(Dân trí) - Ngôi nhà mới của vợ chồng ông Nhân cách nơi ở cũ chưa đầy 1km, cùng nằm trong xã Thạch Hòa. Tuy nhiên, bà Hà cho biết, chuyển về khu tái định cư sống là một thách thức với kinh tế gia đình.
Ở nơi Hà Nội dự kiến xây thành phố mới: Tối ngủ nhà lầu, ngày làm thợ xây
LTS: UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND thành phố thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045.
Theo đó, Hà Nội dự kiến phát triển 2 thành phố mới ở phía Bắc sông Hồng (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai). Đây là sẽ là những đô thị hiện đại về dịch vụ, hội nhập quốc tế, trung tâm đầu não về khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo trong tương lai.
Vốn dĩ những năm qua, cùng với sự phát triển của Hà Nội, các vùng đất ven đô này đang từng ngày thay da đổi thịt. Hạ tầng được đầu tư, giao thông đi lại thuận tiện hơn, nhiều người dân đổi đời nhờ bán đất, nhanh nhạy đầu tư vào dịch vụ, đi làm trong các khu công nghiệp…
Song cũng có một bộ phận không nhỏ lại bộn bề lo lắng những chuyện mưu sinh, tìm việc, giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái… giữa vòng xoáy của đô thị hóa.
Thoát ly nông nghiệp nhưng đau đầu nghĩ cách mưu sinh
Giữa cái nắng hè bỏng rát tháng 7, ông Hồ Văn Nhân liên tay xúc từng xẻng đất để tạo lối đặt đường ống nước dưới chân một công trình nhà ở đang xây dựng. Thi thoảng, người đàn ông luống tuổi lại lấy tay gạt ngang những giọt mồ hôi đang túa ra trên gương mặt đen đúa.
Ngừng tay nghỉ giải lao, ông Nhân thật thà nói: "Trước kia tôi trồng chè, trồng sắn, cấy lúa, chăn nuôi. Từ ngày không còn đất nông nghiệp, tôi mới đi làm thợ xây. Làm thợ xây cực nhất là mùa hè. Nhưng chẳng mấy khi có việc, nên có người gọi là tôi cứ cố gắng đi bất kể mưa nắng".
Gia đình ông Hồ Văn Nhân vốn sinh sống ở xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất). Nơi đây theo dự kiến sẽ nằm trong quy hoạch thuộc thành phố mới của Hà Nội.
Nằm ở cực Tây huyện Thạch Thất, trước đây, người dân Thạch Hòa mưu sinh chủ yếu bằng nông nghiệp. Nhiều năm qua, xã Thạch Hòa phát triển nhanh chóng nhờ vào sự xuất hiện của khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Thu nhập bình quân đầu người trong xã khá ấn tượng với con số 70 triệu đồng/người/năm. Trong cơ cấu lao động nghề nghiệp, ngành dịch vụ thương mại chiếm 47%; công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 50%. Số lao động theo nông nghiệp chỉ 3%.
Trước thông tin nơi đây dự kiến phát triển thành thành phố mới phía Tây Hà Nội, ông Hồ Văn Nhân cùng nhiều người dân Thạch Hòa không quá bất ngờ. Bởi nhiều năm qua, họ đã không ít lần nghe thông tin địa phương mình sinh sống sẽ được phát triển thành "khu công nghệ cao", "đô thị vệ tinh" của Hà Nội.
Những dự án mới đổ về đây đã tạo ra các cuộc di dân trong lòng xã Thạch Hòa. Vùng quê được khoác lên mình một diện mạo mới mẻ, hiện đại.
Xã Thạch Hòa phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, giao thông những năm qua.
Ông Hồ Văn Nhân thừa nhận, cuộc sống của vợ chồng ông đã thay đổi rất nhiều những năm qua. Từ một ngôi làng nằm cuối huyện, thôn xóm nơi ông ở "chẳng khác gì phố" khi những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, dân cư khắp nơi kéo về đông đúc, đường đi lối lại thênh thang, dịch vụ phát triển, muốn mua gì được nấy…
Gia đình ông nhờ tiền đền bù đất cũng xây được một ngôi nhà 3 tầng. Trước đây, nếu chỉ trông vào ruộng lúa và nông nghiệp, chưa chắc ông đã xây được nhà cao cửa rộng như vậy. Tuy nhiên, có được cơ ngơi khang trang, người đàn ông này lại canh cánh nỗi lo mưu sinh.
Ông Nhân tâm sự, gia đình vốn sở hữu 1 mẫu đất (khoảng 3600m2) tại xã Thạch Hòa. Trên diện tích đất này, ông Nhân và vợ - bà Nguyễn Thị Hà xây một ngôi nhà nhỏ để ở. Phần còn lại, họ trồng chè, trồng sắn, cấy lúa, nuôi bò, nuôi lợn.
Hàng ngày, ông Nhân ở nhà chăn nuôi, trồng trọt. Bà Hà đi làm công nhân ở công ty chè. Cách đây ít năm, bà chuyển sang làm ở một công ty nhựa thuộc huyện Quốc Oai.
Nguồn thu từ việc canh tác trên mảnh đất cộng với chút tiền lương công nhân của bà Hà giúp họ trang trải kinh tế gia đình, nuôi 3 đứa con ăn học.
Năm 2014, mẫu đất của gia đình ông Nhân được thu hồi để phục vụ cho quy hoạch chung. Vợ chồng ông được đền bù số tiền hơn 2 tỷ đồng và 200m2 đất ở khu tái định cư.
Tuy nhiên, để sở hữu 200m2 đất ở khu tái định cư, gia đình ông Nhân phải nộp 760 triệu đồng. Số tiền còn lại trong khoản 2 tỷ đồng đền bù, cả hai dùng vừa đủ vào việc xây ngôi nhà 3 tầng mới. Họ chỉ dư chút ít để đóng tiền học cho con.
Mảnh đất có mặt tiền hẹp nên bà Hà không thể chia đôi mà chỉ xây được một ngôi nhà.
Mảnh đất mới của vợ chồng ông Nhân, bà Hà có mặt tiền 6,5m, chiều sâu hơn 30m. Gia đình ông Nhân không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây một ngôi nhà ống, mỗi sàn rộng 100m2 với 4 phòng nhỏ.
Bà Hà trầm ngâm nói: "Tôi tính toán chia nhỏ các phòng vì ngôi nhà sẽ là nơi sinh sống của vợ chồng tôi, vợ chồng các con trai, các cháu cùng một người em chồng. Nếu còn ở đất cũ, tôi sẽ có thể cắt riêng cho mỗi người một phần nhỏ. Nhưng giờ chuyển về đây, mặt tiền quá hẹp, không thể tách đôi để xây 2 nhà, chúng tôi chỉ có thể xây một ngôi nhà chung để ở".
Ngày làm phu hồ, tối ngủ nhà lầu
Ngôi nhà mới của vợ chồng ông Nhân cách nơi ở cũ chưa đầy 1km, cùng nằm trong xã Thạch Hòa. Tuy nhiên, bà Hà cho biết, chuyển về khu tái định cư sống là một thách thức với kinh tế gia đình.
"Không thể phủ nhận việc chuyển về khu ở mới sạch sẽ, tiện nghi hơn, đường đi lối lại rộng rãi, có đèn đường chiếu sáng, gần trường học… Tôi cũng thích ở không gian này hơn. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt ở khu mới lại đắt đỏ hơn nhiều", bà Hà cho biết.
Cụ thể, trước đây, gia đình bà Hà không khi nào phải mua gạo vì đã tự trồng được lúa. Họ cũng trồng được rau, nuôi được gà… Hàng ngày, họ chỉ cần mua thêm chút thức ăn. Nhưng giờ đây, sống trong ngôi nhà mới khang trang "động tý là cần tiền". Họ phải mua từng bì gạo, mớ rau.
Chi phí sinh hoạt tăng cao trong khi nguồn thu gia đình không ổn định như trước. Thu nhập của hai vợ chồng bà trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng. Bà phải xoay xở đủ kiểu để chi tiêu cho gia đình.
Lương công nhân của bà Hà cố định được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tháng nào bà Hà tăng ca nhiều thì được thêm 1-2 triệu đồng. Không có đất canh tác, ông Nhân trông chờ vào việc đi làm phu hồ.
Công việc thợ xây đem đến cho ông Nhân khoản thù lao khoảng 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, ông Nhân bữa đi bữa nghỉ vì phụ thuộc vào công trình, có tháng chỉ đi làm được 10 buổi. Người đàn ông ước ao có một mảnh đất nông nghiệp để canh tác, tự mình làm chủ thời gian.
Ông Đỗ Văn Ba (cùng ở xã Thạch Hòa) vốn chỉ quanh quẩn với nghề chăn nuôi, trồng trọt. Gia đình đông người, vợ chồng ông luôn lo lắng làm thế nào để xây nhà cho các con. May mắn từ khi có khu Công nghệ cao Hòa Lạc, mảnh đất gia đình ông sở hữu có giá nên nhờ đó kinh tế gia đình có "bước ngoặt".
Khi cơn "sốt đất" tăng cao, ông Ba cắt một phần đất của gia đình đem bán. Khoản tiền bán đất cộng với tiền tiết kiệm, ông Ba xây liền lúc hai ngôi nhà. Tổng chi phí 800 triệu đồng.
Tuy nhiên, giống như ông Nhân, vợ chồng ông Ba cũng bị thu hẹp diện tích đất sản xuất để phục vụ quy hoạch. Hiện tại, để có thu nhập, ông Ba đi làm phụ hồ, theo các công trình xây dựng.
Thời gian không có việc, ông về quê (ở xã Đồng Trúc, cùng huyện Thạch Thất, cách nơi ở hiện tại khoảng 6-7km) cùng vợ chăm bón ít rau, quả. Mảnh vườn là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình.
"Gia đình tôi may mắn vì vẫn còn ít đất ở ngoài quê để trồng cấy. Chứ nhiều gia đình khác sau khi đất bị thu hồi coi như là mất nghề nông", ông Ba nói.
Ở khu tái định cư nơi gia đình ông Nhân, ông Ba đang sinh sống có không ít gia đình có hoàn cảnh tương tự. Đất của gia đình vào diện quy hoạch, họ được đền bù một khoản tiền khoảng 2-3 tỷ đồng.
Số tiền đó, họ dành một phần nộp để lấy 200m2 tái định cư, một phần còn lại vừa đủ để xây nhà. Những ngôi nhà 3-4 tầng dựng lên san sát trên những ô đất được chia lô vuông vức khiến nơi đây chẳng khác gì những khu phố khang trang. Tuy nhiên, chủ nhân của những ngôi nhà luôn lo lắng chuyện mưu sinh khi đất canh tác không còn.
Một vị cán bộ thôn 1, xã Thạch Hòa thừa nhận, việc tìm một công việc ổn định sau khi không còn đất canh tác, tiền đền bù dồn hết xây nhà là bài toán khó với nhiều gia đình trong thôn.
Khu tái định cư của xã Thạch Hòa xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà cao tầng.
Ngủ trong những ngôi nhà mới rộng rãi nhưng đôi khi họ cũng chẳng an lòng khi công việc bấp bênh. Nhiều người vốn sống dựa vào nông nghiệp chỉ còn biết trông chờ vào nghề phụ hồ, chạy chợ để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình.
Nhắc về tương lai sau này, bà Hà trầm ngâm nói: "Tôi vào công ty nhựa khi đã quá tuổi đóng bảo hiểm. Vậy nên coi như chẳng có gì tích lũy cho sau này. Vợ chồng tôi về già có lẽ chỉ biết trông chờ vào các con. Đất đai hạn hẹp, cả nhà xoay ra xoay vào chỉ có từng đó thì nương tựa vào nhau mà sống".
(Còn nữa)