Chàng trai Hà Nội "hồi sinh" thú cưng bằng cách... đâm kim
(Dân trí) - Từ những cuộn len thô và chiếc kim, anh Thế Võ đã tạo ra những bức tranh 3D lưu giữ hình ảnh thú cưng.
Trong hai năm Covid-19, Thế Võ (32 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) vốn công tác trong ngành kiến trúc, bắt đầu chuyển hướng tìm hiểu "Needle felting" (len chọc) - loại hình nghệ thuật tạo hình 3D bằng len.
Đây là bộ môn nghệ thuật có nguồn gốc từ châu Âu vào thế kỷ XIX. Nghệ nhân sử dụng loại kim có khía chọc vào len thô để kéo các sợi len vào trong, làm cho khối len trở nên chắc hơn để tạo hình nhân vật.
"Tôi học hỏi từ các video nước ngoài, chủ yếu nghệ nhân Nhật Bản, để rèn luyện các kỹ năng", anh nói.
Bộ dụng cụ len chọc gồm len thô, kim chọc và đệm.
Len thô, chưa được se thành sợi, gồm hai loại sợi dài và sợi ngắn, được nhập khẩu về Việt Nam.
Bộ kim chọc không phải loại kim may hay thêu, mà có những đầu lưỡi kim để kéo các sợi len. Kim có các kích cỡ và thiết diện khác nhau, phổ biến là hình tam giác.
Đệm chọc bông được sử dụng khi chọc các sản phẩm nhỏ không thể cầm bằng tay hoặc các chi tiết trên nền vải. Đệm giúp kim không bị gãy do đâm xuống nền cứng.
Sau khi nhận hình ảnh, video thú cưng, anh Thế Võ sẽ trao đổi thêm với khách hàng về tên và tính cách của vật nuôi. Với những chó, mèo đã qua đời từ lâu, anh sẽ tưởng tượng chúng trông như thế nào, sau đó mới bắt tay thực hiện các bước tiếp theo.
Anh còn tìm hiểu sơ qua về giải phẫu khuôn mặt chó, mèo, với hy vọng tạo hình giống thật, đưa cảm xúc vào từng sản phẩm.
Bước đầu tiên, anh Thế Võ vẽ phác thảo, nghiên cứu các điểm đặc trưng của thú cưng như: ánh mắt, tỷ lệ cơ thể, màu lông,…
Sau đó, nghệ nhân dùng len để tạo hình bằng cách chọc len. Anh sử dụng kim chuyên dụng đâm nhiều lần để các sợi len kết nối chặt chẽ với nhau, từ đó tạo ra hình khối.
Nghệ thuật chọc len đòi hỏi thời gian tập luyện, sự bền bỉ và kỹ thuật cao. Nghệ nhân có thể phải thực hiện hàng chục ngàn lần đâm kim để tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh.
Công đoạn này khiến anh Thế Võ đau mỏi cơ tay do lặp động tác nhiều lần. Một vài lần mất tập trung, anh bị kim đâm vào tay, chảy máu.
Tạo hình mắt là công đoạn cần sự chính xác nhất vì một sai sót nhỏ cũng sẽ bị phóng đại lên nhiều lần. Anh vẽ trực tiếp mắt thú cưng trên một bán cầu thủy tinh có kích thước 10mm.
Cuối cùng, anh tạo hình chi tiết lông, bằng cách sử dụng kim chuyên dụng cẩn thận cấy từng cụm nhỏ lông lên phần nền đã hoàn thành trước đó. Anh dùng kéo cắt, tỉa để tạo hình phần lông hoàn chỉnh nhất.
Theo anh Thế Võ, công đoạn khó nhất là vẽ mắt và cấy lông sao cho sản phẩm uyển chuyển và mềm mại, trông giống thật.
"Trong quá trình làm việc, tôi trao đổi nhiều lần với khách hàng, không nhớ đã làm đi làm lại bao nhiêu lần, cho đến khi sản phẩm hoàn chỉnh", anh nói.
Thời gian trung bình hoàn thiện một sản phẩm khoảng một tuần, lâu nhất là một tháng. Đến nay, anh đã sở hữu khoảng 200 tác phẩm (tính cả sản phẩm tập luyện).
Anh chụp ảnh sản phẩm gửi khách hàng, tiếp tục trao đổi và chỉnh sửa nếu khách hàng yêu cầu.
Nhận sản phẩm là tạo hình chú cún cưng đã mất từ lâu, chị Nguyễn Hương Xuân (38 tuổi, TPHCM) bật khóc nức nở. Gia đình chị cũng bất ngờ, không thể tin sản phẩm giống thật đến 95 - 97%.
"Trước đó, tôi và Thế Võ đã liên tục trao đổi suốt một tháng rưỡi. Bạn ấy đã phải chỉnh sửa 4 lần mới ra được sản phẩm cuối cùng", chị Xuân nói.
Không ít lần nghe lời cảm ơn từ khách hàng sau khi "hồi sinh" thú cưng của họ, anh trân trọng tất cả tình cảm nhận được. Anh không nghĩ "việc làm của mình sẽ khiến người khác xúc động như thế".
Hiện nhu cầu khách hàng tăng vọt, anh Thế Võ đã kín lịch đến hết tháng 10, chủ yếu tạo hình chó, mèo.
Từ bỏ công việc kiến trúc ổn định, hành trình 3 năm gắn bó với nghệ thuật chọc len, nhiều lúc anh tự hỏi "không biết làm cái này để làm gì?".
Xuất phát từ con số 0, nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng mỗi ngày, chàng trai Hà Nội càng cố gắng không ngừng, dần nhận ra đây là một công việc thú vị và ý nghĩa.
"Tôi vẫn tập luyện hàng ngày, cải thiện bản thân. Tôi luôn quan niệm, nếu làm tốt, thì sẽ được mọi người đón nhận", anh nói.