DNews

Nam sinh ở Hà Nội gây sốt vì xinh đẹp, "dở khóc" khi điểm danh ở lớp

Tiến Bùi

(Dân trí) - Từng đối mặt với sự trêu chọc từ những người xung quanh, Phương Nhã quyết tâm thay đổi bản thân, giữ vững thành tích học tập và tìm cách sống đúng với giới tính thật của mình.

Nam sinh ở Hà Nội gây sốt vì xinh đẹp, "dở khóc" khi điểm danh ở lớp

Bùi Phạm Phương Nhã (SN 2005) hiện là sinh viên theo học chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao. Dù sinh ra là nam nhưng ngay từ khi còn nhỏ, Nhã đã nhận thức được sự khác biệt của bản thân so với nhiều bạn nam cùng trang lứa.

Thay vì thích những món đồ chơi như siêu nhân, robot, Phương Nhã lại đam mê xem phim hoạt hình công chúa, quấn chăn làm váy hoặc chơi nhảy dây với các bạn nữ trong lớp.

Thời điểm đó, khái niệm về cộng đồng LGBT chưa được nhiều người biết đến. Phương Nhã cũng chưa có cơ hội tiếp xúc với những thông tin chính thống nên luôn cảm thấy hoang mang và tủi thân.

Đứng lên từ chính sự phản đối, kỳ thị

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Phương Nhã cho biết: "Chính vì khác biệt đó, mình luôn là tâm điểm của sự trêu chọc và kỳ thị khi đi học. Mình chỉ nghĩ đơn giản đó là điều bản thân muốn làm nhưng không hề biết sẽ phải nhận lại những hành động phân biệt đối xử như vậy.

Năm học cấp 1, cấp 2, mình thường xuyên bị bạn bè nói ra nói vào, thậm chí bắt nạt. Mình cũng không có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động của trường, chỉ vì muốn sống đúng với giới tính của bản thân. Có lúc mình tủi thân và muốn khóc lên thật to nhưng không thể, chỉ biết tự an ủi rằng, mọi chuyện sẽ ổn, cố gắng nhiều hơn một chút, biết đâu ngày mai sẽ tốt hơn".

Nam sinh ở Hà Nội gây sốt vì xinh đẹp, dở khóc khi điểm danh ở lớp - 1
Nam sinh ở Hà Nội gây sốt vì xinh đẹp, dở khóc khi điểm danh ở lớp - 2
Nam sinh ở Hà Nội gây sốt vì xinh đẹp, dở khóc khi điểm danh ở lớp - 3

Tiết lộ về câu chuyện "come out" (công khai giới tính), Phương Nhã cho biết, gia đình cô ban đầu có phản ứng khá gay gắt. Vô tình bị mẹ phát hiện việc chia sẻ một video có nội dung nói đến chuyện thừa nhận giới tính thật, nam sinh Ngoại giao đành nói ra sự thật, dù thời điểm đó chưa muốn làm điều này.

Tất cả thành viên trong gia đình Phương Nhã đã có một buổi tối nói chuyện, tranh cãi vô cùng căng thẳng. Bố mẹ Nhã khóc rất nhiều, trách mắng bản thân và phản đối quyết định này của cậu.

Bản thân Phương Nhã khi ấy mới chỉ là học sinh cấp 3, chưa trưởng thành, tâm lý còn nhiều bất ổn nên khi gặp những phản ứng của phụ huynh, trong đầu cô cũng nảy ra nhiều suy nghĩ tiêu cực.

Sau khi kết thúc kỳ thi đại học và tròn 18 tuổi, Phương Nhã một lần nữa đối diện với mẹ và có cơ hội nói rõ hơn về vấn đề này. Mẹ Nhã chỉ chấp nhận chứ không hoàn toàn ủng hộ. Bà nói con làm gì cũng được miễn là không ảnh hưởng đến gia đình.

"Muốn có được sự công nhận từ người khác, trước hết bạn phải chấp nhận bản thân. Mình luôn cố gắng chứng minh bản thân sẽ sống tốt với phiên bản này thông qua giáo dục và các hoạt động ngoại khóa trên trường.

Điều này tuy nhỏ nhưng cũng góp phần giúp bố mẹ thấy rõ được việc sống đúng với giới tính thật sẽ là nguồn động lực để mình phát triển và cống hiến nhiều hơn trong tương lai", Phương Nhã bộc bạch.

Sẵn sàng đánh đổi để sống đúng với bản thể mình mong muốn

Hiện tại, Phương Nhã bước vào quá trình sử dụng hormone (nội tiết tố) để thay đổi cơ thể. Mỗi tháng, Nhã cần chi trả khoảng nửa triệu đồng cho chi phí thuốc thang.

Cô nhận thức được việc chuyển giới có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trong tương lai nhưng sẵn sàng đánh đổi, biến nỗi sợ thành động lực để bản thân sống đúng với bản thể mà mình mong muốn.

Theo Phương Nhã, trở ngại lớn nhất khi đi học của một người chuyển giới là vấn đề giấy tờ tùy thân, khi nhiều bạn chưa thể thay đổi giới tính cũng như tên gọi mong muốn.

Trong quá trình học đại học, Phương Nhã thường gặp phải tình huống "dở khóc dở cười" lúc điểm danh trên lớp. Các thầy cô đa phần sẽ bất ngờ khi trong danh sách ghi là giới tính nam, nhưng xuất hiện trên lớp lại là một bạn nữ.

Nam sinh ở Hà Nội gây sốt vì xinh đẹp, dở khóc khi điểm danh ở lớp - 4

Phương Nhã tích cực ghi danh tại các cuộc thi về MC, tranh luận… và giành được một số thành tích nhất định.

Từ khi còn là học sinh cấp 3, Phương Nhã ít có cơ hội được thể hiện mình. Trở thành sinh viên Học viện Ngoại giao, Nhã được tham gia hoạt động ngoại khóa, mở rộng kết nối và học hỏi nhiều kiến thức thực tế từ xã hội bên ngoài.

Bên cạnh đó, Nhã còn là thành viên hoạt động tích cực của cộng đồng tranh biện Việt Nam từ khi còn là học sinh THPT và may mắn giành được một số thành tích nhất định.

"Tranh biện không chỉ giúp mình trở nên tự tin hơn trong việc đấu tranh cho tiếng nói của bản thân, mà còn thay đổi tư duy để trở thành công dân của thời đại. Mình luôn tự hào vì sự nỗ lực và không ngừng cố gắng thay đổi của bản thân để trở nên tốt hơn mỗi ngày, dám nghĩ, dám làm và thử thách những lĩnh vực mới như dẫn chương trình, diễn thuyết…", Phương Nhã chia sẻ.

Năng động trong các cuộc thi, chương trình ngoại khóa của trường nhưng Phương Nhã luôn đặt việc học lên hàng đầu, ưu tiên thời gian để trau dồi kiến thức và duy trì học lực xuất sắc cùng điểm GPA đạt 3.79.

Phương Nhã nhận thấy một khó khăn mà ít ai hay nhắc đến, đó chính là đối diện với chính mình. Cô cho rằng ngoài kia vẫn còn nhiều bạn trẻ hoang mang, lo lắng và né tránh con người sâu bên trong, không dám vượt qua nỗi sợ này.

Nữ sinh chuyển giới mong rằng gen Z (những người sinh năm 1997-2012) có câu chuyện giống như cô sẽ được sống vui vẻ với quyết định của mình để không bao giờ phải hối hận với bất cứ điều gì.

Ảnh: Nhân vật cung cấp