Chàng thợ hồ "phù phép" đồ vật bỏ đi thành vườn cây trái sum suê siêu nhỏ
(Dân trí) - Trong thời gian nghỉ việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người thợ hồ Lê Mỹ Dặm tìm hiểu, sáng tạo ra các cây cảnh giả siêu nhỏ, sống động như thật từ những đồ vật bỏ đi.
Chàng thợ hồ Lê Mỹ Dặm (29 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã biến những tấm phim nhựa, đũa, xiên que, bẹ chuối khô… thành những cây cảnh tí hon trông như thật và đẹp mắt.
Dặm vào TPHCM từ 7 năm trước, đang làm phụ hồ cho các công trình xây dựng ở huyện Hóc Môn. Ngoài những lúc làm việc ở công trình, toàn bộ thời gian dồn hết vào niềm đam mê làm cây cảnh giả.
"Sở thích làm cây giả đến với tôi khá tình cờ. Mấy tháng trước, tôi tình cờ xem được các video làm mô hình tí hon có đầy đủ con người, cây cối của người Nhật nên cũng mày mò làm thử, rồi từ từ không biết mình mê từ lúc nào", chàng thợ hồ chia sẻ.
Để tiết kiệm chi phí, chàng thợ hồ tận dụng đũa tre, móc phơi quần áo, xơ dừa... Ngoài ra, anh cũng tự bỏ tiền mua sơn nước, keo dán, tấm phim nhựa... để phục vụ cho đam mê. Theo Dặm tính toán, mỗi cây cảnh làm ra chi phí gần 100.000 đồng.
Chiếc lá dừa được Dặm cắt từ tấm phim nhựa mỏng, cố định phần gân lá bằng kẽm dây điện. "Hồi trước mới bắt tay vào làm chưa quen tay, thiếu kiến thức nên cây làm ra khá yếu và không đẹp mắt", chàng thợ hồ nói.
Phần thân cây được làm từ đũa tre, những cây có dáng cong thì dùng đoạn kẽm cắt ra từ móc phơi đồ để tạo sự chắc chắn, lớp ngoài cùng quấn bẹ chuối khô để tạo được màu sắc đúng thực tế nhất cho cây dừa. Để tạo nên cây dừa cần trải qua 4 công đoạn, đầu tiên Dặm phải đi tìm các cây dừa thật để quan sát đặc trưng của nó, tiếp đến là tìm các vật liệu cần thiết, chế tạo các phần thân và lá, trái và cuối cùng lắp ráp, sơn vẽ để tạo nên một cây dừa hoàn chỉnh.
Hiện tại, Dặm đang ở nhờ tại nhà xưởng ở quận 12, nơi đây cũng trở thành "vườn cây" của anh. Trải qua nhiều tháng, Dặm đã làm ra gần 20 cây chủ yếu là dừa, chuối, đu đủ...
Một trong những cây dừa Dặm mất nhiều thời gian nhất để chế tác.
"Ngày xưa ở quê, nhà tôi trồng nhiều cây cối nhưng sau mỗi lần sửa nhà hay mở đường thì số lượng cây lại mất đi rất nhiều. Vì thế, những cây cảnh tôi thiết kế ra hầu hết đều giống với vườn cây đã gắn bó với tuổi thơ của mình", Dặm tâm sự.
Dù chỉ làm để thỏa niềm đam mê và ký ức tuổi thơ, nhưng trong đợt dịch vừa rồi, Dặm không có việc làm nên anh phải rao bán một số cây để lấy tiền trả phòng trọ và ăn uống hàng ngày.
Theo anh Dặm, để làm ra một cây cảnh giống với cây thật thì cần phải tìm đúng vật liệu phù hợp. Cây đu đủ được Dặm làm mất hơn một tuần, phần thân cây và trái làm từ đất sét, phần lá làm từ tấm phim nhựa.
Sắp tới, khi trở lại công việc phụ hồ, Dặm vẫn dành thời gian buổi tối để tiếp tục nghiên cứu, chế tác ra nhiều loại cây hơn. Chàng thợ hồ chỉ mong muốn được mọi người công nhận và được đánh giá đúng về môn nghệ thuật anh đang theo đuổi.