DNews

Ở "thành phố mới" của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang

Phạm Hồng Hạnh Toàn Vũ

(Dân trí) - Miếng đất ở khu tái định cư của ông H. có giá khoảng 5 tỷ đồng. Nhiều người nói vợ chồng ông có tiền tỷ trong tay thì đã đủ an tâm. Nhưng ông H. vẫn bảo "lo lắm" vì đất canh tác sẽ không còn.

Ở "thành phố mới" của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang

Có tiền tỷ cũng không biết làm gì

Sinh sống trong khu đất thuộc quy hoạch Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhưng gia đình ông P. V. H (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội) vẫn chưa thực hiện các công tác kiểm đếm đất đai để giao lại cho địa phương.

Lý do khiến ông H. băn khoăn là mức giá đền bù cho khoảng 3.000m2 đất (bao gồm đất vườn và đất ở) của gia đình ông "chưa thỏa đáng". Không chỉ có thế, câu chuyện làm gì để mưu sinh khi về sống ở khu tái định cư với ông H. cũng là một câu hỏi lớn.

Ở thành phố mới của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang - 1

Những năm qua, các thôn xóm gần Khu Công nghệ cao Hòa Lạc "lột xác" mạnh mẽ về diện mạo.

Gia đình ông H. có 5 người (vợ chồng ông và 3 đứa con). Vài năm nay, vợ ông - bà X. đi làm công nhân vệ sinh trong khu công nghiệp với mức lương 4,2 triệu đồng một tháng.

Trước đó, bà X. ở nhà cùng chồng chăn nuôi, trồng trọt nhiều năm. Cả hai nuôi lợn, gà, vịt, cá trê và trồng cây ăn quả. Từ ngày có khu công nghệ cao, 4h chiều mỗi ngày, ông H. thường kéo đôi thùng nhựa tới các công ty xin thức ăn thừa về nuôi lợn.

Ở thành phố mới của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang - 2
Ở thành phố mới của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang - 3

Cuộc sống của vợ chồng ông H. nhiều năm là cuộc sống của gia đình thuần nông đúng nghĩa. Họ thức khuya dậy sớm, gắn với ruộng vườn.

Ngay cả khi bà X. đi làm công nhân, thì sau mỗi giờ tan ca, bà vẫn về nhà băm bèo, thái khoai, phụ chồng công việc chăn nuôi. Bữa cơm của gia đình họ thường diễn ra sau 8 giờ tối mỗi ngày.

Làm nghề nông vất vả nhưng nhờ vậy, họ nuôi được 3 đứa con ăn học. Hai trong số 3 con của vợ chồng ông H. đang học đại học tại quận nội thành.

Không chỉ có thế, nhờ làm lụng, chắt chiu mà năm 2016, vợ chồng ông H. mua được miếng đất rộng 150m2 ở khu tái định cư. Ông H. nhẩm tính, theo giá thị trường, miếng đất này hiện có giá khoảng 5 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với giá mua ban đầu).

Ở thành phố mới của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang - 4

Gia đình ông H. vẫn đang ở trong ngôi nhà thuộc diện thu hồi.

Nhiều người nói vợ chồng ông H. có tiền tỷ trong tay thì đã đủ an tâm. Nhưng khi được hỏi cảm nghĩ về việc vùng đất nơi mình sinh sống dự kiến sẽ được phát triển thành thành phố phía Tây Hà Nội, ông H. bảo "lo lắm".

"Thú thực cầm mấy tỷ trong tay chúng tôi không biết làm gì khi đất sản xuất không còn", ông H. nói.

Những lo toan của ông H. có lẽ cũng là điều dễ hiểu. Bởi với nhiều người, không phải cứ cầm tiền tỷ trong tay là sẽ biết cách đầu tư an toàn hay dễ dàng làm nó sinh lời. Đất có giá đó, nhưng bán đi rồi thì làm gì, liệu có đủ tiêu đến hết đời khi không có nghề nghiệp.

Với những nông dân như ông H. thì chăn nuôi, trồng trọt vẫn là chiếc "cần câu cơm" chắc chắn, an tâm nhất.

Vì thế, theo H., khi những người nông dân như ông không còn đất canh tác, ông rất mong muốn được hỗ trợ chuyển đổi việc làm để ông có thể an tâm tới nơi ở mới.

Ở thành phố mới của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang - 5
Ở thành phố mới của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang - 6

 Bà X. thì bày tỏ những trăn trở trước khi chuyển về nơi ở mới. Bởi vợ chồng bà xác định, "sớm muộn thì cũng phải đi".

Bà X. nói: "Tổng số đất ở và đất vườn hiện tại của nhà tôi, cao lắm chỉ có thể được đền bù khoảng 4 tỷ đồng. Theo quy định, chúng tôi được phân 200m2 vuông đất ở khu tái định cư. Để nhận diện tích này, chúng tôi cần phải đóng 760 triệu đồng. Phần còn lại, nhà tôi đông người, xây 2 cái nhà loại bình thường cũng phải 3 tỷ đồng. Coi như chẳng còn gì?".

"Lên thành phố chỉ lo không gian sống sẽ bị thu hẹp"

Trong khi nhiều người dân trong thôn bỏ hoang ruộng để đi làm công nhân trong các công ty thì chị Hoàng Thị Thủy (43 tuổi, xã Hạ Bằng, Thạch Thất) vẫn canh tác đều đặn mỗi năm 2 vụ trên 2 sào ruộng.

Thời gian còn lại, chị Thủy mở quầy nước mía bán cho người dân địa phương và làm đồ vàng mã cho một số đầu mối chuyên cung cấp các mặt hàng cúng lễ.

Hơn 15 năm, chị Thủy chứng kiến những thay đổi về quy hoạch khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội, rồi sau đó là dự án liên quan đến phát triển khu công nghệ cao. "Đầu tiên là thu hồi đất nương, đất sắn, giờ thì thu hồi đất ruộng để phục vụ các mục đích", chị Thủy nói.

Khi nghe thông tin khu vực nơi mình sinh sống có thể sẽ phát triển thành thành phố phía Tây Hà Nội, người phụ nữ này không quá lo việc sẽ không còn đất cấy lúa.

Bởi, với thu nhập hiện tại của chị cùng chồng (chồng chị Thủy làm nghề lái xe) việc mỗi năm chi dăm ba triệu mua gạo không phải là vấn đề.

Ở thành phố mới của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang - 7

Chị Thủy bán nước mía và làm các mặt hàng vàng mã để kiếm thêm thu nhập.

 Tuy nhiên, điều mà chị Thủy cảm thấy lo lắng đó là không gian sống sẽ bị thu hẹp lại. Chị nói: "Nơi đây nếu quy hoạch thành thành phố thì cũng thích, nhưng tôi lo rằng đất đai cứ bị lấy dần thì không gian sống của người dân sẽ thu hẹp lại".

Theo chị Thủy, nhiều năm qua, những người như chị đã quen cảnh sống rộng rãi, đường đi lối lại ít khói bụi, không bị tắc đường. Chị tin rằng, nhiều người ở độ tuổi trung niên tại vùng quê này cũng có cảm nghĩ như chị.

"Có thể những người trẻ thích "lên phố" nhưng những người như tôi lại mong muốn một cuộc sống yên bình. Cuối tuần, tôi thấy nhiều người ở Hà Nội kéo nhau về đập thủy lợi gần đây cắm trại, tắm mát giải nhiệt là đủ hiểu cuộc sống ở nội đô ngột ngạt thế nào", người phụ nữ 43 tuổi chia sẻ.

Chị Vũ Thúy Lành (thôn 4, xã Hạ Bằng) cho biết, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng kéo theo sự xuất hiện của nhiều dịch vụ ăn theo khác. Người dân địa phương nhiều nơi đổ về đây thuê trọ, nhiều cửa hàng ăn uống, quán cà phê, quán karaoke cũng theo đó mọc lên.

Ở thành phố mới của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang - 8
Ở thành phố mới của Hà Nội: Có tiền tỷ trong tay vẫn... hoang mang - 9

 Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng kéo theo nhiều dịch vụ ăn theo.

Chị Lành kể: "Cuộc sống phát triển nhưng đồng thời cũng xuất hiện những tệ nạn xã hội và các vấn đề khác. Nhiều người đua đòi ăn chơi quán xá, có nhà được đền bù đất với một khoản tiền lớn nhưng không biết quản lý, không biết đầu tư kinh doanh, có bao nhiêu tiền thì đem ra tiêu xài.

Có nhà cắt đất bán dần chỉ đến khi còn mỗi một cái nhà để ở. Cũng có gia đình, lúc trước thì cho nhau đất được nhưng khi đất có giá thì anh em tranh nhau, đánh nhau, gây bất hòa nội bộ gia đình".

Chứng kiến những mặt trái của đô thị hóa, chị Lành vì thế thành thật nói: "Tôi vẫn thích ở quê hơn".

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh - Toàn Vũ

(Còn nữa)