Lựa chọn day dứt sau 23 năm của điều dưỡng giữ kỷ lục thiện nguyện Việt Nam

Việt Đức

(Dân trí) - Sau nhiều tháng ròng rã vừa chống dịch vừa hoạt động thiện nguyện, sức khỏe bị ảnh hưởng rõ rệt, kỷ lục gia Châu Thành Toàn đứng trước lựa chọn khó khăn giữa công việc và đam mê.

Bốn tháng khó quên nhất trong đời thiện nguyện 

Thời gian TPHCM siết chặt giãn cách xã hội, con hẻm 12 Nguyễn Huy Tự (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) "đỏ thẫm" vì ca dương tính nối tiếp nhau, có nhà mất cùng lúc 3 người vì Covid-19.

Trưa tháng 8, một cuộc điện thoại "cầu cứu" gọi đến trạm y tế phường Đa Kao (quận 1), nơi điều dưỡng Châu Thành Toàn làm việc. Hộp cơm lạnh ngắt chưa kịp vơi đã vội đóng lại, anh cùng đồng đội tức tốc đến cấp cứu cho một F0 sống trong con hẻm tang thương ấy.

Lựa chọn day dứt sau 23 năm của điều dưỡng giữ kỷ lục thiện nguyện Việt Nam - 1

Anh Châu Thành Toàn tham gia chống dịch cùng đồng nghiệp tại trạm y tế phường Đa Kao (Ảnh: NVCC).

"Tuy nhiên, khi tôi vừa tiến đến gần, ông cụ ngoài 60 tuổi cần cấp cứu đã ngừng thở. Nhìn ông nhắm mắt xuôi tay ngay trước mặt, tôi cùng đồng đội như chết lặng. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố nán lại để cầu nguyện cho ông và động viên gia đình", anh Toàn kể.

Hơn 23 năm liên tục làm tình nguyện, anh gặp gỡ hàng nghìn mảnh đời bất hạnh trải dài khắp đất nước, chứng kiến không ít những mất mát, đau thương. Nhưng theo anh Toàn, khoảng thời gian chống dịch vừa qua khiến anh có những cảm xúc day dứt, khó quên nhất trong đời.

Năm 2020, anh Châu  Toàn được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng xác lập Top kỷ lục thiện nguyện Việt Nam, để vinh danh những đóng góp của anh với 22 năm liên tục làm thiện nguyện (từ khi 15 tuổi).

Anh là người sáng lập nhóm tình nguyện SV07 nhằm hỗ trợ bệnh nhân ung thư, sinh viên khó khăn. Sau 15 năm hoạt động, nhóm SV07 cùng các nhà hảo tâm đã xây dựng nhiều chương trình ý nghĩa giúp đỡ người yếu thế trên khắp các tỉnh thành. 

Suốt mùa dịch, họ cũng không đứng ngoài cuộc. Khi những người khó khăn, cơ nhỡ bữa đói, bữa no vì Covid-19, đó là lúc anh Toàn cùng nhóm SV07 chạy đôn chạy đáo với hàng loạt hoạt động nhằm giúp đỡ họ vượt qua tình cảnh ngặt nghèo.

Lựa chọn day dứt sau 23 năm của điều dưỡng giữ kỷ lục thiện nguyện Việt Nam - 2

Anh Toàn trao quà tặng cho một người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: NVCC).

Lựa chọn khó khăn

Hơn 4 tháng TPHCM giãn cách xã hội, ban ngày anh Châu Thanh Toàn làm công tác chống dịch tại trạm y tế phường Đa Kao (quận 1). Khoảng 8h tối, anh đều đặn hoạt động thiện nguyện suốt đến khoảng 10h đêm.

"Hoạt động đầu tiên trong mùa dịch của tôi là hỗ trợ tiền nhà trọ và nhu yếu phẩm 4 lần cho hơn 120 người khuyết tật. Đây là đối tượng cần đặc biệt quan tâm bởi nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, họ chẳng thể nào xoay xở qua mùa dịch" anh cho biết.

Ngoài ra, anh cùng nhóm SV07 còn làm những bó hoa bằng rau củ tặng người khuyết tật bán vé số kèm theo 100.000 đồng. Đặc biệt, kỷ lục gia thiện nguyện đã bán đấu giá thành công bức tranh bản đồ Việt Nam làm từ 1.500 nút test Covid-19 do chính tay anh tạo nên, thu về 75 triệu đồng. 

Với số tiền đó, anh Toàn trao tặng 75 người khuyết tật, mỗi người 110 tờ vé số làm vốn mưu sinh sau đại dịch. "Ban ngày đi chống dịch, ban đêm đi phát quà, khuya về cặm cụi ngồi gắn từng nút test làm tranh. Mệt lắm nhưng vì thương họ nên phải ráng", anh hạnh phúc kể lại.

Lựa chọn day dứt sau 23 năm của điều dưỡng giữ kỷ lục thiện nguyện Việt Nam - 3

Anh Toàn cặm cụi làm tranh bằng nút test Covid-19 để bán đấu giá (Ảnh: NVCC).

Sau nhiều tháng ròng rã vừa chống dịch và hoạt động thiện nguyện, người đàn ông 39 tuổi cho biết hiện sức khỏe yếu đi trông thấy, lưng đau nhức, người đờ đẫn và hay quên. Anh nhận thấy mình không thể tiếp tục cân bằng cả hai công việc cùng lúc và buộc lòng phải đưa ra sự lựa chọn.

"Ở tuổi 40, tôi không thể chạy như hồi 20 tuổi nữa. Vì thế, tôi quyết định nghỉ việc ở trạm y tế sau 9 năm gắn bó để có sức khỏe tiếp tục theo đuổi hành trình làm tình nguyện", kỷ lục gia Châu Thanh Toàn bày tỏ.

Công việc ở trạm y tế tuy mức lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng nhưng là nguồn thu nhập chính của anh. Vì thế sau khi nghỉ việc, anh dự định sẽ thử kinh doanh mô hình cà phê trên những chiếc xe máy, với tên gọi "Cà phê hai đứa trẻ". Theo anh, mô hình này nhằm mục đích tạo cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên và kiếm thêm thu nhập để anh trang trải cuộc sống.

"Tôi dự định sẽ bán cà phê từ 6h-9h sáng, sau đó đi làm tình nguyện, giúp đỡ người yếu thế. Sứ mệnh mang niềm vui, nghị lực đến với những cuộc đời bất hạnh và hành trình 23 năm liên tục làm tình nguyện của tôi vẫn sẽ tiếp tục", anh bộc bạch.