DNews

Đại gia đình 500 người ở Hải Dương: Làm giỗ 80 mâm, chụp ảnh mất 30 phút

Mộc Khải

(Dân trí) - Đại gia đình của chị Tiêu Dung (Hải Dương) gồm 6 thế hệ và có gần 500 thành viên. Mỗi lần họp mặt, gia đình chị mất vài tháng để lên kế hoạch và chuẩn bị đến 80 mâm cỗ.

Đại gia đình 500 người ở Hải Dương: Làm giỗ 80 mâm, chụp ảnh mất 30 phút

Gia đình 6 thế hệ, gần 500 thành viên

Mới đây, chị Tiêu Dung (35 tuổi) gây chú ý khi khoe hình ảnh đại gia đình gần 500 thành viên của mình lên mạng xã hội.

Chị chia sẻ: "Các cụ nhà tôi sinh được 11 người con. Đến thời các ông bà tôi, nhà không 5 con thì cũng phải 7-8 con. Cứ thế, đến lớp trẻ chúng tôi, con số giảm đi đáng kể do kế hoạch hóa gia đình, nhưng gom góp lại gia phả nhà tôi cũng ngót nghét 500 thành viên".

Vì đông thành viên, nên ngày giỗ, gia đình chị đãi 30 mâm vào hôm trước, 80 mâm vào hôm sau. Không chỉ vậy, mỗi lần gia đình chị họp mặt chụp ảnh, thợ chụp cần căn chỉnh vị trí đứng gần 30 phút mới có thể cho ra một tấm ảnh đẹp.

Đại gia đình 500 người ở Hải Dương: Làm giỗ 80 mâm, chụp ảnh mất 30 phút - 1

Đại gia đình của chị Dung có 6 thế hệ, với gần 500 thành viên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Những chia sẻ của chị Dung thu hút sự quan tâm của dân mạng. Không ít người trầm trồ về số lượng thành viên trong gia đình chị, đồng thời ngưỡng mộ vì sự đoàn kết và truyền thống họp mặt ý nghĩa.

Một dân mạng viết: "Ấm áp và hạnh phúc quá, giàu có bao nhiêu cũng không bằng tình thân và sự gắn kết thế này".

Nhiều người còn nói vui rằng, gia đình đông thành viên thế này, thì việc nhầm lẫn tên con cháu hay không nhớ tên là chuyện bình thường. Thậm chí, các thế hệ ông bà gặp con cháu ngoài đường, đôi khi sẽ không biết đó là thành viên của gia đình mình.

Chị Dung cho biết hiện tại, gia đình chị tồn tại 6 thế hệ, gồm: Kị, cụ (cố), ông bà, bố mẹ, cháu và chắt. Các thành viên trong gia đình sinh sống ở các thành phố khác nhau, từ Bắc vào Nam và cả ở nước ngoài. Người có vai vế lớn nhất trong gia đình đã bước sang tuổi 90. Bản thân chị Dung mới 35 tuổi, đã giữ chức bà theo vai vế.

Đại gia đình 500 người ở Hải Dương: Làm giỗ 80 mâm, chụp ảnh mất 30 phút - 2

Mỗi dịp họp mặt, đại gia đình của chị Dung sẽ cùng chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Mỗi năm, gia đình chị Dung có nhiều ngày giỗ, nhưng thông thường các ngày giỗ sẽ tổ chức với quy mô nhỏ, gói gọn tầm hơn chục mâm cỗ. Những dịp này, mỗi gia đình ở quê chỉ đại diện một ít người tham gia.

Song, cứ vài năm, gia đình chị sẽ tổ chức một ngày giỗ lớn tại thị trấn Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) với sự tham gia của đông đủ các thành viên, mục đích để tình cảm gia đình thêm gắn kết và giữ gìn được nếp nhà.

Chuẩn bị đám giỗ trước vài tháng

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Dung cho biết mỗi đợt giỗ lớn, gia đình chị sẽ chuẩn bị trước vài tháng để mọi việc diễn ra suôn sẻ, chỉn chu. Ngoài ra, việc chuẩn bị sớm chủ yếu để các thành viên sắp xếp thời gian, quy tụ về dự giỗ càng nhiều càng tốt.

Trước vài tháng diễn ra ngày giỗ, ông bà và các thành viên đại diện gia đình sẽ ngồi thảo luận về quy mô tổ chức. Sau đó, mọi thông tin được gửi vào nhóm trò chuyện trực tuyến của gia đình, để các thành viên thuận tiện theo dõi, đăng ký danh sách tham dự.

Đại gia đình 500 người ở Hải Dương: Làm giỗ 80 mâm, chụp ảnh mất 30 phút - 3

Thông báo về kế hoạch tổ chức ngày giỗ được gửi đến các thành viên trong gia đình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Mỗi lần chuẩn bị giỗ, tôi thấy ông nội ngồi hàng giờ để viết lời phát biểu, ghi lại tâm tư tình cảm để chia sẻ trong ngày họp mặt gia đình. Nhìn sự tâm huyết của ông, tôi không khỏi xúc động.

Buổi chiều hôm trước ngày giỗ, các thành viên sẽ ngồi lại, lắng nghe công việc được phân công để ghi nhớ và thực hiện. Ai cũng có nhiệm vụ riêng, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình", chị Dung chia sẻ.

Vào ngày giỗ, ai trong gia đình chị Dung cũng quần áo tươm tất, trang trọng. Mọi người cùng đi thắp hương ở mộ phần của tổ tiên trước khi cùng nhau quây quần tâm sự.

Nhắc đến ngày họp mặt gia đình, chị Dung phấn khởi kể về những buổi văn nghệ, hát múa ngay trong sân nhà đêm trước ngày giỗ. Những người ở xa, không thể về quê dự giỗ, cũng háo hức theo dõi chương trình trực tuyến, hòa trong không khí sum vầy của gia đình.

Khoảnh khắc mấy trăm thành viên trong đại gia đình nghiêm túc lắng nghe bài phát biểu của người đại diện hay cả gia đình sắp xếp vị trí chụp ảnh, cũng mang đến cho chị Dung nhiều cảm xúc. Với chị, đó là những khoảnh khắc đầy ắp tiếng cười, là món quà tinh thần để con cháu có thêm động lực làm việc.

"Những bức ảnh chụp trong ngày giỗ lớn với đầy đủ thành viên sẽ được in khổ to, lồng vào khung trang trọng để treo tại gia đình của 11 ông bà", chị Dung chia sẻ.

Tương thân tương ái, lập quỹ khuyến học riêng

Mấy năm mới có dịp tụ họp đông đủ nên đại gia đình của chị Dung rất trân quý khoảng thời gian được ở bên nhau. Gặp nhau, ai cũng tay bắt mặt mừng, nói cười hòa nhã, khiến cả xóm làng cũng vui lây.

Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình ôn lại kỷ niệm. Những câu chuyện ngày trước, những ký ức tuổi thơ là chủ đề thường được nhắc đến, kèm theo đó là tiếng cười không ngớt.

"Mỗi lần tụ họp, chúng tôi được nghe các ông, các bà chia sẻ về truyền thống gia đình, về các thế hệ đi trước. Lúc ấy, không chỉ tôi mà hầu hết thành viên trong nhà đều rưng rưng", chị nói.

Đại gia đình 500 người ở Hải Dương: Làm giỗ 80 mâm, chụp ảnh mất 30 phút - 4
Đại gia đình 500 người ở Hải Dương: Làm giỗ 80 mâm, chụp ảnh mất 30 phút - 5

Mỗi lần gặp gỡ, chị Dung cùng các thành viên trong gia đình có dịp ôn lại kỷ niệm tuổi thơ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngoài ngày giỗ, đại gia đình của chị Dung còn tụ họp vào ngày tảo mộ hằng năm, để tưởng nhớ tới tổ tiên. Trong cuộc sống, các gia đình nhỏ trong đại gia đình lớn cũng luôn theo dõi, nắm bắt tình hình của nhau, để kịp thời động viên, san sẻ và giúp đỡ khi cần, cả về tinh thần lẫn tài chính.

"Nhà nào có ma chay, cưới hỏi là họ hàng lại đến từ sáng sớm tinh mơ để phụ giúp và trở về nhà khi mặt trời đã lặn. Có lần, một người ông của tôi bị tai nạn phải nhập viện, người thân trong nhà đứng chờ kết quả khám bệnh của ông mà kín cả một khu vực, khiến các nhân viên trong bệnh viện choáng váng", chị Dung chia sẻ.

Không chỉ vậy, gia đình chị Dung còn thành lập một quỹ khuyến học riêng, để động viên tinh thần con cháu. Hằng năm, gia đình sẽ lên danh sách những học sinh, sinh viên có thành tích tốt và trao thưởng vào khoảng đầu tháng 9, trước khi bắt đầu năm học mới, để con cháu có thêm động lực phấn đấu.

Đại gia đình 500 người ở Hải Dương: Làm giỗ 80 mâm, chụp ảnh mất 30 phút - 6
Đại gia đình 500 người ở Hải Dương: Làm giỗ 80 mâm, chụp ảnh mất 30 phút - 7

Gia đình chị Dung thành lập quỹ khuyến học riêng để ủng hộ tinh thần của con cháu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo chị Dung, để có được những ngày tụ hội ý nghĩa như thế, các thế hệ đi trước trong gia đình chị đã ra sức dẫn dắt và truyền lửa cho thế hệ sau. Cứ cây cổ thụ này nằm xuống, sẽ có thêm rừng cây con được giáo dục, dạy dỗ để tiếp nối truyền thống gia đình.

"Hiện tại, bác của tôi là người "kế nhiệm", là đầu tàu dẫn dắt gia đình duy trì và phát huy tinh thần tương thân tương ái. Với tôi, tình cảm gia đình là một trong những điều quý giá nhất của con người.

Mỗi tiếng cười, mỗi bức ảnh ngày họp mặt hay những lời hỏi thăm, động viên của người thân chính là nền tảng để lớp trẻ trưởng thành và phát triển trong cuộc sống", chị Dung bộc bạch.