DNews

Cặp đôi Hà Nội "chạy trốn" sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời

Cẩm Tiên

(Dân trí) - Không tiệc cưới xa hoa, không đông đúc khách mời, Thu Sam và Quang Minh cùng nhau "chạy trốn" đến núi tuyết Ladakh (Ấn Độ) để thực hiện một nghi thức cưới đặc biệt.

Cặp đôi Hà Nội "chạy trốn" sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời

Gần đây, lễ cưới của Thu Sam (35 tuổi) và Quang Minh (32 tuổi, cùng ở Hà Nội) thu hút sự chú ý trên mạng xã hội khi diễn ra không theo nghi thức truyền thống.

Cô dâu và chú rể trao lời thề, đặt nhẫn vào tay nhau giữa không gian tĩnh lặng, chỉ có gió, tuyết và thiên nhiên hùng vĩ. Một nhiếp ảnh gia và người quay phim thân thiết đứng từ xa ghi lại khoảnh khắc này.

Cô dâu, chú rể Hà Nội tổ chức "đám cưới chạy trốn", không khách mời (Video: Nhân vật cung cấp).

Chuyện tình của cặp đôi yêu xê dịch

Thu Sam và Quang Minh biết nhau từ một cộng đồng online dành cho những người yêu thích phong cách cổ điển. Ở đó, họ không chỉ bị thu hút bởi gu thẩm mỹ của nhau mà còn dần tìm thấy sự đồng điệu trong suy nghĩ.

Sau đại dịch Covid-19, nhóm tổ chức buổi gặp mặt, cả hai mới có cơ hội trò chuyện ngoài đời thực. Những buổi cà phê, những cuộc trò chuyện không dứt về thời trang, nghệ thuật và nhiếp ảnh dần kéo hai người lại gần nhau hơn.

Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 1

Thu Sam và Quang Minh đều đam mê du lịch (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Quang Minh nhỏ hơn Thu Sam 3 tuổi, nhưng sự điềm tĩnh, tính kỷ luật và nét dịu dàng ở anh đã dần chinh phục cô.

"Đây cũng chính là những điều tôi còn thiếu, có lẽ sự bù trừ này khiến chúng tôi rất hòa hợp. Nhờ có anh, tôi học cách sống chậm lại, bớt khắt khe với bản thân, nhờ đó, cuộc sống cũng trở nên nhẹ nhàng, cân bằng hơn", Thu Sam chia sẻ.

Cả hai đều có chung niềm đam mê với du lịch và những trải nghiệm mới lạ. Trong suốt quãng thời gian bên nhau, họ đã cùng đi qua nhiều vùng đất, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là chuyến xuyên Việt trên chiếc xe máy cổ.

Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 2
Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 3

Chuyến đi xuyên Việt trên chiếc Vespa đã kéo hai người lại gần nhau hơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thu Sam kể: "Từ Hà Nội đến mũi Cà Mau, chúng tôi đã trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Đó là hành trình chúng tôi cùng nhau chinh phục thử thách, khám phá những điều mới lạ và hiểu nhau hơn".

Sau 3 năm gắn bó, đi qua những vui buồn, thử thách, họ quyết định cùng nhau bước vào hôn nhân bằng một đám cưới… không giống ai.

"Chúng tôi muốn ngày cưới là một ngày thật sự dành cho chính mình, không bị gò bó bởi những nghi thức quen thuộc. Chỉ cần có nhau thế là đủ", Thu Sam nói.

Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 4
Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 5
Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 6
Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 7

Quang Minh cầu hôn Thu Sam trong một chuyến du lịch (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Đám cưới chạy trốn" cùng 3 người bạn thân

Thu Sam là chuyên gia trang điểm, còn Quang Minh là nhiếp ảnh gia. Cả hai đều có nhiều năm làm việc trong ngành cưới. Họ từng chứng kiến không ít cặp đôi kiệt sức vì những lo toan cho ngày trọng đại như danh sách khách mời, áp lực tài chính và cả những kỳ vọng của gia đình.

Chính vì vậy, họ muốn có một đám cưới mà ở đó, cô dâu và chú rể có thể dành trọn sự tập trung cho nhau. Đám cưới của họ được gọi là "elopement wedding" hay còn gọi là "đám cưới chạy trốn".

Đây là hình thức đám cưới tối giản, riêng tư, thường chỉ có cô dâu, chú rể hoặc một nhóm nhỏ người thân, bạn bè thân thiết. Không tổ chức tiệc linh đình, không theo khuôn mẫu truyền thống, cặp đôi có thể tự do chọn địa điểm và cách thức tổ chức.

Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 8
Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 9

Ladakh là điểm đến trong mơ của Quang Minh nên cả hai chọn nơi này làm địa điểm tổ chức lễ cưới (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ban đầu, "elopement" mang ý nghĩa "chạy trốn để kết hôn" khi các cặp đôi bị gia đình ngăn cản. Ngày nay, "elopement wedding" dần trở thành một lựa chọn có chủ đích của những ai muốn có một đám cưới mang dấu ấn cá nhân, tránh áp lực.

Ưu điểm của hình thức này là sự tối giản, linh hoạt và tiết kiệm chi phí khi cặp đôi có thể dành ngân sách cho chuyến du lịch kết hợp đám cưới hoặc hưởng tuần trăng mật ngay sau khi trao lời thề.

Khác với nhiều cặp đôi "chạy trốn" khỏi áp lực gia đình, Thu Sam và Quang Minh nhận được sự ủng hộ của cha mẹ ngay từ đầu. "Ban đầu, mọi người cũng ngạc nhiên, nhưng khi hiểu rõ kế hoạch của chúng tôi, ai cũng ủng hộ", Thu Sam kể.

Để hiện thực hóa giấc mơ của mình, cặp đôi đã lên kế hoạch tỉ mỉ. Họ dành 3 tháng chuẩn bị từ trang phục cưới, nhẫn cưới, cho đến những vật dụng cần thiết để dự phòng việc thay đổi thời tiết.

Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 10

Cả hai được người dân hỗ trợ nhiệt tình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Khi biết cặp đôi đến đây để tổ chức hôn lễ, người dân địa phương không ngần ngại giúp đỡ, giới thiệu những địa điểm đẹp nhất để họ có thể ghi lại khoảnh khắc ý nghĩa. Trùng hợp hơn, ngày cưới của Thu Sam và Quang Minh cũng là ngày tốt lành theo phong tục bản địa.

Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 11

Giữa núi non hùng vĩ, cả hai trao nhau lời nguyện thề (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Chúng tôi còn có cơ hội tham dự một đám cưới khác và nhận được những lời chúc phúc từ chính những người dân nơi đây. Một trải nghiệm vô cùng đặc biệt", Thu Sam kể.

Đám cưới của cặp đôi có sự đồng hành của 3 người bạn thân trong nghề: Một nhiếp ảnh gia, một người quay phim và chủ hôn chính là cô bạn thân của họ - cũng là một MC tiệc cưới.

Giữa núi tuyết Ladakh, khoảnh khắc Quang Minh quay lại, nhìn Thu Sam trong chiếc váy cưới trắng, không có tiếng vỗ tay, không có dàn khách mời xung quanh, chỉ có hai người và khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, là khoảnh khắc đơn giản nhưng ý nghĩa nhất mà họ từng trải qua.

"Khoảnh khắc chủ hôn đứng giữa thiên nhiên rộng lớn và nói những lời chúc phúc, chúng mình cảm thấy tất cả như được sắp đặt. Lễ cưới này không chỉ có tình yêu mà còn có sự kết nối của những người quan trọng nhất", Thu Sam xúc động nói.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, cặp đôi vẫn có điều tiếc nuối. "Chúng tôi đi đúng vào mùa cưới, nên chỉ có thể ở lại Ladakh một tuần để tránh ảnh hưởng công việc. Nếu có thể, chúng tôi muốn ở đó lâu hơn để khám phá trọn vẹn vùng đất này", Thu Sam chia sẻ.

Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 12

Cặp đôi hạnh phúc khi có sự hỗ trợ từ bạn bè lẫn người dân bản địa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Đám cưới không có gia đình, còn gì là ý nghĩa?"

Hình ảnh Thu Sam và Quang Minh đứng giữa núi tuyết Ladakh, nắm tay nhau trao lời thề nguyền trong không gian chỉ có hai người nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Trong khi nhiều người ngưỡng mộ sự lãng mạn và tự do của cặp đôi, không ít ý kiến lại bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí phản đối.

"Cưới hỏi là chuyện đại sự, tại sao lại lặng lẽ như vậy?", "Liệu cha mẹ hai bên có buồn không?", "Một đám cưới không có gia đình, không có bạn bè, vậy có còn ý nghĩa không?"... cùng rất nhiều bình luận tương tự xuất hiện bên dưới video lễ cưới của cặp đôi.

Dù biết trước "elopement wedding" còn là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người Việt, Thu Sam vẫn bất ngờ trước lượng tranh luận sôi nổi xung quanh đám cưới của mình.

Cô tiết lộ: "Trước khi "bỏ trốn", chúng tôi đã tổ chức một lễ hỏi, một buổi rước dâu theo đúng nghi thức truyền thống cùng một bữa tiệc nhỏ với khoảng 300 khách".

Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 13
Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 14

Thu Sam - Quang Minh vẫn tổ chức lễ cưới, hỏi theo đúng phong tục truyền thống trước khi "bỏ trốn" cùng nhau (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Là người phụ nữ Việt Nam coi trọng giá trị gia đình, Thu Sam cho rằng, lễ cưới theo nghi thức truyền thống không chỉ thể hiện sự tôn trọng văn hóa mà còn là cách bày tỏ lòng kính trọng với gia đình hai bên.

"Làm trong ngành cưới hơn 10 năm, tôi cũng thấu hiểu tâm lý của các bậc phụ huynh. Dù đám cưới là ngày trọng đại của riêng mình, nhưng đứng ở vị trí của cha mẹ, chứng kiến con cái kết hôn mà không có một nghi thức đàng hoàng, hẳn họ sẽ cảm thấy chạnh lòng", Thu Sam nói.

Với cô, "elopement wedding" không phải là sự trốn tránh mà chỉ là một cách để cặp đôi tận hưởng khoảnh khắc thiêng liêng theo cách riêng của họ.

Khi phóng viên Dân trí hỏi về chi phí lễ cưới, Thu Sam cho biết con số này tùy thuộc vào địa điểm và cách mỗi cặp đôi đầu tư vào từng hạng mục. Với Thu Sam, tổng chi phí cô và chồng bỏ ra không khác gì một chuyến du lịch kết hợp tuần trăng mật, nhưng đổi lại, họ có những trải nghiệm đáng nhớ và khoảnh khắc ý nghĩa trong ngày trọng đại của đời mình.

"Ngoài những chi phí thông thường như váy cưới 30 triệu đồng, trang phục chú rể 10 triệu đồng, nhẫn cưới 30 triệu đồng… thì chuyến đi Ladakh 7 ngày tiêu tốn khoảng 25 triệu đồng/người", cô bật mí.

Với những cặp đôi còn đang lưỡng lự giữa một đám cưới truyền thống và một đám cưới riêng tư như "elopement wedding", Thu Sam cho rằng điều quan trọng nhất là phải suy nghĩ thật kỹ về mong muốn của bản thân cũng như sự đồng thuận của gia đình.

Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 15
Cặp đôi Hà Nội chạy trốn sang Ấn Độ tổ chức lễ cưới không khách mời - 16

Cả hai xem đây là chuyến đi tuần trăng mật (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Cá nhân tôi vẫn ủng hộ việc tổ chức đám cưới theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, nếu ai thực sự mong muốn tổ chức theo hình thức này, điều quan trọng nhất là nhận được sự đồng thuận từ cả hai bên gia đình. Nếu cha mẹ phản đối gay gắt, thì nên suy nghĩ lại, vì việc làm cha mẹ vui lòng cũng là một phần quan trọng trong hôn nhân", Thu Sam chia sẻ.

Ngoài ra, cô cũng nhấn mạnh rằng, để "elopement wedding" diễn ra suôn sẻ, cặp đôi cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cả địa điểm, thời gian và điều kiện sức khỏe. Đặc biệt, với những địa điểm có địa hình hiểm trở như Ladakh, việc nghiên cứu kỹ về điều kiện khí hậu, di chuyển và những yếu tố bất ngờ là điều vô cùng quan trọng.

"Đừng vì chạy theo trào lưu mà quên đi ý nghĩa thực sự của hôn nhân. Một đám cưới có thể diễn ra ở bất cứ đâu, theo bất kỳ hình thức nào, miễn là điều đó mang lại hạnh phúc cho hai người và không làm ảnh hưởng đến gia đình", cô nhắn nhủ.