Team building: Vui thôi, đừng vui quá!
Vừa qua dân cư mạng "dậy sóng" khi clip cởi áo ngực múc nước ở bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) - trong hoạt động team building do một doanh nghiệp tư nhân tổ chức, được đăng tải trên mạng xã hội. Sự việc gây sốc bởi sự phản cảm của trò chơi này.
Ngành chức năng thị xã Cửa Lò đã làm việc với những người liên quan để làm rõ trách nhiệm cũng như chấn chỉnh các hoạt động vui chơi ở nơi công cộng. Trò chơi phản cảm trên sau đó đã được phản ánh trong nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 10/8.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, những biến tướng của team building thời gian vừa qua là đáng lên án và Bộ không khuyến khích việc tổ chức, tham gia các trò chơi này.
Những tưởng sau các biện pháp xử lý kịp thời của ngành chức năng cũng như thông điệp của người đứng đầu ngành văn hóa, hoạt động team building sẽ được chấn chỉnh. Thế nhưng, ngày 29/8, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện clip về một trò chơi khác, mà sự dung tục, phản cảm của nó đã được đẩy đi xa hơn. Trong clip này, một đôi nam nữ chơi trò bơm bóng bay với tư thế khiến bất kỳ ai cũng phải đỏ mặt vì xấu hổ và nó diễn ra trước sự chứng kiến của rất đông người.
Team building hay còn gọi là xây dựng đội ngũ - một thuật ngữ cho các loại hoạt động khác nhau được sử dụng để tăng cường quan hệ, sự kết nối giữa các thành viên trong một tổ chức. Ở Việt Nam, những năm gần đây phổ biến nhất trong hoạt động team building là các trò chơi tập thể để tạo không khí vui vẻ, đoàn kết.
Tôi cũng từng tham gia team building và cảm nhận được năng lượng tích cực của hoạt động này. Nếu team building được tổ chức phù hợp với tính chất công việc, tâm lý lứa tuổi thì không có gì cần bàn, nhưng khi rộ lên những trò chơi kiểu như nêu trên thì nó đã trở thành một hiện tượng lệch lạc, không còn là hoạt động xây dựng đội ngũ nữa mà là một thứ ăn chơi, nhảy múa phản cảm.
Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng, MC (người dẫn chương trình, người quản trò) team building hiện nay rất ít được đào tạo bài bản về cách tổ chức các trò chơi tập thể, bởi vậy nhiều khi sự "sáng tạo quá đà" nhằm làm mới các trò chơi sẽ dễ dẫn tới lố lăng… Ở đây, việc tổ chức các trò chơi phản cảm như vậy trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị và cá nhân đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận một yếu tố quan trọng khiến các trò team building dung tục vẫn có "đất sống", chính là từ những người chơi. Người chơi - họ không thể vô can khi bản thân có quyền từ chối tham gia nếu thấy không phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong thời gian tới sẽ kiểm tra các công ty du lịch, nếu phát hiện tổ chức trò chơi phản cảm sẽ xử lý. Tuy nhiên, để ngăn chặn team building "xấu xí" không chỉ là tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý mà thiết nghĩ nên ban hành bộ quy tắc, gắn trách nhiệm cụ thể của các doanh nghiệp du lịch và cá nhân người tổ chức, dẫn dắt trò chơi.
Trong khi chưa có quy tắc ứng xử cụ thể, người chơi nên tỉnh táo. Team building là để vui vẻ, đoàn kết nhưng đừng vui… đến mức phản cảm!
Tác giả: Hoàng Lam là phóng viên báo Dân Trí, thường trú khu vực Bắc miền Trung từ năm 2012. Chị gắn bó với mục Blog hai năm nay và thường viết về các đề tài xã hội.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!