Chàng trai Lào lấy vợ Việt, kể tình yêu đặc biệt với mảnh đất hình chữ S
(Dân trí) - Từng thi trượt môn viết chính tả tiếng Việt, nhưng với tình yêu với dải đất hình chữ S, Hoàng Phúc đã trở thành giảng viên tiếng Lào tại trường Đại học Ngoại ngữ và Đại học quốc gia Hà Nội.
Yêu Việt Nam nên quyết tâm đi du học
7h sáng, Phoumphithath OUPASEUTH lái xe rời khỏi nhà. Anh dừng lại mua đồ ăn sáng rồi tiếp tục lên giảng đường. Sáng nay, anh có bài giảng với các sinh viên môn "Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp".
Khi trò chuyện với Phoumphithath (tên tiếng Việt là Hoàng Duy Phúc), ít ai phát hiện ra chàng trai sinh năm 1995 này là người Lào.
Đến từ tỉnh Bokeo thuộc miền Bắc nước Lào, Phúc có khả năng giao tiếp lưu loát, vốn từ vựng phong phú không kém gì người bản địa. Đến nay, anh đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội 10 năm.
Khi được phóng viên Dân trí hỏi lý do tại sao chọn Việt Nam để du học thay vì những quốc gia khác, Phúc cho biết từ nhỏ đã dành nhiều tình cảm yêu mến với "đất nước hình chữ S".
"Từ bé, tôi đã thích tìm đọc những câu chuyện về đất nước con người nơi đây cũng như tình cảm sâu đậm mà 2 dân tộc dành cho nhau. Văn hóa ẩm thực Việt Nam cũng rất hấp dẫn khiến tôi càng quyết tâm giấc mơ đi du học để có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn", Phúc bộc bạch.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh xin bố mẹ sang Việt Nam, theo học tại Học viện Ngoại giao.
Trước khi vào đại học, Phúc có một năm học dự bị tiếng Việt tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, và những khó khăn thách thức bắt đầu từ đây.
Khi mới tiếp xúc với tiếng Việt, chàng trai người Lào thấy chật vật. Muốn đi ăn hay chơi ở đâu cũng phải rủ bạn bè "thạo tiếng" đi kèm. Thậm chí, anh từng thi trượt môn viết chính tả.
Cũng từ lần thi trượt này khiến Phúc "bừng tỉnh". Vượt qua rào cản ban đầu, vào năm nhất Đại học, anh đăng ký tham gia hàng loạt các CLB trong trường, làm phiên dịch, dự sự kiện hai nước, làm MC song ngữ cho các chương trình hữu nghị Việt - Lào.
Sau một năm, vốn từ vựng tăng thêm, tiếng Việt cải thiện nhiều, dần dần mọi người tiếp xúc với Phúc gần như không nhận ra anh là người nước ngoài.
Năm 2019, sau khi tốt nghiệp đại học, Phúc quyết tâm ở lại Việt Nam sinh sống và lập nghiệp. Anh ứng tuyển làm giảng viên tiếng Lào tại trường Đại học Ngoại ngữ và Đại học quốc gia Hà Nội.
Tại đây, anh trúng tuyển, được sắp xếp công tác tại bộ môn ngôn ngữ và văn hóa Đông Nam Á. Đến nay, anh không chỉ tham gia giảng dạy tiếng Lào, còn đăng ký dạy các môn khác bằng tiếng Việt như "Tư duy sáng tạo khởi nghiệp", "Văn hóa ASEAN"...
Phúc tâm sự, anh từng ấp ủ ước mơ trở thành nhà ngoại giao chính trị kết nối tình hữu nghị hai nước Việt - Lào. Nhưng trong quá trình học tập, cơ duyên mới đưa anh tới thử sức việc giảng dạy tại các trung tâm tiếng Lào và say mê với nghề từ bao giờ.
Với anh, bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, cho dù là nhà ngoại giao, hay đứng trên bục giảng chia sẻ ngôn ngữ, kết nối văn hóa, truyền tải kiến thức tới sinh viên đều hướng tới mục đích chung để gắn kết tình cảm quý báu giữa nhân dân hai nước vốn được vun đắp từ thế hệ ông cha.
Chàng rể người Lào coi quê vợ là nhà
Bản thân Phúc cũng không ngờ, chuyến du học tới Việt Nam cũng là cơ hội "se duyên" cho anh. Phúc và vợ quen nhau khi cả hai đang là sinh viên năm nhất tại Học viện Ngoại giao.
Quê vợ ở Đà Lạt, nằm cách rất xa tỉnh Bokeo quê Phúc, nhưng mối lương duyên đặc biệt đã đưa hai con người xa lạ đến với nhau.
Khi nhắc tới vợ, ánh mắt anh lộ rõ sự tự hào và tràn ngập lòng biết ơn.
"Cô ấy là người giúp tôi có được ngày hôm nay. Từ những ngày đầu, cô ấy hỗ trợ tôi mọi vấn đề trong cuộc sống cho tới việc học tập và công tác sau này. Sau 6 năm quen nhau, chúng tôi kết hôn năm 2020 và đến giờ có 2 bé trai kháu khỉnh", Phúc tâm sự.
Từ khi kết hôn tới lúc về chung một nhà, cả hai cùng nhau du lịch rất nhiều vùng miền trên khắp Việt Nam, nhưng nơi khiến anh nhớ nhất vẫn là về quê vợ - Đà Lạt. Mỗi lần về đây, anh được gia đình chào đón nồng nhiệt khiến bản thân có cảm giác như đang về nhà.
Bố mẹ Phúc cũng dành nhiều tình cảm cho Việt Nam. Khi có thời gian rảnh, gia đình anh lại sang du lịch, thăm con cháu.
Suốt một thập kỷ gắn bó với mảnh đất này, chàng trai người Lào tranh thủ du lịch đủ mọi vùng miền trên cả nước. Đó là những lúc anh có cơ hội tìm hiểu khám phá nhiều hơn về văn hóa, ẩm thực và con người ở nhiều nơi.
Phúc tiết lộ "cực mê" ẩm thực Việt dù ngày đầu mới đặt chân tới đây anh thấy không quen. Đến nay, chàng rể người Lào đã nếm rất nhiều món ăn các vùng, nhưng mê nhất là các món cuốn, nem lụi của Huế, mì Quảng ở Đà Nẵng hay các món bún có nước.
Phúc dự kiến trước tuổi 35 sẽ đặt chân tới tất cả các tỉnh thành ở Việt Nam. Hiện tại, anh đã hoàn thành được khoảng 60% mục tiêu đề ra.
Muốn trở thành cầu nối gắn kết văn hóa Việt - Lào
Xuất phát từ mong muốn trở thành cầu nối gắn kết hai nền văn hóa, Phúc cho biết anh muốn xây dựng một kênh riêng để người dân Việt Nam và Lào hiểu nhau hơn, tạo ra sự đồng cảm giữa 2 nước.
Từ ý tưởng này, kênh "Xóm Lào TV" của anh ra đời. Đây là nơi anh chia sẻ nhiều video quảng bá về cuộc sống, con người Lào tới người dân Việt Nam và ngược lại. Anh cũng ấp ủ và mong muốn thông qua kênh này để "sinh viên hai nước đưa ra góc nhìn, ý kiến, tiếp tục gìn giữ và phát triển mối quan hệ sâu đậm giữa hai dân tộc".
Sau thời gian ngắn xây dựng và phát triển kênh, nhiều video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem ra đời, trong đó có rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả Việt. Với anh, đây chính là "món quà" đáng quý, đáng trân trọng.
"Qua những video chia sẻ cuộc sống, ẩm thực, văn hóa và du lịch, tôi hy vọng nhiều người Việt Nam dành tình cảm cho nhân dân Lào và ngược lại", anh tâm sự.
Chia sẻ về dự định tương lai, giảng viên người Lào cho biết, anh tiếp tục dồn tâm trí phát triển kênh, quảng bá thêm hình ảnh về phong tục tập quán của nhân dân hai nước. Ngoài ra, anh dự kiến làm thêm kênh về "Ngôn ngữ xóm Lào" và kênh "ẩm thực Lào", đưa hình ảnh đất nước quê hương gần gũi với con người Việt Nam hơn.
Nội dung: Việt Hà