Cô gái Việt "điêu khắc" đất sét thành loạt món ăn kích thước siêu nhỏ
(Dân trí) - Những cục đất sét vô tri vô giác qua bàn tay khéo léo của chị Quỳnh đã được "hô biến" thành loạt món ăn trang trí đẹp mắt, cầu kỳ, sinh động chẳng kém gì phiên bản gốc.
Cách đây 10 năm, sau khi vô tình đọc một bài báo về chiếc kẹo mút làm từ đất sét, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (SN 1988, đến từ Hà Nội) thấy rất thích thú, cảm giác như được "thổi" nguồn cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ nên bắt đầu tìm hiểu, thử nghiệm bộ môn mới mẻ này.
Thời điểm đó, việc làm mô hình đồ ăn bằng đất sét chưa phổ biến rộng rãi nên chị Quỳnh gặp khó khăn trong khâu tìm kiếm nguyên vật liệu.
Cô gái trẻ phải mua đồ từ các trang mạng nước ngoài hoặc nhờ bạn bè ở Việt Nam đặt giúp với giá khá cao. Các sản phẩm đất sét cũng phong phú nên phải mất 1-2 tuần, chị mới có thể gom được đủ nguyên liệu để bắt tay vào tạo hình.
Chị chủ yếu làm mô hình đồ ăn bằng đất sét, từ rau củ, trái cây các loại cho đến những món ăn vặt, tráng miệng trong và ngoài nước,... với kích thước siêu nhỏ, chỉ vài cm.
Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, 8X thường lên mạng tham khảo các video hướng dẫn sử dụng nguyên liệu và những bước cơ bản để tạo hình từ nguyên liệu này.
Bên cạnh đó, chị cũng chú ý quan sát các món ăn thực tế thường ngày để lấy cảm hứng sáng tạo sao cho sản phẩm được chân thực và sinh động nhất, từ từ hoàn thiện những "đứa con tinh thần" đầu tiên.
Quá trình làm nên một mô hình đất sét đòi hỏi các kỹ thuật kỳ công và tỉ mỉ mới có thể khắc họa được thành phẩm có độ chính xác cao. Đặc biệt là với những sản phẩm có kích thước khiêm tốn như mô hình mà bà mẹ trẻ này theo đuổi.
"Bước đầu tiên là pha màu cho sản phẩm. Màu pha dùng cho đất sét khá đa dạng nhưng mình thường dùng màu winsor and newton, màu tamiya gốc vì cho ra màu khá chân thực, không bị phai hay nhạt dần theo thời gian.
Bước 2 là tạo hình, đóng vai trò quyết định độ chân thực của sản phẩm nên mình sử dụng nhiều dụng cụ hỗ trợ khác nhau. Đây cũng là khâu đòi hỏi sự tập trung cao độ và tỉ mỉ nhất. Tiếp theo là bước dặm màu để sản phẩm đẹp và chân thực hơn. Cuối cùng là phủ một lớp bảo vệ thành phẩm", chị Quỳnh kể.
Trung bình cô gái trẻ tốn khoảng 4-5 tiếng để hoàn thiện một mô hình đồ ăn từ đất sét. Tùy theo độ đơn giản hay phức tạp mà có thể mất nhiều thời gian hơn, có khi là vài ngày mới xong một sản phẩm.
Ngoài làm các mô hình món ăn Việt, chị Quỳnh còn thử sức với văn hóa ẩm thực của các quốc gia khác hay sáng tạo cả búp bê từ đất sét.
Bằng sự đam mê, cô gái "khéo tay hay làm" này đã hoàn thiện được nhiều mô hình đồ ăn mini bằng đất sét rất chân thực, sống động. Nhiều người khi xem các sản phẩm đất sét của chị đều không khỏi ngỡ ngàng và nhận xét giống hệt phiên bản gốc.
Ước tính, chị Quỳnh đã thực hiện được gần 1000 sản phẩm từ đất sét với đủ các kích cỡ, chủ đề khác nhau nhưng nhiều và đẹp nhất vẫn là mô hình đồ ăn.
Một thời gian bận rộn với việc chăm sóc con nhỏ, phải tạm gác niềm đam mê nhưng bà mẹ 1 con tâm sự rằng sẽ sớm trở lại, tiếp tục theo đuổi sở thích với các mô hình đất sét "có hồn".