Những chuyến xe 0 đồng

Hoạt động chưa được 1 năm nhưng “Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng” của nhóm anh Hồ Ngọc Thanh (Đà Nẵng) đã “quen mặt” với những bệnh nhân Quảng Nam, Đà Nẵng.

Những chuyến xe 0 đồng - 1

Chuyến xe giá 0 đồng chở đầy tình người. Ảnh: PV

Hoạt động chưa được 1 năm nhưng “Chuyến xe nghĩa tình giá 0 đồng” của nhóm anh Hồ Ngọc Thanh (Đà Nẵng) đã “quen mặt” với những bệnh nhân Quảng Nam, Đà Nẵng.

“Mình về nhà thôi”

“Người vừa bệnh vừa nghèo thì bữa cơm hay chuyến xe cũng là mối lo lớn lắm” - ông Nguyễn Hưng - một bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng - nói khi nhìn theo những chàng trai cô gái đang cẩn thận bế một bệnh nhi nhỏ lên xe, chuẩn bị cho hành trình “mình về nhà thôi”.

Từng hỗ trợ quỹ mổ tim cho các em nhỏ ở Bệnh viện Đà Nẵng, rồi thấy chính người bệnh của mình không có xe về quê sau những ca phẫu thuật, anh Ngọc Thanh lập hẳn nhóm xe 0 đồng để “ai cần thì mình giúp luôn”. Nghĩ đơn giản và bắt tay vào làm ngay.

Những ngày đầu, các thành viên trong nhóm tự huy động xe cá nhân. 11 thành viên đã thực hiện hơn 100 chuyến xe giá 0 đồng. Họ vui vẻ dán logo đầy màu sắc lên xe, thậm chí, sẵn sàng nghỉ việc giữa tuần khi có bệnh nhân cần. Dù tối muộn hay sáng sớm, nhận được cuộc gọi có người cần giúp, anh em trong nhóm liên hệ ngay với bệnh viện, xác minh hoàn cảnh, lên lịch ai đi đón, chở giờ nào. Xe chở bệnh nhân có giá 0 đồng nhưng thực chất, chi phí mỗi chuyến đều từ 500.000-1 triệu đồng. Nhóm anh Thanh tự vận động và trích từ lợi nhuận kinh doanh riêng.

“Có khi nào thiếu tiền không anh?” - tôi hỏi. “Thiếu chứ, nhưng có anh em chở bệnh nhân về nhiều chuyến rồi cũng chẳng lấy tiền xăng xe, chắc sợ quỹ hết tiền” - anh Thanh cười kể.

Hoạt động tình nguyện nhưng họ chẳng phải y bác sĩ nên nhóm cũng đề ra nguyên tắc chỉ nhận chở những bệnh nhân đủ sức khoẻ để ngồi xe và được bác sĩ đồng ý xuất viện. Mỗi gia đình cũng phải có cam kết về tình trạng của người thân trên đường di chuyển… Thế nhưng cũng không ít lần, các thành viên trong nhóm phá lệ.

Mùng 8 Tết Nguyên đán vừa qua, anh Thanh nhận được thông tin một gia đình cần đưa người bệnh về Hà Nội. Ban đầu nhóm từ chối vì chuyến đi quá xa. “Bệnh nhân này đã lớn tuổi, nằm liệt giường 3 năm nay và đã cận kề cửa tử. Di nguyện của họ là được về quê an táng mà chi phí để thuê xe cấp cứu là 30 triệu đồng. Số tiền quá lớn với gia đình đã khánh kiệt tiền bạc. Họ buộc phải tính đến việc đợi ông mất thì hoả thiêu mang tro cốt về. Nghe đến đó thì ai đành lòng cho được” - anh Thanh kể.

Và cũng vì phút “không đành lòng” ấy, nhóm lại lựa chọn “vượt tuyến”. May mắn hơn, từ đầu năm 2020, nhóm được một mạnh thường quân tặng một chiếc xe cứu thương để chở bệnh nhân nặng nên chẳng ngại ngần gì, họ thực hiện chuyến đi xa nhất từ trước đến nay là đưa bệnh nhân về Hà Nội. Khi người bệnh đã nằm êm trên băng ca, gia đình cũng túc trực ở bên, các thành viên lại nhắc câu: “Mình về nhà thôi”. 

Những chuyến xe “không đành lòng!”

Trong danh sách thống kê những chuyến xe đưa người bệnh về, anh Thanh còn có một danh sách những ca bệnh nặng. Bởi không ít lần, những cuộc gọi, cuộc gặp với những người nhà bệnh nhân là khi người thân họ sắp qua đời. Rồi cũng “không đành lòng”, các thành viên bàn nhau, gửi tặng kinh phí để gia đình thuê xe cấp cứu đưa người bệnh về.

“Nhiều chuyến đi, mạnh thường quân biết tin còn cho thêm gia đình họ nữa. Vậy là đủ tiền trang trải nếu có việc cần về sau” -  chị Thuận, một thành viên khác tiếp lời.  

Dòng chữ “Không ai muốn phải gọi, nhưng đâu đó vẫn cần người giúp đỡ. Bà con hoan hỷ lưu lại số để gọi khi cần” được dán nổi bật ở sau chiếc xe cấp cứu của nhóm khiến người ta ấm lòng. Họ lại lên đường, tiếp tục những chuyến xe, những câu chuyện. Mà ở đó, nhiều lựa chọn đã vượt qua những nguyên tắc ban đầu nhưng có lẽ, tình người cũng có những nguyên tắc riêng. Những chuyến xe giá 0 đồng chở đầy ắp tình người.

Theo Thùy Trang

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm