nhập hai vợ chồng: 40 triệu đồng/tháng.

Số lượng con: Một bé trai 1 tháng tuổi.

Tổng chi phí trước, trong và sau sinh: Khoảng 100 triệu đồng.

Vợ chồng tôi kết hôn năm 2020 nhưng chưa sinh con ngay mà tạm kế hoạch trong vòng 2 năm. Lý do là bởi chúng tôi muốn có thời gian thích nghi với cuộc sống hôn nhân, ổn định công việc và đặc biệt là chuẩn bị tốt về tài chính trước khi làm cha mẹ.

Chúng tôi đã có nhà riêng nên may mắn không chịu áp lực trả nợ tiền nhà như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác. Vì vậy, chúng tôi dành tiền tích lũy góp vốn cùng bạn bè kinh doanh một cửa hiệu thời trang.

Tuy nhiên, công việc kinh doanh không được thuận lợi do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút nhiều. Chúng tôi quay trở về làm thuê và lên kế hoạch sinh con.

Tôi và chồng tham khảo kinh nghiệm của anh chị em trong gia đình cùng bạn bè và nhận thấy cần có khoảng 100 triệu đồng để lo các khoản chi phí trước, trong và sau sinh.

Đến thời điểm hiện tại, khi con trai được hơn 1 tháng tuổi, chúng tôi đã tiêu hết 70 triệu đồng.

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 6

Bảng thống kê các khoản chi phí của chị Hương (Ảnh: H.A.).

Trước đó, ngay sau khi biết tin có bầu, tôi đã thử ghi chép cụ thể mức chi tiêu giai đoạn này ra sao. Tôi tạm chia thành các khoản chính:

- Siêu âm - khám thai, thuốc bổ: 21,7 triệu đồng.

- Sắm đồ đi sinh và sử dụng những tháng đầu: 10 triệu đồng.

- Đi sinh gói dịch vụ tại bệnh viện: 27,3 triệu đồng.

- Tắm bé và massage mẹ sau sinh: 3,8 triệu đồng.

Suốt quá trình mang thai cho đến lúc sinh nở, tôi siêu âm trên 15 lần, mức phí 300 nghìn/lần. Ba tháng đầu thai kì, 2 tuần khám 1 lần. Năm tháng tiếp theo của thai kỳ, 4 tuần siêu âm 1 lần.

Tháng cuối thai kỳ, 1 tuần siêu âm 1 lần kèm chạy máy monitor đo cơn gò tử cung (250 nghìn đồng/lần). Chỉ tính riêng tiền siêu âm, khám thai đã khoảng 5 triệu đồng.

Tiền thuốc uống hàng tháng (canxi, sắt, vitamin tổng hợp, DHA) cũng tốn hơn 10 triệu đồng.

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 7

Nhiều sản phụ tại các thành phố lớn chọn sinh ở khoa dịch vụ để có điều kiện chăm sóc tốt khi đi sinh (Ảnh: H.A.).

Tôi khám thai tại phòng khám tư và "theo" bác sĩ này suốt cả thai kỳ. Đến khi đẻ, tôi cũng đăng ký bác sĩ này.

Tôi lựa chọn sinh con tại khoa dịch vụ của một bệnh viện chuyên về phụ sản ở Hà Nội. Nhiều người cho rằng đó là lựa chọn đắt đỏ không cần thiết nhưng tôi nghĩ, việc sinh nở vất vả, đau đớn, nếu được sử dụng những dịch vụ tốt nhất, tôi cũng an tâm và đỡ mệt mỏi hơn.

Nhập viện, chúng tôi được y bác sĩ quan tâm. Khi sinh, chồng cũng được vào phòng động viên vợ và cùng tôi chứng kiến khoảnh khắc con trai chào đời. Chúng tôi không phải khổ sở chen chúc trong những căn phòng chật hẹp.

Rời bệnh viện, chúng tôi còn lại hơn 30 triệu đồng trong tổng số 100 triệu đồng chuẩn bị cho kế hoạch sinh nở. Số dư này cộng với tiền bảo hiểm thai sản, tôi sẽ chi tiêu cho việc nuôi con trong khoảng thời gian chưa đi làm trở lại.

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 8

Vợ chồng chị Hương lên kế hoạch tài chính cẩn thận trước khi chào đón con đầu lòng (Ảnh: H.A.).

Khác biệt chi phí giữa hai lần sinh nở

Thu Hoài, 30 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội.

Nghề nghiệp hai vợ chồng: Nhân viên ngân hàng và nhân viên văn phòng.

Tổng thu nhập hai vợ chồng: 40 triệu đồng/tháng.

Số lượng con: Bé trai 7 tuổi và bé gái 6 tháng tuổi.

Tổng chi phí trước, trong và sau sinh: 50 triệu đồng.

Năm 2015, tôi sinh con trai đầu lòng tại quê vì thời điểm đó thu nhập của hai vợ chồng tại Hà Nội chưa cao, lại chưa có nhà riêng. Chi phí sinh tại bệnh viện công ở quê khá rẻ, được gia đình hai bên hỗ trợ, nên chúng tôi chỉ tốn vài triệu đồng.

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 9

Chị Hoài đăng ký gói sinh tại một bệnh viện tư ở Hà Nội, với tổng chi phí 50 triệu đồng (Ảnh: NVCC).

Đến đứa con thứ hai, tôi đăng ký gói sinh tại một bệnh viện tư ở Hà Nội, với tổng chi phí 50 triệu đồng (tính cả mua sắm bỉm, sữa, thiết bị,…). Sau sinh, bố mẹ nội ngoại hỗ trợ trông con, nên tôi không phải thuê giúp việc, chỉ tốn thêm chi phí bỉm, sữa và tiêm phòng cho con.

Tôi ước tính trung bình mỗi tháng tốn thêm khoảng 5 triệu đồng cho bé thứ hai bởi mua sắm nhiều hơn so với lần sinh nở đầu tiên, song vẫn nằm trong tầm kiểm soát của hai vợ chồng.

Để cân đối chi tiêu, chúng tôi phải cắt bớt một số khoản như: quần áo, đồ dùng cho bản thân, không ăn hàng quán,… Thay vào đó, chúng tôi "đầu tư" cho con, tự nấu ăn tại nhà để vừa giảm chi phí, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tôi cho rằng, nhiều người trẻ thời nay có tâm lý ngại đẻ, một phần do chi phí sinh, nuôi con rất tốn kém. Nhưng tôi nghĩ… cứ đẻ thôi, rồi sắp xếp theo hoàn cảnh. Đặc biệt khi có con, tôi có tâm lý muốn kiếm tiền nhiều hơn để con có cuộc sống tốt hơn.

Bí quyết tiết kiệm khi sinh con lần hai

Hồng Lương, 34 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh.

Nghề nghiệp: Nhân viên trung tâm truyền thông.

Tổng thu nhập hai vợ chồng: 22 triệu đồng/tháng.

Số lượng con: Hai con gái (8 tuổi và 2 tuổi).

Tổng chi phí trước, trong và sau sinh: 20 triệu đồng.

Khi sinh bé thứ hai, vợ chồng tôi tiết kiệm được nhiều khoản vì đã có kinh nghiệm hơn. Tôi vẫn lựa chọn siêu âm ở phòng khám tư với mức phí 200 nghìn đồng/lần. Ba tháng đầu và tháng cuối, như các bà bầu khác, tôi khám thai liên tục, chi phí có tháng lên tới 1 triệu đồng.

Về các đồ sơ sinh chuẩn bị cho em bé, thay vì sắm mới 100%, tôi chỉ mua một số thứ cần dùng mới như khăn xô, bình sữa, bỉm… Còn các đồ dùng khác như quần áo, chậu tắm, máy hút sữa… tôi đều tận dụng lại của bé đầu. Cách làm này giúp chúng tôi tiết kiệm tới 70% các khoản sắm sửa.

Tại những nơi đắt đỏ nhất Việt Nam: Chuẩn bị đủ 100 triệu mới dám sinh con - 10

Khi sinh bé thứ hai, chị Lương tính toán kỹ hơn trong chi tiêu để tiết kiệm tiền (Ảnh: H.A.).

Khi sinh, tôi lựa chọn sinh dịch vụ tại bệnh viện sản nhi của tỉnh với mức phí 10 triệu đồng, chưa bao gồm ăn uống. Tôi được nằm riêng một phòng, người nhà được ra vào thoải mái. Vợ chồng tôi xác định chỉ sinh hai con là dừng nên dù khoản phí này bằng cả tháng lương, tôi vẫn chấp nhận đầu tư.

Với bé đầu, toàn bộ bỉm và sữa đều là hàng ngoại nhập từ Úc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, sang bé thứ hai, chúng tôi tiết kiệm hơn bằng cách chỉ dùng các sản phẩm này một vài tháng đầu.

Giai đoạn sau, tôi chuyển cho con dùng sữa nội địa, bỉm nội giá bình dân. Thấy con thích ứng và vẫn phát triển tốt, chúng tôi chuyển hẳn sang dùng các sản phẩm này. Đó cũng là cách tính toán hợp lý khi vợ chồng tôi đã có hai con.

Do chi phí sinh và nuôi con không hề thấp, tôi nghĩ các cặp vợ chồng trẻ nên có sự chuẩn bị về tài chính trước khi quyết định sinh con. Điều này sẽ giúp con có được điều kiện chăm sóc tốt nhất.

* Tên một số nhân vật đã thay đổi

Thực hiện: Hồng Anh - Minh Nhân