DMagazine

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội

(Dân trí) - Ngoài giờ làm việc, anh Tuấn, chị Diệu Linh nhận chở các cuốc xe đặc biệt đưa "những người không quen" về nhà. Bất kể quãng đường gần hay xa, các anh chị đều không nhận bất cứ một khoản chi phí nào.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội

Ngoài giờ làm việc, anh Tuấn, chị Diệu Linh nhận chở các cuốc xe đặc biệt đưa "những người không quen" về nhà. Bất kể quãng đường gần hay xa, ở đồng bằng hay miền núi hẻo lánh, các anh chị đều không nhận bất cứ một khoản chi phí nào.

Cuốc xe gần 400km "chữa lỗi" cho pha "chặt chém" của taxi Hà Nội

Một buổi sáng, đang ngồi ở văn phòng tập trung làm việc, anh Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi, nhân viên một công ty về điện mặt trời, quê Sơn Tây, Hà Nội) thấy có thông báo mới trên nhóm Zalo. Khi mở tin nhắn ra đọc, anh biết được trưởng nhóm thông báo đang cần tài xế đưa một cặp vợ chồng cùng con nhỏ từ Bệnh viện Mắt Trung ương về huyện Sông Mã (Sơn La).

Nhận thấy mình có thể sắp xếp được thời gian, Sơn La lại là địa bàn bản thân nhiều lần đi công tác nên anh Tuấn lập tức vào "nhận cuốc".

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 1

Anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về những chuyến xe đặc biệt mình làm tài xế.

Cặp vợ chồng mà anh Tuấn đón hôm ấy là anh Vì Văn Sáng (28 tuổi) và chị Lành Thị Thời (27 tuổi, người dân tộc Xinh Mun) cùng bé trai tên Vui.

Nếu như 10 ngày trước đó, họ là nạn nhân của một vụ chặt chém taxi thì trên chuyến xe của anh Tuấn, họ trở thành những "vị khách" đặc biệt không cần trả phí. Quãng đường về nhà gần 400km nhưng họ sẽ không mất một đồng nào mà còn được bao ăn uống toàn bộ lộ trình.

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Lành Thị Thời kể, ngày 19/5, vợ chồng chị đưa con về Hà Nội khám bệnh vì con nghi bị ung thư võng mạc. Trong túi chị khi ấy chỉ có 9 triệu đồng. Đó là số tiền Công an huyện Sông Mã kêu gọi, ủng hộ hỗ trợ gia đình.

Đến Hà Nội lúc 4h sáng, chị không dám gọi cho người quen (đã hẹn trước đó) vì sợ làm phiền họ quá sớm. Hai vợ chồng chị đành bắt taxi tới Bệnh viện Mắt Trung ương. Tài xế taxi lấy 180.000 đồng/người, "bớt" cho 40.000 còn 500.000 đồng.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 2
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 3
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 4

Vợ chồng chị Thời và con nhỏ được anh Tuấn lái xe gần 400km đưa về nhà ở Sơn La. 

Đến khi gặp người thân, chị Thời mới ngã ngửa mình bị tài xế taxi "chặt chém" vì quãng đường từ phường Quang Trung (quận Hà Đông) đến Bệnh viện Mắt Trung ương chỉ tốn khoảng 200.000 đồng. Biết mình bị lừa, chị Thời vừa buồn vừa tiếc tiền.

Thấy hoàn cảnh của chị Thời đáng thương (kinh tế nghèo khó, hai con đều bị khuyết tật ở mắt) nên người quen đã chia sẻ câu chuyện của chị Thời lên mạng xã hội. Chị Thời sau đó đã nhận được nhiều sự ủng hộ về vật chất từ phía các nhà hảo tâm. Đặc biệt, sau đó, họ còn được anh Nguyễn Anh Tuấn, người mà lần đầu họ gặp mặt tận tình chở về nhà.

"Lần đưa con đi khám bệnh ấy cũng là lần đầu chúng tôi tới Hà Nội. Khi biết mình bị lừa, tôi rất sợ và lo lắng. Tuy nhiên, sau đó, tôi được rất nhiều người giúp đỡ. Chúng tôi còn được anh Tuấn  chở về tận nhà. Hành động của anh đối lập hẳn với tài xế taxi đã "chặt chém" chúng tôi. Tôi nhận ra rằng, vẫn có rất nhiều người tốt xung quanh mình", chị Thời kể với Dân trí.

Cũng theo chị Thời, trên đường đi, vợ chồng chị Thời nhiều lần xin trả tiền ăn uống, mua vé qua các trạm kiểm soát nhưng anh tài xế gạt phắt đi và nói: "Dù là đi một ngày hay hai ngày thì anh sẽ lo hết cả chuyến đi và đưa gia đình em về nhà an toàn".

Chuyến xe 0 đồng dành tặng chị Thời chỉ là một trong rất nhiều việc thiện mà người đàn ông Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn thực hiện trong hơn 10 năm qua. Thời điểm năm 2011, anh Tuấn thường tham gia hoạt động nấu cơm, phát cơm miễn phí cho bệnh nhân, người lao động nghèo.

Năm 2014-2015, mỗi tối sau khi tan làm, anh lại tất bật với quầy bán nước giải khát, hoa quả dầm ở phố Hàng Lược. Tất cả số tiền kiếm được từ quán này, anh cùng bạn bè mua mỳ tôm, sữa… giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Đầu năm 2022, người đàn ông "nghiện lo chuyện bao đồng" (cách nhiều người gọi anh) tham gia nhóm "Những chuyến xe yêu thương" để chở bệnh nhân nghèo miễn phí.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 5
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 6

Sau mỗi lần tái khám, các bệnh nhi suy thận thường phải mua thêm hàng chục thùng dịch về truyền. 

Từ ngày tham gia nhóm thiện nguyện này, anh Tuấn đã nhận chở các bệnh nhân suy thận, bệnh nhân ung thư… có hoàn cảnh về tận nhà. Chuyến gần chỉ loanh quanh ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, ngoại thành Hà Nội, nhưng cũng có những chuyến anh chạy về Quảng Ninh, Sơn La…

Đặc biệt các bệnh nhân suy thận, sau mỗi lần tái khám đều được các bác sĩ phát cho 20-30 thùng dịch về truyền. Gần như không có xe khách nào nhận vận chuyển họ, còn nếu thuê xe riêng thì số tiền là rất lớn.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 7
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 8
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 9

Anh Tuấn tâm sự, mỗi chuyến đi giúp anh có cơ hội được trực tiếp giúp đỡ người khác theo một cách thiết thực nhất.

Đặc biệt, với những trường hợp như vợ chồng chị Thời thì chuyến đi như một cách "chữa lỗi" cho hành động "chặt chém" đáng xấu hổ của tài xế taxi, giúp mỗi người có ấn tượng tốt hơn khi đến với Hà Nội, có thêm niềm tin vào cuộc sống và hiểu rằng xung quanh họ còn có rất nhiều người tốt.

Hơn 100 chuyến xe của bà mẹ hai con đem tiền nhà đi chở... "người dưng"

Giống như anh Nguyễn Anh Tuấn, chị Nguyễn Diệu Linh (34 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chuyên nhận chở những chuyến xe 0 đồng. Chị Linh tham gia nhóm "PUN - Hành trình kết nối yêu thương", thông qua sự kết nối của nhóm tới một số bệnh viện như Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều để hỗ trợ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 10

Chị Nguyễn Diệu Linh đã chạy hơn 100 chuyến xe 0 đồng.

Chị Linh vốn làm việc trong một công ty du lịch ở Hà Nội. Ba năm trước, chị nhiều lần đọc được câu chuyện chia sẻ về việc chở bệnh nhân miễn phí. Tuy nhiên thời điểm đó, công việc bận rộn luôn cuốn chị đi. Khi đại dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch bị ảnh hưởng, chị Linh quyết định dành thời gian rảnh rỗi vào việc đi chở xe miễn phí.

Thời điểm Hà Nội giãn cách nghiêm ngặt từ tháng 7-9/2021, các phương tiện vận tải ngừng hoạt động, nhiều bệnh nhân tỉnh lẻ muốn về Hà Nội chữa bệnh hoặc đến lịch tái khám, điều trị hóa chất, truyền dịch gặp vô vàn khó khăn. Họ chỉ có hai lựa chọn, một là thuê những chuyến xe cứu thương hoặc xe dịch vụ chạy chui vô cùng đắt đỏ, hoặc là ở nhà chờ chết.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 11
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 12
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 13

Chị Linh trên những chuyến xe mùa dịch bất kể ngày đêm.

Hiểu được những khó khăn đó của các bệnh nhân, chị Linh xin giấy xác nhận của các bệnh viện, rồi nhận các cuốc xe trên nhóm mình tham gia.

Ngoài chở bệnh nhân từ bệnh viện ra chốt kiểm dịch, chị còn đưa họ về tận nhà. Có hôm chị Linh đón tới 3-4 bệnh nhân một ngày. Những chuyến đi xa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên… chị thường rủ thêm các thành viên khác đi cùng để đổi lái. Nhưng đôi lúc họ có việc đột xuất thì chị lại đi một mình.

Chị Linh nhớ mãi lần đón một bệnh nhân ung thư (56 tuổi, quê Bắc Kạn) ở Viện huyết học Truyền máu Trung ương. Người phụ nữ về Hà Nội truyền hóa chất trong đợt giãn cách nhưng không biết làm cách nào để tìm xe về quê.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 14
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 15
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 16

Những "hành khách" đặc biệt của chị Linh.

Khi chị Linh đến đón, giọng người phụ nữ nói như sắp khóc. Đi được một đoạn, người này mới kể đã ngủ ở ghế hai đêm. "Trong túi cô ấy còn 200.000 đồng nhưng giá thuê nhà nghỉ là 350.000 đồng/đêm nên cô đành lang thang trong viện. Không có tiền, không có cơ hội tiếp cận thông tin, cô đã sống như một cái bóng lặng lẽ suốt hơn hai ngày", chị Linh kể lại.

Một lần khác, chị Diệu Linh nhận chở hai mẹ con bé A.N (ở Kim Sơn, Ninh Bình). Bé A. N (3 tuổi) bị viêm não. Suốt hơn một năm, hai mẹ con A. N phải lên Hà Nội liên tục để điều trị.  Đến ngày ra viện, người mẹ mất ngủ mấy đêm vì không biết cách nào để về quê.

Lúc ấy là tháng 9/2021, phía chạy xe dịch vụ đưa ra mức giá 2,8 triệu đồng nhưng người mẹ không đủ tiền. Tình cờ được người đi chăm bệnh nhân giới thiệu, chị A. N mới kết nối được với chị Linh và được giúp đỡ.

Thời gian ấy, thấy chị Linh đang thất nghiệp, lại bỏ tiền túi đi đổ xăng chở người dưng, nhiều người xì xào cho rằng bà mẹ hai con đang "ngửa váy hứng dừa", "vác tù và hàng tổng", "họ hàng, làng xóm bao nhiêu người khó khăn thì không giúp, lại đi giúp người đâu đâu"…

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 17

Chị Linh tâm sự, mình không quan tâm người khác nghĩ gì mà chỉ cố gắng giúp được nhiều người nhất có thể.

 Tuy nhiên, chị Linh không quan tâm người khác nghĩ gì mà chỉ cố gắng giúp được nhiều người nhất có thể. Suốt những tháng giãn cách, chị tham gia chạy gần 60 chuyến xe. Tổng chi phí đều do chị tự bỏ tiền túi.

Sau này, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chị Linh đã không dừng lại hành trình đặc biệt này. Tùy theo công việc và điều kiện thời gian cho phép, chị vẫn nhận giúp đỡ mọi người qua những chuyến xe 0 đồng.

Tổng cộng, đến hiện tại, bà mẹ hai con đã chạy hơn 100 chuyến xe như vậy. Mỗi chuyến đi chị đều ghi lại hành trình và các hình ảnh để chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.

Nhớ lại chuyến xe chở một người mẹ trẻ dân tộc Mông cùng đứa con bị bệnh ung thư về Mường Nhé, Điện Biên cách đây ít lâu, chị Linh kể, hôm ấy, chị cùng một người bạn tên Vân thay nhau lái xe. Đường đi khó khăn, lầy lội bùn đất. Sau 18 tiếng di chuyển, họ cũng đưa được bệnh nhân về đến nhà.

"Vừa về đến nhà, người mẹ trẻ nghẹn ngào rút ra 2 triệu đồng cảm ơn và nói: "Suốt đời em sẽ không quên các chị. Nếu không có em thì chắc không bao giờ các chị phải đến một chỗ khó khăn, xa xôi như thế này".

Câu nói ấy khiến chúng tôi thực sự xúc động và hiểu được rằng, việc làm của mình được bệnh nhân vô cùng trân trọng. Chúng tôi trả lại số tiền và còn tặng thêm cho bạn ấy một chút quà mà các thành viên trong nhóm gửi", chị Linh kể.

Một bà mẹ trẻ có con bị ung thư khi được chị Linh đưa về Phú Thọ thậm chí đã bật khóc trên xe vì không nghĩ ở giữa Thủ đô xa lạ lại có người tốt với mình như vậy.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 18
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 19

Chị Linh kể với Dân trí: "Con của bạn này phát hiện bị ung thư khi chỉ mới vài ba tháng tuổi. Người mẹ bị gia đình chồng ghét bỏ vì cái "tội" sinh ra một đứa trẻ bệnh tật. Đứa trẻ mới sinh đã cầm sẵn "án tử" cũng chẳng được ai thương xót.

Người mẹ quyết cứu con bằng mọi giá nên đưa con xuống Hà Nội. Bị người thân ghét bỏ nhưng lại được người dưng giúp đỡ tận tình, người mẹ vô cùng ngạc nhiên và xúc động".

Người mẹ trẻ trên chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân cảm thấy ngạc nhiên vì lòng tốt của chị Linh. Giúp người một cách vô tư, chị Linh từng không ít lần hiểu lầm là "đi lừa", "đi lái xe thuê"…

"Con trai của bệnh nhân ngủ ở ghế đá hai đêm nghe mẹ kể qua điện thoại thì nằng nặc nói rằng mẹ đang bị lừa. Một bệnh nhân người Hòa Bình điều trị ở Bệnh viện K Tân Triều khi thấy tôi gọi đến đón thì gặng hỏi "cô có chở tôi bán đi Trung Quốc không?", chị Linh bật cười nhớ lại.

Lan tỏa yêu thương

Để có thể kết nối và đưa đón bệnh nhân an toàn, những tài xế đặc biệt như anh Tuấn, chị Linh phải đối diện với không ít khó khăn và những tình huống bất ngờ nằm ngoài dự đoán.

Anh Tuấn chia sẻ, một lần anh nhận chở một cháu bé bị suy thận độ 4 từ Hà Nội về Hải Phòng. Đang di chuyển trên đường cao tốc, đột nhiên cháu bé lên cơn co giật, anh Tuấn khá bối rối và lo lắng.

Tuy nhiên, anh nhanh chóng trấn tĩnh lại, ra tín hiệu dừng xe vào bên đường, hạ cửa kính cho xe thoáng khí. Sau khi cùng bố mẹ cháu bé kiểm soát được tình hình, anh nhanh lái xe tới Bệnh viện ở Hải Phòng để các bác sĩ thăm khám cho cháu.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 20

Với chị Diệu Linh, đôi lúc nghĩ lại những chuyến xe đêm, những lần đi lạc đường hay những khúc cua tay áo ngoằn ngòeo trên các cung đường Tây Bắc, chị vẫn không nghĩ mình có thể bản lĩnh và vượt qua nỗi sợ của bản thân như vậy.

Chị Linh kể, có lần chị đưa bệnh nhân từ Hà Nội về Cao Bằng. Quãng đường khoảng 300km nhưng có tới 3/4 là đường đồi núi. Đưa bệnh nhân về tới nơi cũng gần 5h chiều, chị đón một bệnh nhân khác quay lại Hà Nội. Trên đường đi, trời đổ mưa tầm tã. Lái xe trên cung đường một bên là núi một bên là vực, trong lòng chị không khỏi hoang mang.

Lúc ấy do giãn cách, chị không thể lưu trú ở đâu, cũng không thể dừng xe giữa đường vì rất nguy hiểm, dễ bị xe khác đâm phải. Cuối cùng, chị cố gắng lấy lại bình tĩnh, hít thở sâu, đồng thời trong đầu niệm Phật để thêm vững vàng tay lái.

Nếu trong thời gian dịch bệnh, khó khăn đến từ việc di chuyển liên tục, bảo đảm quy định về 5K khi tiếp xúc với bệnh nhân, hàng giờ liền lái xe trong các bộ đồ bảo hộ… thì ở thời điểm hiện tại, khó khăn lại đến từ yếu tố thời gian, áp lực giao thông.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 21
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 22

Cuộc sống trở lại bình thường, công việc bận rộn hơn, nhưng vẫn muốn giúp đỡ mọi người, chị Linh buộc phải thu vén mọi việc một cách khoa học nhất từ việc chăm con, hoàn thành nhiệm vụ ở công ty… Chị tranh thủ cuối tuần hoặc các buổi đêm để đưa bệnh nhân về nhà.   

Khó khăn, vất vả mà các tài xế thiện nguyện phải đối diện là không ít. Song để có một hành trình an toàn, họ luôn cố gắng duy trì nguồn năng lượng vững vàng để giữ vững tay lái. Họ tự nhủ những mệt nhọc mà bản thân đang trải qua so với vất vả của bệnh nhân là quá nhỏ bé.

 "So với hành trình chữa bệnh đầy mệt mỏi và lo toan thì chuyến xe của tôi có lẽ không đáng là gì. Tôi chỉ mong mình có thể đem lại cho các bệnh nhân kém may mắn những giây phút nghỉ ngơi để họ có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật", anh Tuấn tâm sự.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 23
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 24
Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 25

Những tài xế này muốn dành tặng các bệnh nhân khó khăn một "món quà đặc biệt" sau những ngày dài mệt mỏi vì bệnh tật.

Chị Linh coi những chuyến xe của mình như một "món quà đặc biệt". "Ở thời điểm hiện tại, các bệnh nhân có thể lựa chọn đi xe khách. Nhiều người cũng nói tôi có thể bỏ tiền thuê xe ghép giúp họ. Tuy nhiên, tôi lại muốn tặng những phận đời vất vả ấy món quà là một chuyến đi đặc biệt.

Sau này, họ sẽ nhớ mãi về chuyến xe này. Ở đó, họ được trải nghiệm một hành trình đáng nhớ, được phục vụ một cách trân trọng từ việc mở cửa, chỉnh ghế ngồi, hay đơn giản là dành cho nhau sự động viên qua những ánh nhìn", bà mẹ hai con nói.

Sau mỗi chuyến đi, chị Linh thường chia sẻ hình ảnh, hành trình và câu chuyện về các bệnh nhân trên Facebook. Qua những bài viết của chị, không ít bệnh nhân đã được giúp đỡ về vật chất.

Chuyến xe 0 đồng của những tài xế đặc biệt ở Hà Nội - 26

Nhiều bạn bè khi biết đến hành động đẹp của chị Linh đã đăng ký tham gia chạy xe 0 đồng. Những người không có xe thì sẵn sàng tham gia đi cùng những chuyến xa để hỗ trợ đổi lái cho các tài xế.

Anh Tuấn, chị Linh và rất nhiều những tài xế đặc biệt của các hội nhóm chuyên chở xe 0 đồng mỗi người có một công việc, một sở thích, một hoàn cảnh khác nhau… Nhưng tất cả họ đều có chung nguyện vọng là giúp đỡ được thật nhiều các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khi về Hà Nội thăm khám, chữa bệnh.

Những chuyến xe của họ chính là những hành trình ấm áp, lan tỏa yêu thương để các bệnh nhân thấy rằng, cuộc sống còn rất nhiều trái tim nhân ái và dù ở đâu, họ sẽ không cô độc và bị bỏ lại phía sau.

"Chị Diệu Linh cùng nhiều thành viên trong nhóm đã dành thời gian, công sức và tiền của cá nhân để đưa, đón giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện. Nhiều chuyến đi về các vùng sâu vùng xa hàng trăm kilomet rất vất vả, nhưng chị Linh cùng các tài xế vẫn đưa bệnh nhân về nhà chu đáo, an toàn. Các bệnh nhân chia sẻ với chúng tôi rằng, họ rất vui và xúc động, cảm giác như được đi trên chuyến xe của một người thân", ông Nguyễn Văn Quân, cán bộ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện K chia sẻ với Dân trí.

 Nội dung: Phạm Hồng Hạnh

Ảnh: Toàn Vũ