Tình người từ ruộng dưa bị phá nát
Sáng 4/7, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi cảnh một cụ ông khóc lóc thảm thiết, nằm sõng soài bên ruộng dưa hấu bị kẻ gian phá hoại. Hàng trăm quả dưa vỡ nát, nằm rải rác khắp ruộng. Sự việc xảy ra ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An), nạn nhân là gia đình ông Phan Tôn (SN 1956) còn kẻ gian sau khi điều tra được xác định là 5 thanh niên độ tuổi từ 17 đến 20 tuổi.
Bị bắt, nhóm 5 thanh niên này khai nhận vào trưa 3/7, lúc ngang qua ruộng dưa hấu của gia đình ông Tôn, cả nhóm vào ăn trộm thì bị phát hiện và nhắc nhở. Đi uống rượu về, cả nhóm quay lại ruộng dưa đập phá nhằm trả thù.
Trong chuỗi hành vi của những thanh niên trên có ít nhất 2 việc sai trái rõ ràng: Ăn trộm và đập phá tài sản người khác. Mà động cơ của hành vi đập phá cũng chẳng ai chấp nhận nổi: Trả thù! Trả thù chỉ vì chủ vườn nhắc nhở tội ăn trộm?!
Ô hay, đã bị bắt quả tang vì tội ăn trộm, đã được nhắc nhở mà không nhận lỗi, còn quay trở lại trả thù và tạo nên sai lầm khác nghiêm trọng hơn! Thứ tư duy nông cạn "ăn miếng trả miếng", "ta đây bố thiên hạ" của mấy thanh niên này nếu không chỉnh đốn kịp thời thì không biết sẽ dẫn đến những hệ quả như thế nào trong tương lai.
Ở vùng nông thôn quê tôi từng có những vụ việc rất "khó đỡ", "cạn lời" tương tự, như là đốt cây rơm nhà hàng xóm, làm chết gia súc, vật nuôi chỉ vì thói ghen ăn tức ở; thậm chí vì "ngứa mắt" việc gia chủ mở tiệc ăn mừng con đỗ đại học điểm cao.
Rồi chẳng biết đâu ra cái lý ở đời thật nực cười: Giàu thì ghen ghét, nghèo thì coi khinh, thông minh bị loại bỏ? Thành ra, không ít người sợ "bị" nêu gương làm giàu, "bị" khen sáng tạo, bị rơi vào tầm ngắm chú ý của "kẻ xấu", "kẻ gian". Mà những kẻ xấu ấy chẳng xa lạ gì, cũng chẳng phải thế lực gì ghê gớm, chỉ đơn giản là bất cứ ai xung quanh nạn nhân có suy nghĩ xấu. Vậy thôi!
Trên mạng internet, bạn đọc chỉ cần nhập cụm từ khóa "bị kẻ xấu phá hoại" trên thanh công cụ tìm kiếm thôi, chưa đầy một giây sau đã ra hàng trăm nghìn kết quả, nào là kẻ xấu phá hoại rẫy cà phê; kẻ xấu phá hoại các chậu quất cảnh; kẻ xấu cắt gốc dưa hấu; kẻ xấu chặt hạ, cưa đổ, đẽo bạt cả trăm cây sầu riêng… Những hành vi phá hoại nhằm vào nông sản, trâu bò, công cụ lao động… của người khác đều có ý đồ, mục đích na ná nhau: Vì ghen ghét, vì trả thù vặt, vì không thuận mắt v.v và v.v.
Nếu chỉ dừng lại như vậy, chúng ta sẽ thấy cuộc sống này vẫn còn đó những chuyện xấu xa và thêm một tiếng thở dài. Chúng ta cũng chỉ biết mong các cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện ra kẻ xấu và đưa ra chế tài nghiêm khắc để họ không dám tái phạm, đồng thời để làm gương cho kẻ khác.
Tuy nhiên, trong vụ ruộng dưa bị phá nát ở Nghệ An, gia đình ông Tôn đã có giấy xin bãi nại cho nhóm thanh niên, nhất là với 3 nam sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cơ quan công an sau đó đã giao trách nhiệm quản lý nhóm thanh niên cho gia đình. Việc xử phạt hành chính hay hình sự đối với 5 thanh thiếu niên này sẽ được xem xét, căn cứ theo kết quả giám định của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Sau khi sự việc được phản ánh trên báo chí, một nhóm mạnh thường quân đã ủng hộ gia đình lão nông Phan Tôn 52 triệu đồng, chính quyền địa phương cùng các thầy cô trên địa bàn quyên góp tăng hơn 10 triệu đồng - lớn hơn cả số tiền thiệt hại. Câu nói xúc động của ông Tôn khiến người ta phải suy ngẫm: "Dưa hỏng thì vụ sau trồng tiếp. Tôi hy vọng các cháu sẽ nhận ra lỗi lầm của mình để sửa chữa. Chỉ có tha thứ mới làm cho con người gần nhau hơn".
Ở vào độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu", các bạn trẻ có thể nông nổi nhất thời, qua sự việc này mong rằng các bạn sẽ nhận thức lại, biết thay đổi khi nạn nhân đã rộng lòng tha thứ cho mình. Đường đời các bạn còn dài phía trước, sẽ còn vô số lần thử thách, sát hạch về "tính thiện" trong cuộc sống mỗi ngày. Thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng "thành nhân" và sự lương thiện lại phụ thuộc vào lựa chọn mỗi người.
Cuộc sống ngoài kia vẫn có biết bao con người bình dị đã chọn cách sống khiến con người gần nhau hơn. Như lão nông Phan Tôn và các mạnh thường quân; như nhân viên gác chắn Trịnh Văn Tài không quản nguy hiểm cứu người ngã trên đường sắt; như quân nhân chuyên nghiệp Bùi Văn Nhiên hy sinh thân mình cứu người đuối nước… Sự lựa chọn của họ khiến chúng ta cảm phục, là sự lựa chọn của "tính thiện" có trong mỗi người.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!