PhotoStory

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa

Thực hiện: Phạm Hồng Hạnh - Nguyễn Hà Nam

(Dân trí) - Nước lũ rút đi để lại trong các ngôi nhà phố vô số bùn đất. Người dân phải dùng nhiều cách khác nhau để dọn rửa, vệ sinh. Nhiều người đốt nến dọn nhà vì sợ để lâu, bùn đất sẽ bám lâu hơn.

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 1

Sáng 13/9, nước lũ đã rút bớt tại nhiều con phố thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 2

Rác thải, bùn đất ngổn ngang khắp các lối ngõ. 

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 3

Ngôi nhà nằm sâu trong ngõ Bảo Linh (quận Hoàn Kiếm) nước mới chỉ rút vào sáng sớm nay. Chủ nhà đã phải gác lại mọi công việc để tập trung dọn dẹp. Không gian nồng nặc mùi bùn đất và ẩm thấp khiến công việc càng thêm nặng nhọc. 

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 4
Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 5

Một cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng inox trên phố Bảo Linh bị ngập suốt 3 ngày, nước dâng cao tới nửa tầng 1 khiến toàn bộ các mặt hàng bị chìm trong nước. Nhiều món đồ như xoong nồi, khay cơm, bát, đĩa đều trong tình trạng lấm lem.

Chị Hoàng Thị Lanh dọn dẹp từ sáng sớm tới 13h mà đồ đạc vẫn chưa thể gọn gàng. Chị Lanh cho biết: "Chúng tôi phải bóc tất cả các lớp nilon bảo vệ ra rửa lại sản phẩm. Đồ mới tinh mà sau lũ như hóa đồ cũ vậy".

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 6

Anh Giang, chủ một cửa hàng lẩu ở phố Bảo Linh cho biết, như nhiều ngôi nhà khác tại con phố này, cửa hàng lẩu của anh chịu nhiều ảnh hưởng do mưa lụt sau bão số 3.

Sáng 13/9, anh Giang huy động toàn bộ nhân viên tới tổng vệ sinh cửa hàng. Bàn ghế, đồ bếp như vừa được lôi lên từ dưới sông, anh Giang phải dùng vòi nước áp lực mạnh để xịt rửa. 

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 7

Đến gần 14h, các hoạt động dọn dẹp vẫn diễn ra tất bật. Người dân tại con ngõ này cho biết, đến 9h sáng nay, cả phố mới được cấp điện trở lại, vì vậy, các gia đình mới có thể bơm nước để phục vụ công tác vệ sinh, làm trôi đất cát theo nước lũ cuốn về. 

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 8

Ở cách đó không xa, các hộ dân ở ngõ 137 Chương Dương Độ vẫn chưa có điện. Sáng nay khi nghe tin nước rút, người phụ nữ này từ nơi "lánh nạn" trở về. Mở cửa bước vào nhà, bà choáng váng trước cảnh bùn đất ngập sàn tầng 1, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc.

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 9

Anh Nguyễn Văn Bằng từ Hưng Yên lên Hà Nội dọn dẹp giúp nhà vợ ngõ 137. Vì chưa có điện, nhà trong ngõ sâu nên anh Bằng phải thắp nến hoặc dùng bình ắc-quy tích điện để lấy ánh sáng. 

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 10

Bà Nga (mẹ vợ của anh Bằng cho biết), nước ngập cao nhất tới quá vai bà. Vì nền nhà thấp hơn mặt đường nên trong nhà càng bị ngập sâu. Cả nhà bà phải đưa người bố 86 tuổi đi di tản, một số ở lại rút lên tầng 2.

"Có hôm tôi nghe thấy tiếng rao ở ngoài báo phát cơm mà không thể ra lấy được vì nước  ngập cao, không qua nổi cửa", bà Nga nhớ lại thời điểm khó khăn nhất trong những ngày bão lũ. 

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 11

Nhà bà Nga bị hỏng một chiếc tủ lạnh do không kịp đưa lên cao vì quá nặng. Toàn bộ chăn màn cũng phải đem vứt bỏ, nhiều đồ đạc trong tình trạng "bỏ đi" vì ngâm nước quá lâu. 

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 12

Nhà số 42 ngõ 133 Chương Dương Độ bị ngập tới bậc thang thứ tư lối lên tầng 2. Chị Trần Thị Bích Hoa thắp nến suốt từ sáng để lau các ngóc ngách trong nhà và bậc thang.

"Tôi không nhớ từ sáng đến giờ đã thay bao nhiêu chậu nước như thế này. Đến đêm 12/9, khi nước rút còn 30cm, tôi đã xuống khoắng mạnh để bùn đất theo nước chảy bớt ra. Tuy nhiên, đến sáng nay, hai mẹ con vẫn rất vất vả", chị Hoa nói. 

Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 13
Đồ mới hóa đồ cũ, người Hà Nội đốt nến quét bùn, dọn nhà cửa - 14

Bùn đất sau lũ cũng là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân sinh sống ở ven sông Hồng khi nước rút.

Chị Nguyễn Thị Nga (phải, số nhà 12, phố Chương Dương Độ) cho biết, mặt bằng tầng 1 được chị cho thuê làm kho bánh kẹo. Trước khi nước vào, chủ cửa hàng đã kê cao đồ đạc. Tuy nhiên, mưa kéo dài và lũ dâng cao hơn dự kiến khiến nhiều thùng hàng theo dòng nước trôi xuống, các thùng giấy quyện với bùn đất tan ra rất bẩn. 

"Tôi dọn dẹp cả sáng mà vẫn thấy chưa được sạch sẽ. Tôi mong rằng sau lũ, cả khu phố sẽ được tổng vệ sinh, phun khử khuẩn để phòng chống dịch bệnh. Có như thế mới bảo đảm an toàn sức khỏe cho toàn thể mọi người", chị Nga nói.