DMagazine

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và "nỏ thần" An Dương Vương

(Dân trí) - Theo các nhà khoa học, mũi tên ba cạnh Cổ Loa chính là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh huyền thoại của "nỏ thần" An Dương Vương.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và "nỏ thần" An Dương Vương

Theo các nhà khảo cổ học, nhà khoa học quân sự, mũi tên ba cạnh Cổ Loa chính là một trong những yếu tố tạo nên bí ẩn huyền thoại của "nỏ thần" An Dương Vương.

Từ những thông tin quan trọng trên các di vật về một loại vũ khí nguy hiểm bậc nhất cùng với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại, các nhà khoa học đã cùng nhau phục dựng "nỏ thần" An Dương Vương.

Yếu tố tạo nên sức mạnh của "nỏ thần"

Để phục dựng được loại vũ khí thời An Dương Vương, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cùng nhóm nghiên cứu - đại diện là ông Phạm Vũ Sơn, cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã bắt đầu từ chiếc mũi tên khai quật được ở di tích Cầu Vực, Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).

Trung tá Phạm Vũ Sơn chia sẻ với PV Dân trí: "Mũi tên ba cạnh Cổ Loa chính là một trong những yếu tố tạo nên sự "thần thánh" của "nỏ thần" An Dương Vương. Mũi tên ba cạnh có những ưu điểm vượt trội so với mũi tên hai cạnh cùng thời.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 1

Mũi tên đồng Cổ Loa được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Khi bắn ra, mũi tên ba cạnh được tác động bởi khí động học nên có độ xoáy rất lớn, đi thẳng, đầu mũi tên quay như một mũi khoan, khi chạm mục tiêu không chỉ găm vào như mũi tên bình thường mà còn mở rộng vết thương khiến mất máu nhanh. Nếu ở cự li gần, mũi tên có thể "xuyên táo" (xuyên từ mục tiêu này qua mục tiêu khác). Mũi tên hai cạnh cùng thời sẽ rất khó để làm được điều này".

Điều đặc biệt là mũi tên này được làm từ hợp kim gồm đồng - chì - thiếc có tỉ lệ thích hợp để sản xuất vũ khí. Khi dùng phương pháp quang phổ phân tích mũi tên đồng khai quật được ở Cổ Loa, nhóm nghiên cứu đã vô cùng ngạc nhiên về kỹ thuật đúc mũi tên của người xưa.

Kết quả phân tích cho thấy, thành phần cấu tạo của mũi tên đồng Cổ Loa có 95% bằng đồng; chì 3,4 - 4,2%; thiếc 1 - 1,1%. Với tỷ lệ này, mũi tên có độ cứng cao, nhọn và sắc. Thiếc và chì sẽ khiến khuôn đúc mũi tên rất róc, không bị bám dính.

"Điều này chứng tỏ người xưa đã có những nghiên cứu rất tỉ mỉ, có sự tính toán khoa học, tạo ra một vũ khí lợi hại", anh Phạm Vũ Sơn nhấn mạnh.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 2
Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 3

Nhóm nghiên cứu sau đó đã thuê thợ đúc đồng làng Đại Bái (Bắc Ninh) đúc lại mũi tên đồng theo phương pháp thủ công cổ xưa, với tỉ lệ hợp kim đồng - chì - thiếc đúng như đã phân tích từ mũi tên khai quật được.

Từ độ dài của chiếc mũi tên - một hiện vật khảo cổ học có thật, TS Nguyễn Việt cùng nhóm nghiên cứu đã tính toán được độ dài của phần cán theo tỷ lệ tương ứng. Sau khi đo và cân mũi tên, nhóm tìm ra chiều dài và trọng lượng của thân mũi tên theo nguyên tắc của động lực học.

"Trọng lượng của đồng phía trước và gỗ phía sau phải tuân theo một tỷ lệ tương ứng vì khi bay mũi tên sẽ bay ngang, nếu không cân sẽ bị chúc xuống đất. Khi bắn ra, mũi tên luôn nằm trên một đường thẳng và chỉ rơi xuống theo khí động học tự nhiên", vị tiến sĩ này nói.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 4
Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 5

Theo TS Nguyễn Việt, một mũi tên hoàn chỉnh bao gồm đầu mũi tên, thân mũi tên và cánh tên (làm bằng thân cau già hoặc lông ngỗng). Cánh tên giống như cánh của con chim giúp mũi tên giữ được sự cân bằng trong quá trình bay, đảm bảo đường bắn ổn định.

Trải qua rất nhiều thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tìm ra tỷ lệ tương ứng giữa thân và mũi tên để đảm bảo mũi tên bay xa và chuẩn nhất. Toàn bộ mũi tên dài 80cm, đường kính 0,8cm, nặng 80-100g.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và "nỏ thần" An Dương Vương

Kỳ công phục dựng lẫy nỏ

Để mũi tên ba cạnh phát huy tối đa sức mạnh thì phải có lẫy nỏ. Anh Phạm Vũ Sơn chia sẻ, trước đó, các nhà khoa học tìm được nhiều lẫy nỏ tại các di tích Đông Sơn. Trên lẫy nỏ luôn có rãnh để bắn tên. Bên cạnh những lẫy nỏ có một rãnh còn có rất nhiều lẫy nỏ có từ ba đến năm rãnh. Điều này chứng tỏ người xưa lắp lẫy nỏ lên thân nỏ và bắn cùng lúc nhiều mũi tên.

Lẫy nỏ được phục dựng gồm 5 bộ phận đồng đúc rời lồng ghép vào nhau theo nguyên lý cơ học để thực hiện hai chức năng chính: Hãm lực bật và nới mở lực bật.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 6

Trung tá Phạm Vũ Sơn chia sẻ về quá trình phục dựng "nỏ thần".

Anh Sơn nhớ lại, ban đầu, nhóm nghiên cứu phục dựng lẫy nỏ bằng gỗ để nghiên cứu chuyển động của lẫy, sau đó mới phục dựng hoàn chỉnh bằng đồng.

Việc nghiên cứu này rất khó khăn vì các lẫy nỏ khai quật được đều trong tình trạng gỉ sét, đóng cứng, nhưng lại rất quý giá vì đó là đồ cổ. Một số lẫy nỏ được lùng mua từ các nhà sưu tầm tư nhân, dù trong tình trạng cũ kĩ, cũng có giá từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng (thời điểm năm 2008-2009). Thậm chí có chiếc lẫy được phát giá tới 2000 USD nhưng chủ nhân không hề muốn bán.

Sau nhiều tính toán, nhóm nghiên cứu đã phải "giải phẫu" những chiếc lẫy nỏ gỉ sét bằng cách dùng mũi khoan chuyên dụng khoan vào thân lẫy nỏ cổ. Mũi khoan có đường kính cực nhỏ, khoảng 0,01mm nên sau khi khoan gần như không để lại vết tích và ảnh hưởng đến hiện vật của các nhà sưu tập cổ vật.

Chất liệu làm lẫy nỏ nằm trong mũi khoan, có thể rút ra mang đi phân tích. Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ hợp kim dùng để làm lẫy nỏ tương đồng với tỷ lệ làm mũi tên.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 7
Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 8

"Những loại lẫy nỏ thông thường được làm bằng sừng hoặc gỗ tốt với cơ chế hoạt động hết sức đơn giản. Riêng lẫy nỏ bằng đồng giai đoạn văn hóa Đông Sơn đã đạt đến trình độ cao về cơ học.

Lẫy nỏ là bộ phận đặc biệt giúp người sử dụng nỏ có thể ngắm vào mục tiêu chuẩn nhất. Khi bắn, lẫy giúp nỏ có sự ổn định để độ chính xác đạt được cao nhất, góp phần tiêu diệt mục tiêu nhanh nhất", anh Sơn nói. 

"Nỏ thần" có thể bắn được bao xa?

Bên cạnh lẫy nỏ và mũi tên, tất cả những di vật khảo cổ được từ thời An Dương Vương đều được ứng dụng vào việc phục dựng "nỏ thần" để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng, bám sát lịch sử. Khi khai quật mộ cổ thời An Dương, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều vải gai.

Vậy nên, TS Nguyễn Việt đã lên Hòa Bình, thuê bà con trồng gai sau đó dùng sợi gai để xoắn lại làm dây nỏ. Nhóm nghiên cứu còn thuê bà con vùng dân tộc đi vào rừng sâu, lựa chọn những cụm tre già làm thân nỏ.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 9

TS Nguyễn Việt mô tả cấu tạo của mũi tên. (Ảnh: Toàn Vũ)

Kết quả, sau 2 năm miệt mài (từ năm 2007-2009), nhóm nghiên cứu đã phục dựng cơ bản thành công nguyên lý hoạt động của máy nỏ Liên Châu - trong truyền thuyết gọi là "nỏ thần" An Dương Vương.

 "Nhóm nghiên cứu đã tiến hành bắn trình diễn tại Hòa Bình và Hà Nội. Bia bắn thử nghiệm được làm từ xốp dày 10cm đính trên gỗ ván 1,2cm. Mũi tên bắn thử xuyên qua xốp chạm tới ván gỗ", Trung tá Sơn kể lại.

Sau khi bắn thử nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận, chiếc nỏ phục dựng hoạt động theo cơ chế lợi dụng sức mạnh của cơ học để đẩy mũi tên xa nhất và mạnh nhất.

Mũi tên bay dạng xoắn, giảm được tối đa lực cản của gió và không khí. Nỏ có thể bắn cùng lúc 5 mũi tên, khoảng cách bay xa từ 100-250m tùy vào cách bắn, độ sát thương cao nhất trong khoảng 60 đến 80m. Bắn hết tầm, không gặp vật cản có thể xa 700-800m.

 "Chúng tôi nhận thấy, khoảng cách mà mũi tên có thể gây sát thương tương  đương với khoảng cách bắn từ trên thành Cổ Loa qua hào tới vị trí địch có thể đứng tấn công", vị trung tá cho hay.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 10
Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 11

Sau khi phục dựng thành công "nỏ thần", TS Nguyễn Việt đánh giá: "Sáng chế của Tướng quân Cao Lỗ có thể là sáng chế mang tính cơ lý để khi chúng ta phòng thủ, những chiếc nỏ sẽ được đặt lên các ụ trên thành Cổ Loa. Khi quân địch tấn công thì chỉ bằng một cú giật, tất cả mũi tên có thể bay đi. Trong một thời gian rất ngắn dàn dây có thể căng lại để đặt những mũi tên tiếp theo".

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 12

Bên cạnh sự lợi hại của vũ khí, theo anh Phạm Vũ Sơn, điều quan trọng là người xưa đã biết cách bố trí nhiều lớp nỏ khi tấn công để mũi tên bắn ra liên tục.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích cụ thể từ những hình vẽ trên vách mộ và một số mô hình kiến trúc bằng đất nung của những tòa thành đương thời và nhận thấy, người xưa đã mô tả về cách thức bố trí lực lượng bắn nỏ.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 13

"Nỏ thần" đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Từ đó anh Sơn cùng cộng sự phán đoán, ngoài sức mạnh của chiếc nỏ ra thì bí quyết thắng trận còn bao gồm tư duy, chiến thuật nghệ thuật tổ chức quân sự của thời An Dương Vương.

Cách bố trí lực lượng bắn nỏ gồm 4-5 hàng, từng hàng bắn xong lùi lại vị trí cuối để hàng sau di chuyển lên tiếp tục tấn công. Cứ như vậy, họ sẽ tạo ra màn mưa mũi tên mà truyền thuyết kể lại rằng "nỏ thần" có thể bắn ra hàng ngàn mũi tên tiêu diệt quân địch.

Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 14
Bật mí về sức sát thương của mũi tên Cổ Loa và nỏ thần An Dương Vương - 15

Công trình phục dựng này sau đó đã được trao giải tặng giải nhì Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc Vifotec lần thứ X.

Theo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, việc phục dựng  nỏ Liên Châu đã góp phần đưa "nỏ thần" An Dương Vương bước ra khỏi truyền thuyết, giúp thế hệ sau này hiểu được sự tiến bộ trong khoa học quân sự, khoa học kỹ thuật về cơ học, luyện kim của cư dân Việt cổ trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn.

Uy lực của nỏ Liên Châu cùng với phương pháp sử dụng nỏ thời bấy giờ đã được nâng tầm thành khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự tạo nên nền văn hóa Đông sơn rực rỡ một thời.

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh

Ảnh: Hữu Nghị